Hạnh phúc và nước mắt

13.04.2025
Phạm Đình Thành

Hạnh phúc và nước mắt

Mộ Dương Thị Xuân Quý (Xã Duy Thành - Duy Xuyên - Quảng Nam)

“Cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời”. (Trích Nhật ký “Chuyện đời”- Nguyễn Văn Thạc).

Chiến tranh đã đi qua. Nửa thế kỉ trước, niềm vui vỡ òa trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.

Hạnh phúc dâng trào với biết bao nước mắt. Nhạc sĩ Văn Cao đã ghi lại một hình ảnh đẹp khi nhìn thấy người mẹ ôm choàng những đứa con trở về từ bom đạn chiến trường nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh. Cũng là nước mắt, nhưng trong quá khứ, khi cuộc chiến đang diễn ra thì không được như thế! Dẫu Nguyễn Mỹ đã chọn Cuộc chia ly màu đỏ để vợ tiễn đưa chồng bằng “những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời” thì vẫn ẩn hiện nỗi buồn xa cách dù không mang nặng nỗi u hoài chinh phụ. Ở đó, Tạ Hữu Yên lại nhìn thấy biết bao bà mẹ tiễn con đi đêm về “khóc thầm lặng lẽ./ Các anh không về mình mẹ lặng im.”…

Trong niềm vui hôm nay, người yêu văn học chẳng thể nào quên được nỗi đau về sự hy sinh của nhà văn, nhà báo, phóng viên chiến trường Dương Thị Xuân Quý (1941- 1969). Sự ra đi của chị đã được nhà thơ Dương Hương Ly, chồng chị, ghi lại trong Bài thơ về hạnh phúc với lời đề từ “Tưởng nhớ XQ thân yêu”.

Thôi em nằm lại

Với đất lành Duy Xuyên

Trên mồ em có mùa xuân ở mãi

Chọn cách nói nhẹ nhàng “nằm lại” để che đậy nỗi đau mất mát, “đất lành”nên cánh chim từ Hà Nội đã chọn để sống và chiến đấu nhưng kẻ thù thì quá tàn ác đã cướp tuổi xuân của chị. Cụm từ “trên mồ em” có gì lạ đâu nhưng việc nằm lại của Dương Xuân Qúy thì nghe sao chạnh lòng, xót xa quá! Chị đã hy sinh trong một trận càn của giặc vào ngày 8/3/1969 tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Làm gì có nấm mồ nào dành cho chị dẫu chỉ là một gò đất đơn sơ! Thân phận con người trước cuộc chiến thật khắc nghiệt. Kẻ thù đã vùi lấp tất cả để rồi mãi mấy mươi năm sau, sau bao lần tìm kiếm (3/8/2006) mới gặp được thi hài và kỉ vật của chị. Thế nhưng mùa xuân thì ở mãi, Dương Hương Ly đã dựng nên một hình ảnh đẹp trước hiện thực lẫn trong thơ ca về sự hy sinh của những người lính đã làm nên mùa xuân của đất nước. Và mùa xuân chỉ thực sự về vào năm 1975.

Dương Thị Xuân Quý nằm lại, còn chiến tranh thì vẫn tiếp diễn:

Trời chiến trường vẫn một sắc

xanh nguyên.

Trời chiến trường không một phút

bình yên

Phép điệp ngữ đã được tác giả sử dụng kết hợp với biện pháp tương phản đã tạo ra một không gian lạ “sắc xanh nguyên” của tự nhiên đã chẳng thể nào phơi bày được nét đẹp khi chiến trường không một phút bình yên trước tiếng bom rơi, đạn nổ cày xới ruộng đồng, làng mạc tan hoang... Tình yêu đất nước và lòng căm thù quân giặc là hai trạng thái trong tâm hồn, trong trái tim người lính đã trở hành động lực thôi thúc họ vượt lên những đau thương để chiến đấu và chiến thắng. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, Dương Thị Xuân Quý đã nén yêu thương để lại đứa con gái mới 16 tháng tuổi, Bùi Dương Hương Ly, cho bà ngoại chăm, lên đường vào Nam chiến đấu. Trong Nhật kí chiến trường chị giãi bày: “Đến hôm ấy (6/1968), Ly của ta bắt đầu nói được hai tiếng một. Và khi bắt đầu nói được như vậy thì con ta đã phải trả lời thế này: Bố đâu? Đi Nam. Mẹ đâu? Đi Nam. Ôi, thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời nó có cái mốc thật kì lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố, vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ và vừa biết nói hai tiếng thì nói: Đi Nam”.

Sự mất mát tột cùng đã tiếp sức để người ở lại tiến về phía trước. Dù là tác phẩm thơ nhưng đời sống tâm lí của nhân vật trữ tình đã được tác giả tập trung khai thác để làm nổi bật phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng:

Súng nổ gấp. Anh lên đường

đuổi giặc Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh

vô biên Bước truy kích đạp trăm rào gai sắc Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc

Tổ quốc thiêng liêng nhưng người lính vẫn chẳng thể nào nguôi đi những đau thương khi mất người thương yêu. Hơn nữa, đó lại là người vợ, người đồng chí của mình, người mà đêm trước (7/3/1969) anh còn làm thơ tặng vợ, bài thơ mà Dương Thị Xuân Quý chẳng thể nào đọc được. Và bây giờ:

Anh mất em như mất nửa cuộc đời Nỗi đau anh không thể nói bằng lời

Hình ảnh “một nửa cuộc đời” vẫn thường xuất hiện trong đời sống cũng như thơ ca. Mới xa người mình yêu thôi Hàn Mặc Tử đã thảng thốt, điên loạn “một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn kia bỗng dại khờ”, Giang Nam khi nghe tin “giặc giết em rồi quăng mất xác” đã “chết nửa thân người”. Nhưng người đọc thực sự xót xa khi hình ảnh và ngôn ngữ đạt đến đỉnh điểm của đau thương dù tác giả bảo rằng “Nỗi đau anh không thể nói bằng lời” nhưng phép so sánh đã giúp anh bộc lộ tình cảm sâu kín trong lòng:

Anh bàng hoàng như ngỡ

trái tim rơi Như bỗng tắt vầng mặt trời

hạnh phúc.

Hai hình ảnh so sánh liên tiếp đã chạm đến trái tim ta và đưa hình ảnh thơ đến đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ. Để thấy được giá trị của đoạn thơ ta cần phải đặt nó trong hoàn cảnh sáng tác khi văn học còn bị hạn chế bởi quan điểm sáng tác phục vụ công cuộc kháng chiến với hàng loạt khẩu hiệu mà người cầm bút phải thuộc lòng. Thế nhưng Dương Hương Ly vẫn mạnh dạn thể hiện lòng mình mang đậm tính chất cá nhân.

Đau thương là thế nhưng không ngăn cản được tinh thần của người lính. Tứ thơ đẹp bởi trong sự kiên quyết tiêu diệt kẻ thù của người lính lại ẩn chứa nét nhân văn của người cầm bút:

Nhưng em ạ, giây phút này chính lúc Anh thấy lòng anh tỉnh táo lạ thường Nhằm thẳng quân thù, mắt không

giọt lệ vương

Anh nổ súng.

Cụm từ anh nổ súng được tách thành một câu riêng ở cuối đoạn đã thể hiện thái độ dứt khoát của chủ thể trữ tình tạo nên sức mạnh cho cả đoạn thơ và bộc lộ nhân sinh quan của người chiến sĩ cách mạng.

 

Cũng như tình yêu, hạnh phúc được cảm nhận đa chiều tùy vào góc nhìn của mỗi người tùy thuộc vào nhân sinh quan, thời đại sống và từng hoàn cảnh cụ thể Dương Hương Ly cũng đã bao lần lúng túng. Là phóng viên chiến trường, là nhà văn chị Quý đã tâm sự trong nhật kí của mình: “Hồi ấy tâm trạng mình phơi phới quá, phấn đấu quá. Thơ mộng và khỏe khoắn quá. Xem gian khổ là một khám phá lí thú”. Từ suy nghĩ ấy của chị, tác giả đã ghi lại giữa những ngày mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt. Những cơn mưa kéo dài dằng dặc của miền Trung, cái sốt rét giữa núi rừng Quảng Nam - Đà Nẵng không ngăn được niềm hạnh phúc trong tâm hồn Dương Thị Xuân Quý khi được ghi chép lại những tháng ngày gian khổ:

Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép Con sông Giằng gầm réo miên man Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc. Và em gọi đó là hạnh phúc...

Trước chiến tranh, con người Việt Nam bao giờ cũng thế! Họ như cây tre oằn mình trong mưa bão nhưng không bao giờ chịu khuất phục. Chứng nhân là những trang sử hào hùng, là những hình tượng được cụ thể hóa mang tính biểu tượng. “Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc” (Nguyễn Bính) chống quân Nguyên, “Bờ ao vẫn chú dế mèn vuốt râu”(Trần Đăng Khoa) dưới mưa bom B-52 của giặc Mỹ, “Cây xấu hổ” của Anh Ngọc “lộ nguyên hình trần trụi” giữa đường 9 nam Lào, niềm tin sự lạc quan còn ẩn mình trong điệu ca buồn mong ước “trở về mái nhà xưa” của nhân vật trong truyện ngắn của Lê Minh Khuê… Hiện thực chiến tranh quá khốc liệt nhưng Dương Thị Xuân Quý cảm nhận nó bằng cặp mắt lạc quan và tràn đầy niềm tin. Chất liệu nghệ thuật đã thực sự thăng hoa, chị “sửng sốt” nâng niu khi tìm thấy hạnh phúc cho mình và cho đời:

Quanh những bờ dương bị giặc

                                         san bằng

Đã lại mở những chiến hào gai góc

Những em bé, dưới mưa bom,

vẫn đi làm đi học

Những vồng khoai ruộng lúa

                              vẫn xanh tràn 

Trong một góc vườn cháy khét lửa

                                           Na-pan 

Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.

Và em gọi đó là hạnh phúc...

Kẻ thù muốn xóa sạch sự sống. Nhưng Dương Thị Xuân Quý đã tìm cho mình một cách nhìn khác. Sự sống luôn tồn tại và vươn mình trước đạn bom. Sự tương phản của hình ảnh trong hiện thực hoa và bom Na-pan đã đem lại niềm vui cho con người. Xuân Quý nâng niu, đón nhận và gọi đó là hạnh phúc.

Đề cập đến sự hy sinh, đến cái chết chị Quý đã từng tâm sự trong nhật kí: “Lạ thế, biết nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh. Đời người ai chả chết. Dĩ nhiên mình có nghĩ đến đau khổ của anh và Ly. Nhưng cái gì cũng qua thôi...” (Trích Nhật kí 15/12/1968). Với chị, nếu phải ra đi thì niềm đau lớn nhất là của chồng, của con. Suy nghĩ ấy không chỉ bắt nguồn từ hiện thực cuộc chiến đấu của nhân dân, của đồng chí mà được thai nghén, nuôi dưỡng ngay từ khi còn ở Hà Nội, chị khẳng định trong lá thư xin vào Nam: Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Từ lí tưởng ấy, chị đã nhìn thấy vẻ đẹp trong tâm hồn của người miền Nam, những con người sẵn sàng vĩnh viễn nằm xuống cho quê hương, cho dân tộc mình:

Những con người như ánh sáng

                                         lung linh

Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình

Để làm nên buổi mai đầy nắng

Đối mặt với “bi kịch trước bình minh” là biết bao tâm trạng, những cảm xúc của trái tim và lí trí đôi khi trái ngược nhau đã được Bùi Minh Quốc sắp xếp qua một loạt các từ láy bối rối, sững sờ, mới mẻ, thôi thúc:

Em bối rối, em sững sờ đứng lặng

Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên

Thức dậy bao điều mới mẻ trong em

Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.

Và em gọi đó là hạnh phúc...

Được viết về họ với chị là hạnh phúc. Đến lúc này, ta không chỉ thấy Dương Thị Xuân Quý là người chiến sĩ mà còn là nhà báo, nhà văn với tinh thần trách nhiệm cao cả, chị đã thực hiện tốt thiên chức của người cầm bút để ghi chép lại cuộc chiến, vẻ đẹp trong tâm hồn nhân dân để sự hy sinh dẫu thầm lặng kia sẽ không mất đi, không chỉ mang ý nghĩa mà còn để mọi người biết được và trân quý.

Về đời sống riêng của mình, khi nhận nhiệm vụ đi công tác Quảng Đà (tên gọi Quảng Nam - Đà Nẵng sau này) đến cuối tháng 3/1969, chị viết: “Lo, mình lo chứ. Nhưng mình quyết tâm và nghĩ thế này: dù có chết thì cũng như bao người phải chết thôi. Nghĩ vậy, không thấy sợ nữa...”

Và chị đã hy sinh khi vừa mới 28 tuổi:

Em ra đi chẳng để lại gì

Ngoài ánh mắt cười lấp lánh

                                   sau hàng mi

Và anh biết khi bất thần trúng đạn

Em đã ra đi với mắt cười thanh thản

Bởi được góp mình làm ánh sáng

                                      ban mai

Bởi biết mình có mặt ở tương lai.

Điệp ngữ “mắt cười” với các từ láy “lấp lánh”, “thanh thản” cùng nhịp thơ mạnh mẽ tác giả đã vẽ nên bức chân dung hào hùng về người lính cách mạng. Một trong những con người sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng ngã xuống để tạo nên “buổi mai đầy nắng” hôm nay và mai sau… Vẻ đẹp của con người hiến dâng đời mình cho lý tưởng cao đẹp.

Nỗi đau mất mát có lẽ đã bùng phát ngay khi Bùi Minh Quốc nghe tin chị đã hy sinh nhưng phải đợi đến nửa năm sau mới hoàn thành tác phẩm (6/9/1969). Có lẽ ông cần nhiều thời gian hơn để đọc lại các tác phẩm của người bạn đời, người đồng chí từ Chỗ đứng, Gương mặt thách thức, Hoa rừng, Tiếng hát trong hang đá, Niềm vui thầm lặng đặc biệt là từng trang nhật kí của Dương Thị Xuân Quý để tìm chất liệu cho bài thơ, để nó gần hơn với cuộc sống, với con người của chị. Tác giả muốn viết thực nhất có thể, ông không dàn dựng bi kịch khổ đau, cũng không lãng mạn hóa tính cách anh hùng. Tất cả đã rất tự nhiên như cuộc sống, chiến đấu và sự hy sinh của chị. Tác phẩm đã trở thành những trang nhật kí bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ của thơ ca đặc sắc.

Dương Thị Xuân Quý đã ra đi nhưng hình ảnh người chiến sĩ cách mạng thì mãi ghi vào sử sách. Đặc biệt, ánh “mắt cười” là thi ảnh đậm chất tạo hình, nét sáng tạo đặc sắc của Bùi Minh Quốc vẫn đọng mãi trong lòng người yêu thơ, trong nỗi nhớ và trong tâm hồn. Trong sâu thẳm trái tim mình, chẳng ai muốn xa cách, chia lìa nhưng quy luật của chiến tranh thì hoàn toàn khác, nó là hình ảnh của tàn phá nhà cửa, đồng ruộng tan hoang, con người chết chóc... Biết thế, nên chị Quý đã “Xem chia li như một hi sinh đẹp đẽ và hạnh phúc...” Sự hy sinh của chị cùng ngôn ngữ nghệ thuật của Bùi Minh Quốc đã trở thành một bản hòa âm, một sự cộng hưởng đã tạo nên một giai điệu đẹp, nỗi buồn đã vượt lên trên cuộc sống đời thường, cái đẹp của nghệ thuật đã lắng lọc trong tâm hồn của mỗi chúng ta.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi đau, sự hy sinh nhưng toàn bài không có tiếng nức nở, khóc than mà vang vọng âm hưởng hào hùng, tác phẩm là khúc bi tráng ca đặc sắc về thế hệ trẻ thời chống Mỹ. Nếu có một đạo diễn muốn dựng lại cuộc đời của Dương Thị Xuân Quý thì tôi tin rằng lời bình đã được Dương Hương Ly viết sẵn, bài thơ là những thước phim tư liệu sống động nhất bằng ngôn từ về cuộc sống, chiến đấu, sự hy sinh của nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, một con người đã góp mình làm ánh sáng ban mai.

P.Đ.T