Cảm thức văn hóa cổ Óc Eo và văn hóa Chăm trong thơ đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung
Vẻ đẹp của tháp Pô Klong Garai
Theo chiều dài lịch sử, dưới sự tác động của nhiều yếu tố, những nền văn hóa độc đáo đã được sinh thành trên đất nước ta. Mỗi nền văn hóa gắn liền với một vùng miền, khu vực cụ thể, là những “trầm tích” quý giá nằm sâu trong tâm thức con người, trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt nói chung. Đi từ Bắc vào Nam, ta có thể bắt gặp một số nền văn hóa được gìn giữ, bảo tồn đến tận ngày hôm nay như văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Hạ Long, văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Chăm, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Bầu Tró, văn hóa Óc Eo… Trong đó, văn hóa Chăm (ở Đồng bằng Duyên hải miền Trung (ĐBDHMT), đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ) và văn hóa Óc Eo (ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là khu vực Óc Eo - Ba Thê là hai nền văn hóa đồ sộ, có bề dày lịch sử và hiện hữu trong đời sống cộng đồng, dân tộc.
Thơ đồng bằng sông Cửu Long và cảm thức văn hóa Óc Eo
Hàng trăm năm trước, trên hành trình khai khẩn vùng đất phương Nam, tiền nhân đã phát hiện ra dấu tích của một nền văn hóa lâu đời, xưa cổ. Sau này, các nhà khoa học, khảo cổ học phát hiện trên khắp vùng đất Nam Bộ các di vật, di tích mà quan trọng nhất là di tích Óc Eo (do Louis Malleret - nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện đầu tiên), là cơ sở để đi đến khẳng định văn hóa Óc Eo từng phát triển rực rỡ ở vùng đất này. Phan Huy Lê (2007) cho rằng văn hóa Óc Eo được hình thành từ một thương cảng sầm uất trong quá khứ:“Đô thị cảng Ba Thê - Óc Eo sớm trở thành trung tâm mậu dịch quốc tế của Phù Nam và vùng Đông Nam Á lục địa. Trung tâm này không những là nơi giao dịch, mua bán giữa Phù Nam với nước ngoài mà còn là địa điểm dừng chân để lấy nước và mua sắm lương thực, thực phẩm của các con thuyền trên hải trình thương mại quốc tế” (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, trang 12). Theo thời gian, nền văn hóa ấy vẫn tồn tại và sống mãi trong tâm trí của cộng đồng vùng ĐBSCL, đồng thời đi vào văn chương nghệ thuật. Trong bài viết Có một nguồn thi hứng về văn hóa Óc Eo trong thơ ĐBSCL, Nguyễn Lâm Điền (2021) viết: “Theo chúng tôi, không phải ngẫu nhiên mà trong các tuyển thơ có nhiều bài thơ được xuất phát từ cảm hứng về văn hóa Óc Eo. Có thể nói, chính cái đẹp, cái quý rất đáng tự hào trân trọng của di sản văn hóa này đã tạo cho thi nhân nguồn thi hứng để họ sáng tạo nên nhiều vần thơ hay. Những cảm nhận của họ được xuất phát từ nhiều chiều kích khác nhau khi nhìn ngàn xưa để kết nối với hôm nay, cũng như nhìn hôm nay để nghĩ về ngàn xưa”. Quả thế, đọc thơ ĐBSCL, có thể bắt gặp một dòng thơ lấy cảm hứng từ văn hóa Óc Eo một thời rực rỡ, huy hoàng ở vùng đất này. Điều đáng nói, không chỉ dòng thơ về văn hóa Óc Eo phát triển trong giai đoạn trước mà trong thơ ca từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là thơ của các tác giả trẻ ĐBSCL, văn hóa Óc Eo vẫn có sức sống bền bỉ, khoẻ khoắn.
Trong thơ đương đại ĐBSCL, từ thực tại nhìn về quá khứ, các tác giả say đắm và tự hào về một nền văn minh vững bền, là tiền đề cho sự phát triển hôm nay: “Sáng nay ta về núi/ Tìm dấu xưa hằn lại đến bây giờ/ Óc Eo thành quách thành huyền thoại/ Một thoáng tình về trong gió đưa/ Đêm qua tiên tắm trên hồ núi/ Vội vã về trời sót dấu chân/ Ta vội trèo lên trên đỉnh núi/ Ngàn năm tạo hóa vẫn trơ trơ” (Về núi Ba Thê, Đức Ngân), “Về An Giang nhớ thăm Óc Eo
-Gò Tháp/ Soi bóng hoàng hôn tìm dấu vết Phù Nam/ Qua Châu Giang lung linh sắc màu thổ cẩm/ Từng nét hoa văn uốn lượn tựa mây ngàn” (An Giang mảnh đất tình người, Nguyễn An Bình), “Ai xuôi ta ghé Vọng Đông/ Mà lòng trĩu nặng cánh đồng Ba Thê/ Một Óc Eo tự ngàn xưa/ Với Linh Sơn Tự nắng thưa thớt chiều” (Một thoáng Thoại Sơn, Nguyễn Hữu)… Khi nhắc đến văn hóa Óc Eo với hiện diện là những di tích, hiện vật khảo cổ, các tác giả ĐBSCL thường đề cập đến những địa danh như Ba Thê, Thoại Sơn tại vùng đất An Giang nhiều huyền thoại. Thực chất, văn hóa Óc Eo từng phủ rộng khắp vùng ĐBSCL, song những di tích, hiện vật còn sót lại chủ yếu được tìm thấy quanh vùng núi Ba Thê, trên đất Thoại Sơn. Bởi vậy, người ĐBSCL nói chung và người An Giang nói riêng luôn tự hào về một thời kỳ văn hóa rực rỡ, phồn thịnh trong lịch sử văn hóa dân tộc. Thơ ĐBSCL, đặc biệt là thơ An Giang mang đậm tâm thức văn hóa Óc Eo như một cách để người cầm bút khẳng định, ca ngợi, làm sống dậy nền văn hóa đặc sắc đó. Các tác giả như Võ Thị Kim Liên, Nguyễn Lập Em, Hồ Thanh Điền, Phạm Nguyên Thạch, Lê Quang Trạng… vẫn cất giữ trong tâm thức những vết tích của Óc Eo một thời. Khi cảm hứng văn hóa Óc Eo được gọi thức, từ trong ký ức cộng đồng, những vết tích ấy thoát thai và hiện diện trong thi ca. Những viên gạch cổ là minh chứng cho sự tồn tại và hưng thịnh của vương quốc Phù Nam được phục dựng trong thơ Lê Quang Trạng: “người thợ dự đoán cho mình mấy trăm viên gạch cổ/ người truy tích tìm cho mình hai nghìn năm loang lổ/ tôi tìm cho mình quyển sách mục nơi đâu” (Phù Nam, Lê Quang Trạng), thơ Nguyễn Văn Khánh: “Gò Cây Thị rêu phong dấu cũ/ Viên gạch nào cũng nhắc gợi ngày xa” (Về Thoại Sơn, Nguyễn Văn Khánh), “bao bí ẩn vùi mình trong lớp đá xanh rêu/ thành quách tiêu điều/ thấp thoáng hương hồn Phù Nam vương quốc/ ơi! Óc Eo/ hiện diện của em nói lên điều gì giữa đời thường quay quắt” (Tâm tình với Thoại Sơn, Trần Tâm)… Đó là những vần thơ mang đậm dấu ấn văn hóa Óc Eo, là sự kết nối tuyệt vời giữa quá khứ và hiện tại. Qua thơ ca, các tác giả ĐBSCL đã đánh thức những giá trị văn hóa xưa cổ, đồng thời chuyển tải tình yêu văn hóa cổ đến với độc giả hôm nay.
Thơ đồng bằng duyên hải miền Trung và cảm thức văn hóa Chăm
Nếu người dân ĐBSCL tự hào về di chỉ Óc Eo - minh chứng cho một thời kỳ vàng son rực rỡ; thì người dân ĐBDHMT, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ kéo dài từ Thành phố Đà Nẵng đến Bình Thuận, tồn tại một nền văn hóa Chăm đồ sộ. Vương quốc Chămpa ra đời vào cuối thế kỷ II, kinh đô đặt tại Shinhapura (nay là Duy Xuyên, Quảng Nam), sau đó mở rộng lãnh thổ dần về phía Nam. Trong công trình nghiên cứu đồ sộ, giàu giá trị học thuật Văn hóa cổ Chămpa, Nguyễn Văn Doanh (2002) đã viết: “Những điều kiện vị trí địa lý và thiên nhiên ưu đãi đã là cơ sở thuận lợi để biến dải đất duyên hải miền Trung nước ta thành một trong những nơi xuất hiện một nền văn hóa khảo cổ lớn và một quốc gia cổ đại phát triển vào loại sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á. Đó là nền văn hóa đồng - sắt Sa Huỳnh nổi tiếng và đó là vương quốc cổ Chămpa. Chính những cư dân Sa Huỳnh - tiền thân của người Chăm và người Chăm sau đó đã sử dụng và khai thác những yếu tố thiên nhiên ưu đãi ở miền Trung để sinh sống và tạo lập nên những bản sắc văn hóa của mình” (trang 44). Sống giữa một vùng văn hóa cổ còn sót lại các dấu tích như tháp cổ, đền đài, công cụ lao động cổ, đồ gốm… các tác giả ĐBDHMT nhận thức rất rõ sự giàu có về mặt “trầm tích” của quê hương xứ sở, tự hào mãnh liệt về những giá trị văn hóa của vùng miền. Tháp cổ Chăm (tháp Chàm), thành cổ Chămpa, linga và yoni (sinh thực khí), tượng vũ nữ Chăm… được các tác giả ở ĐBDHMT góp nhặt và đưa vào thơ với vai trò là những ký hiệu văn hóa Chăm. Những năm 1932 - 1945 của thế kỷ trước, Chế Lan Viên - người con đất Quảng Trị - đã làm sống dậy vương quốc Chăm và một nền văn hóa Chăm hoành tráng trong tập thơ đầy ám ảnh: Điêu tàn. Bước sang thế kỷ XXI, mạch nguồn văn hóa Chăm không biến mất mà vẫn chảy dạt dào trong thơ của các tác giả ĐBDHMT.
Ký hiệu sinh thực khí nam - nữ (linga - yoni), những viên gạch cũ, những pho tượng... trong thơ của Nguyễn Nho Khiêm: “Nhữngviêngạch nằm im cỏ phủ/ Hồn gạch vùi trong lớp lá khô nằm”, “Những viên gạch nằm im và nhớ/ Đền đài linh thiêng, tượng đá hóa thiên thần/ Điệu múa in nét hoa văn huyền thoại”, “Những viên linga nằm im mơ mộng/ Vạt cỏ xanh chìm tìm gặp yoni” (Những viên gạch Mỹ Sơn, Nguyễn Nho Khiêm); chiếc giếng cổ trong thơ Vũ Thiên Tường: “giếng Chăm/ tuổi đã bao mùa nhớ nhung/ trăm năm sao vẫn thẹn thùng” (Hát với Cù Lao Chàm, Vũ Thiên Tường); những vũ điệu xưa mềm mại uyển chuyển trong thơ Nguyễn Kim Thịnh: “Chiều tĩnh mịch/ vũ điệu Chàm toả tràn cổ tháp/ men đời bây giờ có nhạt trước hương xưa” (Vũ điệu Chàm, Nguyễn Kim Thịnh); nàng Apsara trong thơ Vi Thuỳ Linh: “Từ Bảo tàng Chăm Đà Nẵng/ Ngàn vũ nữ bước ra từ đất đá nghìn năm/ Uyển chuyển tinh tế Apsara/ Một bầy tiên trần thế” (Vũ điệu sông Hàn, Vi Thuỳ Linh); tháp Chàm trong thơ Vân Phi: “đôi bàn tay vuốt mềm khuôn mặt/ búp sen trên đỉnh tháp Chàm vỡ nắng mê miên” (Bản phác thảo thời gian, Vân Phi)… mở ra không khí đậm chất xưa cổ, một bức tranh văn hóa Chăm đẹp và đầy huyền bí. Có thể nói, cảm hứng văn hóa Chăm vẫn luôn dạt dào tro tâm hồn của các tác giả miền Trung. Nhìn chung, những bài thơ có dấu ấn văn hóa Chăm thường mang không khí cổ kính, trầm mặc, luyến tiếc. Nỗi buồn khi đối mặt với phế tích đền đài trong thơ Nguyễn Đức Bá: “Giọt nắng chiều rơi trên tháp cổ/ Rơi trên hoàng thành đổ nát/ Rơi trên những viên gạch đã chết tự ngàn năm” (Tiếng vọng, Nguyễn Đức Bá), “Apsara… Apsara…/ Đêm mờ xa/ Vũ điệu Apsara/ Chỉ còn trong gió ngàn sâu thẳm… tiếng bi ai!…” (Apsara, Nguyễn Đức Bá); niềm tiếc nuối về một vương triều sụp đổ trong thơ Kiều Maily: “Em đội lu đi giạt trôi muôn vệt nhớ/ nước mắt mẹ vùi chôn đất lạ quê người/ vùi sâu mấy tầng lịch sử/ chìm dưới đất khô hanh nỗi màu chàm” (Hồn du mục, Kiều Maily);… là tâm trạng, cảm xúc chung của cộng đồng khi nhớ về vương triều và nền văn hóa Chăm rực rỡ.
Văn hóa cổ xưa và hoạt động sáng tạo nghệ thuật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều biểu tượng, cổ mẫu thoát thai từ không gian văn hóa cổ, sống dậy trong tác phẩm nghệ thuật như một minh chứng sống động cho sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa và văn chương. Văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long và văn hóa Chăm ở đồng bằng duyên hải miền Trung đã đi vào thơ ca của các tác giả ở hai vùng đồng bằng rộng lớn, trù phú này thông qua những ký hiệu, hình tượng, biểu tượng, cổ mẫu. Thông qua thơ ca, các tác giả đã khơi nhắc, tái hiện, bày tỏ tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng những nền văn hóa được sinh thành và phát triển trong buổi đầu của lịch sử vùng đất và con người đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng duyên hải miền Trung.
Nhìn chung, thơ đương đại của hai khu vực này không chỉ là sự tiếp nối của dòng chảy văn hóa dân gian mà còn là tiếng nói tự sự, chiêm nghiệm của con người trước những thay đổi của thời đại. Nghiên cứu về tâm thức văn hóa trong thơ hai vùng không chỉ giúp ta hiểu rõ hơn về đặc điểm thi pháp mà còn mở ra những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu văn học so sánh, góp phần làm phong phú thêm bức tranh thơ ca Việt Nam đương đại.
P.K.D