Vài cảm nhận về Bảo tàng văn hóa Phật giáo tại chùa Quan Thế Âm
Bác sĩ Gérard Chapuis được Thượng tọa Thích Huệ Vinh trả lời các câu hỏi tìm hiểu về Bảo tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam chùa Quán Thế Âm
Bước vào năm 2025 này, tại Chùa Quan Thế Âm TP. Đà Nẵng, bên cạnh những hoạt động về các sự kiện lớn, còn là dịp kỷ niệm 10 năm ngày Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Việt Nam đầu tiên ra đời. Nhân mới đây, bác sĩ Gérard Chapuis, nhà nghiên cứu sưu tập văn hóa Việt Nam (người Pháp gốc Việt) trong dịp ghé thăm Bảo tàng, ông đã dành chúng tôi cuộc trò chuyện dưới đây:
- Thưa BS, G. Chapuis, trong những lần ghé đến Đà Nẵng, ông đã thăm Bảo tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam lần nào chưa?
Vài năm gần đây, do công việc làm sách và nghiên cứu tư liệu về triều Nguyễn, nên tôi có đôi lần về Huế và ghé ngang Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây là lần đầu, tôi đến thăm Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Việt Nam, bởi tôi thực sự quan tâm khi nghe được thông tin đây là Bảo tàng văn Phật giáo đầu tiên của Việt Nam đưa vào hoạt động từ 10 năm qua, có trên 500 hiện vật, trong đó bao gồm nhiều hiện vật độc lạ, quý hiếm.
- Như vậy, ông có thể cho biết vài cảm nhận ban đầu của mình sau khi tham quan Bảo tàng này?
Thực sự tôi chỉ có thời gian nguyên một buổi sáng ghé thăm Bảo tàng, nên khó có thể đưa ra những nhận xét đúng mực được. Nhưng duyên may, nhờ được gặp gỡ, tiếp đón và hướng dẫn tận tình của thầy Thích Huệ Vinh, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, trụ trì chùa Quán Thế Âm đồng thời là người đưa ra ý tưởng thành lập Bảo tàng, nên có lẽ ít nhiều tôi cũng đã được mục kiến những hiện vật cần biết ở Bảo tàng. Đó là các cổ vật phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và một số quốc gia Châu Á bao gồm đồ thờ cúng, tranh, tượng chư Phật, Bồ tát, tổ sư; mộc bản kinh Phật; nhạc khí… từ thế kỷ VII đến đầu thế kỷ XX mà ba đời trụ trì của chùa đã dày công sưu tầm. Đặc biệt, tôi cũng được thầy Huệ Vinh giới thiệu một bộ tượng quý hiếm nhất, có thể ví như là bảo vật quốc gia, đó là nhóm tượng Phật giáo gồm tám pho, thể hiện bằng loại hợp kim rất lạ. Tôi nghĩ rằng, đây là tài sản rất quý, không chỉ của Bảo tàng VHPG mà còn là bảo vật của quốc gia…
- Là nhà nghiên cứu, sưu tập cổ vật văn hóa, chắc hẳn ông đã đi tham quan nhiều nhiều Bảo tàng văn hóa Phật giáo các nơi trên thế giới, ông có thể giới thiệu vài thông tin đáng chú ý về những nơi này để bạn đọc tham khảo?
Vào hồi tháng 5/ 2011, tại Sri Lanka khánh thành bảo tàng quốc tế về Phật giáo đầu tiên trên thế giới tại thành phố Kandy, cố đô của Sri Lanka. Trong dịp đó, theo tôi biết, ngoài nước sở tại, còn có các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia, Lào, Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Ấn Độ, Afghanistan đã gửi các vật phẩm mang đặc trưng văn hóa Phật giáo độc đáo của đất nước mình tham gia trưng bày trong buổi khánh thành. Bảo tàng này nằm trong khuôn viên ngôi chùa cổ thờ xá lợi răng Phật tại thành phố Kandy, được đặt tại một căn cứ quân sự cổ do người Anh xây dựng từ thế kỷ 19. Chính phủ Sri Lanka đã sửa sang lại với khoản đầu tư 200 triệu Rs (1,9 triệu USD). Lễ khánh thành bảo tàng quốc tế Phật giáo năm ấy nằm trong chuỗi các sự kiện lễ hội do Sri Lanka - quốc gia có quốc đạo là Phật giáo - tổ chức để kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo và đón mừng lễ Phật đản.
Tôi cũng rất ấn tượng về Bảo tàng nghệ thuật Zhiguan ở Bắc Kinh. Nơi đang đang lưu giữ một trong những bộ sưu tập nghệ thuật Himalaya quan trọng nhất thế giới. Buổi triển lãm lớn đầu tiên của Bảo tàng Zhiguan diễn ra vào tháng 10-2018 với chủ đề “Ánh sáng Phật giáo” hợp tác với bảo tàng Palace Museum ở Bắc Kinh là một phản ánh toàn diện về nghệ thuật Himalaya tại Trung Quốc, bao gồm 112 tác phẩm điêu khắc tinh xảo đến từ thư viện hoàng gia tại Palace Museum, bảo tàng nghệ thuật Zhiguan và những nhà sưu tập trên khắp Trung Quốc. Đặc biệt, “Nghệ thuật Himalaya” vẫn là một khái niệm mới đối với công chúng tại Trung Quốc cho đến cuối những năm 1980, đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các học giả trẻ có nền tảng học vấn tốt và nhiều kinh nghiệm có hứng thú với nghệ thuật Himalaya, bởi nhiều người cho rằng, nền nghệ thuật Himalaya có thể chạm đến trái tim của những người đến từ những nền văn hóa khác nhau.
- Thưa ông G. Chapuis, trở lại vấn đề của Bảo tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện đang còn non trẻ, ông có những ý kiến đóng góp nào để thời gian đến Bảo tàng phát triển tốt hơn.
Qua tiếp cận tại Bảo tàng văn hóa Phật giáoViệt Nam, tôi nhận thấy rằng, cái thuận lợi đầu tiên là Bảo tàng nằm ở một địa điểm vốn là một thắng cảnh du lịch tâm linh lâu đời bậc nhất của miền Trung, và trong vòng 10 năm sau khi đưa vào hoạt động, sự quản lý sắp xếp của bộ phận chuyên môn ở đây là khá tốt, Bảo tàng đang thực sự ngày càng thu hút đến những người quan tâm, yêu thích cổ vật văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Do đó, cái ý kiến đầu tiên tôi nghĩ đến, là nếu có thể, nên bổ sung một khu vực nhỏ dành riêng cho các hiện vật đa tôn giáo, vì nơi đây không chỉ tôn vinh tinh thần hòa hợp giữa các tôn giáo mà còn làm nổi bật sự đa dạng văn hóa và lịch sử tâm linh Việt Nam, điểm đến không thể thiếu, không chỉ của Phật tử mà còn tạo sự hấp dẫn quốc tế cho những ai yêu thích văn hóa, lịch sử, tinh thần nhân văn và triết lý sống của người Việt. Việc trưng bày những hiện vật hoặc câu chuyện liên quan đến các tôn giáo đã được nhà nước Việt Nam công nhận sẽ giúp khách tham quan nhìn nhận sâu sắc hơn về lịch sử giao lưu và hội nhập tôn giáo tại Việt Nam. Nếu thực hiện được ý tưởng ‘’một góc đa tôn giáo’’ trong Bảo tàng văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm thành phố Đà Nẵng thì bảo tàng của chúng ta sẽ không chỉ được nâng tầm mà còn tạo ra một dấu ấn độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với các bảo tàng Phật giáo khác trên thế giới (bảo tàng quốc tế Phật giáo đầu tiên trên thế giới tại thành phố Kandy, cố đô của Sri Lanka(2011) và bảo tàng Palace Museum ở Bắc Kinh (2018). Bảo tàng văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm TP Đà Nẵng trở thành “Bảo tàng của đạo lý sống đẹp của người Việt” hay "Bảo tàng toàn diện của đạo làm người’’, nơi lưu giữ ánh sáng tâm linh và tôn vinh những giá trị nhân bản vượt thời gian.
Để triển khai góc nhỏ đó dành riêng cho đa tôn giáo thì ta bắt đầu từ việc sưu tập hiện vật để trưng bày như hình ảnh, báo chí, cổ vật, cổ thư, tượng hoặc sách kinh điển liên quan đến các tôn giáo lớn được công nhận ở Việt Nam, nhấn mạnh vào những giá trị nhân bản chung như từ bi và bác ái (Phật giáo và Thiên Chúa giáo), sự trung hiếu và tôn kính tổ tiên (Nho giáo), tinh thần hòa hợp với thiên nhiên (Đạo giáo)...
Một ý kiến khác, là theo xu hướng của thời đại công nghệ hiện nay, Bảo tàng nên chú ý đầu tư thêm về số hóa, ứng dụng công nghệ tương tác 3D xây dựng bảo tàng ảo. Trên thế giới có từ năm 2008, mà tại Việt Nam tôi được biết, trong dự án tổng thể xây dựng Bảo tàng ảo tương tác 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, từ năm 2013, đơn vị này đã giới thiệu Bảo tàng ảo tương tác 3D cho khu trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Điểm mạnh của bảo tàng ảo là đem các hình ảnh, không gian trưng bày một cách chân thực nhất đến với khách tham quan về không gian văn hóa Phật giáo. Với những thông tin tư liệu, video phong phú, bảo tàng ảo còn cung cấp cho công chúng thông tin thực tế nhiều hơn trưng bày thực. Bảo tàng ảo 3D cũng cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter nhằm kết nối những người yêu bảo tàng trên toàn cầu dưới sự quản lý và cho phép của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tôi nghĩ những điều nêu trên cũng là điều Bảo tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam đang tính đến, và chắc chắc sẽ được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ để tiến hành thực trong thời gian không xa. Nam mô A Di Đà Phật.
Xin chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp quý giá của ông Chapuis. Hy vọng sớm gặp lại ông vào dịp gần nhất.
Gérard Chapuis là bác sĩ người Pháp gốc Việt đang sinh sống tại Marseille (Pháp), thường được biết đến là nhà nghiên cứu, sưu tập cổ vật văn hóa Việt Nam. Cái tên Gérard còn được nhiều người nhớ hơn qua sự việc ông tham gia mua bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi bán đấu giá tại Pháp vào ngày 24-11-2010, với mục đích “châu về hợp phố” cho người dân Việt Nam thưởng lãm (nhưng không thành). Vua Hàm Nghi - Hồi ức con đường El Biar là công trình nghiên cứu tâm huyết của Gérard Chapuis kể về cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi ở Algérie, từ lúc nhà vua bị thực dân Pháp bắt đi đày (năm 1888) đến lúc mất (năm 1944) được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chọn tuyển và được Nxb Thuận Hóa ấn hành, vào tháng 4/2023. Hiện nay, bên cạnh công việc nghiên cứu sưu tập cổ thư và cổ vật, Gérard còn chuyển ngữ sang tiếng Pháp một số tác phẩm khảo cổ về văn hóa và phong tục của Việt Nam. Ông cũng đang có kế hoạch biên soạn một tập sách về chuyên đề văn hóa và lịch sử miền Trung.
T.T.S