Tinh thần phản địa đàng qua tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi của Kazuo Ishiguro
Tác phẩm Mãi đừng xa tôi của Kazuo Ishiguro
Phản địa đàng (Dystopia) là khuynh hướng văn học quan tâm, phản ánh một cộng đồng xã hội tương lai mà nhân tính bị phá hủy, lệch lạc và đáng sợ; trái ngược hoàn toàn với một xã hội không tưởng của văn học địa đàng (Utopia). Ở đề tài phản địa đàng, con người phải đối mặt với sự bành trướng và kiểm soát của khoa học - công nghệ, một chính phủ phi lí tưởng trong bối cảnh hậu tận thế, sự tàn phá môi trường tự nhiên hay một cuộc chiến sinh tồn để tìm lại bản thể, chủ nghĩa cá nhân bị đánh mất. Các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mang tinh thần phản địa đàng còn cho thấy tính dự báo/cảnh báo của tác giả đối với con người trước sự đổ vỡ của những hệ giá trị nhân văn. Cùng với Klara và mặt trời, tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi (Never let me go) - tác phẩm khoa học giả tưởng của chủ nhân giải Nobel Văn học 2017 Kazuo Ishiguro cũng đã thể hiện tinh thần phản địa đàng như thế.
Bản thể bị khước từ hay khát vọng cứu chuộc căn tính người
Nhân vật trong Mãi đừng xa tôi là những cá thể người được nhân bản vô tính - Kathy (người kể chuyện), Tommy và Ruth. Họ cùng với nhiều học sinh khác được nuôi dưỡng đặc biệt tại trường nội trú Hailsham trước khi được đưa đến Nhà Tranh để chuẩn bị hiến tạng. Kathy và các học sinh ở đây được giáo dục để phát triển toàn diện: sáng tác nghệ thuật, tranh biện qua những bài luận, đọc thơ và tiểu thuyết kinh điển. Nhưng họ cũng được giáo dục rằng họ “không thể có con”, không được phép nhắc về một điều “chưa được dạy đầy đủ” - việc hiến tạng. Kathy mang trong mình những tổn thương âm thầm của một cuộc sống phi lí ở Hailsham, cô trở nên ám ảnh và tìm đến những tạp chí người lớn khi cố gắng học cách thực hành “chuyện đó” với một bạn trai ở trường. Điều đó dần khiến Kathy nhận ra việc sinh hoạt thể xác cũng chỉ để quá trình hiến tạng được diễn ra một cách tốt đẹp hơn bởi “những thứ như thận hay lá lách sẽ không hoạt động tốt trừ khi ta có quan hệ tình dục đều đặn”. Không ít lần, cô trăn trở và đau đáu về những ngày tháng ở Hailsham, cô “rà soát thật cẩn thận những kí ưc xưa đó”.
Ruth, Tommy, Kathy hay nhiều học sinh khác hiện diện đúng nghĩa là những bản sao không hơn không kém. Họ được đưa đến Nhà tranh để chuẩn bị cho quá trình hiến tạng, nhưng một câu hỏi luôn ám ảnh họ trong giai đoạn này chính là “ai là nguyên mẫu của mình?”. Họ băn khoăn đi tìm khuyên mẫu như việc định vị bản thể mơ hồ với khát vọng được sống như một nguyên mẫu - người có bộ gen như họ, với mong cầu sau này bản thân họ sẽ trở thành bưu tá hay làm việc trong nông trại chứ cũng không ham muốn trở thành minh tinh màn bạc hay đại loại là một ai đó có địa vị cao sang. Đối diện với cuộc truy vấn nguyên bản của Kathy là thái độ buông xuôi đến não nề của cô khi Ruth cho rằng “chúng ta được lấy mẫu từ những thứ rác rưởi. Nghiện ngập, đĩ điếm, rượu chè, lang thang đầu đường xó chợ”. Với nguyên mẫu chẳng hè tốt đẹp như thế, Kathy biết rằng cô và những học sinh đến với thế giới này chỉ có ích bởi những bộ phận trong cơ thể của mình.
Khi sự nhận diện bản thể trở càng nên mơ hồ, các nhân vật của Kazuo Ishiguro không khước từ sự sống - chấp nhận hiến tạng như bản mệnh đã mặc định. Họ phản kháng và khát vọng cứu chuộc chính mình bằng một sức mạnh lớn lao - tình yêu. Kathy và Tommy đến với nhau qua sự hàn gắn và “trao duyên” của Ruth (cô không qua khỏi sau lần hiến tạng thứ hai). Họ tin rằng những cặp đôi yêu nhau thực sự sẽ được hoãn hiến tạng. Khát vọng thay đổi số phận của Kathy và Tommy lớn đến mức họ phải tìm gặp Madame (Marie Claude) để được hoãn lần hiến tiếp theo. Tommy mang đến cho Madame cả những bức tranh về những sinh vật kì dị bởi cậu tin rằng Madame sẽ đọc được tâm hồn của cậu, ước muốn của cậu qua tranh. Chỉ khi được tạm hoãn hiến tạng, Tommy mới được kéo dài sự sống, chỉ khi Tommy được kéo dài sự sống, Kathy mới thôi khỏi cô đơn và sợ hãi - những trạng huống thương tổn luôn tồn tại dai dẳng trong cô. Lấy sức mạnh tình yêu và khả năng sáng tạo nghệ thuật để nhân danh căn tính người trong mỗi nhân vật, Kazuo Ishiguro không khỏi đau đáu trước nỗ lực chống lại mặt trái của sự phát triển khoa học hiện đại trong viễn cảnh không mấy xa xăm của con người.
Nhân bản vô tính hay sự khủng hoảng nhân tính
Xây dựng bối cảnh nước Anh những năm 90 của thế kỉ XX trước với sự ra đời và phát triển của kĩ thuật nhân bản vô tính khi được áp dụng ở người (thành tựu khoa học gây chấn đống thế giới những năm 96 của thế kỉ trước được đánh dấu bởi sự ra đời của cừu Dolly), Kazuo Ishiguro đã chọn đề tài giả tưởng về một xã hội Anh chấp nhận nhân bản vô tính ở người (đến nay vẫn chưa được thực nghiệm) - một viễn cảnh phản địa đàng phản ánh thành tựu phát triển trí tuệ nhân loại nhưng lại là dấu hiệu thoái trào của nhân tính.
Kathy, Tommy, Ruth và những học sinh khác được sinh ra chỉ để hiến tạng. Họ đến với thế giới như một con người sinh học mang tính chất thí nghiệm và là mẫu vật thay thế những cơ quan cơ thể người đã hỏng. Kathy và các nhân vật đều ở độ tuổi thanh niên - lứa tuổi đầy đủ sức khỏe để thể nghiệm y khoa. Họ không có tuổi thọ cao bởi tuổi của họ được ước chừng qua số lần hiến tạng, tùy vào thể trạng. Có người chỉ qua được lần hiến thứ hai như Chrissie, Ruth; có người khỏe hơn qua được lần hiến như ba như Meb B và cũng có người may mắn hơn, được mọi người “ngưỡng mộ” khi đi đến lần hiến thứ tư như Tommy. Thậm chí, Tommy cũng mang trong mình bệnh thận - dấu hiệu cho thấy thực tế rủi ro của phương pháp nhân bản vô tính.
Không chỉ thế, các nhân vật được nhận diện cơ bản về mặt sinh học hơn là mặt xã hội. Để phục vụ công việc hiến tạng, họ được khuyên quan hệ xác thịt lành mạnh để các bộ phận như thận, lá lách khỏe hơn và tuyệt đối không được để bản thân mắc bệnh lây nhiễm.
Hailsham là một môi trường lí tưởng đối với tất cả học sinh với tình thương và lòng nhân ái của cô Madame, Luccy và nhiều giáo viên khác. Họ xây dựng ngôi trường và cho các học sinh được sáng tạo nghệ thuật để chứng minh rằng “những trẻ em sinh ra bằng phương pháp nhân bản vô tính cũng có tâm hồn”, nếu được nuôi dưỡng và giáo dục tốt thì các em vẫn phát triển và hoàn thiện nhân cách sau này. Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhân văn ấy của Madame, Luccy đã bị khước bỏ bởi “Người ta”
- Những người thực hiện chương trình hiến tạng, những người đại diện cho sự “tiến bộ y học” trên đất nước này. Họ khước từ mọi nỗ lực của trường Hailsham với luận điểm rằng “các em thực sự không giống chúng tôi. Rằng các em thấp kém hơn con người”. Việc giáo dục và xây dựng con người có văn hóa, trình độ học thuật là điều không được phép thực hiện đối với sản phẩm nhân bản. Trường Hailsham cứ như thế mà bị chính quyền phá vỡ, đập bỏ như sự đổ vỡ của lòng bao dung và nhân ái trước bóng tối của bùn lầy, của đồng ruộng mênh mông, của một xác tàu mắc cạn nơi bờ biển.
Đến hết câu chuyện, Kathy vẫn mãi cô đơn, cô đi vào bóng tối mà cô lựa chọn, bởi chỉ có nơi đó mới chôn vùi được những kí ức thăm thẳm về Tommy, Ruth và Hailsham, về một thế giới đã đối xử tàn tệ và cay độc với những người như cô. Sự biến mất của Hailsham cũng chính là sự khước từ căn tính người, chối bỏ nhân quyền trong xã hội “hậu tận thế” khi tạo ra những cá thể người nhân bản vô tính.
“Địa đàng” đã mất hay khả năng dự báo về tương lai
Một xã hội lý tưởng, hoàn hảo theo quan niệm của dòng văn học địa đàng (Utopia) là một cộng đồng bình đẳng, có công lý, ít khiếm khuyết. Bóng hình xã hội ấy như được gói gọn trong những ngày tháng mà Kathy, Tommy và Ruth ở trường Hailsham. Ở đó mọi học sinh như họ được giáo dưỡng và phát triển toàn diện. Một bức tranh tươi đẹp hiện ra qua điểm nhìn của Kathy - người kể chuyện và cũng là người nhận chăm sóc bệnh nhân hiến tạng. Tuy nhiên, màn mưa lãng mạn của Hailsham không thể che giấu Kathy và những người bạn của cô về một tương lai chẳng mấy tốt đẹp đối với họ. Họ sinh ra từ đâu? Đâu là nguyên mẫu của họ? Câu hỏi băn khoăn đi tìm bản thể của Kathy khiến cho cô đang dần hoài nghi về Hailsham. Cô cảm thấy sợ hãi chính mình. Cô thấy “ghen tị với những người ra đi”, bởi họ được đến với một thế giới lớn hơn, hấp dẫn hơn. Còn cô, Tommy và Ruth phải ở Hailsham, đến Nhà Tranh rồi đến viện để thực hiện quy trình hiến tạng của mình.
Đối với mọi người, Kathy và bạn bè của cô chỉ là “người nhân bản”, là “những vật thể lờ mờ trong ống nghiệm”. Còn trong mắt Madame, Luccy họ mới thực sự là “học sinh”. Người ta sợ Kathy, Tommy và những đứa trẻ nhân bản vô tính. Madame cũng không giấu giếm cảm giác đó khi chia sẻ với Kathy về việc “được hoãn hiến tạng”. Những người thân thiết nhất dần ra rời cô. Ruth không trụ nỗi qua lần hiến thứ hai, Tommy cuối cùng cũng phải “đi hẵn” sau lần hiến thứ tư. Đối với Kathy, mọi thứ đã thực sự đổ vỡ và tan biến, đầy sợ hãi và tối tăm. “Địa đàng” vĩnh viễn không còn, Kathy chỉ là một cô bé nhân bản giữa thế giới văn minh mà với cô, đó là “một thế giới mới đang đến nhanh chóng. Khoa học hơn, hiện đại hơn. Nhưng là một thế giới nghiệt ngã, độc ác”.
Hình ảnh Tommy và Kathy quyết định mang theo những bức tranh vẽ các sinh vật kì dị đến tìm Madame với hi vọng được hoãn hiến tạng là phóng dụ hình ảnh ông Noah trong Sáng thế kí với hi vọng sinh tồn qua lời dặn của Thiên Chúa trước nạn đại hồng thủy: “Nếu chúng mình đi thật”, anh nói, “thì sẽ phải quyết định về chuyện mấy con vật. Chọn những con đẹp nhất mang theo, em biết đấy. Sáu bảy con gì đó. Chúng mình sẽ phải làm thật cẩn thận”. Tommy và Kathy học được rằng, chỉ có một cách “sinh tồn”, một cách kéo dài cuộc sống của cả hai là chứng minh hai người yêu nhau thực sự để được Madame xin hoãn hiến tạng. Cách thức nhân vật đi tìm con đường sinh tồn đã cho thấy bản năng sống, thái độ ứng xử với cuộc sống bạo tàn chưa bao giờ lụi tắt trong những bản thế rất người - dù chỉ là nhân bản vô tính. Khát vọng của Tommy và Kathy cũng chính là khát vọng tìm kiếm một thế giới “hậu tận thế” lần thứ hai, tốt đẹp hơn cho những cá thể nhân bản như họ.
Viết về một xã hội giả tưởng - nhân bản vô tính ở người, Kazuo Ishiguro đã cảnh bảo một thảm họa phi nhân, thoái trào đạo đức trước sự hiện diện và phát triển của khoa học công nghệ. Kathy sẽ sống như thế nào trong tháng ngày về sau? Khát khao có con của cô có thành hiện thực? Những đứa trẻ nhân bản vô tính lại tiếp tục ra đời để phục vụ hiến tạng? Những vật lờ mờ trong ống nghiệm rồi có còn được học ở một ngôi trường như Hailsham? Kazuo đã bỏ ngỏ tất cả cho người đọc ngẫm suy và trăn trở. Sự nhạy cảm trước biến động của thời cuộc và tinh thần phản địa đàng của tác giả Tàn ngày để lại đã đưa ra những dự báo về tác động của công nghệ đối với nhân tính, sự đổ vỡ đạo đức sẽ gặm nhắm dần mòn mọi hình thái đời sống nếu chừng nào xã hội đó còn chưa coi trọng những giá trị nguyên bản của nhân loại.
L.K.B.L