Xứ sở của... Vàng!

28.12.2009

Xứ sở của... Vàng!

Phạm Hữu Đăng Đạt

 

Con đường lên Tam Lãnh, một vùng đất được mệnh danh là xứ sở của... vàng, nay thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, xa hun hút. Nhưng, khung cảnh lại hoang sơ, kỳ thú với một bên là hồ Phú Ninh  mênh mông nước, phía xa xa là những ngọn núi mờ ảo, trông như một bức tranh sơn thủy; một bên là vách núi, nhiều đoạn dựng đứng, nhìn thấu trời xanh. Đường ngoằn ngoèo, quanh co bám theo sườn núi, cứ mỗi lúc một cao dần, lại vắng teo, đến mức có lúc khiến người đi đường có cảm giác rờn rợn. Lâu lâu, mới có một, hai chiếc xe máy chạy ngược chiều. Qua khỏi hồ Phú Ninh, thỉnh thoảng mới có lác đác vài ba nhà nằm lẻ loi. Thôn Bồng Miêu xa tít tắp, gần như nằm tách biệt với nhiều xóm, thôn khác. Xưa, Bồng Miêu là vùng đất được mệnh danh là nơi rừng thiêng nước độc. Thế cho nên, hồi trước năm 1945, ai muốn tránh bắt lính, trốn đi xâu, lên Bồng Miêu, đố có ai thèm đi tìm. Nhưng, không vì lý do đó mà Bồng Miêu không hấp dẫn. Hoàn toàn ngược lại. Bởi Bồng Miêu, từ thời xa lắc xa lơ, đã được mô tả là xứ sở của... vàng. Do đó, nó có hấp lực ghê gớm!

1. Khởi thủy, làng Bồng Miêu có ba tộc tiền hiền là tộc Nguyễn Tấn, Nguyễn Hữu và tộc Trần. Đây chính là những tộc họ đầu tiên có công khai phá, lập làng lập xóm, định cư lâu dài trên vùng đất này. Trải qua bao đời, hiện chỉ còn hai tộc "bám trụ" ở Bồng Miêu là tộc Trần và Nguyễn Tấn. Về nguồn gốc các tộc họ, theo tương truyền dân Bồng Miêu xưa chủ yếu dân ở làng Bích Ngô, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành lên lập nghiệp. Cho nên, gia phả các tộc họ này vẫn còn ở làng Bích Ngô.

Nguyên nhân khiến họ, những cư dân đầu tiên vào tận Bồng Miêu, mảnh đất có thể được ví là nơi "thâm sơn cùng cốc" với núi cao rừng thẳm, lại đầy thú dữ, để khai canh, khai cư, tương truyền, là do họ đi "chạy giặc". Đến nay, lớp con cháu không biết giặc ở đây là "giặc nào", vào thời nào. Tuy nhiên, theo ước đoán, nhiều khả năng thời điểm họ đến Bồng Miêu lập nghiệp là thời Tây Sơn. Tính từ đời ông tổ họ Nguyễn Tấn đến đời ông Nguyễn Lương cũng đã bảy đời. Còn tính đến đời cháu ông, lên đến mười đời. Nghĩa là cách ngày nay trên hai trăm năm trong lịch sử. Thoạt tiên, họ lên đây vừa để "chạy giặc", vừa lấy nghề khai thác vàng làm nghề sinh sống. Kế đến là nghề nông.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là ở xứ sở vàng, người ta đến để khai thác vàng từ rất lâu, còn chuyện lập làng thì mãi sau này. Bởi vậy, trong tác phẩm "Phủ biên tạp lục", nhà sử học Lê Quý Đôn đã từng đề cập đến việc khai thác vàng ở Bồng Miêu, tức nguồn Chiên Đàn, hồi nửa cuối thế kỷ XVIII, là "Đến như vàng ở nguồn Chiên Đàn thì do Lệnh sử thu nộp, lệ thuế cũng thế"1. Không chỉ người Việt khai thác, theo một công bố mới đây, thì trước kia, dân tộc Chăm cũng từng khai thác vàng tại Bồng Miêu, với dấu tích về việc đãi vàng còn sót lại ở ngọn núi nổi tiếng không kém là núi Kẽm.

2. Đất Bồng Miêu, tuy là chốn "thâm sơn cùng cốc" nhưng ngày càng hấp dẫn với cư dân các làng xã ở Hà Đông xưa. Hấp dẫn vì đây là xứ sở của... vàng. Thế cho nên, chẳng phải ngẫu nhiên khi người ta đặt tên dòng sông chảy ngang qua đất Bồng Miêu là Sông Vàng. Là vùng đất "hứa" nên người đi tìm... vậy may ngày càng nhiều. Dân số tăng nhanh. Chủ yếu tăng cơ học. Kéo theo đó, số người đến ở hẳn, tức sinh sống lâu dài tại Bồng Miêu cũng ngày càng nhiều. Đến đời vua Gia Long, bà con mới bàn nhau góp tiền của, công sức làm cái miếu, gọi là miếu làng, để quanh năm có nơi thờ cúng. Có điều, khác với thiết chế của nhiều làng, xã khác ở Quảng Nam, Bồng Miêu chỉ có miếu mà không có đình. Đến nay, cũng không ai biết lý do vì sao.

Về miếu, lại có truyền thuyết rằng một năm, triều đình Huế đưa voi về phục vụ việc khai thác vàng ở núi Kẽm. Và, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Ngày nọ, không hiểu lý do vì sao hai con voi bỗng nhiên lật bành, bỏ đi một mạch vào rừng. Bọn nài voi làm gì cũng không sai khiến được, hốt hoảng đến tìm gặp các bậc cao niên trong làng "Ở đây có cái miếu nào có thể khấn được không?". "Có, nhưng miếu nhỏ thôi" - bà con bảo. Bọn nài voi sắm lễ vật, hương đèn đến miếu khấn. Chẳng rõ linh nghiệm thế nào mà tối hôm qua khấn, sáng ngày mai hai con voi ở đâu trên núi cao, rừng thẳm lại lù lù đi về. Như có phép thần. Bọn nài mừng hết biết. Chuyện chẳng mấy chốc đến tai vua. Thấy ai cũng cho rằng miếu quá linh thiêng, nhà vua mới truyền sắc chỉ cho dân làng tiền để làm một cái miếu khác. Riêng miếu cũ, nhà vua sẽ bỏ tiền ra xây mới, để thờ phụng thần linh, và cũng là một cách để tạ ơn thần. Miếu xây bằng vôi, gạch, khá kiên cố, tồn tại suốt hàng trăm năm. Tiếc thay, ngôi miếu cổ, do chiến tranh, đã bị sụp, chỉ còn lại phần phía sau, gọi là hậu tẩm, và một đoạn tường cây cỏ mọc um tùm. Từ truyền thuyết trên, làng Bồng Miêu là làng khá đặc biệt khi có đến... hai miếu. Một là miếu làng và một miếu của vua, gọi là miếu quan.

3. Đã có miếu, hàng năm, đều có lệ cúng ở miếu. Trong ký ức của những bậc cao niên trong làng thì miếu quan có tiếng linh thiêng nên nhà vua mới ban sắc phong thần. Khi cúng, có lệ rước sắc từ nhà ông thủ sắc ra miếu, với những nghi thức trang trọng. Có cờ xí, chiêng trống cẩn thận. Miếu quan, hồi mới lập, có quan ngoài Bộ về dự tế lễ. Dần những năm về sau Bộ không đi được thì tỉnh thay. Rồi sau, tỉnh không đi, lại phái tổng đi. Tiền mua lễ vật, tổ chức lễ cúng dĩ nhiên trên cấp về. Còn miếu làng có ruộng làng. Thiếu bao nhiêu, đám hương chức bỏ thâm vào. Thường, khi cúng đầu năm, có bài tế "Kích thác minh chung khởi cổ". Nghĩa là gõ mõ, rung chuông, đánh trống. Khi đã đọc bài văn tế này rồi, dân làng mới được gõ mõ, rung chuông, đánh trống. Còn trước đó, không ai dám làm. "Xưa, người ta cấm kỵ lắm". Sau cúng, toàn thể dân làng được dự, ăn uống no say. Khi đã có tí men, chuyện nhiều lúc bé xé ra to. Nguyên xưa, làng Bồng Miêu có tục gọi là tục "cẩn biếu". Nghĩa là khi mổ heo, mổ bò làm thịt để cúng miếu, đều phải kính cẩn biếu cho các ông có chức sắc trong làng.

Riêng ở Bồng Miêu, không hiểu sao khi biếu chỉ biếu lý trưởng còn ông xã phó không được "xơ múi" gì. Mà Bồng Miêu bấy giờ chưa lập làng riêng. Lý trưởng dĩ nhiên là người ở làng Bích Ngô. Còn ông đứng đầu ở Bồng Miêu chỉ là xã phó. Thế cho nên, lúc đã có hơi men, ông xã phó đập bàn đập ghế, bảo đường đường là người đứng đầu mà làng Bích Ngô coi chẳng ra gì. "Nếu đã rứa, phải lập làng riêng thôi!". Ông xã phó hô. Dân làng ai cũng hưởng ứng. Tối hôm ấy, lại thêm một chuyện ly kỳ đã xảy ra. Số là những người tham dự lễ cúng miếu đều mơ thấy một giấc mơ lạ. Người ta bảo đó là do ông bà ứng lên, mách: "Sáng mai, bọn bay cứ đi ra hướng đông bắc, ta sẽ ban cho của quý để ra ngoài Bộ cắt lập xã riêng". Thế là y như lời mách bảo, sáng dậy, họ làm đúng như lời ứng. Quả nhiên, mới đi một đoạn, họ thấy giữa đường có vật gì vàng chóe. Đến nơi, mới phát hiện vật vàng chóe đích thị là một bông lúa bằng... vàng. Mà đó là vàng thật (!!?) mới lạ lùng. Ai nấy cũng sửng sốt, như không tin vào mắt mình. Họ hiểu, điềm báo mông đã hiển linh. Vậy là dân làng vội vàng chuẩn bị giấy tờ, đơn từ, cả bông lúa bằng vàng rồi cử người ra tận triều đình Huế xin lập làng riêng.

Cũng theo tương truyền, mặc dù đại diện làng ra chưa đến nơi nhưng viên quan phụ trách đã nằm mộng thấy có người đến báo tin "Ngày ni, sẽ có dân Sông Vàng ra dâng của quý xin lập làng" !?!. Thế cho nên, khi ra, Bộ chuẩn ngay. Điều khá trớ trêu là xuất phát từ nguồn gốc, sự tích trên, dân làng mới xin đặt tên làng là Bồng Miêu. Miêu trong chữ Hán, nghĩa là lúa. Bồng Miêu ( ) nghĩa nôm na là bông lúa. Tuy nhiên, trong chữ Hán, có lẽ chưa có chữ Bông nên khi chấp thuận lập làng mới, triều đình Huế mới lấy chữ Bồng thay cho chữ Bông. Danh xưng Bồng Miêu cũng từ đó mà ra.

                                         P.H.Đ.Đ