Lính làng

28.12.2009

Lính làng

Bút ký dự thi
 

Mưa tầm tã. Sáu giờ sáng mà bóng cây vẫn hoà lẫn nền trời. Vũ Văn Thìn bật đèn, chiếc U-oát lăn bánh. Đường ngập, động cơ máy chìm trong tiếng xé nước rào rào. Thìn xoa mặt, giọng khàn đục: sáng qua đến giờ chưa có hạt cơm trong bụng. Phở thôi à? Thìn bật cười: mờ đất là đưa quân đưa xuồng về Hoà Quý, Hoà Phước, rốn lũ mà. Đưa bà con lên chùa, trường học, Uỷ ban xã… Trưa vừa nhai lương khô vừa chạy. Ba giờ chiều xong vùng rốn lũ thì quán xá sạch veo, ăn mì tôm rồi chạy tiếp. Chín giờ tối về đơn vị đã quá bữa, lại húp mì tôm cho chóng. Cả ngày không có hạt cơm vào bụng nhưng tối qua anh Hưng bảo đưa chị đi thì em vẫn thích hơn sáng nay. Chỉ trông đêm kéo dài, năm rưỡi dậy, mắt cứ cứng cộp, cay xè. Tôi mắc lỗi rồi. Thìn cười: bão lụt bao giờ cũng thế, từ quân y trở đi. Có điều chị về lúc ấy chẳng làm được gì.

Tôi bật cười. Tối qua anh Hưng phó chỉ huy trưởng Biên phòng thành phố Đà Nẵng cũng một câu vậy. “Mưa lớn quá không nghe được chuông máy, về đồn bằng ngồi không…”. Anh lại bấm máy, áp tai nghe hồi lâu rồi lắc đầu: sau bão Chan-Chu nhiều vấn đề được đặt ra, nhất là thông tin liên lạc nhưng ở đất liền với nhau mà vậy đây... Mưa ào ào, trắng xoá dưới ánh đèn sân trước phòng trực. Đại uý Tống Văn Khương tay ống nói bộ đàm tay cây bút hết ghi chép lại gọi 256, 252… rồi trả lời ai đó “đã cấp cứu thuỷ thủ tàu Panama, cứu hộ được HQ66, về bờ an toàn”. A, Khương reo lên: Thành hả? Rồi. Có nhà văn muốn đi với đội ứng cứu. Không được! Anh em trực trong dân, hỗ trợ người mắc lụt, ốm đau, sinh đẻ thôi… Giọng nói đặc âm Quảng Nam nhoè đi. Anh Hưng quay lại tôi: về ngồi ở đồn cũng bằng không. Mai đến sớm, anh em đưa đi.

Qua khỏi cầu Sông Hàn trời càng mờ mịt. Mưa đè rạp cây cối, nối trời biển làm một. Khách sạn Furama trang nhã, Ngũ Hành Sơn lừng lững cũng ngút mờ trong mưa. Tôi nhớ buổi tọa đàm đầu xuân của thiền sư Thích Nhất Hạnh với văn sĩ, trí thức thành phố tại khách sạn Sandy Beach. Từ xa đã thấy ánh đèn huyền ảo trên tháp nguyện lưng chừng Hòn Thuỷ, ngoài khơi đèn thuyền câu, trong khuôn viên khách sạn light garden trên mặt cỏ ánh diệp lung linh. Giữa bóng dáng nhỏ nhắn các nhà sư người Việt có nhiều nhà sư cao lớn mắt xanh tóc vàng của chùa làng Mai ở Pháp về, áo tràng thuận hoà, hưng thịnh.

Cơn hồng thuỷ xoá tiệt mọi dấu tích. Bên trái biển ầm ào, mờ mịt. Bên phải nước mấp mé đường. Hòn Thuỷ, tương truyền là đầu rồng mờ mịt trong màn mưa trút. Những ngôi nhà đổ sập trong bão Xangsane giờ đây tiếp tục ngâm nước. Thìn nhìn kính chiếu hậu, bẻ tay lái đi vào ngôi nhà sau mấy cây dừa cong mình trong gió mưa. Một viên thiếu tá đứng trên thềm, giọng đặc âm Quảng: chào chị.

- Chào thiếu tá Thành!

- Chị vào đi - Thành cười lộ chiếc răng khểnh.

Tôi không ngờ anh thiếu tá giọng “như sơn” qua bộ đàm tối qua lại trẻ và có nụ cười dễ thương vậy. Trưởng đồn 256, thượng tá Ngô Thế Phú đang lúi húi ghi chép, anh mời tôi ngồi và xin lỗi làm nốt công việc. Thành mời tôi ly trà, cười: trực cả đêm, về chưa kịp đun, chị uống tạm. Tôi nhấp ngụm nước trà sống trong khi Thành thay pin di động sạc tiếp.

Sau hội ý, thượng tá Ngô Thế Phú gấp sổ: Thành đưa chị đi. Ứng cứu lụt thì đủ việc, chị lượng sức. Thành rút dây sạc điện thoại cùng tôi và đại uý Hồ Song Phương lên xe. Qua khỏi đường cao tốc, chiếc U-oát thành xe lội nước. Những dãy tượng đá ngập nước. Bao nilon, phao, nhựa xốp gãy bể, rác rều dập dềnh. Trước cửa nhà nào cũng chắn ván, giăng lưới, chắn rác vào nhà. Xe bò từng thước, đôi chỗ nước nông, rướn nhanh được chút thì tạo sóng đánh dạt ván, chủ nhà lại bì bõm chèn lại. Một chị mang áo mưa, đầu úp chiếc thau nhựa nhỏ màu đỏ, tay bê rổ rau, miếng thịt heo trắng bợt vì nước mưa, rên rỉ: một tháng ba trận lụt, chịu hết nổi.

Càng vào làng nước càng sâu, xe lục ục rồi tắt ỉm. Thìn đề mấy lần vẫn ỉm lịm. Đẩy! Thìn mở cửa xe. Chúng tôi xắn quần. Nước lạnh băng. Mấy thanh niên đang chuyển tivi, chăn màn, xô chậu từ bên trái đường sang xóm nhà sát chân núi xúm vào đẩy cùng chúng tôi. Da tái nhợt nhưng họ cười rổn rảng: anh Thành, anh Phương lội đã nhen. Gặp thổ thần rồi, tôi nói. Phương cười: chị biết lực lượng quân đội nào mà gắn liền với toàn dân không? Chỉ có Biên phòng thôi, Biên phòng toàn dân mà. Cho nên tụi em cứ gọi là lính làng.

Thành cười: cần lập bản đồ ngập lụt tụi em “chơi” được, biên phòng là lính làng mà. Ở nơi danh lam thắng cảnh, du khách thập phương đổ về thì vẫn dạy bổ túc, tiêm phòng vắc xin…

Phương cao giọng: cứ gọi là việc… vô tư.

Lên quãng đường cao, Thìn chống nắp mui sửa máy. Mưa như rây bột, tôi đưa áo mưa nhưng Thìn lắc đầu: lùng phùng, ướt rồi khô ngay mà.

Xe nổ máy đi theo chân núi rồi dừng lại bên ngôi nhà có chiếc xuồng cao tốc được buộc vào trụ vườn. Trần Tám và Nguyễn Soạn trực tối qua đang ngồi với hai ly cà phê đen. Trần Tám ngoài năm mươi còn Soạn chừng ba mươi. Đưa cho tôi chiếc áo phao rồi khoác máy bộ đàm lên vai Soạn bảo sắp triều cường, nhanh lên thôi. Chúng tôi mang nước uống đóng chai, mì tôm xuống xuồng. Giữa xuồng phuy xăng, dây thừng, búa, kìm ngập trong nước. Nước mưa thôi cũng đủ chìm! Đặt máy vào ca-bin, Soạn lấy thau tát nước. Trần Tám tháo dây neo. Một người đàn ông đang thả lưới ven đường chèo thuyền chỉ cho Trần Tám tránh các cột bê tông rào vườn đến quãng nước mênh mông mới thôi. Tôi ra với Thành ở đầu mũi xuồng. Mưa đập rát buốt mặt, bốn bề nước ào ào, réo riết. Thành nói đang đi trên đồng diếp cá, húng, hành tỏi, chỗ mấy mái chòi kia là đìa tôm. Một tháng ba trận, lũ chồng lên lũ, hết rau, hết tôm hết cá rồi… Giọng Thành chìm trong tiếng mưa rào rào.

Mấy đường dây điện sà ngấp nghé mặt nước, Trần Tám bẻ tay lái cho xuồng đi sát cột điện rồi giảm tốc độ đi vào giữa những vòm cây, mái nhà ngấp nghé mặt nước. Thành dựng loa: có ai không? Tiếng nói bị quây ngột trong màn mưa đặc. Có ai không? Ơi… Từ khung cửa thông gió trên chái nhà, một cây sào quấn lá cờ khua tròn. Trần Tám bẻ tay lái, ép xuồng vào cọc bê tông còn lộ dây kẽm gai rồi đi vào một bên nhà. Phương lên đầu mũi chống tay thành tường tránh xuồng va đập. Mắt dõi đầu mũi xuồng, Trần Tám bảo không bao giờ người ta mở ngõ giữa nhà cả. Tôi cười, bộ đội biên phòng không chỉ cao tay tài công mà còn rành phong thuỷ. Chớ sao, cứ lệch phải hoặc trái! Thành ra hiệu dừng. Phương lấy thêm áo phao. Màu cam áo phao khuất sau mái nhà mấp mé mặt nước. Lát sau họ đỡ ra một người đàn ông tím tái, run bần bật: tui tính phải bốn mươi năm mới có lại ai dè mới bảy năm, cao hơn lụt 99 rồi. Ông ta ngoái nhìn nhà mình: bầy gà mới nở với chục con vịt vừa chéo cánh, buộc đòn đông rồi mà nước cứ lên thì thua thôi. Phương cười: lên phường lên phố rồi mà gà vịt hoài. Thành cầm loa hướng về phía khác: có ai không? Ánh mắt Thành bừng lên. Kia! Trong vòm cây, một chiếc sào quấn chiếc áo trắng nhờ đưa qua đưa lại. Nước cuồn cuộn như muốn bứng cả gốc. Phương buộc dây thừng vào lưng rồi nhảy ùm xuống, đưa cho người đàn ông chiếc áo phao rồi dìu anh ta về xuồng. Người đàn ông chừng 40, run bần bật: nước về nhanh quá. Tui nghe nhà chao một nhịp rồi ùm cái rào. Nước tống tui vô cây mít… Một tháng ba trận lụt, nhà thì “già yếu” mà cứ bu rồi chơi “toạ độ chìm” với tụi tôi vậy - Trần Soạn vừa nói vừa bẻ tay lái hướng về chòm nhà khác. Tôi thở phào khi thoát khỏi luồng nước. Thành cười: không sánh với đồng đội ứng cứu ngư dân trên biển nhưng thế này nhằm nhò gì với bão Xang-xen. Tụi tôi chằng chống nhà cửa, kéo ghe thuyền lên bãi, đưa dân vào nhà kiên cố. Cứ gập người xuống, như chui trong gió. Gió rít như cưa sắt, tôn bay như lá, nhà đổ ầm ầm như bom B52 nổ mới tạm nép.

- Xang-xen là tên cúng cơm, vào Đà Nẵng gọi đúng là “Xang-bằng” - Phương cười: Nhà em ở gần đồn. Vợ em đưa hai đứa con vào đồn rồi về trông nhà. Bão vào, gió rít như cưa sắt, vợ em vừa chạy sang hàng xóm thì nhà sập. Rồi nhà hàng xóm cũng sập, bốn bức tường còn mỗi bức có kệ bếp, chỗ ba người nép. Vợ khóc, xót của một tủi hai, bão dữ mà đi biền biệt. Biết sao được. Bão qua thì chặt cây gãy, dọn đường, dựng lều cho dân ở tạm. Ở đơn vị nhà Huệ, Thắng cũng đổ, còn tốc mái, chái vẹo thì vô tư! Chục triệu đồng hỗ trợ thì sửa chiếc xe bị tường đè hơn ba triệu. Chẳng nên đinh nên lạt để xây lại nhà, em mượn nhà tập thể bên Sơn Trà cho vợ con ở nhờ. Xa một chút nhưng bây giờ thì đi… vô tư.

Tôi bật cười khi Phương cứ cao giọng với hai tiếng vô tư. Thành mở di động: rồi, sang ngay. Thành chỉ hướng cho Trần Tám. Xuồng vừa áp nhà Thành, Phương lội vào lát sau dìu ra một người đàn ông trung niên. Ông ta thảng thốt: nước lên cao quá. Nghĩ đưa lên gác lửng là được, ai dè chừ tivi, cát xét trụng nước. May có số máy chú Thành… Phương bắc loa: có ai không? Ơi... Áp vào! Áp vào! Trần Tám nhìn con hẻm, lắc đầu: không được, cắm đây thôi. Một con thuyền từ sau vách nhà đi ra. Bốn, năm người đàn ông đang guồng tay chèo trông như đua ghe. Áp thuyền vào xuồng, họ đẩy lên hai người đàn ông xám xịt vì lạnh. Người cầm lái vuốt nước mưa: xiết quá, cho thêm người chèo. Thành, Phương nhảy xuống. Người cuối cùng vừa lên, Trần Tám nổ máy chạy về xóm nhà dưới chân núi. Lúc này Thành mới quay sang người đàn ông nọ: tính buổi lên lớp chớ không tính với thuỷ thần được đâu anh Ba. Tôi nói “phổ cập” cả số di động cơ đấy! Thành nhìn màn nước xám xịt: nói phổ cập thì không chính xác bởi lớp học dành cho người 36 - 45 tuổi, đã học lớp 1, lớp 2 bình dân rồi lo làm ăn mà quên mất chữ. Dạy họ đọc được thông báo, ký cái cam kết xây dựng gia đình văn hoá là ngon rồi. Người đàn ông chừng đã tỉnh nước, cười: nhờ mấy chú mà tui hát ka-rao-kê được rồi! Hát với chị Ba chớ? Chớ sao! Người đàn ông lại cười: Trước bả chỉ biết cuốc cào, hành ngò. Từ hồi biết chữ nói tui mua đĩa ka-rao-kê thì hát hoài.

Thượng tá Lê Anh Dũng, phóng viên tạp chí Văn hóa Quân sự đang ở Hòa Xuân nói với tôi nước lên quá nhanh, đang khẩn trương di dời cả những khu dân cư có nguy cơ ngập sâu… Mưa như nghiêng thùng nghiêng máng mà trút. Đổ người xong xuồng hướng xóm nhà khác. Máy rồ rồ tạp âm, Soạn gỡ tai nghe lấy thau tát nước ở sàn xuồng. Phương vuốt nước mưa, căng mắt nhìn những chấm màu cam lấp ló trong vòm cây lá: đội cứu hộ của Quân khu. Chiếc xuồng hướng về chúng tôi, cũng màu áo màu cứu hộ cam chín nhưng quân hàm đỏ. Máy bay trực thăng ầm ì phía Hoà Phước, Hoà Xuân. Một người thấp đậm đứng bên tài công chui vào buồng lái, hét vào ống nói máy bộ đàm: không thả hàng ở quãng nước lớn, dân ra vớt nguy hiểm… Thành nhảy sang khi hai chiếc xuồng vừa áp mạn, vừa vuốt nước mưa vừa nói rồi trở về. Hai chiếc xuồng xé nước đi về hai phía.

Thành chui vào ca-bin mở di động kêu lên: năm cuộc gọi nhỡ! Chà tay cho đỡ cóng, Thành bấm máy: thôn Chín đã di dời xong. Khuê Đông đi lượt hai rồi... Lại bấm máy: Rồi! Đến ngay. Sang Bình Kỳ!

 

Soạn gỡ tai nghe: anh Thành, có nhà báo muốn đi cùng, đón ở đâu? Thành nhìn quanh rồi cầm ống nói: về Sơn Thuỷ. Chiếc xuồng chuyển hướng bẻ ngoặt nhắm vào chòm nhà rất đông người đứng ngóng. Bên rãnh nước ồ ồ như thác núi, một người đàn ông đang cố sức đùa rác rều đi. Ba người đàn ông xách thịt cá, can dầu, cơm nắm, trầu, thuốc lá và cả thuốc đau bụng, dầu gió xin theo. Một người da dẻ xám bạc chỉ sang ngôi chùa chấp chới trong mặt nước: cháu tui ở chùa Vân Long đang sốt.

 Thượng tá Đỗ Phú Thọ của báo Quân đội và thiếu tá Tạ Ngọc Đường ở Ban tuyên huấn Bộ chỉ huy Biên phòng Thành phố vừa tới nơi. Để nguyên giày vớ họ lội luôn xuống nước. Xuồng quay mũi. Người đàn ông xách túi thuốc nói: ra sông Cổ Cò rồi lên đập Hố Kiểng, xa hơn nhưng dễ chạy hơn trong làng. Trần Tám bẻ tay lái. Chiếc xuồng rời hướng về chùa Vân Long chạy ra phía mênh mông nước. Thành lại chui vào ca-bin lục túi áo: a lô, hả? Rồi! Thành cúp máy, móc túi lấy viên pin thay nói với Trần Tám: quay lại đón mấy ông ở phòng chính trị.

Trần Tám vuốt nước mưa trên mặt: cái chi? Đón mấy ông phòng chính trị! Mấy ổng tưởng dễ chơi lắm hả ? Khuôn mặt tái bợt vì nước của Trần Tám đỏ rựng lên: Làm ăn kiểu gì dzậy? Ứng cứu mà! Phương cười nhưng mặt Trần Tám vẫn nặng như chì. Tôi tưởng tượng việc này dành cho mình vào tối hôm qua, bật cười: thiếu gì lúc “chơi” anh Tám mà lại nhè vào lúc này.

Trần Tám bẻ tay lái, chiếc xuồng xé nước quay lại xóm. Đại uý Mai Văn Sơn ở Ban vận động quần chúng của phòng Chính trị và một anh lính ôm camêra lên xuồng. Một anh lính to cao vác cây dù lớn chạy xuống. Cây dù vừa được đun lên sàn, Trần Tám cho xuồng quay mũi. Nước cuộn nhào, réo sùng sục. Cây cối cả cành rễ, mái nhà nhấp nhô, líu ríu như trẩy hội. Những thân gỗ không sức cản băng băng, sẵn sàng đánh ngang bất cứ gì gặp phải. Anh lính to cao và Phương bung tán dù nhưng mưa gió đè rạp đành bung chiếc dù nhỏ, vừa đủ che máy. Thượng tá Đỗ Phú Thọ, người từng “cưỡi trâu vào rốn lũ” ở Hà Tĩnh tháng 8.2007 cất quyển sổ ướt nhẹp vào túi rồi xé mảnh bìa thùng mì tôm ghi chép.

Y thuỷ chiến Bạch Đằng! Trần Tám bẻ tay lái, xuồng tách khỏi luồng nước đi vào hướng lùm cây và nóc nhà rồi cập vào sau lưng chùa. Chúng tôi nhảy ùm xuống mang mì tôm, nước uống vào. Ni cô Huệ Trang đang lui cui với hộp thuốc, trên chiếc ghế trước mặt một thằng bé đang ngồi ủ rũ. Người đàn ông lột áo mưa, chà tay vào bộ đồ ẩm ướt, vuốt tóc cậu bé rồi lập cập mở túi thuốc, hạ sốt đây. Mấy bà già quây quanh, da tái nhợt, phờ phạc: nước lên đến chính điện rồi, hết dầu, từ sáng đến giờ toàn mì tôm sống, răng không có... Người đàn ông đặt can dầu lên chạn tủ nói với ni cô Huệ Trang: cây xăng ngập rồi, chen mì tôm với cơm tạm thôi. Ni cô Huệ Trang thấy bàn chân Phương nhoè máu vì dẫm phải mảnh chai lại luống cuống tìm bông băng.

Từ Khuê Đông, chúng tôi sang chùa Quán Thế Âm. Nước bao quanh Hòn Hoả, trông như hòn non bộ khổng lồ. Chùa Quán Thế Âm ở dưới chân Hòn Kim nơi hàng năm diễn ra lễ hội Quán Thế Âm, một trong mười lăm lễ hội lớn của Quốc gia, nườm nượp khách thập phương đổ về giờ đây mênh mang nước... Sư trụ trì Thích Huệ Vĩnh cùng gần trăm người đang trú ngụ đưa gạo muối, vật dụng lên chính điện. Xuồng cứu hộ của quận Ngũ Hành Sơn cập vào đưa tiếp người lên. Người bị nạn, kẻ cứu hộ đều bợt bạt vì nước, tóc tai, áo quần bết chặt người.

Quá trưa, chúng tôi nhai mì tôm khô với nước lọc. Trần Soạn mở máy nhờ ai đó gửi giúp quà mừng cưới của mọi người cho một cậu trong đơn vị. Phương nói hồi bão Xang-xen cũng vậy, tụi em lỗi hẹn với đám cưới con của một anh trong đơn vị. Ngày giờ đã định, yến tiệc đặt trước cả tháng, đâu hoãn được.

Nước lên càng lúc càng nhanh, buổi sáng còn lộ mặt đường giờ đây đã ngập sâu. Mưa vẫn xối xả, ào ào, buốt tai buốt mặt. Bốn giờ chiều trời đã mờ mịt. Tiết kiệm bình điện, Thành, Phương bật đèn pin lia tròn, bấm loa: có ai không? Trong mưa gió vẳng tiếng: ơi…và ánh pin loé từ mái nhà. Quành phải! Mé trái! Thành, Soạn nhảy ào xuống áo phao màu da cam chín le lói cùng ánh pin. Loang loáng người được thảy lên boong xuồng. Pin lại khua tròn. Lại nhảy ùm xuống… Sau vòm tre ngọn sà mặt nước le lói ánh pin. Thành hô: Bật đèn! Đèn pha xuồng sáng rực dọi sục vào vòm cây. Thành, Phương nhảy ùm xuống, rẽ cây lội vào. Thảy người lên boong xong là tắt ngay đèn xuồng! Lại le lói đèn pin. Mưa quất mặt rát rạt. Tôi không nhìn thấy Thành, chỉ có tiếng nói chắc nịch như đã nghe qua máy bộ đàm.

Thành buộc tôi về trước khi vòng trở lại Bình Kỳ: tối, nước xiết nguy hiểm lắm, tụi tôi quen rồi. Thấy tôi dùng dằng, Phương cười: xứ mình năm nào chẳng vậy, bão lụt liên miên. Nước lên thì đưa người, mì tôm, gạo nước, thuốc uống. Nước xuống thì thuốc khử trùng, nạo vét bùn, dựng lại nhà rồi dạy học, hỗ trợ tiêm chủng, bảo vệ an ninh, du khách... Bộ đội làng như chúng em thì cứ gọi là đi vô tư!

Chiếc U-Oát chờ tôi bên chân núi nhưng lái xe không phải Thìn. “Tôi là Lợi, Thìn lên tuyến Hoà Vang rồi”. Xe nổ máy, động cơ chìm trong tiếng xé nước rào rào. Loang loáng trong ánh đèn là những nền nhà trơ trọi cơn bão Xangsane để lại. Đâu đó là nền nhà của Phương.   

 

NGUYỄN THỊ THU SƯƠNG