Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội...

28.12.2009

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội...

Trương Đình Quang

 
Ơ phố cổ Hội An, vào tuổi thiếu niên, khi bắt đầu học đàn măngđôlin, tôi chơi những ca khúc trữ tình, lãng mạn. Cùng lúc, những sử ca gắn bó với tâm hồn tôi:

Chi lăng, Chi lăng! Tiếng ai hò reo

                                            vang trời

Chi lăng, Chi lăng! Bóng ai tranh

                                   hùng muôn đời

    (Ải Chi Lăng của Lưu Hữu Phước)

Nước non Lam sơn, nước non Lam

                 sơn, bóng cờ bay phấp phới

Khắp nơi cờ vàng, khắp nơi cờ

                  vàng, muôn hồn quân Nam

(Nước non Lam sơn của

                                    Hoàng Quý)

Những giai điệu về Hà Nội: Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca của Văn Cao hùng tráng, thiêng liêng:

Cùng tiến bước về phương

                 Thăng Long thành cao đứng

Trong khói sương chiều ám

                                    trên dòng sông

Nhị hà còn kia, Nhị hà còn đó

Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi

                                            đầy sông

             (Thăng Long hành khúc ca)

Và, vào tháng 12/1946, khi cả nước đi vào cuộc đánh thực dân Pháp, vang lên Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, dẫn dắt trái tim người nghe đến sự cảm nhận tính chất trữ tình hùng tráng của bản trường ca gắn kết với lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của Trung đoàn Thủ đô:

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây

                                              Hà Nội,

Hà Nội mến yêu.

                                    (trích ca khúc)

Từ đó, Hà Nội và những ca khúc về Hà Nội ở trong trái tim tôi.

Trước cách mạng Tháng tám, Gò Đống Đa và Thăng Long hành khúc ca của Văn Cao mở đầu, báo trước sự chuyển mình của Hà Nội trong cao trào cách mạng.

Sáng tác gắn bó với đề tài Hà Nội từ những ngày đầu cách mạng và sửa soạn đánh Pháp là trách nhiệm của người nhạc sĩ – công dân.

Ngợi ca Hà Nội, ở Ba Đình nắng (nhạc: Bùi Công Kỳ, lời: Vũ Hoàng Địch) gợi lên tình cảm trang trọng của Thủ đô và cả nước, lắng nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập vào 2-9-1945.

Tổ quốc kháng chiến!

Tạm chia tay với Hà Nội, lên chiến khu, sắt son lời thề Sẽ về Thủ đô (Huy Du), Ngày về (nhạc: Lương Ngọc Trác, thơ: Chính Hữu) là lòng ước mơ giải phóng Thủ đô, Nguyễn Đức Toàn gửi lòng yêu thương trong Đêm trăng nhớ Hà Nội. Hướng về Hà Nội, Hoàng Dương nhắn về tình cảm thiết tha:

Một ngày tàn hương chinh chiến

Lửa khói lắng chìm, tìm về nơi

                                          bờ bến

Một ngày hồng tươi hoa lá

hát câu tình ca, nói lên lời thiết tha

                                    (trích ca khúc)

Giữa năm 1950, vùng đất - phía nam thành phố Tam Kỳ đến phía bắc thành phố Tuy Hòa và tiếp nối mênh mông Tây Nguyên - từ chiến khu Việt Bắc, Tiến về Hà Nội của Văn Cao sải cánh vào với quân và dân rạo rực niềm ao ước:

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân

                                                tiến về

Như đài hoa đón mừng nở năm

                                            cánh đào

chảy dòng sương sớm long lanh...

Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa

Ôi, phố phường Hà Nội xưa yêu dấu

                                    (trích ca khúc)

Mùa thu năm 1954, hòa bình về trên nửa Tổ quốc.

Hà Nội cùng cả nước đảm nhiệm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất. Ca khúc của Hà Nội chuyển sang hướng mới, phải phản ánh chân thật và hùng hồn hiện thực mới ấy.

Thỏa nỗi ước mong là được trở về với Hà Nội, nhưng lòng đau đáu nhớ đến miền Nam, băn khoăn với trách nhiệm xây dựng Thủ đô, nhạc sĩ sáng tác chưa thật thanh thản để viết về cuộc sống thanh bình, về cái đẹp thiên nhiên của quê hương.

Đã ra đời những ca khúc ngợi ca lao động sản xuất của Hà Nội: Yêu Thủ đô, yêu nhà máy (Xuân Giao), Khi con chim chưa hót (Văn Tuyền), Lớn lên với ruộng đồng (Ngô Quốc Tính), Con tàu 3 đảm đang (Văn Ký)..., và hưởng ứng phong trào “Sóng Duyên hải, Cờ ba nhất, Gió Đại phong”, v.v...

Có những ca khúc dễ thương: Hát lúc tan ca (Nguyễn Cường), Bài ca tuổi trẻ Hà Nội (Hồ Bắc), Làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê).

Từ tháng 8/1964, cùng với cả nước, Hà Nội đánh giặc Mỹ. Bom Mỹ nổ trên đường phố Hà Nội. Vang lên tiếng hát căm thù: Hà Nội, Thủ đô ta đó (Vĩnh Cát), Hà Nội gọi trả thù (Mộng Lân), Không cho chúng nó thoát (Hoàng Vân), Mãi mãi sáng ngời trái tim Tổ quốc (Tô Hải), Hà Nội, niềm tin và hi vọng (Phan Nhân).

Đánh tan xác pháo đài bay B52 trên bầu trời Thủ đô, lời ca chiến thắng bừng bừng. Tiếng hát của Hà Nội hôm nay (Nguyễn An), Hà Nội - Điện Biên Phủ (Phạm Tuyên).

Đã nhẹ nhàng và thấp thoáng xuất hiện cái tôi trữ tình cùng với cái ta rắn rỏi trong:

Tôi đứng đây bên nhịp cầu Long biên lộng gió

Dưới chân cầu, Hồng hà vẫn nghìn năm sóng vỗ

(từ Tiếng hát Hà Nội của Văn An)

Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời

Càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô

Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô

...

Chân ta bước lòng ung dung tự hào

Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao

(từ Hà Nội, niềm tin và hi vọng của Phan Nhân)

Tính chất trữ tình – hùng tráng hòa hợp, thấm đượm trong những ca khúc này, cho thấy rõ có sự đổi mới, chuyển hướng từ cảm xúc đến cấu trúc của tác phẩm.

Hà Nội có khi là ngọn nguồn cảm hứng của nhiều ca khúc về các đề tài khác. Kể Những bông hoa trong vườn Bác, Văn Dung viết về Hà Nội. Với đề tài thống nhất đất nước, Hoàng Vân và Lê Nguyên phải nhắc đến Hà Nội ở Hà Nội – Huế - Sài Gòn. Viết Em là thợ quét vôi, Đỗ Nhuận có nguồn cảm hứng từ cô công nhân trên đường phố Hà Nội. Từ sân thượng của ngôi nhà tập thể ở phố Huế, Phan Huỳnh Điểu viết Những ánh sao đêm ngợi ca công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc.

Viết về Hà Nội, càng ngày, con đường sáng tạo rộng mở, lộng gió thênh thang, giai điệu bay bổng với cái tôi – trữ tình:

Trong Hoa sữa của Hồng Đăng:

Em vẫn từng đợi anh như hoa từng đợi nắng

như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mong mây trắng

                                     (trích ca khúc)

Trong Cảm xúc Tháng mười của Nguyễn Thành, thơ của Tạ Hữu Yên, là:

Không thể nói trời không trong hơn

và mắt em xanh khác ngày thường, khi đoàn quân kéo về

                                    (trích ca khúc)

Với Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn:

... Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi

Màn sương thương nhớ, Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời

                                    (trích ca khúc)

Phú Quang và Phan Vũ nhắn gửi từ Sài Gòn:

Em ơi, Hà Nội phố! Ta còn em mùi hoàng lan.

ta còn em mùi hoa sữa

Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ.

Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm

Vào thế kỉ 21, tâm hồn công chúng yêu ca nhạc thêm giàu có hơn với sự tiếp nhận nhiều ca khúc đẹp, từ việc đi tìm cái mới của chất liệu âm nhạc đến cách diễn đạt cảm xúc, đổi mới cấu trúc và phần đệm.

Đọc và để ngân nga trong tâm hồn mình hơn 200 bài từ các tuyển tập ca khúc về Hà Nội(1), nổi bật hướng sáng tác chính theo dòng trữ tình.

Những giai điệu về Hà Nội, từ cái buổi với Thăng Long hành khúc ca rồi Người Hà Nội đến Tiến về Hà Nội và Hà Nội, niềm tin và hi vọng để:

Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội

Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình

(từ Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp) mãi mãi sống trong trái tim công chúng yêu ca nhạc trên Tổ quốc ta.

Là đứa con của Phố cổ Hội An, tôi trưởng thành ở Thủ đô Hà Nội. Trở về quê hương, mỗi khi nghe ca khúc về Hà Nội, tâm hồn tôi lại xao xuyến bao kỷ niệm:

Nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về

và nhớ leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy...

                                    (trích ca khúc)

Ôi, thân thương biết bao những giai điệu về Hà Nội trong trái tim tôi.

                        Đà Nẵng, chiều 17-11-2009

                                       T.Ð.Q

(1) Hà Nội, tập bài hát, Kỉ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô (1954-1984), Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (tập bài hát, 1954-1994), Hà Nội, tình yêu và nỗi nhớ, Nhớ về Hà Nội. Trong bài, có trích tư liệu từ Âm nhạc, lí luận và cây đời của Dương Viết Á.