Văn học chiến tranh:không còn cách nào tốt hơn là cách chúng ta phải chờ đợi

28.12.2009

Văn học chiến tranh:không còn cách nào tốt hơn là cách chúng ta phải chờ đợi

Hoàng Lê
 

Chiến tranh đã kết thúc gần 35 năm. Cho đến lúc này, một cảm giác cho thấy nền văn học viết về chiến tranh đã và đang trở nên mờ nhạt cho dù vẫn có những nhà văn viết về cuộc chiến tranh đó và có những nhà xuất bản vẫn cho ra mắt những tác phẩm mới và tái bản một số tác phẩm cũ đã viết về chiến tranh. Nhưng trong đời sống văn học Việt Nam, những tác phẩm này không tạo ra được dư luận trong bạn đọc nữa và không còn được bàn đến như trước kia. Tại sao vậy? Có phải vì chiến tranh đã chìm sâu vào ký ức của người Việt Nam hay những tác phẩm viết về chiến tranh không tìm được vị trí của nó nữa?

Khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1995, văn học chiến tranh một lần nữa tưởng có thể trở lại thời “huy hoàng” của nó. Nhưng nó chỉ giống mùa hoa cuối cùng của một cái cây, bừng nở rồi lặng lẽ tàn. Chính thời gian này lại là thời gian mà bạn đọc đợi chờ nhiều nhất những tác phẩm lớn về cuộc chiến tranh vừa kết thúc. Bạn đọc cho rằng: các nhà văn Việt Nam có đủ điều kiện và thời gian để suy ngẫm về cuộc chiến tranh có thể nói tàn khốc nhất thế kỷ XX. Nhưng hơn 30 năm sau chiến tranh, bạn đọc đã không nhận được sự đáp lại của các nhà văn Việt Nam cho dù số lượng tác phẩm viết về chiến tranh không ít.

Bây giờ, chúng ta thử gọi tên những tác phẩm trong thời gian đó xem những gì vẫn còn làm cho chúng ta phải đọc lại. "Thời xa vắng" chăng? "Nỗi buồn chiến tranh" chăng? Hay những gì nữa? Cả hai cuốn sách vừa nhắc ở trên đã từng gây lên một làn sóng dư luận trong đời sống văn học Việt Nam. Nhưng cả hai tiểu thuyết đó lại đi về hai ngả khác của cuộc chiến. Hình như nó không đi vào đúng “đại lộ” của cuộc chiến tranh ấy. Nó không lý giải được bản chất cuộc một cuộc chiến tranh nói chung và càng không lý giải được cuộc chiến tranh của người Việt Nam chống lại người Mỹ nói riêng.

"Thời xa vắng" nói về thân phận xã hội của một người lính. Nó chỉ là phụ bản về cuộc chiến tranh ấy mà thôi. Còn "Nỗi buồn chiến tranh" là một cuốn sách khá được của tiểu thuyết Việt Nam trong thời gian đó. Nhưng nó chỉ dựng nên nỗi sợ hãi và hoảng loạn của một người lính tham gia cuộc chiến. Nó làm lên một dư chấn tâm lý hậu chiến chứ không làm nên một dư chấn về thi pháp tiểu thuyết. Nếu nó không phải là một tác phẩm mang tính “phản chiến” thì cấu trúc học, ngôn ngữ học và tư tưởng của nó có gây ra dư luận như bản thân nó đã từng không? Nó chỉ là một món ăn lạ trên một bàn tiệc văn học  quá sáo mòn chứ không làm nên cả một bàn tiệc lớn.

Người ta cũng có nhắc đến những tác phẩm viết về của nhiều nhà văn khác. Nhưng tất cả họ đã không thể nào tạo ra được dấu ấn cho dù báo chí đã trợ giúp họ rất nhiều. Họ mới chỉ dựng lên được một phần hiện thực của đời sống người lính hậu chiến. Nhìn sâu vào những tác phẩm đó, chúng ta thấy đó chỉ là những “hồi ký” mang tính văn học về cuộc chiến tranh mà họ được chứng kiến ở một phía, một phần nào đấy.

 Bởi thế, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" ra đời đã nhanh chóng “đè bẹp” tất cả những tác phẩm văn học viết về chiến tranh trong thời bình mang đầy đặc điểm của hồi ký và chuyện kể. Đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", người ta lại tìm được một hiện thực đáng tin cậy và một thân phận sống động trong cuộc chiến hơn rất nhiều các tác phẩm văn học viết về chiến tranh sau 1975. Không biết các nhà văn viết về chiến tranh có nhận ra một điều gì từ sự kiện của cuốn nhật ký ấy hay không?

Đối với bạn đọc quan tâm đến những cuốn sách viết về cuộc chiến tranh này thì giữa một cuốn hồi ký hay nhật ký và một cuốn tiểu thuyết pha đầy tính hồi ký và chuyện kể họ sẽ chọn những cuốn hồi ký và nhật ký. Bởi ở đó, nếu nó thất bại trong việc đạt đến giá trị của sáng tạo văn chương thì nó vẫn còn những sự thật. Trong khi những cuốn tiểu thuyết hay tập truyện viết về chiến tranh trong thời hậu chiến lại thất bại ở cả hai phía. Đấy cũng là lý do cốt lõi mà bạn đọc không còn để ý đến những tác phẩm văn chương viết về chiến tranh.

 Tôi đang nói đến văn xuôi. Vậy còn thơ sau năm 1975 viết về chiến tranh thì sao? Tất cả những tác phẩm thơ sau chiến tranh theo tôi là thất bại khi định tái hiện lại cuộc chiến tranh này. Trong nhiều cách thức, theo tôi, thì Phạm Tiến Duật đã làm được những gì mà thơ ca cần làm hay muốn làm về cuộc chiến tranh ở phía của chúng ta. Thơ không nên tiếp tục viết về chiến tranh nữa và nhất là viết về chiến tranh như những tác phẩm thơ được viết sau năm 1975.

 Một trong những tác phẩm thơ viết về chiến tranh sau năm 1975 thi thoảng được nhắc tới. Đó là trường ca "Đường tới thành phố" của Hữu Thỉnh. Tập thơ này đã được Giải thưởng Hội Nhà văn. Cái mà trường ca này làm được cho những người đón nhận nó chính là nó tạo ra những món “khoái khẩu” của cái lưỡi duy cảm. Hầu hết các tác phẩm thơ viết về chiến tranh sau năm 1975 đã rơi vào nguy cơ của sự du dương hóa. Xin nhớ rằng, một tác phẩm lớn viết về bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng không phải là Chủ nghĩa anh hùng hóa hay Phản chiến hóa hay Thi vị hóa cuộc chiến tranh ấy. Một thực tế cho thấy, nhiều nhà thơ và không ít bạn đọc lại quá say đắm những câu thơ mà chúng chỉ là sản phẩm của phép tu từ học chứ không phải được khám phá bởi một cấu trúc mới của thể loại và một tư tưởng lớn từ tác phẩm viết về cuộc chiến tranh. Tất cả những trường ca hay tập thơ viết về chiến tranh của chúng ta chỉ bày tỏ được cảm xúc yêu nước chứ không làm được gì hơn cho thể loại này. Có lẽ chính vì thế mà nó rơi vào im lặng và cho đến lúc này, các tác giả trẻ và bạn đọc của một thời đại mới không hề có ý tìm đọc. Thơ viết về chiến tranh chỉ còn hiện ra trong sách giáo khoa bắt buộc và trong các nghiên cứu ăn lương của các nhà nghiên cứu văn học mà thôi.

 Trong một trăm người quan tâm thường xuyên đến đời sống văn học khi được hỏi có còn đọc văn học viết về chiến tranh không thì gần như 100% trả lời là không. Cả một trăm người này có cùng lý do. Một, văn học chiến tranh bây giờ không còn là mối quan tâm của họ nữa. Hai, không có tác phẩm văn học hay viết về chiến tranh. Họ cũng cho biết họ vẫn thích đọc những cuốn sách tư liệu về chiến tranh.

Chính thế mà những cuốn sách về những nhân vật tình báo, sách tư liệu dịch hay là những ghi chép trung thực của những người tham gia cuộc chiến, như "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" chẳng hạn, lại được đón nhận một cách nồng nhiệt. Cũng một trăm người này vẫn tin rằng sẽ có những tác phẩm văn học hay viết về cuộc chiến tranh vừa qua. Họ khao khát có một "Chiến tranh và Hòa bình" của Việt Nam.

Vậy ai sẽ là người biến khát khao của bạn đọc thành hiện thực? Phải là một nhà văn không trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh. Phải là một nhà văn sinh ra trong thời bình. Nhiều nhà văn và nhà phê bình văn học đã sai lầm khi cho rằng nếu các nhà văn tham gia chiến tranh không viết về chiến tranh thì sẽ không còn ai viết về chiến tranh hay được nữa. Các nhà văn tham gia trực tiếp cuộc chiến tranh vệ quốc ấy dường như đã cố gắng hết sức.

Dù có buồn đến đâu thì các nhà văn đó cũng phải nhờ cậy đến những nhà văn của một thế hệ mới. Yếu tố làm nên một tác phẩm lớn không bao giờ xuất phát từ những cảm xúc trực tiếp. Những cảm xúc chính xác nhất về chiến tranh phải là cảm xúc của một người sống trọn vẹn trong hòa bình và không mang nặng hệ lụy và tính thiên vị với lịch sử. Cảm xúc đó phải được sinh ra từ nền tảng mỹ học và tính chính xác của lịch sử.

 Nhưng liệu có ai trong những nhà văn tương lai của chúng ta viết về chiến tranh nữa không? Tất nhiên là có. Vì nền văn học của chúng ta vẫn còn nguyên món nợ với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới vẫn viết về chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Chỉ mới dăm năm trước đây, nước Mỹ còn bỏ tiền cho một số nhà văn của họ viết về những cái làng ở Châu Âu bị lính Đức tàn sát. Những bài học sâu sắc về chiến tranh mãi mãi là những trải nghiệm lớn nhất của con người. Nó không phải là nơi để con người ngạo mạn vì chiến thắng hay gục mặt vì thất bại. Nó là nơi hội tụ tất cả những thử thách đối với ý thức và lương tâm con người.

 Ngay bây giờ, sẽ chẳng có một nhà văn trẻ nào ngồi xuống với một tâm thế lịch sử để viết về cuộc chiến tranh vừa qua. Mặc dù, vẫn có những nhà văn trẻ viết truyện ngắn hoặc có thể là tiểu thuyết về người lính hay là về những vấn đề hậu chiến. Nhưng ngay cả việc viết về người lính hay về những vấn đề hậu chiến thì họ vẫn chưa tìm ra được một ngôn ngữ mới cho đề tài của họ. Có một thời và ngay cả bây giờ, không ít bạn đọc và cả nhà văn lầm tưởng rằng: viết ngược lại những gì mà các nhà văn tham gia cuộc chiến đã viết là họ đã tìm ra ngôn ngữ mới cho thể loại ấy và đề tài ấy. Đấy cũng là một nguyên nhân chủ yếu đưa họ đến thất bại trong đề tài này.

 Các nhà văn tham gia cuộc chiến bây giờ chỉ còn đủ sức lực, trí tuệ và thời gian tổng kết sự nghiệp sáng tạo của mình mà thôi. Còn các nhà văn trẻ đang cầm bút thì chưa đủ yếu tố để tạo ra bất cứ cơn “địa chấn” nào khi viết về chiến tranh. Họ đang rơi vào trạng thái của những kẻ ghét chiến tranh và yêu hòa bình đầy cảm tính. Và đôi khi những điều đó đối với họ như là Mốt. Họ đang bị quá nhiều khuynh hướng và quá nhiều quan niệm làm cho rối loạn. Như một nhà văn đã viết: họ đang chống lại cái cũ của những nhà văn thế hệ trước nhưng lại không chống được cái cũ của chính mình.

Dù chúng ta có tổ chức hay vận động bằng cách nào đó và với một khả năng tài chính khổng lồ đến đâu để các nhà văn viết về cuộc chiến tranh vừa qua thì kết quả chúng ta thu được cũng hầu như là những tác phẩm cũ mòn và cảm tính. Chúng ta không thể sốt ruột được. Và không còn cách nào tốt hơn là cách chúng ta phải chờ đợi. Bởi cuối cùng cũng sẽ phải có ít nhất một nhà văn cầm bút để lý giải một cách đầy đủ và công bằng nhất về cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng cũng rất kỳ vĩ của  thế kỷ XX ấy.