Phạm Khôi người con ưu tú của Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng

28.12.2009

Phạm Khôi người con ưu tú của Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng

 

T ôi chỉ thật sự biết thêm về ông khi được cầm cuốn nhật ký do chính ông ghi chép quá trình hoạt động cách mạng trên tay, đặc biệt hồi ức về những tháng năm không thể nào quên. Ở đó vị Bí thư tỉnh ủy Anh hùng Phạm Khôi hiện ra đầy bản lĩnh. Có lẽ cũng giống như nhiều người, tôi chỉ biết đến ông qua sách báo với chức danh Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi cũng đã đọc những kỷ niệm của ông về những ngày tháng oanh liệt nhưng đầy gian lao. Tôi có cảm giác như ông xem đó là một việc rất bình thường, không có gì đáng kể, nhưng giờ đây nhìn lại mới thấy nó thật phi thường.
 
Những hoạt động “nằm vùng” của ông trong những ngày cách mạng miền Nam nói chung, Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng bị tắm trong biển máu bởi sự hà khắc của  chính quyền Ngô Đình Diệm có thể xem là những kỳ công. Tôi như còn thấy đâu đây trên từng tấc đất quê hương còn đó dấu chân của vị Bí thư tỉnh ủy Phạm Khôi suốt nhiều ngày không một hạt cơm vào bụng, phải vượt bộ từ Tiên Phước băng qua Thăng Bình xuống Duy Nghĩa rồi bò qua Quế Xuân, lên tận Trà Kiệu, Duy Hòa bơi qua sông Thu Bồn, xuyên Đại Lộc về Giằng, Hiên... Một đoạn đường quanh co với núi đồi, đồn bốt quân địch, trảng cát trống, sông dài, hầm sâu, rừng rậm... bị cơn đói tra tấn, bệnh tật hành hạ vẫn kiên gan gây dựng cơ sở, móc nối, xây dựng phong trào, thành lập căn cứ địa cách mạng. Mặc dù bị thương nặng, một phần máu, thịt đổ xuống chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng khí phách, tinh anh của Phạm Khôi vẫn còn và nó như ngọn lửa, cháy bùng thiêu đốt bầu nhiệt huyết và tinh thần của thế hệ con cháu theo Đảng, theo ông làm cách mạng, quét sạch quân thù, giải  phóng quê hương, thống nhất nước nhà.
 
Trong lý lịch của Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Khôi, những dòng ghi về hoàn cảnh xuất thân : ”tôi là con nhà nghèo” và có lẽ chính vì thế mà suốt đời ông cống hiến hy sinh cho cách mạng, cho giai cấp vô sản: “giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục”.
 
Phạm Khôi trưởng thành từ một công nhân, sinh trưởng trong một gia đình mẹ là nông dân, cha là nhà nho sa sút. Cha Phạm Khôi qua đời lúc ông mới 9, 10 tuổi. Ông phải tự lập từ rất sớm. Mới 16, 17 tuổi ông đã phải xuống Đà Nẵng làm thuê trong nhà một người thợ hỏa xa. Về sau, ông đi làm thợ dệt. Chính những bước trưởng thành của một công nhân dệt mà ông sớm được giác ngộ cách mạng (1936), hiểu được sức mạnh và vai trò cách mạng của giai cấp vô sản và được giáo dục, suốt đời đi theo đường lối của Đảng. Nhân cách của Phạm Khôi đã một thời tỏa sáng trên vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng trung dũng kiên cường. Biểu hiện nổi bật của Phạm Khôi từ thời niên thiếu đến ngày từ giã cõi đời là một lòng kiên trung cách mạng, không dao động, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Trong những ngày đất nước chìm trong bóng đêm của nhiều ách đô hộ, ông là một trong những người bám giữ phong trào cách mạng chắc chắn nhất. Ông xây dựng Đảng, ở Quảng Nam – Đà Nẵng, chưa ai phát triển kết nạp đảng viên nhiều bằng ông. Trước cách mạng tháng Tám, dù phải trải qua mấy năm tù đày  nhưng hình như càng khó khăn, thử thách thì ông càng được tôi luyện trong gian lao để vững vàng hơn. Ra khỏi nhà tù thực dân ông nhanh chóng móc nối với tổ chức và thành lập Tổng ủy Định An thuộc phủ ủy Điện Bàn. Tháng 8.1945 ông chỉ đạo Tổng ủy Định An vận động nhân dân trong vùng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.
 
Thời chống Pháp và chống Mỹ, toàn dân vùng cát không người nào không biết Phạm Khôi, ông Đồi. Hai ông là biểu tượng của Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh, lãnh đạo phong trào kháng chiến của người dân vùng cát. Chỉ cần nghe tên hai ông là người dân xúc động và sung sướng. Hiếm hoi mới có những con người tuyệt vời sống trong lòng nhân dân như vậy. Giờ đây, những người 70 – 80 tuổi đều nhớ, đều thương, đều biết Phạm Khôi, đều nhớ đến ông Đồi, những người lãnh đạo Đảng chủ chốt nhưng có một cuộc sống hết sức khổ cực, nguy hiểm, đã bao phen vào sinh ra tử để dìu dắt người dân vùng cát theo Đảng làm cách mạng.
 
Chuyện kể về tinh thần chia ngọt xẻ bùi, nhường cơm xẻ áo của Phạm Khôi thôi thì nhiều lắm. Hồi 1952 nạn đói xảy ra trên toàn Khu 5. Nhiều nơi người ta phải ăn rau, ăn quả dại chống đói. Trong một lần Phạm Khôi về thăm nhà, trên có cho ông mấy ô gạo. Ông đổ vào ruột tượng mang về tới Hòa Vang, khi ghé qua nhà một người bạn là cán bộ, ông nghe kể đã nhiều ngày qua nhà không có gạo ăn, liền trút hết ruột tượng gạo cho bạn. Về nhà mới biết thóc gạo trong nhà sạch nhẵn. Vợ con đói mấy ngày nay. Ông thương vợ con quá chỉ nói gọn một câu : “Đáng lẽ nhà mình bữa ni có cháo húp. Nhưng bạn bè khổ hơn, Phạm Khôi cho hết gạo họ rồi!”. Bà vợ Phạm Khôi tiêu biểu cho một người vợ cán bộ, người dân Quảng Nam trung kiên, thực thà, giàu tình thương. Nghe chồng kể chị không nói câu nào, chỉ biết quay mặt đi, càng thương, càng quý chồng. Giữa thời buổi chiến tranh muôn ngàn gian khó, Phạm Khôi lúc nào cũng trung thực, trong sáng, không một tì vết ham của, ham chức, là người cha mẫu mực, là cán bộ Đảng viên gương mẫu. Vợ chồng ông sinh được 3 trai 1 gái. Trong thời buổi ấy, vợ ông một tay nuôi dạy con để chồng yên tâm công tác. Bây giờ cả 4 con của ông đều trưởng thành và giữ nhiều chức vụ cao, quan trọng làm vẻ vang truyền thống của một gia đình cách mạng, trở thành niềm tự hào của dân làng Điện Tiến, Điện Bàn anh hùng.
 
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), được lệnh của khu ủy, Phạm Khôi cùng một số đồng chí trong cấp ủy ở lại để lãnh đạo phong trào của tỉnh. Trong khoảng thời gian 1955-1956, trong một cuộc họp Tỉnh ủy, Phạm Khôi được phân công phụ trách cánh Nam, xuống đóng ở Hội An (Xóm Chiếu). Hồi đó, ông Trần Bắc làm cán bộ tuyên huấn, ông Phan Đấu phụ trách Văn phòng tỉnh ủy. Ông Phan Tốn, làm Bí thư giải quyết công việc chung ở cơ quan. Ông Cao Sơn Pháo phụ trách cánh Bắc, gồm Đà Nẵng, Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang. Trong thời gian ông Cao Sơn Pháo đang truyền đạt nghị quyết ở Đại Lộc, bọn địch ở Đại Hiệp, Đại Lộc theo dân vào rừng, đã phát hiện ra nơi các ông ở. Ông Pháo bỏ súng lục trong xách, mang trên vai chạy, bị truy đuổi ông vẫn không dám bắn lại (trong ban Thường vụ tỉnh ủy, tất cả đều có súng lục, nhưng không cho ai biết, lại có lệnh không được nổ súng trong thời gian hiệp thương, tổng tuyển cử). Địch bắt được ông Cao Sơn Pháo và bắn chết ông ở cầu Chánh Cửu.
 
Trong khi cán bộ, bộ đội từ sông Hiền Lương vào tận chót mũi Cà Mau tập kết ra Bắc và chờ Tổng tuyển cử. Phạm Khôi là người đã có những nhận định chính xác âm mưu thủ đoạn của địch, ông cho rằng chúng sẽ không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông đã đề xuất với Tỉnh ủy, báo cáo với Khu ủy xin cho chủ trương chôn cất vũ khí, không chuyển hết ra ngoài Bắc, ngoài ra còn xây dựng tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng các căn cứ địa dự phòng, đảm bảo cho các huyện này luôn giữ được phong trào cách mạng. Ngoài nguồn vũ khí đạn dược được chi viện của miền Bắc vào qua gùi cõng, đánh lấy của địch, thì đây là nguồn lực vũ khí, đạn dược, hậu cần đầu tiên để góp phần quan trọng vào chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh, thành phố trong những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ tại Quảng Nam.
 
Giờ đây, trên khắp các huyện thành thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, vẫn còn đó di tích của cuộc chiến tranh thần thánh. Sức mạnh thiêng liêng của nhiều thế hệ cha anh đem máu xương đổi lấy nền hòa bình dân tộc. Những người như Phạm Khôi ghi công lớn đối với phong trào cách mạng của quê nhà, đặc biệt là những đóng góp xây dựng lực lượng vũ trang. Nói đến ông là người ta như còn thấy một chiến sĩ cách mạng luôn chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, luôn gắn bó và kịp thời động viên lực lượng vũ trang, đồng thời cũng là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức các chiến dịch đánh địch xuất sắc. Ở Hội nghị trù bị Nghị quyết 15 (1959 ở Hà Nội), người cộng sản trung kiên, trung thành, dũng cảm  Phạm Khôi đã dám thưa với Bác Hồ : “Phải đánh thôi Bác! Không đánh, dân mình còn bị chặt đầu, lột da, còn Đảng thì yếu dần và chết, vì không còn đảng viên hoạt động...” Trong khi nói, nước mắt Phạm Khôi ứa ra, ông không chặm. Nước mắt Bác Hồ cũng ứa ra. Chỉ những người như Phạm Khôi tận mắt chứng kiến cảnh giặc thù đàn áp phong trào nhân dân đấu tranh đòi Hiệp thương tổng tuyển cử, cảnh Quốc dân Đảng bắt bớ, giết chóc Đảng viên Cộng Sản, cảnh nhân dân yêu nước sống cảnh nồi da xáo thịt, cán bộ nằm vùng phải lên máy chém, máu chảy đầu rơi,... mới có một quyết tâm sắt đá là phải đấu tranh vũ trang. Bác Hồ nghe Phạm Khôi bày tỏ thái độ đã cầm tay Phạm Khôi rất chặt, như để truyền lòng tin và tình yêu cho đứa con miền Nam dũng cảm. Giờ đây không dễ mà hình dung nổi một con người cương quyết như thế, nhất là khi ra đến Hà Nội yên ổn ông vẫn tình nguyện xin về Nam chiến đấu.
 
Trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật, khổ quá, đói, đau triền miên, răng ông rụng nhiều. Ăn uống rất khó khăn. Ra Bắc, có điều kiện ông đề nghị bác sĩ nhổ cả hàm răng trong chỉ một tuần. Ông làm 2 bộ răng giả, một bộ ông đeo, bộ khác ông cất, dự phòng trường hợp bị mất, hư trong lúc chiến đấu.
 
Ở chiến trường giữa thời kỳ đen tối, đói, đau triền miên. Cán bộ đảng viên không còn nơi nương tựa trong dân. Mật thám giăng đầy ngõ ngách, nghi bắt và đánh ai thì đúng kẻ nấy, khiến dân vô cùng lo sợ. Nhiều người bị bắt đã phải dùng dao tự sát để tránh những trận đòn tàn khốc của quân thù. Chưa cuộc cách mạng nào mà như vậy cả. Lực lượng nằm vùng giơ lưng cho giặc đánh. Trước tình thế đó Phạm Khôi một mình đảm đương mọi việc. Ông xuống vùng địch bắt liên lạc, phát triển cơ sở, tổ chức lại lực lượng. Ban ngày nhiều hôm ông hẹn người làm việc giữa đám mía, khi gặp nguy ông nhập vào dân. Ban đêm ông cũng đánh trống gõ mõ, địch không hề biết ông là Đảng viên kỳ cựu đi xây dựng phong trào. Vào làng liên lạc là việc vô cùng khó khăn, người khác không vào được nhưng ông vẫn vào ra thường xuyên. Dân thương ông nguyện liều chết để bảo vệ ông.
 
“Công lớn nhất của ông Mười Khôi là sắp xếp, khôi phục lại giang sơn của tỉnh này”, cựu Bí thư Huyện ủy Điện Bàn Nguyễn Tất Thắng nói: “Ông nhạy bén lắm. Khi thấy địch không thi hành Hiệp định, sau khi quân ta tập kết hết rồi, thấy không bảo tồn được lực lượng, ông đã nhanh chóng huy động 3.000 cán bộ đưa lên núi để bí mật đưa ra Bắc. Ông nói phải đưa đi gấp, để lại sẽ chết hết. Chính tôi được ổng giao nhiệm vụ đưa số cán bộ này đi, ổng bảo tôi: chú ở lại cũng không làm được gì. Việc này khó khăn không kể xiết, muối không có, ký-ninh (chữa sốt rét) không có. Chúng tôi phải xoi đường mà đi, nhờ đó mà sau mới có đường mòn, mà cũng nhờ đó mà sau này có cán bộ lần lượt đưa về hoạt động. Không có ông Mười Khôi, một manh áo cách mạng cũng không còn...”
 

Năm 1965, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang lên cao, quân ta mở rộng vùng giải phóng, lúc bấy giờ ta lấn xuống đồng bằng chiếm lĩnh 2/3 dân số, 4/5 đất đai, so với giai đoạn trước thời kỳ này nhìn chung thuận lợi hơn. Phạm Khôi đảm nhận nhiệm vụ mới, khó khăn gian khổ không kém gì trước đây. Nhiều đợt ông đi từ sông Bung A Vương xuống bắt liên lạc chi bộ đơn tuyến Hội An. Có đợt đi 6 tháng. Một lần từ sông A Vương ông xuống tới Đại Lộc, đi vào đêm tối không trăng. Ông nghỉ lại nơi đây và tranh thủ đào hầm bí mật. Có lần ông đào liên tục trong nhiều đêm, cứ đào cái mới xong thì quay lại chỗ cái cũ nằm nghỉ, tối trăng sau xuống đào hầm mới rồi quay lại nghỉ chỗ cái hôm trước,... cứ thế không nhớ nổi ông đào bao nhiêu hầm bí mật. Về sau dân mình đông, đất đai mở rộng. Thời kỳ này lớp thanh niên Nguyễn Văn Trỗi lên vùng giáp ranh, lên căn cứ gặp quân giải phóng ngày càng đông.

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập “Hội đồng cung cấp tiền phương”, cử đồng chí Đào Đắc Trinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng cung cấp tiền phương có nhiệm vụ: lãnh đạo, huy động, vận chuyển, cung cấp nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc; thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo đảm mạch máu giao thông, đáp ứng phục vụ yêu cầu chiến đấu, sản xuất tự túc, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng được giữ vững và phát triển bất kỳ tình huống nào. Trong thời điểm cuộc kháng chiến ngày càng khó khăn, gian khổ, ác liệt, quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà vẫn giữ thế chủ động liên tục tấn công tiêu diệt sinh lực địch. Chúng ta không thể nào quên trận đánh Mỹ đầu tiên ở Núi Thành lịch sử. Tưng bừng trong khí thế chiến thắng “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, Hội đồng cung cấp tiền phương giao cho ban nhân sự phối hợp với thanh niên nhân dân cách mạng tỉnh cùng các đội công tác và đoàn cơ sở vận động nam nữ thanh niên gia nhập TNXP với khẩu hiện: “Không tiền tuyến, không hậu phương, đâu Đảng cần thanh niên có mặt”. Do yêu cầu của mách mạng, lớp thanh niên Nguyễn Văn Trỗi được điều động huấn luyện để bổ sung vào lực lượng vũ trang cách mạng.
 

Hồi đó ông đảm đương một công tác đặc biệt là đi khảo sát lại một mảng chiến trường rộng lớn của tỉnh, cùng đi với ông có một anh thư ký và một cậu bảo vệ. Trên đường đi, đến Bằng Dinh (Tam Kỳ), thì họ vấp mìn. Ông thật sự không biết mình đạp phải mìn hay cậu Việt thư ký, chỉ biết Việt hy sinh ngay tại chỗ, còn ông thì bị thương rất nặng. Cậu bảo vệ để ông nằm lại cạnh thi thể cậu Việt và đi gọi du kích đến khiêng ông. Sau này ông kể lại rằng: cậu bảo vệ đi rồi, ông nằm lại một mình với cái chân nát bét từ mười giờ sáng đến 5 giờ rưỡi chiều. Nghe ở dưới địch bắn lên hàng loạt, ông lo địch tấn công phải ráng bò lên một tảng đá. Ông chấm tay vào máu từ vết thương viết vài lời nhắn nhủ : “Nhất định tôi chết, nếu anh em gặp thì chôn cất đi”. Rồi ông lên đạn khẩu súng trên tay, dự trù địch tiến đến thì bắn, sẵn sàng chết tại chỗ. Nhưng đến 5 giờ rưỡi chiều thì du kích đến cáng ông đi và mang cả xác người thư ký về chôn cất. Vừa ra khỏi chân đèo Bằng Dinh thì trời đã tối. Cậu y tá chích cho ông mũi thuốc, lúc đó ông đã bất tỉnh. Cứ thế anh em khiêng ông đi suốt đêm, sáng hôm sau về đến cơ quan tỉnh, được y sĩ hướng dẫn khiêng tiếp đến bệnh viện tiền phương của tỉnh ở Tam Kỳ. Ông nằm viện ở đó 3 tháng. Bị thương nặng không trở lại chiến trường được, ông được đưa ra Bắc tiếp tục điều trị vết thương, rồi được gửi đi học văn hóa, bồi dưỡng công tác lý luận ở trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1973, ông được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định đề bạt làm Trưởng tiểu ban xét duyệt Đảng tịch cho các đảng viên ở tù ra. Sau đó được bổ nhiệm làm Phó bí thư thường trực Ban Cán sự Đảng B, cho đến ngày giải phóng.

 

Một thế kỷ máu lửa đã đi qua, sau khi làm cuộc Cách mạng tháng Tám trời long đất lở để giành lại độc lập nước nhà, người Việt Nam phải liên tục tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm: chống Pháp, đuổi Mỹ, rồi chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu người đã ngã xuống, hàng triệu người để lại một phần máu xương cho đất nước. Không ai trong số họ đem máu xương ra để đổi lấy sự ghi công, để đổi lấy sự khen tặng. Một người luôn có chính kiến, tất cả chỉ vì nhiệm vụ thiêng liêng đã được Đảng và Nhân dân giao phó, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà như ông Phạm Khôi đã sống trọn đời vì Đảng vì Dân.

Con người từng làm những chuyện “kinh thiên động địa” một thời, sau giải phóng là một thương binh hưu trí, sống lặng lẽ như một người dân thường, không bao giờ nói về công tích của mình, nhưng nói Quảng Nam “trung dũng kiên cường” mà không nói đến ông Phạm Khôi và không biết rõ những gì mà ông đã làm thì không thể hiểu được vì sao mảnh đất này được mang danh hiệu đó. Tôn vinh đúng mực Phạm Khôi cũng là để tạo tiền đề để tôn vinh những người khác cùng thời với ông và tiếp bước ông đem cuộc đời mình, đem xương máu, trí tuệ của mình đấu tranh giữ gìn từng tấc đất của quê hương.
 
Giờ đây ông đã đi xa. Ông đi xa nhưng những suy nghĩ và hành động vì quê hương đất nước, vì sự nghiệp xây dựng thành công Tổ quốc phồn vinh, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh của ông vẫn gần gũi, sống mãi trong bao đồng bào, đồng chí. Ông ra đi nhẹ nhàng, thảnh thơi, tự tại chắc hẳn ông rất yên lòng bởi đất nước, quê hương đang từng ngày đổi thay diệu kỳ, luôn nở rộ những vườn hoa làm đẹp cho đời. Ngày ông ra đi, ông để lại trong lòng cán bộ, nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng và bao bạn bè, đồng chí niềm tiếc thương vô hạn. Tưởng nhớ và biết ơn một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một người con ưu tú của đất Quảng, cuối năm 2007, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng danh hiệu anh hùng cho ông Mười Khôi, đúng 20 năm sau ngày ông qua đời. Tính đến thời điểm hiện nay, ông là Bí thư Tỉnh ủy duy nhất được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Việc phong anh hùng cho con người đặc biệt như Phạm Khôi diễn ra tuy muộn màng nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao. Đọc những dòng tiểu sử của ông Mười Khôi và những ghi chép về ông trong một số sách truyền thống của tỉnh nhà, có thể thấy ông có chức vụ cao trong kháng chiến, nhưng chưa thể thấy hết tầm vóc của một bậc anh hùng...
 

Tổ quốc và nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng mãi khắc ghi công lao ông, bản lĩnh ông, trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng của ông mà theo thời gian ngẫm lại càng thấy giá trị tinh thần cao hơn tất cả và đó là ánh sáng chói lọi của ngọc châu giữa đời này.

 
THÙY LÊ