Chú Hai !

28.12.2009

Chú Hai !

Truyện ngắn
 
Tặng em Hoàng Hoài Nhơn
 

Chú Hai giơ cao gói kẹo, cười thật lớn nói thật to với bọn trẻ con chúng tôi “ Đứa nào chửi đ... mẹ chú Hai thì được ăn kẹo!”. Sau một giây im lặng trước lời đề nghị vô cùng bất ngờ của chú Hai, gần như tất cả bọn con trai chúng tôi đều đồng thanh hét lên “ Đ... mẹ chú Hai! Đ... mẹ chú Hai!”. Không phải chúng tôi không biết nói tục là xấu nhưng những viên kẹo trước mắt chúng tôi hấp dẫn quá. “ Đ...mẹ chú Hai” - những cái miệng non nớt há ra khép vào thật nhanh. Những cặp mắt hau háu nhìn gói kẹo. Những bàn tay chấp chới chìa ra. Chú Hai quay sang bọn con gái “ Bộ mấy đứa không muốn ăn kẹo sao?”. Mặt cái Hằng, cái Mỹ, cái Chi đứa nào đứa nấy đỏ bừng, còn cái Huệ cái Thu thì bụm miệng cười. Chú Hai chậm rãi “ Ừ, mà đờn bà con gái không mấy khi chửi thề!”. Chú Hai mở gói kẹo chia cho chúng tôi, cả bọn con gái không chửi cũng có phần. Những chiếc kẹo bọc trong giấy bóng xanh xanh đỏ đỏ xoắn hai đầu, cứng ngắt nhưng ngọt lịm làm chúng tôi thích mê. Chú Hai dặn “Lần sau chửi phải giống chú mới được ăn kẹo nghen!”. Chú Hai dặn thế, bởi bọn chúng tôi đứa tiếng Bắc, đứa tiếng Trung, còn chú người Nam bộ. Chú lại bảo “Không có cái gì trên đời này không phải học cả!”. Chú Hai có lý, “ Đ...mẹ chú Hai!”, chỉ một câu chửi đơn giản tôi không bắt chước chú được. Nghe chú Hai chửi sao mà vui, sao mà ấm cúng, hệt một tiếng reo mừng sau nhiều ngày không gặp nhau vậy thôi! Nhưng tại sao chú Hai lại bảo chúng tôi chửi chính chú ? Không khùng, không giả vờ khùng nhưng xử sự như khùng, thật không bình thường chút nào!

Chủ nhật bọn tôi hay chơi đá bóng, kiểu bóng đá hang tôm - bây giờ gọi là bóng đá mini. Sân nhỏ, cầu môn chỉ rộng mét, mét rưởi. Mỗi bên dăm bảy đứa, chân đất mình trần quần nhau không biết mệt. Có hôm bên tôi thiếu người nhìn thấy chú Hai đang đứng coi, tôi gạ gẫm chú vô làm thủ môn. Không đợi tôi nói tiếng thứ hai, chú Hai cởi đồ, vận quần đùi áo may ô vô sân liền. Cầu môn nhỏ, còn chú Hai to lớn lừng lững, mới nhìn đã ngợp, đối phương sút hoài không qua nổi chú. Nhưng chỉ vài lần tụi nó đổi chiến thuật, lừa bóng qua chú Hai, ghi bàn gỡ hòa. Tôi nổi quạu la “ Chú Hai dở ẹt!”. Chú Hai cãi “ Mấy đứa phòng ngự dở chứ bộ! Đá chi để nó chuyền cho nhau như chỗ không người, buộc thủ môn phải xuất tướng!”. Bóng đá là trò chơi tập thể, chú Hai nói không sai. “ Ra biên! Ra biên! Chuyền ra biên!”, “ Nhào vô! Nhào vô đi mấy đứa! Chọc khe đi! Chọc khe đi!”, “ Lùi về! Nó đánh trung lộ đấy!”...Tiếng chú Hai quát tháo oang oang làm cho cuộc chơi sôi động hẳn lên. Hăng tiết, chú Hai “ xuất tướng” thiệt, lên tận cầu môn đối phương sút phạt và ghi bàn. Nhưng đội bạn không chịu, nói chú Hai người lớn, chỉ được làm thủ môn. Chú Hai cãi, bảo thủ môn sút phạt là chuyện bình thường. Đuối lý, một đứa bỗng văng tục “ Đ...mẹ chú Hai ăn gian!”. Vừa nghe thấy câu chửi chú Hai há hốc miệng đứng như trời trồng, rồi cười ha hả “ Giỏi! Giỏi lắm! Thôi được, Coi như huề! Mấy đứa vô nhà chú uống nước đường nghen!”. Gì chứ nước đường thì chúng tôi không từ chối. Ngày ấy đường là thứ xa xỉ, chỉ giành cho người đau ốm, trẻ nít. Vô nhà, chú Hai lấy một bình nước to tướng, trút cả thẩu đường cát trắng tinh vào quậy cho tan. Trước những cặp mắt thèm thuồng, những cái lưỡi đang liếm mép của chúng tôi, chú Hai rót một ca nước đường đầy đưa cho thằng bạn tôi - cái thằng vừa chửi chú lúc nãy, khen “ Mày bắt chước gần giống chú rồi đấy! Xứng đáng được uống đầu tiên! Nhưng nhớ chỉ được chửi chú thôi nghen!”. Sau đó chúng tôi đứa trước đứa sau nhanh chóng uống cạn bình nước đường, dốc ngược bình lên cũng không còn giọt nào chảy ra!...

Chú Hai kể chuyện cho chúng tôi nghe. Chuyện quê chú mà chúng tôi cứ ngỡ ở xứ thần tiên nào đó. “ Rau muống trong chú to bằng cổ tay, trước khi luộc phải ngâm trong bỗng rượu cho bớt béo!”...”Cá hả ? Mấy đứa biết không, cá trong chú phải bằm bớt cho heo ăn. Nhiều lắm, đặc sệt kênh rạch à. Muốn ăn thứ cá gì có thứ cá ấy. Trời đất, con cá lóc to bằng bắp chân chú nè. Thím tụi bây phải nhờ chú đánh vảy chớ sức đờn bà con gái sao làm nổi! Bộ lòng của nó vừa béo vừa bùi, nhậu hết sẩy luôn. Chỉ nhậu bộ lòng thôi, còn con cá ai thèm ăn!”...” Trái cây hả ? Đứa nào muốn ăn trái cây về quê chú. Ổi, mãng cầu, bưởi, chôm chôm, lòn bon, măng cụt, vú sữa ...vô thiên lủng! Mà mấy đứa nhớ đội nón chớ trái cây rụng u đầu đó nghe!”...Chú Hai say sưa kể, vừa kể vừa làm điệu bộ. Tôi nhìn cái bắp chân to tướng của chú Hai, tưởng tượng con cá lóc khổng lồ đang bơi lội trước mặt. Tôi nhìn cái cổ tay chú Hai, không sao hình dung rau muống quê chú luộc thế nào! Một đứa nào đó hỏi chú Hai về thím Hai. “ Thím Hai tụi bây ở trỏng chờ chú! Chú cưới thím mới có mấy ngày hà...Thím bây đẹp như tiên nữ, nước da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ hồng, mắt đen láy, tóc dài ngang hông...Tụi bây tưởng mấy cô mấy chị diễn viên đẹp hả ? Tầm bậy! Chỉ đáng xách dép cho thím Hai tụi bây thôi!... Mà bả nấu ăn tuyệt ngon. Mới nhen lửa, chưa bắc nồi bắc chảo mùi thơm đã bay khắp xóm. Chú đố tụi bây tại sao không có gì mà thơm ?...”. Không đợi chúng tôi trả lời, chú Hai tiếp tục luôn “Là vì cái mùi thơm của mấy món ăn thím tụi bây mần hôm qua còn đọng lại trong củi, trong mấy ông táo, gặp lửa mới nhen là thơm liền liền à!” Vẫn cái thằng lúc nãy cắc cớ hỏi chú Hai rằng đẹp vậy giỏi vậy sao thím chịu lấy chú Hai, không lấy người khác? Chú Hai cười khà khà “ Tại chú Hai đẹp trai, chú Hai ca vọng cổ mùi mẫn, tại chú Hai tụi bây dũng cảm, làm giao liên bị bắt bị đánh đập chú nhất quyết không khai!”...Phải công nhận chú Hai đẹp trai, cao lớn trắng trẻo. Chủ nhật cao hứng chú vận bộ đồ lụa mầu mỡ gà, chân đi giầy đen đầu đội mũ phớt tay cầm cây ba toong, trông chú hệt người ngoại quốc! Cái miệng chú Hai có duyên, kể chuyện nghe sướng lỗ tai! Chúng tôi ham chuyện chú Hai, còn chú Hai thì ham kể cho tụi tôi. Chuyện quê chú, chuyện thím Hai vợ mới cưới của chú, ngoài ra không có bất cứ chuyện gì khác nhưng nghe mãi không chán, nghe hoài vẫn muốn nghe. Cũng chuyện ấy, tích tuồng ấy, mỗi lần kể đều thêm tình tiết mới. Cũng vẫn chỉ là thím Hai, nhưng ngày hôm sau ngàn lần đẹp hơn, dễ thương hơn ngày hôm trước!

Tôi để ý chú Hai chỉ vui khi chơi với bọn trẻ nít chúng tôi. Chú quý mến tất cả mọi người, nhưng trong thế giới người lớn trông chú cứ lạc lõng thế nào ấy. Đặc biệt khi một mình, mà phần lớn thời gian là như thế, trông chú Hai buồn. Công việc của chú Hai là làm đạo cụ cho đoàn tuồng. Tôi không rõ sao chú Hai lại về công tác tại đoàn tuồng, nơi chú không có một người đồng hương nào. Với lại hình như chú Hai không rành lắm công việc của mình. Mới đầu tôi thấy các ông họa sĩ, đạo diễn cứ rầy chú. Khi bị rầy la tôi thấy tội nghiệp chú Hai, mặt chú rầu rĩ như vừa phạm phải một sai lầm kinh khủng nào đó. Nhưng phải nói chú Hai khéo tay và ý tứ, chỉ một thời gian sau những lời khen đã thế chỗ những lời phàn nàn. Những chòm râu khác nhau - râu cắt cho tướng biển tướng núi, râu ba chòm dùng cho một số võ tướng có cốt cách văn thần, râu quắn cho những võ tướng tính tình nóng nảy... đều được chú Hai tỉa tót, đẹp không chê được. Còn những loại râu như râu liên tu dùng cho các nhân vật có tính cách tuổi tác khác nhau, chú Hai hỏi kỹ trước khi làm, bởi đều là râu liên tu nhưng của ông Phàn Định Công thì bạc, ông Tạ Ôn Đình thì đen, ông Ngô Tôn Quyền thì ngũ sắc... Cẩn thận hơn, chú Hai chịu khó xem các nghệ sĩ các diễn viên biểu diễn, coi thử chòm râu, ngọn giáo, những cái mão Cửu long mão Cửu phụng mão Bình thiên...do mình làm có chỗ nào cần chỉnh sửa. Thời gian sau này đoàn tuồng thường diễn những vở đương đại, chú Hai ít việc, cùng lắm là đẽo mấy cây súng trường súng tiểu liên bằng gỗ rồi sơn đen. Rỗi rãi chú Hai nằm khèo hát cải lương, ca vọng cổ. Không phải chú không thích tuồng nhưng chú nói tuồng khó hát khó diễn, không hợp với cái tạng của chú. Tôi tin lời chú Hai, bởi ngồi cạnh chú khi xem lớp Hoàng Phi Hổ lăn trướng tôi thấy chú cứ vặn vẹo, nước mắt lăn dài trên má. Ờ, mà vợ chú đang ở trong quê, biết đâu không bị loạn dâm như vợ ông Hoàng Phi Hổ mà tự sát? Chuyện xưa vận vào chuyện nay, chuyện người ta thành chuyện mình, người trên sân khấu người đang ngồi coi biết ai tâm sự hơn ai? Chạng vạng nghe chú Hai xuống mấy câu vọng cổ hình như trời tối mau hơn. Vọng cổ vốn buồn, vốn mang nặng tâm tư, không nhớ quê kiểng thì nhớ người thương. Cả hai nỗi nhớ dồn trong một chú Hai nên tiếng đờn của chú khắc khoải, giọng ca của chú cồn cào gan ruột. Ca xong một bản, bữa đó tự nhiên chú Hai bứt dây đờn làm tôi hoảng hồn. Chú bảo mày chửi chú Hai đi, chửi cho ngon vào. “ Đ...mẹ chú Hai! Nào, chửi đi!”. Như bị ma ám, tôi lập tức lặp lại lời chú. Chú Hai xoa đầu khen, bảo tôi về nhà. Giọng chú Hai khàn khàn, có vẻ như chú khóc nhưng cố nín cố không cho tôi biết.

Mẹ tôi bảo ba tôi góp ý chú Hai, nói chú đừng khùng, dạy bọn trẻ nít chúng tôi chửi bậy. Ba tôi thở dài “ Ở đây có mình hắn là người Nam bộ, hắn nhớ quê nhớ vợ, hắn thèm một tiếng chửi của quê hương, chớ hắn tốt lắm đấy!”. Ba tôi có lý, tôi thấy các bác các chú khi mắng chúng tôi thường nói “ Cái tổ cha mi!” chứ có ai mắng chửi như chú Hai đâu! Vài tháng sau chú Hai đi B., đợt đầu tiên. Đi rồi bặt tin luôn. Rất có thể chú Hai đã hi sinh...

Bây giờ mỗi khi gặp chuyện gì đó vượt quá sức chịu đựng, tôi ra giữa sân ngửa mặt lên trời hét thật to “ Đ...mẹ chú Hai!”!

 

HOÀNG