Trước biển

28.12.2009

Trước biển

Ghi chép
 
Đứng trước biển, đã bao lần tôi tự hỏi: "Vì sao mặt biển thường màu xanh chứ không phải là trắng, đen, tím, đỏ...? Rồi tự trả lời bằng ý niệm xưa nay, rằng vì màu xanh là màu của hy vọng, của lòng khát khao về công bình, là màu của công lí, hay biểu tượng của thái bình. Trên cái nền xanh thái bình mênh mông vô tận đó là an vui, hạnh phúc, là sự hiện diện của bác ái, tình thương... nói chung là thái bình. Tôi cứ thế mà miên man với lất phất mưa bay, với gió lạnh đầu đông của biển, của đất trời. Đó là buổi sáng mà tôi ra biển không để vẽ vời, khám phá, cảm nhận hay đo đạc cái giá buốt của những ngày chuyển mùa này. Chỉ là giây phút trỗi dậy bất thình lình của "thằng trẻ con" đang cựa quậy trong người, và khi cái thú thích phiêu bồng của "thằng trẻ con" được biển đáp lại một cách no nê, tôi sà vào một quán cà phê cóc bên đường Nguyễn Tất Thành. Ngồi nhấm nháp cà phê và ngắm biển vào sáng sớm, phải chăng đó cũng là một diễm phúc mà cuộc đời ban tặng cho con người! Với tôi lại càng thú vị hơn khi ngồi bên cạnh tôi hôm ấy là một cựu chiến binh với những câu chuyện như không bao giờ có kết thúc. Tình cờ, tôi bắt được ánh mắt đăm đắm xa khơi của anh, ánh mắt ấy đã khiến tôi phải tò mò...và sau vài phút làm quen, chúng tôi đã chuyện trò như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Đó là cựu chiến binh - Trung tá Hồ Minh Đức, hiện đang là Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Vậy là vừa ngắm mưa, uống cà phê, lại vừa nghe chuyện lửa đạn của quá khứ dội về trong những lời kể lúc bổng lúc trầm, lúc cứng cáp như chông, lúc mềm mại như gió...của anh.
 

 
Cái tuổi mười tám với những rạo rực khát khao cống hiến vừa vút lên cũng là lúc Tổ quốc gọi tên anh. Nhờ có chút trình độ (vừa học xong lớp 9/10), anh được bố trí công việc huấn luyện quân thuộc Đại đội 22 khu vực B Quân khu 4, đóng ở Kì Anh, Hà Tĩnh. Sau mỗi khóa huấn luyện, anh lại dẫn các chiến sĩ băng rừng lội suối vào giao cho mặt trận miền Nam đang sục sôi lửa đạn. Sức dẻo dai, ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người lính trẻ mỗi ngày mỗi tăng thêm sau những lần bị phục kích giữa rừng, dọc đường đi hay bất cứ nơi đâu suốt dọc chiều dài đất nước từ Hà Tĩnh vào đến Tây Ninh. Mỗi lần bị B52 oanh tạc chặn lối đi là mỗi lần đoàn quân của anh phải ẩn náu vào lòng dân, hay những lần bị địch phục kích lúc nửa đêm là anh phải gấp rút chuyển nơi đóng quân. Cảnh tang thương khi bị phục kích dọc biên giới Việt - Lào và nơi bến đò sông Gianh năm xưa như nhảy múa trước mắt anh, níu giọng kể của anh chùng xuống: "Hôm ấy, anh em vừa hành quân đến bến đò để qua sông Gianh thì bỗng từ trên cao một loạt tiếng rú với những vệt lửa bắn tung tóe, mịt mù khói thuốc, người dân một cảnh tang thương... Tôi phải gấp rút giải tán binh lính tạm thời ẩn nấp...". Anh bỗng ngưng lại, nét mặt đăm chiêu nãy giờ vẫn không ngừng đăm đắm xa khơi. Biển vẫn lất phất mưa. Ngoài khơi xa vẫn một màu mờ đục. Vậy mà ánh mắt ấy cứ hoài tìm kiếm! Phải chăng anh còn muốn khám phá, hay còn nợ nần gì với biển? Ở cái tuổi lục tuần, đã trải qua biết bao gian khổ suốt thời đạn bom, lẽ ra anh phải nhìn quá khứ với ánh mắt chiêm nghiệm mới đúng chứ? Anh bỗng ngắt dòng suy tư của tôi bằng dòng  tâm sự đầy bất ngờ. Đang kể về những tháng ngày luồn núi lách rừng, anh bỗng dắt tôi về với chiến trường xưa xa tít mãi bên Cămpuchia.
 
Hai bàn tay đan chặt vào nhau, người hơi đổ về phía trước, với cái giọng nằng nặng của miền đất Tuyên Hóa - Quảng Bình như tô thêm vẻ hào hùng trong lời kể của anh: "Vào năm 1977, sau khi được huấn luyện nghiệp vụ hải quân, tui được tung vào Vùng 4 Hải quân Sài Gòn và làm quyền thuyền trưởng tàu V616, con tàu này được chuyển sang từ đoàn Không số. Sau đó là Phân đội trưởng tàu đổ quân cho lực lượng đánh bộ. Suốt thời gian đánh bọn Khơ Me Đỏ, lênh đênh trên biển, trên sông nước với bao sự thiếu thốn về vật chất, nhất là ăn uống...nhưng cũng tự hào vì cuối cùng bọn diệt chủng đều bị tiêu diệt. Công lí luôn chiến thắng mà, đúng không anh?". Bao nhiêu lần chỉ huy quân đổ bộ, bao nhiêu lần bị địch phục kích hai bên sông, anh không nhớ hết...nhưng cái ngày 15 tháng 4 năm 1979 thì suốt đời anh không thể quên được. Giọng anh xúc động: "Hôm ấy, chúng tôi quyết định tấn công vào thị trấn Tăng Bân Rum ở ngã ba sông Kép. Hai chiếc tàu đang đi thì bị chúng đánh bất ngờ. Chúng ở trên bờ, trong lùm cây xả đạn xuống, còn quân ta thì ở dưới nước đánh lên. Tui ngồi trên sàn chỉ huy bị dính đạn ở bắp chân khi nào chẳng hay, đánh xong trận đó thấy máu chảy mới biết ấy chứ!". Anh chỉ  vào vết thẹo ở đầu gối, ở bắp chân, ở bụng với giọng ngẹn ngào: "Chúng tôi tiếp tục đi được chừng 30 phút thì bị mai phục. Bọn chúng bắn quả đầu tiên là trúng tàu mình luôn, hình như loại đạn DK75 thì phải! Thuyền trưởng bị trúng đạn ở đầu và ở chân nhưng vẫn cố lái, tiếc là lúc đó tàu bị mất động cơ nên cứ đi quay quay...  và sau khi địch bắn tiếp quả thứ hai thì trên tàu 26 người giờ chỉ còn tôi và hai đồng chí nữa. Dù bị một mảnh đạn găm vào bụng, một mảnh găm xuyên đầu gối nhưng tình thế hơi hoảng loạn lúc đó khiến tôi chẳng biết có đau hay không nữa. Tui cố bò xuống boong, khoác được khẩu AK cùng một dây đạn 31 viên, dấu tài liệu và cờ vào người rồi cố bơi vào bờ, may tàu chỉ cách bờ chừng năm sáu chục mét...cuối cùng cả ba người đều bơi được vào bờ, nằm ẩn trong lùm cây ở mép sông. Chừng mấy tiếng sau thì nghe có tiếng người Việt mình xì xào, đó là bộ binh của mình...". Kể đến đây, giọng anh bỗng lạc hẳn, hai mắt anh như có hai cục lửa hướng ra biển. Gió lạnh từ mênh mông của biển không ngừng lục lọi khắp lỗ chân lông. Mưa vẫn lất phất và ngoài khơi xa vẫn một màu mờ ảo. Quán cà phê vắng người nên càng làm cho cái không gian mênh mông trước mặt chúng tôi thêm lạnh lẽo và buồn man mác, cứ như tất thảy mọi tạo vật xung quanh đang lắng nghe cuộc chuyện trò của chúng tôi vậy. Nhưng tôi biết rõ là trong người anh và tôi giờ đây đang nóng ran.
 
Và sau lần bị trọng thương ấy, anh được đồng đội nhanh chóng chuyển về nằm ở trạm Phẩu đóng trên quần đảo Phú Quốc. Một tuần sau thì anh được chuyển vào đất liền chữa trị. Nằm điều trị một tháng ở bệnh viện Sài Gòn mà lòng anh như có lửa đốt, vì lúc này Trung Quốc đang tấn công vào dọc biên giới Việt - Trung. Và khi vết thương vừa khỏi,  chiến trường lại gọi tên anh và lần này anh gia nhập Lữ đoàn 126 với vai trò trợ lí tác chiến. Anh lại cùng lực lượng Hải quân trấn thủ ở Quảng Ninh, Hải Phòng nhằm chống đổ bộ từ phía Trung Quốc. Kinh nghiệm chinh chiến cùng với ý chí quyết tử đã tạo cho anh niềm tin chiến thắng, cho dù quân đội Trung Quốc lúc ấy hùng mạnh lắm. Cuối cùng niềm tin của vị chỉ huy Hải quân ấy đã được thực hiện. Cứ như anh tâm sự thì nếu lần đó quân Tàu đẩy lùi được quân mình vào đến Thanh Hóa, cùng với sự hùng mạnh của lực lượng Hải quân của chúng đang đóng trên Hoàng Sa thì chúng có thể chiếm trọn cả miền Bắc. Nhưng giang sơn Việt Nam mãi mãi là của nhân dân Việt Nam. Tạo hóa đã sinh ra như vậy...
 
Những tháng ngày tiếp theo của anh là thời gian dài đi xây dựng lực lượng Hải quân tác chiến chống đổ bộ suốt chiều dài đất nước từ Hải Phòng vào đến Cam Ranh. Năm 1987, anh được chuyển về làm tham mưu cho Vùng 3 Hải quân, đóng ở Đà Nẵng. Rồi làm Đại đội trưởng chuyên huấn luyện lính Hải quân...
 

 
Đến giờ, mặc dù đã về hưu nhưng lòng anh nào có thanh thản, anh vẫn thường xuyên quan tâm đến những vấn đề của Hải quân. Chả thế mà cách đây không lâu, anh còn huy động bà con ngư dân phường ra bao vây ngăn cản mấy chiếc tàu Trung Quốc vào thăm dò dầu bất hợp pháp ở biển mình, cho đến khi chúng rút về mới thôi. Vừa nhấp ngụm trà, và bằng giọng cứng cáp: “Không ngờ họ lại quá đáng như vậy... lại còn đường lưỡi bò, lập thôn lập làng... như diễn”. Những lời anh nói cứ như bị dồn nén lâu ngày, nay có dịp mới tuôn ra. “Vậy tương lai về Hoàng Sa, anh nghĩ thế nào ạ”. Uống ngụm trà để lấy giọng, rồi anh trải lòng bằng cái giọng nằng nặng của đất Quảng Bình: “Chắc chắn trong tương lai Hoàng Sa sẽ trở về với ta...”. Để minh chứng cho suy nghĩ của mình, anh giải thích: “Dân tộc ta đã từng bị Trung Quốc đô hộ hơn ngàn năm, và trong hoàn cảnh không có ai giúp sức, cuộc sống người dân thiếu thốn trăm bề... vậy mà cuối cùng ta vẫn giành lại được giang sơn đó thôi. Huống chi bây giờ, cả thế giới đang theo xu hướng thế giới hóa với việc giải quyết mọi vấn đề tranh chấp bằng con đường hòa bình, ngoại giao, cùng tôn trọng lẫn nhau... cả thế giới đều biết Hoàng Sa là của ta. Chúng ta lại đang có được những quan hệ tốt đẹp với nhân dân thế giới, nhất là với những quốc gia nằm gần Trung Quốc như Nga, Nhật, Hàn..., Công lí, ấy là cái mà cả nhân loại đang hướng đến, và khi nào ta tận dụng được sự ủng hộ của thế giới, cùng với sức mạnh của cả dân tộc thì sao lại không dám hy vọng rằng Hoàng Sa sẽ trở về...”. Đang cao hứng, anh nói tiếp: “Thế hệ chúng tôi trước đây không làm được, bây giờ chưa làm được thì đến những thế hệ sau sẽ làm... vấn đề này không thể nóng vội một sớm một chiều”. Nghe anh tâm sự tôi bỗng liên tưởng đến những lời ông Nguyễn Bá Thanh nói trong buổi tiếp xúc cử tri ở nhà hát Trưng Vương mà tôi vừa được nghe trực tiếp, đại ý là không cần thiết có chiến tranh ở Hoàng Sa, chúng ta nên tìm con đường khác và vấn đề này cần có thời gian...
 
Chúng tôi còn chuyện trò với nhau nhiều lắm, say sưa lắm, đến mức mưa tạnh lúc nào không hay. Anh bỗng đứng dậy... Chúng tôi cùng đứng trước cái bao la của biển trời. Nhìn những con còng xe cát, tôi bỗng liên tưởng đến những quãng thời gian dài chờ đợi trước mắt. Anh vẫn lặng lẽ đăm đắm xa khơi với nét mặt đe8m chiêu lẫn hy vọng.
 

Sau cuộc trò chuyện với anh hôm ấy, đêm nào tôi cũng mơ thấy hai chúng tôi cùng nhau ngồi trong một con tàu với nhiều người khác nữa trên đường ra Hoàng Sa với những tiếng hát cười rộn rã...

 

TRẦN PHÚ YÊN