NHÂN 50 NĂM MẤT CỦA HỌC GIẢ, NHÀ VĂN, NHÀ BÁO PHAN KHÔI (1959-2009): Phan Khôi - Một tâm hồn Việt

28.12.2009

NHÂN 50 NĂM MẤT CỦA HỌC GIẢ, NHÀ VĂN, NHÀ BÁO PHAN KHÔI (1959-2009): Phan Khôi - Một tâm hồn Việt

 Phan Vân Trình

 

Học giả, nhà báo Phan Khôi (1887-1959), người làng  Bảo An (nay thuộc xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam), hiệu Chương Dân, biệt hiệu Tú Sơn- là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ông không chỉ nổi tiếng với những bài phê bình học thuật sắc sảo trên báo chí và được mệnh danh là người đi tiên phong trong phong trào Thơ Mới nửa đầu thế kỷ XX ( với tư cách là tác giả của bài thơ Tình già) mà còn là người có ý thức tự tôn dân tộc, hay nó gọn hơn là người mang tâm hồn Việt tuyệt vời.

“Các nhà giáo, các nhà văn chúng ta có cái trách nhiệm phải làm cho tiếng nước ta tiến dần lên đến bậc hoàn mỹ”

Là người "Quảng Nam hay cãi", ngay từ những thập niên đầu của thế kỷ trước, Phan Khôi không chịu ngồi yên trước những điều chướng tai gai mắt trong văn chương, báo chí, nhất là tình trạng viết sai chữ quốc ngữ. Trên tờ Phụ nữ Tân Văn số 28 (7/11/1929) và số 31 (5/12/1929), ông có các bài viết: "Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ","Viết chữ quốc ngữ phải viết cho đúng" từng làm xôn xao dư luận đương thời. Tác giả than vãn: "Chữ quốc ngữ Nam Kỳ ngày nay, thôi, không còn chỗ nói nữa! Ai muốn viết thế nào đó thì viết, tuồng như họ muốn nổi cách mạng, nghịch cùng Huỳnh Tịnh Trai và Trương Vĩnh Ký (là tác giả của các bộ tự điển tiếng An Nam -  người viết chú thích)".

Phan Khôi  phê phán gay gắt một số người nói: quốc ngữ viết thế nào cũng được, không cần phân biệt t với c, có g với không g. Trên mặt báo Thần Chung, Sài Gòn, số 273 (17.12. 1929), ông cũng kiên quyết phản đối một số người cho rằng" để dấu ngã và dấu hỏi lộn nhau cũng được", nghĩa là không cần phân biệt dấu ngã và dấu hỏi khi viết chữ quốc ngữ. Ông bắt bẻ: "Nói vậy thì sao họ học chữ Pháp họ lại phải viết theo từng nét? Sao họ không viết là Ving đi mà lại phải viết Vingt ? Sao họ không nói J"alle, tu alles, il alle đi, mà lại phải nói Je vais, tu vas, il va ?"

Truy xét vì sao có sự lộn xộn trong cách viết chữ quốc ngữ, Phan Khôi thẳng thắn chỉ ra rằng: "Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ mà viết sai bậy bạ hết là bắt đầu từ các ông làm báo bậc tiền bối. Phần nhiều các ông làm báo thuở xưa là nhà nho sót lại, chắc các ổng không học chữ quốc ngữ đúng đắn, chỉ học vần sơ rồi ráp lại mà viết, thành ra viết sai mà không hay. Người mình lại có cái tánh hay "sợ chữ in", hễ thấy tờ báo cuốn sách, thì cho là mực thước rồi cứ theo đó mà bắt chước...".  Nhân đấy, tác giả viện dẫn cái sai của hai vị "làm báo bậc tiền bối" là Nguyễn Chánh Sắt và Đặng Thúc Liêng. Theo đó, tên của hai ông này, theo đúng nghĩa chữ Hán, phải viết là "Sắc" và "Liên". Phan Khôi nhấn mạnh: "Hễ chữ tên mình mà đã viết sai thì tức là bất kỳ chữ nào cũng có thể viết sai được hết".

Phan Khôi còn nhận định căn nguyên dẫn đến việc viết sai chữ quốc ngữ, trước hết, là do tính nô lệ mà ra: "Các anh bồi, từ phòng khách cho đến phòng ăn, phòng ngủ của ông Tây thì các ảnh giữ quét dọn sạch sẽ luôn; còn đến chỗ xó của vợ chồng ảnh nằm thì tha hồ là dơ dáy. Song nô lệ cách này thì được; chớ nô lệ cách kia thì thôi, hết mong gì nữa!". Và, cảnh báo:" Tôi lấy làm thương tâm quá! Tôi không hiểu một người đã xưng mình là người An Nam, thậm chí xưng mình là nhà văn học An Nam, sắp hàng mình vào nhà ngôn luận, nhà trứ thuật, dám thò tay viết cuốn sách để đời, mà mặt chữ còn quấy, thì mới nói làm sao? Tôi không biết một người Pháp hay một người Tàu mà viết chữ bổn quốc họ còn quấy mặt chữ như mình vậy, thì  họ có thể lên mặt mà tự đắc được chăng? Ai cho việc này là việc nhỏ mặc ai, chớ tôi, bụng dạ hẹp hòi, tôi cho nó là việc lớn". Đã qua 8 thập kỷ, song đọc lại đoạn văn này chắc có lẽ độc giả ngày nay không khỏi dằn vặt, suy tư về tính tự ái dân tộc và lòng tự trọng.

Bằng tâm huyết và ý thức trách nhiệm rất cao của một nhà trí thức việc góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (ngay ở thời điểm chữ quốc ngữ còn đang trong bước đường hoàn thiện),  Phan Khôi tha thiết kêu gọi: "Nầy, hỡi người An Nam ta, hãy bắt đầu từ hôm nay học viết chữ quốc ngữ đúng đi! Có vậy mới xứng đáng là người An Nam". Ông xác định để người dân viết đúng chữ quốc ngữ phải mất nhiếu thời gian, ít nhất cũng mười năm mới đi vào nền nếp nhưng hiệu quả  mang lại là điều chắc chắn: " Bây giờ nếu chúng ta ai nấy nhứt luật chịu viết cho đúng đi, cho đến trong các trường học cũng vậy, rồi sau nầy hễ người nào mà đã biết chữ quốc ngữ tức là người ấy biết phân biệt ngã hỏi..." Lời nhắc nhở trên, thiết nghĩ vẫn còn nguyên tính thời sự sâu sắc ở đầu thế kỷ XXI này, nhất là khi nước ta đang đẩy mạnh công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc.

Giải thích vì sao phải viết quốc ngữ cho đúng, trong bài viết trên báo Thần chung, Sài Gòn, số 341 (20.3.1930), Phan Khôi chỉ rõ: "Cứ theo như bổn thân của chữ quốc ngữ nước mình thì chưa gọi là một thứ chữ thành văn được. Huống chi, theo kiểu người mình viết quốc ngữ hiện thời thì lại bậy bạ quá, không thành ra chữ nữa. Một thứ chữ đã lộn xộn, lại còn thêm viết bậy cho sai đi thì còn đem ra mà học hành gì được? Bởi vậy chúng ta phải sửa sang bồi bổ nó cho một ngày kia nó thành văn, hầu làm cái lợi khí tốt cho chúng ta. Thật vậy, chữ nào mà lộn xộn bậy bạ thì không dùng được mà phải chết. Chữ Nôm của ta ngày xưa tại làm sao mà chết? Ấy chỉ vì nó lộn  xộn, ai muốn viết thế nào thì viết đó thôi. Chữ quốc ngữ ngày nay nếu không viết cho đúng thì rồi nó cũng sẽ như chữ Nôm vậy". Phan Khôi nhấn mạnh:"Mình đã trầm trồ khen tiếng Pháp là thứ tiếng khoa học thì mình cũng phải chịu khó làm cho tiếng mình trở nên khoa học. Muốn như vậy, trước hết là phải viết cho đúng, viết đúng tự vị".

4 năm trước khi qua đời, Phan Khôi cho ra mắt cuốn Việt ngữ nghiên cứu, tập hợp những bài nghiên cứu về tiếng Việt của ông trong nhiều năm. Ở bài Tựa của cuốn sách, tác giả thể hiện tâm huyết đối với chữ quốc ngữ: "Hiện nay, các nhà giáo, các nhà văn chúng ta có cái trách nhiệm phải làm cho tiếng nước ta tiến dần lên đến bậc hoàn mỹ. Tiếng nói có hoàn mỹ thì mới đẩy văn học, khoa học tiến lên được, mới phục vụ được cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc đi nhanh trên con đường tiến hóa của hiện đại. Tiếng Việt Nam nếu còn cứ ở trình độ cũ thì dân tộc Việt Nam có tiến đi nữa cũng chậm lắm... Công việc này là công việc làm vĩnh viễn, không phải làm mười năm hay một trăm năm. Hễ thời đại tiến hóa thì ngữ ngôn phải tiến hóa, ngữ ngôn tiến hóa tức là dân tộc tiến hóa.".

"Phàm làm người ở đời, làm dân ở một nước, bất luận già trẻ, trai gái, sang hèn, nghèo giàu, đều phải có biết về sử học”.

Không phải cho đến bây giờ báo chí mới đi đầu trong việc khởi xướng phong trào "Dân ta biết sử ta" mà 80 năm trước ở Việt Nam đã từng có một cuộc thi quốc sử khá độc đáo, tạo được tiếng vang lớn, để lại dư âm đến ngày nay. Đó là cuộc thi quốc sử do báo Thần Chung phát động từ năm 1929, mà học giả, nhà văn, nhà báo đất Quảng nổi tiếng- Phan Khôi được xem là người khởi xướng. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đưa ra nhận định:  "Trên tờ Thần Chung, cũng như tờ Đông Pháp thời báo, Phan Khôi viết khá nhiều loại bài, từ luận thuyết đến tạp bút; có những bài ký họ tên thật, có những bài ký tên hiệu Chương  Dân, có những bài ký tên toà soạn, có những bài viết cho mục “Câu chuyện hằng ngày” (chuyên mục do Diệp Văn Kỳ đặt ra) ký bút danh Tân Việt, lại có những bài để trống tên tác giả, ví dụ bài đăng 2 kỳ về vùng đất Tây Nguyên ngày nay, hoặc bài về văn bút chiến cũng đăng 2 kỳ, rất đặc sắc và nổi tiếng. Do vậy, việc Phan Khôi có thể đã là người khởi xướng ý tưởng về cuộc thi quốc sử, và là người chấp bút chính cho loạt bài vở của Thần Chung  trong cuộc thi quốc sử, cũng là điều dễ hiểu". Lại Nguyên Ân cho biết thêm: Phan Khôi là “người đã bộc lộ xu hướng hoạt động sử học ngay từ khi mới cầm bút viết báo, người mà ngay trong năm 1928 đã triển khai ít ra là một cuộc tranh luận về sử Việt cận đại trên Đông Pháp thời báo, tiền thân của nhật báo Thần Chung này". 

Xin được điểm lại vài nét về cuộc thi quốc sử độc đáo trên báo này. Từ ngày 1/7/1929, toà soạn công bố thể lệ cuộc thi, theo đó, báo sẽ lần lượt đăng khoảng 30 bài sự tích các nhân vật lịch sử Việt Nam làm căn cứ cho độc giả tìm hiểu và lựa chọn. Mỗi nhân vật được trình bày trong một bản sự tích vắn tắt dài khoảng 400 đến 500 từ, kể về xuất xứ và hành trạng từng nhân vật, chú ý nhấn mạnh công trạng của mỗi nhân vật đối với lịch sử Việt Nam. Đáng lưu ý là toà soạn đã xáo trộn thứ tự niên đại (không theo trình tự từ nhân vật xa nhất đến nhân vật gần nhất), đồng thời, cũng không để lộ quá rõ những gợi ý về sự đánh giá. Câu cuối cùng ở mọi bản sự tích các nhân vật đều láy theo một mô thức giống nhau: "Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, vị này (người đang được nói tới) là bậc nhứt"!  Ngoài mục tiêu phổ biến kiến thức sơ lược về sử nước Việt, những người tổ chức cuộc thi không cài thêm bất cứ nội dung nào khác, kể cả những nội dung mang tính quảng cáo hoặc kích thích hứng thú tham dự của công chúng.

Yêu cầu của cuộc thi là mỗi độc giả sẽ chọn ra trong số đó 10 nhân vật sử Việt tiêu biểu; một nội dung thi nữa là mỗi độc giả viết một bài chừng 2 trang giấy nói về lý do xếp ba nhân vật trong số đó lên hàng đầu.

 80 năm đã đi qua, song càng đọc lại những số báo Thần Chung năm ấy, chúng ta càng phát hiện nhiều điều khá thú vị. Trước hết, việc cho đăng tải lên mặt báo 30 bản sự tích 30 nhân vật Việt sử quả là một sáng kiến quan trọng: đây là lần đầu tiên các nhà báo mạnh dạn dùng phương tiện thông tin đại chúng để “phổ thông sử học”, “phổ thông quốc sử”, tức là giáo dục kiến thức về lịch sử dân tộc. Bài xã thuyết nhan đề Phổ thông sử học (có phụ đề: Cuộc thi lịch sử của "Thần Chung" nay mai quan hệ là thế nào?) đăng trên báo Thần Chung số ra ngày 28/ 6/ 1929 nêu rõ: "Phàm làm người ở đời, làm dân ở một nước, bất luận già trẻ, trai gái, sang hèn, nghèo giàu, đều phải có biết về sử học. Nói rằng sử học thì nó bao hàm khí rộng quá, nên phải tách ra làm hai, là: sử học chuyên môn và sử học phổ thông (…). Sử học chuyên môn là phần việc của những học giả nào chuyên về khoa ấy. (…). Thứ sử học mà chúng tôi nói mọi người đều phải biết đây, là thứ sử học phổ thông. (…).  Đã nói rằng phổ thông, nghĩa là học theo một cái trình độ thông thường, ai ai cũng có thể học được, chớ không phải cao xa mầu nhiệm gì. (…). Đọc sử một nước cốt phải chia ra từng thời đại. Mỗi một thời đại đều có một cái hoàn cảnh riêng. Rồi mỗi một thời đại nào lại có nhân vật của thời đại ấy. Do hoàn cảnh sản xuất nhân vật, hoặc do nhân vật chế tạo ra hoàn cảnh, mà rồi trong thời đại ấy có sự biến động, thay đổi, làm cho một nước được bước lên đường tấn hoá. Ấy có thể gọi là cái công lệ của sử học. Vậy, về phổ thông sử học, và về bổn quốc sử, chúng ta nên nhận rằng "thời đại" và "nhân vật" là hai cái cốt yếu cho sự biết của chúng ta. Chúng ta biết hai điều ấy rồi, có thể biết các điều quan hệ khác trong một thứ lịch sử. (…). Bởi vậy, Thần Chung nay mai sắp mở một cuộc thi về lịch sử mà chuyên trọng về nhân vật và thời đại. Ai muốn dự cuộc thi nầy phải lấy sử Việt mà đọc lại một bận đi, nghiên cứu về thời đại và nhân vật cho đích xác, rồi sẽ cứ theo chương trình của thí cuộc mà làm bài trả lời." . Rõ ràng, quan điểm của báo Thần Chung 80 năm trước rất phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", được Bác khuyến cáo trong mở đầu diễn ca "Lịch sử nước ta" viết đầu năm 1942.

 Đáng trân trọng là trong bối cảnh nước nhà đang bị thực dân Pháp đô hộ, cuộc thi quốc sử trên báo Thần Chung lại tập trung ca ngợi nhiều gương anh hùng chống xâm lược, giành độc lập cho xứ sở. Chẳng hạn, "Kể nước ta từ hồi thuộc Tàu về đời Tây Hán cho đến bấy giờ hơn hai trăm năm mà chưa hề có người nào cử binh phục quốc hết, đàn ông còn không ai thay, huống chi đàn bà. Thế mà bà Trưng Vương đem thân bồ liễu gánh vác nước non, tuy thành công không trọn mà lưu danh đến muôn đời, khiến người sau (…) biết cái nền tự chủ là cần (…) thì cái công đề xướng của bà thật là lớn hơn hết thảy vậy."; "Lý Nam Đế làm vua kể được bốn năm mà thôi, song nối dấu Trưng Vương mà mở nền tự chủ cho nước ta tức là ông ấy. Huống chi, người lại bắt đầu xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu, thật đã gây ra cái quy mô lập quốc cho nước ta. Nam Đế tuy mất rồi mà tướng của người là Triệu Quang Phục nổi lên xưng là Triệu Việt Vương; sau đó con trai của người là Lý Phật Tử còn kế nghiệp cha mà xưng đế lần nữa; kể cả ba triều ấy giành nước Nam lại trong tay người Tàu mà tự chủ được 60 năm, thật là công của Lý Bôn khai sáng ra vậy". Thần Chung còn khéo léo ca ngợi công lao những nhân vật "thù nghịch" với chế độ thực dân, phong kiến đương thời như Phan Đình Phùng- người từng nổi lên chống ách thực dân và đã bị triều Nguyễn đưa quân đánh dẹp, phần kể sự tích chủ yếu dựa vào Việt Nam sử lược của sử gia Trần Trọng Kim, nhưng lời nhận định là của người soạn: "Ông Phan Đình Phùng chẳng những là một nhà văn học, mà là một nhà quân sự rất giỏi giang. Ông sửa sang quân lính có cơ ngũ, luyện tập tướng sĩ có kỷ luật, lại khéo dùng binh. Ông Gosselin có khen ông trong sách Empire d"Annam rằng: "Ông Phan Đình Phùng có tài trị binh, biết luyện quân theo kiểu Thái Tây, áo quần mặc một lối, súng thì toàn kiểu 1874, những súng ấy là do bộ hạ ông đúc ra thật nhiều mà máy móc cũng giống y như súng Pháp, chỉ vì lòng súng không xẻ rãnh nên bắn không được xa.". Đương lúc vong quốc mà trong nước có người như ông Phan nổi lên để kháng cự, tuy không thành công, song cũng tỏ ra được cái lòng ái quốc và cái khí hùng cường của một dân tộc. Huống chi những cái quy mô của ông đó, như là mở đồn điền, phái người đi học ngoại quốc, đúc súng lấy mà dùng, thật là viễn đại lắm, nếu chẳng phải có đại tài đại chí mà làm được công việc ấy ư?" .

Nét độc đáo nữa của cuộc thi quốc sử năm 1929 là giúp độc giả hiểu thêm về nhân cách, đạo đức của các danh nhân đất Việt. Như Chu Văn An: "Tiên sanh có tánh điềm đạm không ham danh lợi, và ngay thẳng không sợ kẻ quyền quý; học rộng biết nhiều, bình sanh lấy sự dạy học truyền đạo làm trách nhiệm mình...Đời vua Dụ Tôn, việc chánh trị chốn triều đình bậy bạ, bọn gian nịnh chuyên quyền, tiên sanh dâng sớ xin chém bảy người quyền thần. Vua không nghe, tiên sanh bèn treo ấn từ quan, trở về làng cũ. Bấy giờ tiên sanh dời ở làng Ái Kiệt thuộc tỉnh Hải Dương bây giờ, tự hiệu là Tiều Ẩn tiên sanh. Vua lại vời ra, song tiên sanh không đến. Bà Hiếu Từ thái hậu có lời khen tiên sanh rằng: Người ấy là bậc cao hiền, thiên tử không có quyền bắt làm tôi!"

Điểm khác biệt khá rõ giữa cuộc thi quốc sử do báo Thần Chung tổ chức đầu thế kỷ trước và một số cuộc thi "tìm hiểu lịch sử" mà chúng ta đã và đang chứng kiến trong những năm gần đây chính là yêu cầu của người ra đề. Không hề có câu hỏi "bắt" thí sinh phải "chép lại" hàng mấy chục trang, có khi hàng trăm trang nhưng rốt cuộc chẳng thu hoạch được mẩu kiến thức cỏn con nào. Trái lại, nó khiến người dự thi phải "động não", phải thể hiện được chính kiến của mình trước một nhân vật, một sự kiện lịch sử: "Ai muốn dự thi về giải thưởng nầy thì chỉ lựa 1 người trong số 30 người của bổn báo đã đăng rồi làm một bài luận thuyết đừng dài quá 3 trương mà cắt nghĩa tại sao, vì ý gì mà mình lại lựa người ấy cho là bực nhứt trong sử Việt". Thiết nghĩ, với cách thi này, chẳng những kiến thức lịch sử sẽ thấm sâu vào tim, vào óc mà thí sinh còn được dịp rèn luyện cách diễn đạt, lý giải vấn đề một cách thấu đáo, qua đó trưởng thành hơn trong tư duy, nhất là tư duy sử học, xã hội học.

 Mặc dù chưa tìm ra tư liệu về việc chấm giải và công bố trao giải nhưng một vài cảm nhận của độc giả đương thời mà toà soạn trích đăng (trong bài Lòng người đối với cuộc thi quốc sử, đăng trên báo Thần Chung số ra ngày 25/ 9/ 1929) đã phần nào cho thấy, cuộc thi quốc sử khá độc đáo 80 năm trước đã có tác dụng không nhỏ trong việc giáo dục ý thức về lịch sử dân tộc, nhất là trong lúc nước nhà đắm chìm trong tình cảnh nô lệ.

“Ôn cố tri tân”, các thế hệ hậu sinh mãi ghi nhớ và trân trọng MỘT TÂM HỒN VIỆT-  HỌC GIẢ, NHÀ VĂN, NHÀ  BÁO PHAN KHÔI! 

P.V.T