Nhớ nhà thơ Trần Khắc Tám

28.12.2009

Nhớ nhà thơ Trần Khắc Tám

Thanh Quế
 

Hồi những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, anh em ở Trại sáng tác văn học Quân khu V tại Đà Nẵng hay đến Trung tâm phát hành sách Quảng Nam – Đà Nẵng để mua sách. Tại đây, chúng tôi làm quen với một chàng trai mảnh khảnh, trắng trẻo, đẹp trai, nói giọng Nghệ An nhỏ nhẹ, luôn vui vẻ giới thiệu cho chúng tôi những quyển sách mới. Đó là Trần Khắc Tám, một cán bộ trẻ của Trung tâm, vừa tốt nghiệp trường lý luận nghiệp vụ Bộ Văn hóa ở Hà Nội về đây công tác. Dần dần quen thân, Tám luôn tìm cách giúp đỡ cho chúng tôi mua những quyển sách mới hay sách hiếm: anh bàn với Ban lãnh đạo cấp cho chúng tôi mỗi người một phiếu mua sách – vì hồi đó mua sách khó, nhất là sách hay – vừa ra là hết ngay. Cũng với tính hay giúp đỡ người khác đó, Tám thường lợi dụng những lúc chuyển sách phát hành ở các vùng sâu vùng xa, cho chúng tôi đi ghẹ thăm lại thực tế những vùng chiến khu cũ hay các huyện xa Đà Nẵng. Nhờ anh, mà chúng tôi lên nhiều nơi sát biên giới Lào hay các vùng núi cao Hiên, Giằng, Trà My, Hiệp Đức ở Quảng Nam. Cũng nhờ cách ấy mà một lần, nhà thơ Hữu Thỉnh đi thực tế Quảng Nam – Đà Nẵng đã được trở lại Giằng, Khâm Đức, Thượng Đức nơi ông đóng quân với Trung đoàn Tăng-Thiết giáp để từ đó quay xuống giải phóng Đà Nẵng và hành quân tiếp về phía Nam.

Ngày ấy, anh em chúng tôi – tôi, Ngô Thế Oanh, Thanh Thảo, Trung Trung Đỉnh đều chưa có gia đình. Tám nhỏ tuổi hơn nhưng đã “cõm” được một cô gái bán sách xinh đẹp người Hòa Vang – cô Nguyệt. Nguyệt cũng là một cô gái vui vẻ, ưa tiếp đón, săn sóc bạn của chồng, nên căn phòng ở gác 4 như chuồng chim của Tám là nơi chúng tôi hay tổ chức nhậu nhẹt, đọc thơ có khi đến thâu đêm suốt sáng. Chủ nhà không giàu nhưng bao giờ cũng có rượu vốt ca, bò khô, đu đủ để thết bạn bè. Có lúc, đi công tác về đói, chúng tôi coi nhà Tám như nhà mình, đến “ăn ghẹ”. Thời đó bao cấp, gạo thực phẩm đều khó, nhưng tôi chưa bao giờ thấy vợ chồng Tám tỏ ra “khó chịu”. Lúc nào cũng vui vẻ, hớn hở gặp các ông anh “quấy phá”.

Chỉ nghĩ Tám là người yêu văn học, thích chơi với anh em sáng tác vậy thôi, không ngờ, có một đêm Tám đến tìm tôi và Ngô Thế Oanh đưa cho mấy tờ giấy đã đánh máy:

- Em có tập làm thơ, các anh xem giúp em.

Chúng tôi xem thơ Tám, lúc đầu cứ nghĩ như thơ của một số bạn yêu thơ, xem cho vui, không ngờ thơ Tám dần dần cuốn hút chúng tôi. Rồi nay vài bài, bữa sau vài bài, Tám đưa dần cho chúng tôi xem thơ của anh. Với giọng thơ nhỏ nhẹ, thầm thì có nét gì đó buồn buồn xa vắng, Tám viết về quê hương, tuổi nhỏ, về giòng sông, cánh đồng, những hôm đi bắt cua, bắt cá, những lúc đi mót khoai, mót lúa, những lúc đi học xa nhà, những phiên chợ quê, với người mẹ, người chị... và ở đâu, lúc nào bóng dáng người mẹ tảo tần, thương con cũng hiện lên, làm cho mỗi chúng ta cay cay nơi khóe mắt. Ta chợt nhớ về mẹ ta ở xa tít tắp nơi quê hương tận phía chân trời. Bài thơ “Đi chợ chiều nhớ mẹ” là bài thơ có cấu tứ chắc mà dạt dào tình cảm, có những chỗ thảng thốt đến đau đớn:

Những mơ ước nhỏ nhoi ngày bé

Khi con làm ra đồng tiền đầu tiên

Con sẽ mua cho mẹ chiếc cối

                                              giã trầu

Con sẽ mua cho mẹ hộp cao sao

                             vàng mà mẹ thích

Cùng với mẹ những giấc mơ ấy bây

                                   giờ yên nghỉ

Lặng lẽ những bông hoa dại bên mồ

Trong vườn những trái đào chín rụng

Thiếu mẹ nhiều khi con lúng túng

Nhìn về đâu cũng thấy vắng

                                         một người

Có lẽ thơ nhớ mẹ, khóc mẹ nhiều người đã viết nhưng sao Tám vẫn làm ta xúc động nghẹn ngào, bởi cái tình của anh rất thật, cảm xúc của anh thật chân thành. Ta chợt nhớ hình như có một nhà thơ lớn từng nói: “Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ”. Bài thơ này có lẽ là bài thơ trọn vẹn, thành công nhất theo lối thơ Trần Khắc Tám: thơ không lạ theo nghĩa tìm tòi về hình thức, cách nói, cách cấu tứ, hình tượng. Song thơ anh thật, cảm động, dạt dào tình cảm. Nhờ đó thơ anh có hồn, ấm áp và lay động trái tim mọi người.

Trần Khắc Tám còn có những thành tựu khác về thơ hay văn xuôi thiếu nhi. Viết cho các em thế này thật ngộ nghĩnh:

Ông thương em bằng bà

Bà thương em bằng má

Má thương em bằng ba

Ba thương bằng tất cả

Em thương ba thương má

Bằng thương ông thương bà

                        (Phép cộng của em)

Nhưng dù làm thơ hay viết văn, viết cho người lớn hay thiếu nhi, cái tình, cái điệu tâm hồn của Tám: nhỏ nhẹ, xa vắng, buồn hiu hắt, dạt dào tình cảm vẫn là cái đặc sắc làm cho ta nhớ nhất. Đậm nhất vẫn là mãng viết về quê hương, về mẹ. Anh đã níu quê hương, cây cối, trời mây về phố ở cùng anh. Bài thơ “Với cây gòn trước cửa” là bài thơ hay về cấu tứ, cái cách triển khai, dựng hình tượng cũng kín đáo, nhất là phần cuối, làm cho bài thơ cất cánh:

Những tình yêu ấy bây giờ ra sao

Ngay cả chúng ta cũng không

                                            biết nữa

Nhưng cây gòn còn đó

Lặng lẽ tung những bông trắng

                                          lên trời...

Bây giờ thì Tám bỏ lại “cây gòn trước cửa”, bỏ lại “phiên chợ chiều”, bỏ lại “Đà Nẵng mùa thu”, bỏ lại những cánh “đồng quê”, bỏ lại người vợ và các con ra đi mãi mãi. Tám mất vì một tai nạn không ai ngờ được. Tôi nhớ ngày đưa tang anh, các anh chị Nhà xuất bản Kim Đồng nhờ tôi viết và đọc điếu văn, tôi chỉ viết mà để cho chị Dắt ở nhà xuất bản đọc, bởi tôi sợ, lúc ấy tôi sẽ không ngăn được những dòng nước mắt...

 
             Đà Nẵng 22-11-2009

             T.Q