VUA LÊ THÁNH TÔNG NGHỈ LẠI Ở CỬA BIỂN HẢI VÂN

18.04.2011

VUA LÊ THÁNH TÔNG NGHỈ LẠI Ở CỬA BIỂN HẢI VÂN

Đèo Hải Vân

Lê Thánh Tông (1442 -1497 ) tên thật là Tư Thành, lên ngôi vua năm 1460, mười năm đầu lấy niên hiệu là Quang Thuận, sau đổi niên hiệu là Hồng Đức. Ba mươi tám năm trị vì, với trí tuệ sáng suốt và đức độ của mình ông đã đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực : Chính trị, quân sự, kinh tế ,giáo dục, văn học, nghệ thuật v.v..và dựng lên một vương triều thịnh vượng nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Thời nhà Hồ, biên giới Đại Việt đã vào tới Chiêm Động và Cổ Lũy Động (phía bắc tỉnh Quảng Ngãi ), nhà Hồ chia hai động này thành bốn châu : Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa đặt An phủ sứ và Phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị. Khi quân Minh sang đánh nước ta, họ Hồ thua chạy, Chiêm Thành đem quân sang chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy rồi lại đánh Hóa Châu. Từ thời Lê Nhân Tông, năm Thái Hoà thứ II (1444 ) cho đến thời Lê Thánh Tông , năm Hồng Đức thứ I (1470 ) quân Chiêm đã 4 lần đánh phá Hoá châu. Năm 1469, vua Chiêm là Bàn La Trà Toàn cũng dấy binh, rồi tháng 8 năm sau (1470 ) lại đem 10 vạn quân và một đoàn kỵ binh tấn công lần nữa. Thủ ngữ Kinh lược sứ Thuận Hoá là Phạm Văn Hiển không chống nổi, phải rút vào thành cố thủ và phi báo về triều đình. Trước tình hình đó, vua Lê Thánh Tông phải xuống chiếu thân chinh. Ngày 6 tháng 11 năm Canh Dần (1470 )bắt đầu xuất quân. Trên đường Nam chinh từ cửa biển Thần Phù ( tỉnh Thanh Hoá ) tới cửa Thị Nại ( tỉnh Bình Định ) nhà vua đã đi qua 39 cửa bể:

Thử khứ hải môn tam thập cửu

Kế trình hà nhật đáo Ô Châu ?”

( Thần Phù hải môn lữ thứ )

( Chuyến đi này vượt qua ba mươi chín cửa biển ,

Tính đoạn đường, biết ngày nào mới tới Ô Châu ?

( Ngô Linh Ngọc dịch )

Vốn là một vị vua nổi tiếng về tài thơ văn, nên những cảnh thiên nhiên hùng vĩ của tổ quốc đã trở thành nguồn cảm hứng thơ ca của ông, đến đâu ông cũng ghi lại những cảm xúc của mình trong những bài thơ. Ngoài 30 bài trong Chinh Tây kỷ hành thi tập miêu tả phong cảnh đất nước dọc đường hành quân, trong Minh Lương Cẩm tú thi tập còn có 14 bài vịnh các cửa biển gọi là Ngự chế các hải môn thi (thơ về các cửa biển của nhà vua ): 1)Thần Phù hải môn lữ thứ, 2)Giáp hải môn lữ thứ, 3)Du hải môn lữ thứ, 4)Càn hải môn lữ thứ, 5)Đan Nhai hải môn lữ thứ, 6)Nam Giới hải môn lữ thứ, 7)Kỳ La hải môn lữ thứ, 8)Hà hoa hải môn lữ thứ, 9)Xích Lỗ hải môn lữ thứ, 10)Di luân hải môn lữ thứ, 11)Bố Chính hải môn lữ thứ, 12)Nhật Lệ hải môn lữ thứ, 13)Tư Dung hải môn lữ thứ và khi thuyền rồng dừng lại ở cửa biển Hải Vân - cửa biển nằm ở phía bắc thành phố Đà Nẵng, giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên Huế - vua Lê Thánh Tông đã sáng tác bài thơ:

Hải Vân hải môn lữ thứ

Hỗn nhất thư xa cộng bức quyên

Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên

Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt

Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền

Di lạc phụng thâm kỳ khoản tái

Khổn thần ái quốc xảo trù biên

Thử thân na đắc sinh hoàn hạnh

Cảm vọng Ban Siêu đáo Tửu Tuyền .

Dịch nghĩa :

Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân

Gộp một mối thư xa về một bức dư đồ,

Hải Vân vạch ngang ranh giới vượt xuống trời Nam.

Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc ,

Trống canh năm gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh.

Người Di vâng mệnh hẹn kỳ hạn nộp đất biên tái ,

Vị khổn thần yêu nước khéo trù liệu việc biên cương.

Tấm thân này đâu phải lấy việc sống sót là may,

(Nếu vậy) đâu dám tới Tửu Tuyền nhìn mặt Ban Siêu nữa.

(Ngô Linh Ngọc dịch )

Sách Thiên Nam Dư Hạ Tập chép rằng : Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở Hải Vân Quan, đêm khuya không ngủ, vừa đứng ngắm núi biển, đèo, mây, nước, có câu thơ:

Tam canh dạ tĩnh Ðồng Long Nguyệt

Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền

Công cuộc bình Chiêm thắng lợi, ngày 1 tháng 3 năm Tân Mão (1471) ta bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn đưa về nước, đổi Thăng Châu , Hoa Châu thành ba huyện Lê Giang, Hy Giang và Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa; Tư Châu, Nghĩa Châu thành ba huyện Bình Sơn, Nghĩa Giang và Mộ Hoa, thuộc phủ Tư Nghĩa. Chia đất cũ của Chiêm Thành là Đồ Bàn thành ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhơn, đặt ba phủ rồi đưa tù nhân ba loại bị tội đồ tới đây để “cấy người ở biên giới” (thực biên ).

Với chiến thắng này, nhà vua không những thực hiện được ý định khôi phục bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chấm dứt nạn binh đao, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, mà còn mở rộng biên cương đến miền Vijaya, tức là phủ Hoài Nhơn (ngày nay là Bình Định ). Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành một đạo thứ mười ba là Quảng Nam Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đúng như mục đích xuất chinh mà nhà vua đã nói trong câu thơ :

Hỗn nhất thư xa cộng bức quyên

Hải Vân là một quần thể núi non hùng vĩ ở cuối Trường Sơn Bắc, đâm ra tới biển Đông, ngọn núi chính là Hải Vân Sơn cao 1192m còn có tên là Cao An Lĩnh hợp với các ngọn núi Đại Tu Nông, Tiểu Tu Nông, núi Tía, núi Kiền Kiền về phía tây từ biên giới Lào chạy tới. Hải Vân Sơn cùng với Bà Sơn và Hải Sơn là ba ngọn núi cao nhất liên tiếp xen nhau, đỉnh núi cao thấu từng mây, chân núi chạy thẳng ra bờ biển, dọc theo các sườn núi thuộc quần thể Hải Vân còn có những khe với những tảng đá muôn hình vạn trạng rải dài tận biển như khe Kỹ, khe Vu, khe Hổ Lang, khe Bé, khe Lớn. Phía Bắc chân núi có hang Dơi khoét sâu vào, nơi đây thường có sóng to gió lớn nhấn chìm ghe thuyền khiến người qua đó phải ngại bước chùn chân:

“Đi bộ thì khiếp Hải Vân,

Đi biển thì sợ sóng thần hang Dơi”

Từ xưa, Hải Vân đã được chú ý vì nó chiếm giữ một vị trí chiến lược quan trọng: là phên giậu phía nam của nước Đại Việt. Hải Vân đã từng là địa đầu chiến tuyến giữa hai lực lượng Việt – Chiêm trong chiến dịch Bình Chiêm của Lê Thánh Tông năm 1470-1471. Phía Bắc Hải Vân, nhà vua đặt hành điện tại cửa Tư Dung (nay là cửa Tư Hiền) để cho thủy quân diễn tập chuẩn bị vào trận còn phía Nam Hải Vân thì tướng Bồng Nga Sa của Chiêm Thành đang trấn giữ Cu Đê.

Hải Vân núi cao, vực thẳm đường đi hiểm trở gian nguy thường được ví như đường vào đất Thục:

Việt Nam xung yếu thử sơn điên

Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên

Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh,

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên…

(Ải lĩnh xuân vân- Nguyễn Phúc Chu)

Dịch :

Mây xuân đỉnh Ải

Việt Nam hiểm trở có non này,

Thục đạo nghìn trùng chót vót thay!

Chỉ thấy mây che ba đỉnh lớn,

Nào hay người ở mấy từng đây?...

Chân núi sát với biển xanh, ngọn núi lẫn trong mây trắng, núi chia đôi đường nam bắc làm thành tấm bình phong thiên nhiên cao ngất, chắn ngang con đường thiên lý, là ranh giới giữa hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam, lần đầu tiên vua Lê Thánh Tông đặt cửa quan Hải Vân để kiểm soát những người ra vào:

Hải Vân hoành giới Việt Nam thiên

Câu thơ mạnh mẽ, hùng tráng nói lên cái thế vững chãi của quần thể núi Hải Vân rạch ngang trời Nam như một bức trường thành kiên cố.

Chữ Việt Nam trong câu thơ này chưa phải là tên nước, tên chính thức lúc bấy giờ là Đại Việt, nhưng hai từ Việt và Nam đi liền nhau bắt đầu từ đây có thể là báo hiệu cho việc lấy tên nước về sau.

Từ cửa biển Hải Vân nhìn vũng Đồng Long bờ bến mênh mông, đêm khuya thanh vắng, ánh trăng vằng vặc giữa trời, thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng đã khơi nguồn thi hứng cho nhà vua vẽ nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp

Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt

Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”

Vũng Đồng Long còn gọi là vũng Thùng, tức là Vũng Sơn Trà. Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí (q.VII- tỉnh Quảng Nam) chép:

Vũng Sơn Trà (tức vũng Thùng) ở phía bắc huyện Hòa Vang, lại có tên là vũng Ðà Nẵng. Phía đông là núi Trà Sơn (Sơn Trà), phía bắc là núi Hải Vân, phía tây là tấn Cu Ðê, dài rộng ước 25 dặm linh (có lẻ), phía đông nam là vũng Trà Sơn (tức vịnh Hàn) là vùng biển lớn, vừa rộng vừa sâu, có thể chứa được hàng ngàn thuyền ghe, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng gió; tàu thuyền đi lại gặp lúc chưa tiện gió, phần nhiều đổ tại đây

“Lộ Hạc “là tên nước, (Locac là bán đảo Mã Lai ngày nay) thuyền của họ thường lui tới buôn bán ở đây. Câu thơ cho biết ít nhất thì từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV ), đã có thuyền nước ngoài đến buôn bán ở vịnh Đà Nẵng.

Sông Cổ Cò nối cửa Hàn Ðà Nẵng và cửa Ðại Chiêm ở Hội An, thuyền buôn các nước từ bắc xuống, qua cửa Hàn, theo sông Cổ Cò qua Ngũ Hành Sơn vào vụng Trà Quế tới Hội An buôn bán; từ phía nam lên, theo sông Trường Giang vào vụng Trà Nhiêu mà tới Hội An.

Hai câu kết:

Thử thân na đắc sinh hoàn hạnh ,

Cảm vọng Ban Siêu đáo Tửu Tuyền .”

nói lên tinh thần sẵn sàng xả thân vì nước, không quản ngại về sự an nguy tính mạng của cá nhân nhà vua. Quyết định thân chinh của Lê Thánh Tông là một hành động vô cùng dũng cảm, là minh chứng hùng hồn cho tinh thần hy sinh đó, vì trong lịch sử nước nhà, đã từng có những vị vua anh dũng hy sinh ngoài trận địa như vua Trần Duệ Tông khi tiến quân vào thành Trà Bàn năm 1377.

Để khẳng định quyết tâm bình Chiêm, trừ bạo vì sự bình yên của bá tánh, vua đã ví mình với Ban Siêu, một vị tướng tài ba thời nhà Hán của Trung Quốc. Ban Siêu đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho chinh chiến, ông sống ở Tây Vực 31 năm, chinh phục hơn 50 nước Hung Nô, đến khi trở về thì tuổi đã già, tóc đã bạc “ Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về” (Chinh Phụ Ngâm ).

Do sự so sánh này mà phần nguyên chú trong Thiên Nam dư hạ ghi là: “Nghi là sai, thực không phải ý của nhà vua.” Có thể vì người bình về hai câu thơ này nghĩ rằng “đời nào một vị vua lại đi so sánh với một vị tướng nước ngoài, tứ thơ lại quá khiêm tốn, tự cho mình còn kém cả Ban Siêu, thì đó không phải là khẩu khí của Lê Thánh Tông”( Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông - Viện nghiên cứu Hán Nôm ) .

Thực ra, do chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc, các nhà thơ cổ điển nước ta mỗi khi nói đến một vấn đề gì, họ thuờng viện dẫn các sự kiện, nhân vật trong sử sách Trung Quốc để làm tăng thêm sức thuyết phục, ví dụ như Trương Hán Siêu ca ngợi chiến công của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng đã viết :

Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay ,

Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi .”

( Bạch Đằng Giang Phú -Bùi Văn Nguyên dịch )

hoặc Nguyễn Khuyến trong bài Thu vịnh cũng nói :

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút ,

Nghĩ ra lại thẹn vớI ông Đào”

Lê Thánh Tông là một vị vua uyên thâm Hán học, nên khi tâm hồn dạt dào cảm xúc, tứ thơ hứng khởi, ông cũng ví mình với Ban Siêu và tỏ ý khiêm nhường trước cổ nhân thì cũng là lẽ thường tình, chẳng có gì là không hợp.

Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân, nhà vua đã lưu lại bài thơ vịnh cảnh Đồng Long loan (vịnh Đà Nẵng ) hùng vĩ, thơ mộng, thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước thiết tha của nhà vua.

Cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông đã mang về cho tổ quốc một vùng đất đai rộng lớn, phì nhiêu, góp phần đưa đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh và đóng góp vào kho tàng văn học nhiều bài thơ có giá trị, trong đó đáng chú ý là phong cách ghi nhật kí bằng thơ của nhà vua .

Lê Thánh Tông không chỉ là một vị vua anh minh, một nhà chính trị, văn hoá lỗi lạc mà còn là một nhà thơ lớn của nước ta nửa sau thế kỷ XV .

CHÂU YẾN LOAN