VÀI NÉT VỀ TƯ LIỆU HÁN - NÔM Ở NGŨ HÀNH SƠN

18.04.2011

VÀI NÉT VỀ TƯ LIỆU HÁN - NÔM Ở NGŨ HÀNH SƠN

Di sản Hán - Nôm là nguồn tài liệu quan trọng của bao thế hệ cha ông để lại cho chúng ta ngày nay, nhờ nguồn tài liệu quý giá này mà chúng ta biết được lịch sử hình thành các làng xã, biết về tình hình văn hóa, xã hội và kinh tế của các địa phương và đất nước ta ngày xưa.

Cũng như các địa phương khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, di sản Hán - Nôm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ khá nhiều ở các di tích lịch sử - văn hóa như đình, chùa, nhà thờ các chư phái tộc...với nhiều loại văn bản, tư liệu như hoành phi, liễn đối, sắc phong, bia ký, bia mộ cổ, gia phả, địa bạ...

Ở núi trên Thủy Sơn, các chùa như Tam Thai, Linh Ứng và các hang động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông...còn lại nhiều tài liệu Hán - Nôm có giá trị, như tại chùa Tam Thai còn lại bức hoành phi "Tam Thai Tự" lập vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), chuông đồng có khắc chữ được đúc năm Minh Mạng thứ 7 (1825) và 12 bài vị, ghi bằng chữ Hán - Nôm thờ các vị trụ trì chùa từ khi thành lập đến nay, ngoài ra, còn một số văn bia nói về công đức những người góp tiền của xây dựng chùa. Ở chùa Linh Ứng cũng có nhiều bức hoành phi như hoành phi "Linh Ứng Tự" được lập năm Minh Mạng thứ 6 (1825), các bức hoành phi khác được lập năm Thành Thái năm thứ 3 (1897), Duy Tân năm thứ 9 (1915) được treo trên trính của chùa. Ở trước sân chùa Linh Ứng còn một bia ký được lập năm Duy Tân thứ 9 (1915), chữ còn rõ, nói về việc xây dựng, trùng tu chùa Linh Ứng. Tại Nhà thờ tổ chùa Tam Thai còn lưu giữ khá nhiều hoành phi, liễn đối như hoành phi "Tuệ mệnh khả thiên", "Vương chương công quán", "Hữu tâm tương nghị", "Pháp vũ tư lâm", "Phương trượng" được lập vào các năm Thành Thái và Bảo Đại... Tại núi Thủy Sơn còn có các văn bia như "Vọng Giang Đài", "Vọng Hải Đài" được lập vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837). Đặc biệt trong động Hoa Nghiêm có văn bia "Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật" được lập năm (1640) và tại động Vân Thông có bia "Ngũ Uẩn Sơn cổ tích phật diệt lạc" lập năm (1641) và nhiều văn bia khác. Bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” được người thợ đá Quán Khái tạc trực tiếp vào vách động Hoa Nghiêm, bia nói về nhân dân các làng xã ở chung quanh núi Ngũ Hành Sơn và Hội An, trong đó có tên thương nhân người Nhật Bản và Trung Hoa đóng góp tiền của xây dựng chùa Phổ Đà, bia được lập vào năm Canh Thìn (1640). Còn bia “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc” được tạc vào vách động Vân Thông, nội dung nói về sự tích đức phật, bia lập vào năm Tân Tỵ (1641). Cả hai bia đều được chạm trổ và trang trí đẹp, bài văn khắc giữa lòng bia là chữ Hán theo lối chân tự.

Tại các nhà thờ như Nhà thờ tộc Lê, khối phố Mân Quang, phường Hòa Quý có các hoành phi như "Lê Tự Đường", "Truy Tiên Đức", "Phụng Tiên Ân", "Thừa Tiên Liệt", "Bảo Ngã Tử Tôn", "Thừa Tiên Đức"... được lập vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935), ngoài ra, tại Nhà thờ còn có một sắc phong sắc tặng cho ông Lê Phước Thọ, tiền hiền làng Mân Quang, sắc có niên đại Khải Định năm thứ 2 (1917). Ở nhà thờ tộc Võ khối phố Mân Quang còn lưu giữ gia phả của gia tộc, được lập vào năm Thành Thái, gia phả ghi hoàn toàn bằng chữ Hán - Nôm, rất có giá trị. Tại đình Trung Lương phường Hòa Xuân còn giữ 19 sắc phong của đình làng Khuê Đông (phường Hòa Quý) có niên đại từ thời Minh Mạng đến Bảo Đại.

 

Ngoài văn bia, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn còn có một số Bia mộ cổ có giá trị về mặt lịch sử như mộ ông bà họ Lê ở dưới chân núi Mộc Sơn, bia được lập năm 1638 và năm 1645. Tháng 12 năm 2000, giáo sư Trần Quốc Vượng và chúng tôi đã phát hiện dưới chân núi Mộc Sơn, hai ngôi mộ của ông bà họ Lê. Trên mộ của ông có ghi: “Việt cố - Tướng Thần Lại Ty Câu Kê Lê Quý Bá Chi Mộ - Tuế tại Mậu Dần Mạnh Xuân Cốc nhật”, còn trên mộ của bà có ghi: “Việt cố - Câu Kê Lê Công Chánh Thê Mai Thị Quý Nương Chi Mộ - Ất Dậu Quý Hạ Cốc đán”. Cả hai ngôi mộ đều do con cái của hai ông bà phụng lập. Căn cứ vào hình thức và nội dung văn bia, chức tước và năm, tháng lập bia, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết đây là hai ngôi mộ của hai vợ chồng, ông là người họ Lê, giữ chức Câu Kê (chức quan thu thuế), ở tướng thần lại Ty Quảng Nam, một chức quan dưới thời các chúa Nguyễn. Bia được lập vào ngày lành, mùa xuân năm Ất Dần (1638) và bà là người họ Mai, người vợ chính, khi mất mang tước hiệu của ông là Câu Kê. Bia được lập vào mùa xuân năm Ất Dậu (1645). Nguyên trước hai ngôi mộ tọa lạc tại xóm Trung, làng Quán Khái Đông, cách mộ tiền hiền tộc Huỳnh hiện nay về phía Nam khoảng 300m. Năm 1977, để quy hoạch lại đồng ruộng, hai ngôi mộ phải cải táng, di dời về làng Trà Khuê. Đến năm 1997, mộ lại được di dời lần nữa về khối 7 Đông Hải, cạnh núi Mộc Sơn (1).

Với những tài liệu văn bia nói trên giúp chúng ta hình dung được làng Quán Khái vào đầu thế kỷ XVII, đó là một đơn vị hành chính có tổ chức chặt chẽ, có người đã làm quan đến chức Câu Kê. Qua văn bia, cũng cho thấy nghề điêu khắc đá lúc bấy giờ đã hình thành, chí ít cũng đã làm được bia mộ và bia ký để lưu lại đời sau.

Mộ bà Phan Thị Hy dưới chân núi Thổ Sơn, lập năm (1792) cũng là tài liệu quý. Bia mộ trên được viết bằng chữ Hán - Nôm, trong lòng bia có khắc các dòng chữ Hán – Nôm như sau:

- Phía trên: có hai chữ “Nam - Cố”, ở chính giữa, từ trên xuống có các chữ: “Hiển tỷ, y phu, tiền tặng Chưởng cơ Tiền Đức Hầu, Chánh thất Phan nhất nương, thuỵ Từ Thục, Trà Nhơn chi mộ”.

Tạm dịch ý: Mẹ, người con gái tộc Phan, quê ở làng Trà, hiệu Từ Thục, cùng chồng được triều đình tặng tước Chưởng cơ Tiến Đức Hầu.

- Bên phải, từ trên xuống có các chữ: “Tuế thứ Nhâm Tý, tại Quý Xuân, cốc nhật, lặc thạch”.

Nghĩa là: Bia được khắc vào ngày lành, tháng Ba, mùa xuân năm Nhâm Tý (1792).

- Bên trái, từ trên xuống: Hiếu Nam, Chưởng cơ Trần Văn Đạt phụng lập.

Nghĩa là: Con trai Chưởng cơ Trần Văn Đạt phụng lập.

 

Trên đầu mộ - liền vào thành mộ - còn có tấm bia rộng, được đúc bằng vôi cát có khắc chữ Hán – Nôm. Mặt trong bình phong cũng khắc chữ nhưng trải qua hơn 200 năm, nay rêu phủ kín chưa đọc được (2).

 

Ngoài các bia mộ nói trên, còn có bia mộ tiền hiền tộc Huỳnh Bá (lập vào năm Bảo Đại), được chép lại từ nội dung của sắc phong có ghi “Thạch tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá Tộc Thủy khai” (nghề đá xã Quán Khái do ông Huỳnh Bá khai sinh đầu tiên), “Bổn xã Huỳnh Bá Tộc phụng lập”. Văn bia này phù hợp với lời kể của các bậc cao niên của làng Quán Khái Đông ngày nay, xác định rõ người có công đem nghề đá cổ truyền từ Thanh Hóa vào vùng đất Quán Khái là cụ Huỳnh Bá Quát, đồng thời cũng là vị tiền hiền lập ra làng Quán Khái, mà hiện nay bia và mộ cụ vẫn còn tại làng Quán Khái Đông. Còn 36 sắc phong mà triều đình phong kiến lúc bấy giờ sắc tặng cho làng Quán Khái, rất tiếc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tất cả sắc phong, địa bạ của làng đã bị đốt cháy, cùng với đình làng Quán Khái.

Bên cạnh bia mộ tiền hiền tộc Huỳnh, còn có bia mộ tiền hiền tộc Lê, bia mộ tiền hiền tộc Nguyễn Quang…cũng là những tộc họ có công khai phá đất đai lập làng Quán Khái.

 

Có thể nói rằng, nguồn tư liệu Hán - Nôm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn còn lại rất phong phú, ở nhiều di tích lịch sử - văn hóa và nhà riêng của nhân dân, có nhiều tài liệu rất có giá trị về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, chúng ta cần có kế hoạch nghiên cứu và gìn giữ vốn di sản quý giá này, tránh bị mất mát và hư hỏng để lưu lại cho các thế hệ mai sau.

 

Hồ Tấn Tuấn

Chú thích:

(1). Hồ Tấn Tuấn - Những Phát hiện mới khảo cổ học năm 2003, Viện Khảo cổ học Việt Nam, tr 512 - 513

(2). Hồ Tấn Tuấn – Mai Phước Ngọc Phát hiện mộ bà Phan Thị Hy, mẹ ông Trần Quang Diệu, Báo Đà Nẵng cuối tuần số 185, ngày 7-17-1997