NGƯỜI LÍNH VỪA RỜI VŨ TRƯỜNG

18.04.2011

NGƯỜI LÍNH VỪA RỜI VŨ TRƯỜNG

Truyện ngắn

Bùi Công Dụng

Anh lính trẻ ngồi nép mình ở hàng ghế trong vũ trường, nhâm nhi ly nước, đốt một điếu thuốc. Từng cặp nhảy cứ nhẹ nhàng bước qua. Nhìn vẻ thờ ơ lơ đễnh của người lính giữa đám người đang say sưa trong điệu nhạc êm ái, người ta không hiểu anh đang suy nghĩ gì. Có thể với làn khói thơm và chút hương vị chanh rum nơi vũ trường này, anh đang tập trung tận hưởng chút cảm giác gì đó mà bao năm ở chiến trường, anh cũng như bạn bè chưa lúc nào có được.

Ba năm đi đánh nhau, thêm hai năm làm kinh tế, cũng đủ tô điểm quãng đời của một thời trai trẻ. Ngày mai về quê với mẹ già, đàn em và bà con chòm xóm, lòng anh xốn xang quá. Cũng ra chợ, loanh quanh mua mấy cây bút bi, cái quần thun cho thằng út, một đôi giày cho thằng lớn, cái hộp dạ màu cho chúng mày dùng chung. Còn mẹ, anh biếu bà mấy mét vải sậm màu. Ở quê thế là quý lắm rồi. Lính tráng, tiền đâu! Anh nghĩ về lá thư cuối cùng cách đây mấy năm gửi cho mẹ trước giờ xuất kích. Đó là lời báo tin vĩnh biệt của anh từ trận đánh quyết định tại đường biên ở thung lũng Bò Vàng, nơi mở đường cho quân ta tiến vào thành phố. Trận đánh kết thúc, người bạn, người đồng đội thân thiết của anh hy sinh, nó chết thật thê thảm.

Gọi nó là thằng Lâm “đàn”, vì nó chơi đàn ghi ta rất nghệ! Các điệu nhảy cứ rộn ràng bởi ngón khua dây gõ thùng của nó. Những đêm trăng, nó rủ mấy anh em lên một mỏm đồi, ngồi hát. Nó hát những bài lạ hoắc, nhưng rồi nghe mãi cũng quen. Dân ca Châu Mỹ, tình ca Ý... Không biết đã có mối tình nào chưa mà nó cứ hát mãi bài hát này:

“Vì sao em nói:

Rằng anh đến thật là muộn màng

Vì sao em nói: Thời gian sẽ là người bạn vàng

Mà trong tiếng nói, lời em cứ ngập ngừng, dịu dàng

Để anh vẫn thấy- tình yêu trong mắt em”

Đoạn điệp khúc thì cứ ngân nga da diết, đầy bi tráng :

Ôi! Tình anh như cánh chim giữa biển khơi

Bay, bay và bay đi mãi không bao giờ ngơi ...

Rồi tiếng đàn như dồn dập rộn rã hơn, một nhịp trống đanh gọn, hụt hẫng, rồi nhập ngay vào “tempo”

“Cho, cho dù em có nói !

Dù anh đến muộn màng thật rồi...”

Đoạn này mới khiếp:

“Dù em có nói: Rằng đã có người bạn đời !

Mà sao tiếng nói: Giọng em cứ nghẹn ngào bồi hồi

Để anh vẫn thấy: Tình yêu trong mắt em !...”

Cứ đến đoạn ấy là nó ngậm ngùi, đắm chìm trong yên tĩnh.

Rồi nó từ từ ngước đầu lên: Có mối tình nào đâu, đã “nhập” rồi thì nó cứ phải thế, phải rút ruột gan mình ra, y hệt như đánh giặc ấy, thế mới gọi là hết mình.

Đời lính vào sinh ra tử, lúc nào cũng vô tư và lạnh lùng nghĩ về cái chết. Coi chuyện chết chóc nhẹ nhàng lắm. Thế mà, còn sống là cứ mãi còn...thương yêu. Hôm đó bị tập kích ác quá, đạn pháo dày đặc đến nỗi không thể ngóc đầu bắn trả lại được. Nó bảo: Chúng mày tìm cách bò ra đi, chỉ cần hai chục mét cũng được, hút đạn về đấy cho tao thấy rõ một tý. Chiến đấu mà nằm bắn thế này khó chịu lắm!

Tính nó thế, đã xáp trận là đứng bắn, cứ di chuyển tránh đạn, nhất định không thèm nằm! Luật chiến trường làm quái gì cho phép chuyện này. Thế nhưng mặc kệ, nó cứ tìm cách đẩy đồng đội ra xa để ...đứng bắn! Ánh chớp lửa đạn cứ vây quanh nó, và cũng từ cái thân xác nó, khẩu AK báng gập khạc đạn, chớp giật như một chiếc đàn loạn xạ âm thanh. Rất nhiều trận rồi mà nó không chết! Nhưng đến trận đó thì nó chết. Xác nó đứt thành nhiều mảnh, vung vãi tung toé trên cây như người ta phơi cái áo rách. Nhớ hôm nào nó còn ước mơ: Ước gì sau này lúc xuất ngũ vẫn còn lành lặn chân tay, tao sẽ dạy chúng mày “đi” điệu cha-cha-cha, “phăng” các loại, bốc lửa lắm! Thế mà bây giờ, không những đôi chân bị bay biến mà cả thân xác của nó cũng thành ra thế này đây. Khủng khiếp quá !

Thằng đồng đội nữa trong nhóm cũng loại na ná như thế. Coi bom đạn cũng chả là cái con ...cóc gì. Khoái dùng từ “dữ dội”! Gặp anh em bạn bè tập trung đông đúc, nó reo lên: A, dữ dội nhỉ! Mở nồi sắn luộc nghi ngút khói bếp ở rừng, cũng reo lên mừng rỡ: Dữ dội! Khi đánh giặc, nó thích dùng tay chân xáp lá cà hơn, khỏi tốn đạn. Nhìn kẻ địch bay súng quằn quại bò lê bò càng, thế là khoái! Mỗi đứa biểu hiện lòng căm thù mỗi kiểu, chẳng thằng nào giống thằng nào.

Ngày ra quân, nó được về trước anh mười ngày, cũng đã đến thành phố này ở chơi, chờ tàu. Trước hôm rời thành phố, nó để lại cái thư: “Mãnh ơi, tao về trước đây, rời khỏi thành phố mà chẳng để lại ấn tượng gì dữ dội cả, thôi hẹn gặp lại!”

Cái chuyện nó vừa gây ra làm xôn xao cả xóm chợ trung tâm, coi cũng chẳng có gì là dữ dội.

Nó đang dạo phố, thấy một ông già đang è cổ đẩy cái xe ba gác chở hàng giữa trưa nắng oi nồng. Đi nhanh đến định đẩy giúp qua ngã tư, đột nhiên nó đứng lại: Một tốp ba tay “thị trường” đi đến: Này ông già, chở gì đây!”. Ông già trả lời: Chở gạch men với lại ống giây trang trí. "Sao cứ che che đậy đậy như của ăn cắp thế này!”. Ông già khiếp quá trả lời: sợ trời mưa, ướt của chủ phải đền khổ lắm. Một tay bảo : “Thôi bố già ơi, thanh minh thanh nga mất thì giờ, giấy tờ đâu !”. Ông già lập cập rút tờ giấy đưa ra. Một thanh niên đi xe máy cũng vừa trờ tới, nói gì đó với mấy tay “ thị trường”, rồi đưa tiếp một tờ giấy chắc là tờ hoá đơn cho nó đủ bộ. Mấy tay “ thị trường” cũng tỉnh quẹo. Nhân viên nhà nước mà, quyền lực đầy mình, lý nào cũng bẻ gãy đừng hòng chơi vào! Một lúc sau, có tiếng nói : “Thôi nhé, yêu cầu dỡ xuống cho kiểm tra”.

Thói thường gặp kẻ yếu tim, mau mau nôn ra vài ba chục cho xong chuyện, đằng này tay chủ hàng cũng tỏ ra cứng, “mày, tao” ăn thua đủ liền lập tức : “Lý do chưa rõ, thằng nào giỏi cứ động vào !”

Mấy tay “thị trường” ào tới : A thằng này láo, dám cãi lại người thi hành công vụ! Thế là chúng nó vây lại, toan khoá tay. Anh thanh niên vùng vẫy, ẩu đả loạn xà ngầu.

Người lính giờ mới xuât hiện. Anh tiến đến :

- Các anh giải thích cho ngươi ta đã, hàng còn đó người còn đây mà !

Một tay ra dáng tổ trưởng, nhìn người lính mặc bộ sơ- vin đúng kiểu, hất hàm :

- Anh ở đâu?

- Tôi người nhà anh này! “ Người nhà à! Hay đấy! Hộ khẩu anh đâu?”. Người lính nghĩ: Nó hỏi hộ khẩu giữa đường giữa chợ thế này, không hiểu bọn bã đậu này muốn gì nhỉ? Chợt nhớ lại: Đồng đội anh có mấy đứa vừa ra quân năm trước, được xung ngay về các đội mạnh “ thị trường” ở các vùng biên giới. Thời kỳ cả nước đang bảo vệ hàng nội hoá chống nhập lậu mà gặp phải đám thiện chiến này thì phải biết. Các anh đã lao ngay vào trận chiến đấu mới, ác liệt không kém gì những ngay tháng cam go của thời chiến tranh.

Bọn nó cứ lo hết việc lớn này đến việc lớn khác như thế. Còn bây giờ, anh nhìn tay “ hộ khẩu”: Những đứa nào đây, chẳng lẽ cũng lại là những đồng nghiệp của bạn bè anh?...Tiếng anh chủ hàng: Nói với bọn này làm gì anh, chúng nó gây khó dễ để vòi vĩnh đấy mà. Rồi anh hướng về phía tay kia: “Nhìn mấy bộ mặt xôi thịt này tao biết ngay! Tao sẵn sàng đi với tụi mày lên tỉnh. Tao không buôn lậu, hàng tao có đủ giấy tờ, đếch sợ thằng chó nào!”.

Ái chà! Thế này thì quá lắm, còn ra thể thống gì nữa. Cả ba tên “thị trường” lao đến luôn: Bắt giữ thằng này lại! Một thằng nhìn về phía người lính mặc sơ- vin : “Thằng kia nữa, đồng bọn đi buôn lậu cả đấy, bắt lại !”.

Xóm chợ chứng kiến nhiều chuyện rồi, nhưng chuyện “thị trường” bị vạch mặt giữa thanh niên bạch nhật thế này thì chưa. Anh lính vừa bị hô bắt, nhìn mọi người đang xúm đông xúm đỏ, mặt lạnh lùng :

- Xin lỗi bà con, thằng này số chết!

Vừa dứt lời đã thấy thằng kia oằn người bật lên một phát rồi gục khuỵu xuống đất. Bọn kia thấy thế lao đến người lính sơ-vin. Anh lính vừa chống hai tay xuống càng xe ba gác thì đã thấy chới với ở phía trên: Hai khuôn mặt hai tên thị trường méo xệch vì bị lĩnh hai cú đá hậu ác hiểm. Anh thong thả bước đến túm cổ áo một thằng: “Mày nhìn đây!” Tấm thẻ đỏ nhỏ xíu được rút ra! “Bỏ mẹ rồi, gặp phải lính đặc nhiệm !”. Cả lũ lồm ngồm bò dậy, rút thẳng.

Anh chủ hàng chạy đến :“Tuyệt quá! Anh ra đòn “ngọt” quá. Cảm ơn anh nghe. Tụi tôi buôn bán làm ăn đến cơ khổ vì bọn này”. Rồi anh hướng về phía bà con kể tội tiếp: Hôm trước hàng tôi về, bị nó giữ lại bến xe, hạch ông già chở thuê đưa giấy tờ cho nó xem. Nó xem qua quít chỉ cốt biết cái địa chỉ, thế là cả bọn rồ xe máy đến cửa hiệu nói với bà xã tôi: Hàng chị bị giữ trên bến xe, may mà chúng tôi biết là của “ người quen”, đã giải quyết xong cả rồi. Thôi “vui vẻ” tí đi, hàng sắp về đấy! Vợ tôi nào có biết cóc khô gì, rút ra hai trăm đưa cho chúng nó, lại còn “cảm ơn các chú đã có lòng giúp đỡ”. Đấy, mánh lới làm tiền của chúng nó thế đấy. Có đủ giấy tờ, buôn bán hợp pháp vẫn bị lừa! “Nghị quyết 10” vừa ra đấy, nó vi phạm nó sẽ bị truy tố. Đếch sợ nữa!

Anh ta búa xua một hồi, lúc ngoảnh lại thấy người lính mặc áo sơ-vin đã biến mất.

*

* *

“Ngốc bỏ mẹ! Việc gì phải làm ầm ĩ giữa đường, giữa chợ, mất tư cách! “Anh lính trẻ ngồi suy tư trong vũ trường. Anh nghĩ về người bạn mình. Đấy, nó cũng là một dạng. Cứ hành động ào ào chẳng xứng với nghề nghiệp tí nào cả. Chẳng cần xem lý do phải trái, cứ thấy chuyện trái khoáy ức hiếp dân là giận lắm, lập tức liệt người ta vào số chết! Cái thằng nóng tính quá.

Anh ngồi nhấm nháp ly nước, tiếp tục bao quát vũ trường. Ban nhạc cũng vừa nhập cuộc đợt hai. Trên sân khấu, bốn tay đàn trống khoác bốn chiếc áo bào đỏ, đứng như trời trồng. Tiếng nhạc êm dịu cứ thế phát ra từ bốn cái pho tượng im lìm kia. Bốn pho tượng từ từ chuyển động.

Từ góc ngồi phía bên kia, có một cặp mắt đang đăm đắm nhìn anh. Một nữ sinh! Anh nhìn lại, vẻ khiêu khích. Thử...đắm đuối lại tí xem sao. Đôi mắt kia mở to: “ Sao, anh một mình à”. “Mỗi”, “Trông anh ngộ quá, lính phải không”, “Lính đa tình!” “Quá thể”, “Đùa tí thôi, tò mò của lính mà, trải qua hết nhưng món vũ trường này thì chưa”. Cô gái cười mắt: “Lại đây anh, ta thử!”

Anh lính bật nghĩ: “Thì chơi!”. Anh đứng lên tiến về phía cô gái, anh đưa tay mời cô, vẻ điệu nghệ đúng luật. Cô gái mỉm cười, đứng khép vào tay anh. Họ hoà vào các cặp nhảy lúc này đang đi điệu Rumba. Trên sân khấu, tay “bass” và “solo” đang châu mồm vào nhau ca một bài tình ca Nam Mỹ. Tiếng đi bè nghe cứ như trên mây trên gió, lúc rì rào thì thầm, lúc chí chóa loạn xạ như cãi nhau. Tay trống cười đắc chí khua gõ liên hồi. Bài hát thật là vui nhộn, êm ả và hòa âm lại cũng rất đồng điệu. Nghe thật sướng tai.

Cô gái đi nhè nhẹ bên anh, đôi lúc ngước nhìn lên thăm dò người bạn nhảy. Cô có khuôn mặt xinh quá. “Em cũng...một mình à!” “Đi chung với mấy bạn cùng lớp, nhưng đã vào đây là vui, không bao giờ bị lẻ đàn đâu anh!”.

Đây là khuôn mặt xinh đẹp, ngây thơ của cô nữ sinh. Nhưng kìa, đó là khuôn mặt nát bét vì đạn thù găm vào. Xác nó tả tơi vắt trên cành cây, còn đâu nữa đôi chân lành lặn như mơ ước, để dạy tụi này điệu cha- cha- cha bốc lửa! Có một đêm anh mơ thấy nó hiện về. Nó ngồi vắt vẻo trên cái chòi lá giữa rừng, cười nham nhở : “Mày mang giúp cái đàn về quê, đưa cho đứa em gái tao, nói với nó : Đó là kỷ vật cuối cùng của thằng anh nó, phải làm cho nó sống động lên. Không biết đàn nhạc thì chả thấy gì ở cuộc đời này đâu...” Đêm cuối cùng nó đã lặng lẽ chơi hết bài này đến bài khác: khúc biến tấu Moda, khúc tự tình Villa Lobos, ký ức Tarrega, khúc dạo số 1 của Bach... Nó còn bảo, một đời người chỉ cần nhuần nhuyễn Asturias của Segovia là có thể mỉm cười đắc thắng!

Nhưng đến lúc nó hát “Đêm chia tay” thì không khí vui quá, cả lũ đều cất tiếng phụ họa. Nó hát: “Đêm hôm nay cầm tay em đắm say, cho đôi môi, cho đôi tim, cho đôi ta ngây ngất tình. Những đêm trăng thanh bình. Bước trên hè phố - vai kề vai ta cùng đi xây ngày mai...”

Ở vũ trường điệu tăng-gô đang làm say mềm các cặp nhảy. Cô gái thầm thì: “Ta quay đi anh!”. Một hai...anh nâng nhẹ bàn tay trái, cô gái quay một vòng, đi lui quay tiếp! Tà áo dài nữ sinh bay phấp phới trong điệu quay nồng nàn. Hai người quay!...Chập!...Họ bước tiếp, say mê trong vũ điệu có cái tên La Cumparsita! “Anh nhảy điệu nghệ quá” Cô gái khen!.

Ban nhạc chuyển sang tiết tấu nhanh hơn. Cả vũ trương sôi động hẳn làm cho cô gái cũng hào hứng: “Ta nhảy tiếp đi anh. “Đêm chia tay đấy, cha - cha- cha đấy !”.

Người lính bỗng cảm thấy nhói ở chân. Anh lặng yên bâng khuâng. Hình như anh đang khẽ buông cô gái ra... “Đúng rồi, cha - cha - cha phải đi độc lập mới chiến”! Cô gái nghĩ thế.

Anh nhìn cô, vẻ của người có lỗi:

- Xin lỗi. Rất biết ơn em đã mang lại cho tôi một đêm tuyệt đẹp !

Cô gái ngơ ngác: Sao vậy anh!

Không trả lời một câu nào, anh hướng về phía cửa và chậm rãi đi về phía đó. Cô gái nhìn theo như oán trách: “Thật lạ lùng, thế mà bảo là lính - lính đa tình...”. Nhưng kìa, lạ thế, bước chân người lính đi không được tự nhiên, cô nhìn kỹ, mới thấy một bên chân kia của anh, đó là cái chân giả!

Cô gái chạy theo, nhưng vũ trường đông người quá. Anh ấy đi mất rồi...

B.C.D.