ĐỐI ẢNH
Tôi còn rất nhiều việc phải làm. Trước tiên, tôi đến nhà bà con trong xóm và những người trong dòng tộc, để cám ơn sự cưu mang giúp đỡ mẹ tôi trong những ngày qua. Suốt ngày tôi đi hết nhà này đến nhà nọ, ở đâu tôi cũng nhận được những lời an ủi, đại loại như: “Thôi đừng buồn phiền nữa con ạ! Đời người chỉ có một ... Thấy con được thành đạt như hôm nay thì ước mơ của mẹ con cũng thành hiện thực rồi. Chắc bà ra đi thanh thản lắm...”
Trời đã xế chiều, tôi đi qua con đường trước mặt khu chợ. Thấp thoáng đằng xa, trong sự tấp nập của dòng xe cộ ngược xuôi, có hai người ngồi trên chiếc xe lắc, khi đến gần, tôi đã nhận ra đúng họ rồi... Tôi biết họ từ khi còn học bậc tiểu học. Họ là những người hát xẩm. Một người bị mù bẩm sinh. Trời phú cho anh có giọng hát rất hay, với những ngón tay chạy trên phím đàn khá điệu nghệ. Anh thường hát những bản nhạc buồn, hình như nó mang đúng tâm trạng của anh. Người đi với anh là một chị mà số phận cũng chả lấy gì làm sáng sủa. Chị cụt hai chân đến trên đầu gối, bị vướng mìn khi đi phát quang để khai hoang đất canh tác. Họ là hai người xa lạ, từ hai miền đất nước đến đây, gặp nhau và kết thành đôi bạn thân. Tài sản và hành trang họ bước vào đời quá đơn sơ, chỉ có cây đàn ghi-ta, một cái loa, một cái máy tăng âm, và vài ba bộ áo quần nhăn nheo. Cứ sáng tinh mơ, chị mang trước ngực cái loa, đi bằng đôi tay. Anh vừa cầm đàn vừa hát, cứ mỗi lần dây điện nối giữa hai người căng lên thì anh bước tới. Cứ như vậy họ dìu nhau qua hết các ngã đường, ngày này qua ngày khác. Có vài lần tôi nhịn ăn quà, ném vào chiếc nón cời xác xơ của họ vài đồng với tấm lòng trắc ẩn... Tối về, họ trú dưới mái nhà tranh ọp ẹp trong con hẽm ẩm thấp, chằng chịt những đường rạch thoát nước bẩn thỉu. Công việc của anh ta buổi tối là chăm sóc người mẹ già bệnh tật. Còn chị ngồi xổ những đồng bạc lẻ ra đếm. Họ rất tin nhau, chả bao giờ nghi kỵ nhau. Tiền kiếm được trừ chi phí, còn bao nhiêu là của chung. Họ sống rất hoà thuận. Trong cái thế giới mọi người vẫn thường cho là “bụi bặm” ấy hình như nó có luật riêng...
* * *
Ngày thi vào đại học, tôi đổ điểm cao, được đi học ở nước ngoài. Kể từ đó tôi xa quê, xa họ. Khoảng thời gian ấy tôi có bạn trai, chúng tôi rất yêu nhau. Tốt nghiệp trở về, cả hai đều có việc làm, thu nhập cao. Đám cưới của chúng tôi tổ chức rất lớn, bạn bè đứa nào cũng phát ghen lên được, cứ tấm tắc khen: “Nó thật tốt số, chọn được chồng hội đủ tiền-tài- danh vọng, lý tưởng nhất trên đời rồi...”. Tôi cũng cảm thấy mình rất hạnh phúc, nhưng chẳng có gì là choáng ngợp cả, vì hẳn nhiên tôi phải được như thế. Tôi chẳng cần quan tâm đến những lời khen chê, luôn co mình lại trong căn phòng im ắng của riêng mình, cảm thấy ngất ngây trước những điều thành đạt. Trong căn phòng rộng lớn của tôi dần dần thiếu vắng những người bạn thân. Tôi cũng dần nhận ra sự trống vắng ấy, nhưng tôi chả cần quan tâm, bởi tôi đang tự mãn trước cuộc sống quá xuôi chảy của mình.
* * *
Thời gian đong đầy hạnh phúc rồi cũng dần trôi qua. Cả hai chúng tôi vùi đầu vào công việc. Tối về mỗi người riêng một cõi, tính toán chuyện làm ăn , chuyện công sở của riêng mình, ít thời gian chăm sóc cho nhau. Lâu dần chúng tôi không còn ăn cơm chung buổi tối, hay đưa nhau đi xem hoà nhạc như thuở ban đầu. Đã có những đêm anh ấy về khuya, miệng nồng nặc mùi rượu, áo dính đầy vết son, thơm nức mùi nước hoa. Tôi liếc xiên ánh mắt nghi hoặc. Còn những bước chân khi tôi ra khỏi nhà, có cảm tưởng rằng ánh mắt anh đang rình rập theo dõi. Và cứ thế, chúng tôi trở thành hai thái cực, đánh mất lòng tin của chính mình. Chúng tôi sinh ra cãi vả nhau. Anh ấy nói trắng ra: “Cô chả chăm sóc gì đến tôi cả. Chỉ quan tâm đến tiền, vật chất tôi mang về trong căn nhà này thôi. Ai quan tâm đến tôi thì tôi mới có bổn phận phải quan tâm lại chứ...”. Tôi chả chịu được lối nói ngang tàng của anh. Tôi dấm dẳng:
_ Anh tưởng rằng trong nhà này chỉ có mình anh làm nên hay sao? Không có trí tuệ và bàn tay gom góp của tôi thì anh nướng sạch ở các vũ trường, những trung tâm đèn mờ hay sòng bài đen đỏ rồi...
_ Với đồng lương chết tiệt của cô liệu có đủ ăn sáng không? Cô nên nhớ muốn gom góp cũng phải có tiền chứ. Cô nghĩ xem tiền ở đâu ra nào? Thôi, nên lo chuyện làm vợ của mình cho tròn đi...
Tôi không ngờ anh là người tầm thường đến vậy. Tôi cảm thấy mình bị sỉ nhục nặng nề không chịu đựng nổi. Thế là chuyện gì phải đến đã đến... Bây giờ tất cả như đã bước vào một kỷ niệm buồn...
Ở quê mẹ nghe tin, bà tỏ ra rất phiền muộn, nhiều lần viết thư bảo tôi thu xếp công việc ra sống cùng bà. Nhưng tôi cứ lần lữa từ chối. Ở quê mình không thích hợp, không đủ điều kiện cho mình phát triển hết tài năng, và khó kiếm tiền hơn ở đây. Vả lại, tôi phải làm ra thật nhiều của cải, tạo dựng cho mình chỗ đứng, địa vị trong xã hội thật vững chắc. Tôi chẳng bao giờ chịu thua kém chúng bạn, vả lại tôi phải làm tất cả để trả thù người chồng phụ bạc. Tôi viết thư mời mẹ vào ở trong này, sớm tối có nhau nhưng mẹ không vào. Mẹ bảo: “Tuổi già gần đất xa trời còn đi đâu nữa”. Đành lòng phải nhờ em Loan, con ông chú ruột, qua ở hẳn bên nhà với mẹ để giúp đỡ, chăm sóc mẹ thay tôi. Hằng tháng, tôi vẫn gởi tiền ra chu cấp đầy đủ.
Rồi mẹ bệnh. Tôi không thể ra ngay, vì còn giải quyết mấy hợp đồng quan trọng. Mới bắt đầu làm ăn liên doanh với nước ngoài không thể thất hứa. Tôi gởi ra cho mẹ một số tiền lớn để mẹ tự đi bệnh viện chữa chạy. Tôi nghĩ bệnh mẹ cũng xoàng thôi, tuổi về già thường hay nhức mỏi và khó ngủ. Tôi mua thật nhiều thuốc bổ quý hiếm để mẹ dùng, nghĩ thế là xong bổn phận... Nhưng mẹ càng ngày càng hao gầy rồi yếu dần. Bà cảmthấy căn nhà như rộng hơn, nỗi cô đơn càng lớn... Mẹ không còn đợi kịp đến khi tôi về...
* * *
Tôi đặt chiếc va-li lên đầu giường của mẹ, ngôi nhà trống vắng lạnh lùng. Lòng đau khổ vô cùng, tôi thắp hương cho mẹ. Lấy khăn lau lớp bụi bám trên bàn thờ, chiếc chìa khoá tủ rơi xuống nền nhà, tôi cúi nhặt tra vào ổ khoá. Cánh cửa tủ mở ra, trước mắt tôi là một mảnh giấy xếp tư. Tôi vội vàng mở ra xem. Trong ấy mẹ viết:
“Ba con mất sớm, mẹ chỉ có mình con được công thành danh toại, mẹ rất mừng. Sức khỏe mẹ suy yếu không còn sống được nữa để dìu dắt con. Thấy con không được hạnh phúc là nỗi đau lớn nhất của mẹ. Suốt mấy ngày mẹ nằm trên giường không dậy được, mặc dù có sự chăm sóc tận tình của cháu Loan. Sau này con phải đối xử tốt với nó... Mẹ vẫn thường dõi mắt qua cánh cửa ngóng trông, đợi chờ con... Cứ mỗi lần có tiếng xe máy ngoài cổng ngõ, tim mẹ lại hồi hộp, cứ nhủ thầm là con đã về với mẹ... Nhưng rồi... Mẹ lại nén lòng chịu đựng, tự an ủi con mình bận trăm công nghìn việc... Số tiền con gởi ra lo thuốc thang và chu cấp hàng tháng, mẹ vẫn còn giữ kỹ cho con, mẹ làm đủ ăn mà... Mẹ ra đi không để gì lại, con lấy số tiền ấy để tăng thêm một phần vốn bước vào đời...”.
Nước mắt tôi nhạt nhoà không còn đọc tiếp được nữa. Tôi đứng dậy gục đầu vào ảnh mẹ nức nở: “ Mẹ ơi! Đến bây giờ con mới hiểu mẹ cần ở con những gì... Con không phải là đứa con ngoan và hiếu thảo...”.
* * *
Bao năm tháng xa quê hương , ngày trở về tôi chỉ có một mình lang thang qua phố chợ cũ, cảm thấy bước chân mình lạc lõng... Trước mắt tôi vẫn còn đó đôi bạn hát xẩm. Họ cùng nhau đi trên một chiếc xe lắc do “Hội từ thiện tỉnh tặng”. Tôi đọc được hàng chữ ấy gắn trên chiếc xe còn mới của họ. Tôi đến gần, dí vào tay chị một số tiền. Vẻ mặt chị chợt ngơ ngác, ấp a... ấp úng... Anh chồng ngồi sau đoán biết có chuyện, liền cất tiếng hỏi:
_ Gì vậy em?
Chị trả lời chồng:
_ Có cô này cho mình nhiều tiền lắm.
_ Cô là ai mà tốt thế?
Anh ta nói khi đưa bàn tay gõ nhẹ vào vai vợ ra hiệu chị dừng xe lại.
_ À, tôi là cô bé học sinh ngày trước thường đi theo anh để nghe hát.
_ Ờ... Ờ... Tôi nhớ ra rồi... Nghe cô lấy chồng giàu sang, có chưc có quyền tôi cũng mừng cho cô. Nhưng sao...
Tôi muốn tránh không trả lời nên lái qua chuyện khác. Tôi hỏi:
_ Anh chị có mấy cháu rồi?
Chị buồn buồn trả lời:
_ Bác sĩ bảo vì bị cụt hai chân và nhiễm chất độc nên...
Tôi đặt tay lên tay chị và đọc được trong đôi mắt chị sự khát khao... Có nỗi đau nào lớn hơn nữa khi người phụ nữ vẫn còn hiện diện trên cuộc đời mà bị cướp đi quyền làm mẹ...
_ Mẹ anh bây giờ có khỏe không?
_ Cảm ơn lòng tốt của cô. Ngày ấy... Tôi mong làm ra thật nhiều tiền để chạy chữa bệnh cho mẹ tôi. Bây giờ mẹ tôi đã qua đời... Hai vợ chồng tôi hiện có việc làm ở hội người tàn tật, thu nhập cũng khá...
Họ chia tay tôi. Chiếc xe lắc ba bánh vẫn lăn đều trên con đường êm thấm. Anh ta hát khẽ đủ cho chị nghe và chính mình nghe. Họ thực sự là chiếc gậy của nhau.
Nắng chiều vàng vọt rơi xuống. Tôi đứng tần ngần nhìn theo. Bóng tôi đổ dài liêu xiêu giữa nhập nhòe hoàng hôn...
_ Sao cô ta chưa về nhỉ?
Bị vợ hỏi bất ngờ, anh ta dừng bài hát nửa vời, ngẫm nghĩ chốc lát rồi trả lời:
_ Không, cô ta đang cố gắng vượt qua đoạn đường trước mặt trước lúc... trời chưa tối...
Tôi giật mình trước câu nói của anh. Tôi nhìn chiếc bóng đơn côi của mình, thấy nó thật bơ vơ giữa cuộc đời. Phía trước tôi, đôi bóng của họ như muốn sóng đôi quấn quýt bên nhau. Nó như một đối ảnh với chiếc bóng của tôi, một đối ảnh về một hạnh phúc thật trong đời, thứ hạnh phúc mà tôi mãi cố gắng kiếm tìm...
HẠT CÁT