Thể chân dung văn học trong nền văn học Việt Nam hiện đại

18.04.2011

Thể chân dung văn học trong nền văn học Việt Nam hiện đại

Có lẽ những nhà nghiên cứu, phê bình là những người có công lớn nhất trong việc hình thành thể chân dung văn học. Họ là những người nhận nhiệm vụ thiêng liêng của văn học là chiêm ngưỡng và phác họa chân dung các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu. Vì vậy, mỗi người chiêm ngưỡng ở một góc độ khác nhau, với một lăng kính khác nhau, tạo nên những nét vẽ rất riêng và hết sức độc đáo.

Đến với Nguyễn Đăng Mạnh, nhà nghiên cứu được xem là tiếp cận khá sớm với thể chân dung văn học qua các cuốn Chân dung văn học (NXB Thuận Hóa, 1990), Nhà văn VN hiện đại, chân dung và phong cách (NXB Trẻ, 2000), ta được chiêm ngưỡng hàng loạt chân dung các nhà văn, nhà thơ gạo cội của văn học Việt Nam như Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Hoài Thanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Quang Dũng, … Tất cả họ đều là những tác giả đầu thế kỉ XX đến nay, mà Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng “Đây là thời kì, trong giới cầm bút, có sự thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân. Mỗi người viết đều muốn có những tìm tòi riêng về tư tưởng và nghệ thuật, đều muốn là một tiếng nói riêng. Vì thế, trong đời sống văn học, có sự xuất hiện hang loạt cá tính, phong cách độc đáo. Hiện tượng này đã hấp dẫn tôi rất nhiều. Và tôi lao vào đây, cái chỗ mà Nguyễn Tuân gọi là “xôm” nhất này, để tìm tòi, phát hiện” [ , tr.8]. Đó chính là lí do Nguyễn Đăng Mạnh tìm đến thể chân dung văn học.

Theo ông, việc dựng chân dung văn học là điều cực khó, vì “Phải làm sao “chớp” được những nét tiêu biểu, những chi tiết “xuất thần” của nhà văn. Văn chân dung rất gần với văn sáng tác. Nó là một thứ bút kí về người thật việc thật. Phải có điều kiện tiếp xúc nhiều với “người thật”. Phải có óc tưởng tượng và khả năng hư cấu để dựng cảnh, dựng người, tạo không khí… Có người vẽ chân dung chỉ dựa vào những chi tiết của con người nhà văn trong đời sống. Có người thì chỉ dựa vào văn của ông ta. Riêng tôi muốn phối hợp cả hai. Làm sao văn và người soi sáng lẫn cho nhau. Tôi quan niệm cái tôi ngoài đời và cái tôi trong văn của người nghệ sĩ bao giờ cũng có sự thống nhất – không phải thống nhất ở bề ngoài, ở bề nổi (bề nổi nhiều khi có vẻ rất khác nhau), mà ở bề sâu, ở bản chất tâm hồn của ông ta. Tìm ra chỗ thống nhất này cũng là điều thú vị nhưng rất khó” [ , tr.9]

Với Vương Trí Nhàn, ta lại nhận thấy ông có một sức viết quá dồi dào. Nghệ thuật viết chân dung văn học của ông thể hiện qua hàng loạt tập sách rất công phu như Những kiếp hoa dại (NXB Hội nhà văn, 1993), Cây bút, đời người (NXB Trẻ, 2002), Ngoài trời lại có trời (NXB Hội nhà văn, 2003), Có những nhà văn như thế (NXB Hội nhà văn, 2006), Cánh bướm và đóa hướng dương (NXB Phụ nữ, 2006),Đúng như Bùi Chí Vinh nhận xét: “Tên là Trí Nhàn nhưng ông lại chọn một cái nghề chẳng nhàn trí: phê bình văn học” [112]. Nhưng Vương Trí Nhàn lại cho sự nhọc nhằn đó là may mắn của cuộc đời mình khi ông tâm sự “May mắn trong nghề làm phê bình của tôi là luôn được sống và làm việc gần các nhà văn, nhà thơ, đủ để bị thôi thúc bởi ý nghĩ: bên cạnh các bài thơ, cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo khác, đấy chính là tính cách của họ. Người đời đôi khi thành kiến, đám người viết văn chẳng qua chỉ là một bọn dông dài. Trong khi, một số đồng nghiệp của tôi (nhất là các nhà giáo) lại có xu hướng lí tưởng hóa những người viết, xem cây viết nào cũng tâm huyết đầy mình. Phần tôi, tôi nghĩ, ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương cũng có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, có thánh thần lẫn ma quỷ. Và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý. Rồi điều quan trọng hơn, mỗi con người có một tư cách, một số phận. Không phải chỉ những tài năng lớn mới có một cuộc đời thú vị, những nhà văn tạm gọi là bình thường cũng có cách phấn đấu riêng, những bi kịch riêng. Những cuộc làm người của họ trong văn chương cũng rất đáng ghi chép lại...” [112]. Khi tự nhận xét về cách viết chân dung văn học của mình, ông nói rằng “Sách của tôi có lẽ không phải là thứ sách phê bình để dùng trong nhà trường, không thể là một thứ văn mẫu để học sinh có thể dùng vào thi đại học. Nó như là thứ thuốc cần để xa tầm tay trẻ em. Bạn đọc lý tưởng của tôi là những người không bằng lòng với cuộc sống, muốn cắt nghĩa một phần cuộc sống thông qua việc tìm hiểu thế giới văn nghệ sĩ. Trong đó, có thể có cả thuốc bổ lẫn thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là đã có một gáo nước lạnh giội lên bất kỳ ai ở đây. Tôi đã chân thực với những điều mình thấy, nhưng không vì thế mà dám nghĩ rằng, tôi chắc chắn đúng và chỉ có mỗi mình đúng” [112].

Nguyễn Khắc Phê cũng có ý thức khắc họa chân dung khá độc đáo trong cuốn Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ (NXB Hội nhà văn, 2006). Trong Vài lời mở đầu tập sách, ông tâm sự “Không phải là nhà phê bình chuyên nghiệp, lại không có được sự thông minh, hóm hỉnh như nhà thơ Trần Đăng Khoa (trong Chân dung và đối thoại) hay tinh thần can đảm như nhà thơ Trần Mạnh Hảo (trong hàng loạt sách báo đã công bố) thường chọn những tác giả và tác phẩm nổi tiếng để “mổ xẻ”, tôi chỉ viết về những con người, những cuốn sách mà mình có “duyên” được sống cùng, được gặp, được đọc trong tròn ba chục năm hoạt động văn nghệ - trong đó nhiều tác giả, tác phẩm còn ít người biết đến… Cuộc đời vốn phong phú; nhà văn cũng như người thưởng ngoạn văn chương luôn có nhu cầu tìm hiểu các ngành nghệ thuật khác để làm giàu thêm vốn sống và vốn văn hóa của mình” [ , tr.6-7]. Vì vậy, trong Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ, ta được mở rộng tầm hiểu biết, tôn kính về những con người của xứ Huế mà cuộc đời và sự nghiệp khá lặng thầm. Ông bỏ rất nhiều công sức để tìm tư liệu, để chứng minh Lê Văn Miến là một họa sĩ “sinh bất phùng thời”, là người thầy của nhiều danh nhân như Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành, giáo sư Lê Thước, Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỉ… Hay nhân kỉ niệm 100 năm ngày mất của công chúa, nữ sĩ Mai Am, ông đã chứng minh cho người đọc thấy bà là “cây bút nữ sắc sảo nhất, tài hoa nhất của xứ Huế trong nửa sau thế kỉ XIX”. Rồi ông quyết tâm đi tìm một “chỗ đứng” cho nữ sĩ Cao Ngọc Anh trong làng thơ Việt Nam; thương tiếc ngòi bút trẻ đầy tâm huyết Hải Triều; ca ngợi nhà thơ đầy chất Huế Nam Trân; khẳng định Hải Bằng, “người không ai thay thế được” trong “sân” văn nghệ Huế…

Đến với Đời sống và đời viết (NXB Hội nhà văn, 2005) của nhà giáo, nhà nghiên cứu và phê bình Văn Giá, ta cũng cảm nhận được sự hài hòa, hô ứng phê bình tác phẩm với phác thảo chân dung tác giả, nhưng với một phong cách viết rất riêng. Chín bài dựng chân dung các tác giả Nguyễn Nhược Pháp, Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Thâm Tâm, Hoài Thanh, Vũ Bằng, Thanh Châu, Văn Cao, đều được Văn Giá phác thảo theo mối tương quan "đời sống và đời viết". Tuy số lượng bài viết về văn học đương đại không nhiều nhưng người viết biết làm mới những vấn đề cũ, đưa đến cách cảm nhận mới, cách hình dung mới và cách dẫn giải có phần mới mẻ. Khi đánh giá lại những giá trị văn học một thời chưa xa, "tứ giác tác gia" Vũ Bằng - Nam Cao - Thạch Lam - Thâm Tâm được Văn Giá quan tâm đặc biệt. Trên thực tế, tác giả không nhằm dàn dựng tư liệu, xác định mối quan hệ giữa cuộc đời và hoàn cảnh sáng tác của nhà văn với trang văn mà chính là nhờ qua tác phẩm để hiểu rõ hơn con đường sáng tạo nghệ thuật, hướng tới cắt nghĩa "tài năng và giới hạn của mỗi người cầm bút".

Văn Giá còn viết chung với Nguyễn Đăng Điệp, Lê Quang Hưng, Nguyễn Phượng, Chu Văn Sơn trong cuốn Chân dung các nhân vật Việt Nam hiện đại (2 tập, NXB Giáo dục, 2005), chủ yếu dựng chân dung các nhà thơ, nhà văn có tác phẩm trong nhà trường phổ thông, những người có ảnh hưởng lớn đến tri thức văn học sử Việt Nam hiện đại. Ở cuốn sách này, chúng ta nhận thấy một cách viết chân dung rất khoa học, hệ thống, có sự kết hợp giữa văn phong nghị luận và văn phong sáng tác, vừa cho người đọc những tri thức cơ bản, vừa tạo thêm nhiều phát hiện mới mẻ, sâu sắc và giàu cảm xúc thẩm mĩ.

Đối lập hẳn với cách viết hệ thống của Chân dung các nhân vật Việt Nam hiện đại, cuốn Văn khoa chân dung kí (NXB Hội nhà văn, 2006) của Hữu Đạt lại viết dưới dạng chương hồi, không câu nệ thứ tự về thế hệ trước sau mà theo cảm hứng văn chương của người viết. Cuốn sách dựng lại chân dung các giáo sư Khoa Ngữ văn vẻ vang một thời của của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Chính vì thế, sự hấp dẫn của cuốn sách chính là ở các sự kiện mang tính lịch sử được phản ánh qua thời gian dưới các góc nhìn đa chiều đối với mỗi tính cách và mỗi con người. Có thể nói đây là cuốn sách đầu tiên của ngành giáo dục thể hiện chân dung các giáo sư dưới dạng một bút pháp riêng vừa hài hước vừa nghiêm túc, vì sau mỗi trang đời từng giáo sư, ngoài những chi tiết đời thường huyên náo lại là sự sâu lắng của những kiến thức, lối ứng xử tinh tế như là những bài học cuộc đời. Đọc Văn khoa chân dung kí, bạn đọc càng thêm kính trọng những bậc thầy cao cả vì nghĩa, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo được miêu tả trong sách. Không kể một số tình tiết hư cấu làm sống động thêm chất kí, PGS.TS.Hữu Đạt đã cho ta nhìn thấy một chặng đường của trí thức Việt Nam trong nửa thế kỉ từ năm 1956 đến 2006.

Hòa vào chiều sâu liên tưởng khám phá đó, ta lại đến với Dấu tích văn nhân (NXB Đà Nẵng, 2001) của PGS. TS. Nguyễn Phong Nam để cảm nhận chân dung các văn nhân qua những dấu tích mà họ tạc vào trang đời là tác phẩm. Trong lời tựa cuốn sách, tác giả viết “Người ta sống trên đời, hết thảy đều giống nhau ở khát vọng trường sinh. Trên một phương diện nào đó, có thể nói cuộc sống là quá trình mưu cầu, kiếm tìm sự bất tử. Tuy đường đi mỗi người một lối, cung cách mỗi người một khác, chả ai giống ai, nhưng dường như rất hiếm ngoại lệ. Nhà văn làm ra tác phẩm, ngẫm cho cùng là một sự nỗ lực khắc tạc bản ngã vào trang đời. Trên cái nền thăm thẳm của không gian, thời gian, văn nhân sẽ trường tồn bằng những dấu tích – tác phẩm” [ , tr.5]. Với ý niệm đó, trong 18 bài viết, tác giả Nguyễn Phong Nam đã dựng chân dung các nhà văn, nhà thơ bằng chính những tác phẩm của họ. Đọc Một nét Tản Đà, người đọc cảm nhận được rất rõ một Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thích ngao du sơn thủy, nặng lòng với nước non, nhiều ưu tư trước cảnh nước nhà, mà tác giả dùng một cụm từ rất hay để tạc chân dung ông: “một bậc tài tử đa tình nặng lòng non nước” [ , tr.7]. Hay ở Dáng tùng kiêu hãnh chốn nho lâm nước Việt, chúng ta lại thú vị với việc tác giả mượn dáng tùng trong chính bài thơ của Nguyễn Trãi để khắc họa chân dung ông, một kiểu nhà nho độc đáo, kết hợp hài hòa giữa hai mẫu nhà nho quân tử và nhà nho tài tử để trở thành “một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc, một bóng tùng vĩ đại và bất tử trong chốn nho lâm nước Việt” [ , tr.33]. Đến với bài viết Lưu Trọng Lư một hồn thơ xứ Huế, tác giả cho ta cảm nhận về một chân dung Lưu Trọng Lư rất Huế với “lối sống hiền lành, lơ đãng, nhân hậu và những vần thơ chân thành, nhẹ nhàng, buồn man mác”. Chính Lưu Trọng Lư “trong khi suy ngẫm về mình, đã phát hiện ra sự hòa điệu tự nhiên giữa cảnh sắc xứ Thần kinh và tâm hồn giàu mơ mộng của mình. Cái dáng vẻ trầm mặc, sương kính, phảng phất chút huyền ảo của không gian Huế đã chắp cánh cho thi nhân sáng tạo nên những vần thơ mơ màng tuyệt diệu làm xao xuyến biết bao thế hệ người đọc” [ , tr.122].

Nếu TS. Hồ Thế Hà đồng hiện cùng những nhà thơ thì TS. Phan Ngọc Thu lại cho ta cảm nhận về chân dung và phong cách độc đáo của những nhà văn. Trong bài viết Thái Bá Lợi và quá trình đổi mới bút pháp sáng tạo (Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4-2009), tác giả đã giúp người đọc thêm yêu quí một nhà văn Nghệ An nhưng đã gắn bó với xứ Quảng, vì nơi đây “mới thực sự là nơi khơi nguồn những trang viết đầu tiên và cũng là nơi từ bấy đến nay, anh đã quen thuộc, gắn bó với nhiều nỗi buồn vui của đời mình” [ ]. Đọc bài viết, ta cảm nhận được một “giọng văn điềm tĩnh, cách viết kiệm lời, bình dị, như vừa viết vừa nhớ lại, tưởng như không có gì lạ nhưng đã làm nên một bản sắc khó lẫn của Thái Bá Lợi. Người đọc tinh ý vẫn cảm nhận được sức cuốn hút của một vẻ đẹp vừa trí tuệ, vừa tình cảm; vừa sâu sắc, vừa mới mẻ” [ ]. Vì thế, “cho dù viết về bất kỳ một mảng đời sống nào, từ hồi ức về một chiến dịch, về những bề bộn, phức tạp ở một vùng “bán đảo” sau ngày giải phóng, hay nhớ lại những ngày Mậu Thân ở Huế và công việc “trùng tu” Huế hôm nay, cho đến cả việc “ghi lại” những dòng nhật ký mà ai đó bỏ quên ở khu rừng Bà Nà, Thái Bá Lợi đều hướng cái nhìn “ngậm ngợi” (chữ dùng của tác giả) của mình về phía những vấn đề của con người. Anh thuộc kiểu nhà văn quan tâm đến vấn đề trong diễn biến bề bộn của sự việc, hơn là chú tâm thuật lại cho kĩ những diễn biến đó… Chính vì thế, tiểu thuyết Thái Bá Lợi đem đến cho người đọc hai cảm giác ngược chiều nhau mà vẫn rất thống nhất, ấy là cảm giác dường như tác giả chưa nói đến cùng vì quá đắn đo, kiệm lời; nhưng lại vẫn cảm thấy phong phú, mới mẻ vì nhiều chi tiết, hình ảnh, câu văn rất chủ động điềm tĩnh mà giàu sức gợi. Phải chăng, nói như nhà văn Nguyên Ngọc “anh biết mười chỉ để viết một” và cách viết ấy chỉ có được ở những tác giả đã tiềm ẩn tư tưởng, vốn sống và thực sự làm chủ ngòi bút của mình” [ ].

Gần đây nhất, những người quan tâm đến thể chân dung văn học vui mừng đón nhận cuốn Chân dung văn học Việt Nam (NXB Hội nhà văn, 2010) của Nguyên An. Đọc cuốn sách này, ta cảm nhận được sự tâm huyết của tác giả khi ông bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu để trả lời cho được câu hỏi thế nào là chân dung văn học và đưa ra một nhận định của riêng mình về thể loại này. Nguyên An viết “Tôi lại nhớ đến chuyện Thầy bói xem voi. Mấy ông thầy trong chuyện này kể cũng đáng thông cảm chứ không đáng đem ra chê cười mà tội. Bởi vì, mỗi ông đã sờ vào một phần thân thể con voi, rồi cứ thế mà nói.” Ông còn cho rằng “mấy ông thầy trong truyện này còn có chỗ đáng khen – đấy là họ có sự trung thực”. Và Nguyên An đã trung thực như thế khi phác họa chân dung gần 20 nhà văn, nhà thơ: Tô Hoài, Huy Cận, Vũ Cao, Nguyễn Duy, Thúy Toàn, Hữu Mai, Phùng Quán… Nếu hiểu sâu sắc về các nhà văn, chúng ta sẽ thấy đây đúng là chuyện cái tai của Huy Cận, cái quạt của Nguyễn Duy, con đỉa của Phùng Quán… Độc đáo là ở chỗ chỉ cần phác họa một cái tai, ta vẫn nhận ra đó là Huy Cận. Đọc 250 trang sách Chân dung văn học Việt Nam, ngoài sự thú vị thấp thoáng qua gương mặt các nhà văn, ta còn nhận ra cách viết của tác giả Nguyên An mang phẩm chất viện sĩ rõ rệt từ cách đặt vấn đề chặt chẽ khúc chiết, đến giọng văn chuẩn mực, mô phạm.

Đỗ Thị Cẩm Nhung