GÀNH KHUYA SÓNG VỖ

18.04.2011

GÀNH KHUYA SÓNG VỖ

Tùy bút của TƯỜNG LINH

Tôi về quê vào dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán. Lúc này đêm đã khá sâu. Tôi đang ngồi lặng yên tại ngôi nhà cũ. Ngôi nhà này của gia đình chú em út tôi, cũng là ngôi “phó từ đường” (tạm gọi thế) của tộc. Ngôi từ đường chính là của bác tôi, gia đình ông vừa ở vừa lo việc xuân kỵ, thu tế. Sau lễ chính tế xuân, thanh minh, hiệp kỵ (giỗ hội) vào thượng tuần tháng ba và tế thu vào tháng tám âm lịch, sang buổi chiều cùng hai ngày ấy, lễ hậu tế, hậu kỵ được cử hành tiếp tại ngôi “phó từ đường” này. Đây cũng là nhà của cha mẹ tôi xưa. Sinh thời, bác tôi là trưởng tộc, cha tôi là “phó”. Ngày nay chúng tôi cũng giữ đúng việc tế tự theo thứ bậc ấy.

Trong mấy anh chị em, xét về vai vế con trai thì tôi lớn hơn nhưng từ lâu đã “mọc rễ” trong Nam. Chị và em gái tôi theo quê chồng. Mọi việc tế tự, hiếu hỉ ở quê nhà đều do vợ chồng chú em út gánh cả. “Giàu út ăn, khó út chịu”, chú em út của tôi ở vào vế thứ hai.

Tôi về sau mấy chục năm xa quê và đang thức với đêm tại ngôi nhà cũ. Gọi là nhà cũ nhưng nó không phải ngôi nhà thật của tổ phụ lưu lai, vì bom đạn của hai cuộc chiến tranh và trận bão lụt lịch sử năm Giáp Thìn (1964) đã triệt xóa đến không còn một mảng tường, một viên gạch. Ngôi nhà hiện nay cũng không phải là phiên bản của nhà xưa, chỉ tái hiện trên nền cũ mà thôi. Diện tích của ngôi nhà bây giờ đã thu hẹp ở phần thừa tự và rộng thêm ở phần sinh hoạt. Phần nội đường là thế, phần ngoại cảnh cũng có nhiều điểm khác. Cái sân rộng thời xưa đã phải nhượng bớt đất cho vườn khi khu vườn đã có thêm năm căn nhà mới. Cũng toàn là nhà của con cháu, tộc nhân cả thôi.

Anh em chúng tôi đều chào đời tại ngôi nhà này và cũng ra đi từ đây. Sau hơn bốn mươi năm, tôi trở về ngồi lại đúng cái chỗ tôi đã ngồi học bài, đã nằm ngủ đêm đêm suốt thời niên thiếu.

Tôi đã nói hơi nhiều về ngôi nhà tuy đây không phải là chủ đề, chỉ vì vị trí của nó.

Xưa nay, dù diện mạo bị thay đổi nhiều nhưng nhà vẫn ở sát bên sông, căn phòng tôi đang ngồi là phần của ngôi nhà gần bên sông nhất. Tôi nói “bên sông” chứ không phải “bờ sông” vì đây là dải gành đá dài hơn một cây số từ ngang nhà tôi đến đầu khu chợ làng. Gành đá hầu hết là dựng đứng, thỉnh thoảng mới có chỗ lài lài để từ mấy trăm năm xưa, cư dân đã tạo thành bến nước. Suốt chiều dài của gành đá có bốn bến nước như thế và bến nào cũng được gọi chung cái tên là “bến gành” để phân biệt với những bến bãi, bến đất thông thường. Rồi để phân biệt vị trí giữa các bến gành, người ta đặt riêng cho mỗi bến một cái tên như : bến gành Miếu, bến gành cây Sấu, bến gành Lò Rèn, bến gành ông Yến.

Dải gành đá dài và dày trở thành một bờ kè thiên nhiên cực kỳ vững chắc, không thể có một loại kè nhân tạo nào sánh kịp.

Sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam cũng như mọi dòng sông khác đều có phía lở, phía bồi, riêng “phía” gành đá chỗ quê tôi thì mãi mãi ở ngoài quy luật “bể dâu” ấy vì nó không bồi, không lở.

Đêm cuối năm. Đêm rất bình yên. Tôi không thể nào ngủ được. Bình chè xanh thứ thiệt hái từ đồi chè quê nhà cứ được tôi châm tiếp nước sôi. Tôi ngồi độc ẩm nước chè xanh để lắng nghe từng luồng gió chướng thổi vù vù trên mặt sông đêm, thổi lộng qua hàng tre bên đường. Bàn tay vô hình vụng về của gió tạo nhịp không đều nơi mấy tàu cau già đã tách thân cây nhưng chưa rụng hẳn…

Khuya sâu. Những cơn gió chướng càng nhặt và mạnh hơn. Tôi lắng nghe lại thứ tiếng của những mùa gió cũ đã xa quá lâu, xa bằng cự ly tháng năm hơn nửa đời người, bằng thời gian từ mái tóc xanh đến mái tóc bạc.

Sự yên ắng về sinh hoạt của đêm trường đã cho tôi được nghe rõ thêm một thứ tiếng quen thuộc khác cũng đã rất xa đối với đời tôi. Đó là tiếng sóng. Gió chướng mạnh nhồi mặt sông thành sóng. Sóng vỗ vào gành đá tạo thành thứ âm thanh xôn xao, ùa vỡ, bứt rứt. Tiếng sóng vỗ thật gần rồi lan xa và tưởng như sóng biết kết thành từng chuỗi kéo đi dọc theo gành đá.

Đêm quê nhà, ngồi nghe gành khuya sóng vỗ khiến tôi không khỏi nghĩ và nhớ lan man đến nhiều thứ quá! Điều tôi nghĩ trước nhất là về từ ngữ. Theo tôi, ít ra là với bà con Quảng Nam, chúng ta không nên viết hay gọi gành đá là ghềnh. Gành (danh từ) chẳng có họ hàng gần xa gì với ghềnh trong tính từ kép gập ghềnh. Sẽ khó nghe thế nào ấy, nhất là với bà con Quảng Nam, khi nghe ai đó viết hay nói “bến ghềnh”, “cá chuồn ghềnh”, hoặc hát câu “chiều chiều mây phủ Hải Vân / Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn”…

Nhân từ ý nghĩ thô thiển dễ bị cho là cục bộ này, tôi lại xin được… lạc đề sang một danh từ thực vật khác vốn là thứ trái cây ngon quen thuộc của đất Quảng. Đó là trái bòn bon đã có từ lâu đời tại một vùng rừng của huyện Đại Lộc. Có truyền thuyết mà hầu như người Quảng nào cũng biết rằng khi vua Gia Long cùng quan quân bị quân Tây Sơn truy kích có lúc đã chạy vào rừng Đại Lộc. Lương thực cạn. Quân đói, tướng đói, vua cũng đói. Giữa tình thế nguy ngập ấy, họ phát hiện vùng rừng nơi đây có vô số một loại trái cây chín vàng, chim, khỉ tụ về ăn thỏa thích. Họ bèn hái loại trái ấy ăn thử và nhận ra mùi vị ngọt lành. Nhà vua cùng các quan văn võ cũng dùng thử. Loại trái cây này ăn đã ngon, lại còn điểm đặc biệt là ăn no thay cơm cũng không bị xót dạ như hầu hết những loại trái khác.

Lòng rừng vốn hào phóng. Đoàn quân của vua lớp hái ăn tại chỗ, lớp mang theo thứ trái cây ngon ngọt quý giá ấy.

Sau khi thống nhất sơn hà và an vị trên ngai vàng, vua Gia Long ân phong tước hiệu, danh hiệu cho những người, những vật đã giúp nhà vua trong thời kỳ gian khổ. Trong số này có hai loại trái cây được nhà vua đặt tên, đó là trái “Nam trân” (món quý của nước Nam) ở rừng Đại Lộc tỉnh Quảng Nam và trái “Thủy liễu” thay tên cho trái “bần” tại các vùng sông rạch Nam bộ.

Khi thực dân Pháp chiếm và lập xong bộ máy cai trị trên đất nước ta, những viên quan Pháp “bảo hộ” tại Quảng Nam cũng rất chuộng trái nam trân. Họ thấy loại trái này dạng tròn và kích cỡ cũng giống viên kẹo tròn người Pháp gọi là bonbon. Họ gọi trái nam trân là bonbon. Dân ta Việt hóa cách gọi ấy thành bòn bon. Tên bòn bon nghe khá hay, nhiều người còn gọi là lòn bon, cũng chẳng sao cả. Rồi nhiều địa phương trên cả nước ta cũng gọi loại trái này bằng cái tên ấy.

Thế nhưng, tôi từng đọc thấy có một số nhà báo, nhà văn khi viết tên trái bòn bon dung dị lại viết là loòng boong. Âm ngữ đất Quảng không hề có một từ rắc rối như vậy. Cũng chẳng mấy ai xài từ “nam trân” đầy tính hàn lâm, mà xưa nay vẫn cứ là bòn bon hoặc lòn bon. Bà con trong Nam cũng vậy. Họ vẫn gọi cây bần, trái bần chứ không huê dạng là “thủy liễu” cho dù nam trân và thủy liễu của hai miền đều do vua đặt kia đấy.

Xin trở lại với gành đá chỗ quê tôi.

Gành dựng dọc bên sông, phần nhiều liền với núi. Do đó, ở sông Thu Bồn cũng như mọi con sông khác, về phía thượng lưu mới có gành, phía hạ lưu sông là những bờ đất vì những nơi này không giáp núi, không phải đá.

Người xưa đã đặt tên cho những gành đá. Chẳng hạn, phía dưới làng tôi có gành Ngô, gành Hố Chuối, gành miếu Bà…, phía trên làng có gành Đá Bạc, gành Hố Luôn, gành Ông Cào… Gành nào cũng giống nhau về loại đá của cấu trúc thiên tạo. Những loại gành tôi vừa kể đều tiếp liền với núi nên chỗ nào cây mọc được đều cùng các loại cây với chân núi ấy. Riêng gành đá chỗ tôi ở không tiếp giáp với núi. Nó không có các loại cây như tại các gành khác mà chỉ có cây và hai loại dây bò là dây quà quạ và dây bươm bướm.

Cây rì mọc ở ven chân gành, sát mép nước. Nó chẳng được ai trồng nhưng hễ có một chỗ lõm, một khe nứt nào đó của gành đá có chút đất là cây sẽ mọc lên. Loại cây này có sức sống cực kỳ bền bỉ. Tôi chưa bao giờ thấy một cây rì chết trừ phi người ta chặt bỏ nó. Mùa hạn lớn, nước rọt tận lòng sông, rì đứng phơi nắng mấy tháng ròng vẫn sống. Mùa đông, nước lũ chảy xiết bứt đứt nhiều loại cây dại bên sông, rồi lụt ngập, có khi nước ngâm cả mươi ngày, nửa tháng, chẳng loại cây nào sống nổi. Thế nhưng khi lũ qua, lụt rút thì rì lại xuất hiện như cũ. Tất cả họ hàng nhà rì vẫn sống. Nhìn những cây rì sau lũ, sau lụt mà tội nghiệp! Giống như con bệnh vừa thuyên giảm, chúng chưa đứng thẳng lên được mà còn xiêu về phía xuôi sông, thân cây bết đầy rác rếnh, bùn non. Chỉ cần vài cơn mưa sau lụt tắm cho là thân rì sạch sẽ. Chúng lại đứng thẳng để… trơ gan cùng tuế nguyệt.

Dây quà quạ bò trên đất, đá, có trái tròn gần cỡ quả bóng bàn nhưng không ăn được. Dây quà quạ mọc từ một chỗ đất gần đó rồi bò lung tung khắp cả gành đá. Dây, lá và trái quà quạ phủ rậm rì, chằng chịt khắp diện tích của gành. Sức phát triển của nó rất nhanh và vô tích sự. Vì thế, cứ vào khoảng đầu tháng chạp âm lịch khi đã dứt mùa mưa, bà con dọn đất , đất biền ở gần gành đá để trồng dâu, trỉa bắp, họ không quên tìm chặt đứt các gốc dây quà quạ. Chừng nửa tháng sau, dây, lá quà quạ phủ kín mặt gành đều chết khô, gành đá được thoáng hơn, tạo sự “dễ thở” cho một loại dây khác không bị diệt. Đó là dây bươm bướm.

Dây bươm bướm không vươn dài bằng dây quà quạ. Nó bò vào gành đá đến một mức vừa phải rồi nằm đó để chờ mùa xuân đến.

Những ngày đầu xuân, gành đá nở đầy hoa bươm bướm. Thật ra đây chỉ là những chiếc lá màu trắng tinh khôi trong cùng chòm lá bươm bướm màu xanh trông như những con bướm trắng. Lá bướm trắng chỉ xuất hiện vào những ngày đầu xuân, còn trước và sau thời điểm này, lá của nó vẫn chỉ toàn màu xanh. Khi có làn gió xuân thổi qua, vô số lá bướm trắng rập rờn như đàn bướm đang đậu trên lá. Có lẽ vì vẻ đẹp này và lá bướm trắng còn là một vị thuốc đông y (chữa bệnh ho) nên dây bươm bướm được người quê tôi không nỡ diệt.

Ngoài loại “bướm lá” ấy, gành xuân còn có rất nhiều con bướm thật, nhiều màu sắc, bay lượn, tản mác lên đường cái, nhởn nhơ vào các ngõ nhà, vườn cây… Lá bướm trắng và nhiều đàn bướm thật tạo cho gành đá một quang cảnh hữu tình độc đáo. Hai loại “bướm” ấy tồn tại gần hết cả tháng giêng.

Tôi chợt nhớ gành đá chỗ quê tôi đến nay vẫn chưa có tên như các gành khác. Tại sao ông bà ta không đặt cho nó cái tên là “gành Bướm” nhỉ ?

Khuya lắm rồi. Vẫn đầy gió chướng và tiếng sóng. Gành đá quê tôi đã chống ch?i với sóng gió, bão lụt, hạn hán qua bao đời rồi nhỉ

Không sao cả.

Dãy “kè” siêu bền vững ấy của làng vẫn đứng vững như con người quê tôi vẫn đứng vững, mãi mãi đứng vững.

Chẳng biết do đâu, tôi nghĩ rằng gió đêm cuối năm lúc này đây là những đợt chướng cuối cùng khi mùa xuân đang tới. Tôi về để mong gặp lại mùa xuân trọn vẹn của quê nhà. Mấy chục năm trước đây, từ một nơi lưu lạc rất xa, với nỗi nhớ mùa xuân cố lý, tôi có làm bài thơ trong đó có bốn câu dành cho vòm không gian nhỏ của xóm quê tôi:

Ở đó còn chăng tháng giêng mưa bụi

Tiếng trống chầu hát bội lệ kỳ yên

Đường bên sông phất phơ tà áo mới

Phấn mưa cài óng ả lụa Duy Xuyên”

*

Chỉ mấy hôm nữa thôi gành đá sẽ im tiếng sóng. Ý tôi muốn nói là thứ tiếng sóng gây xao động, bứt rứt lòng người bởi gió chướng buổi tàn đông, chứ sông còn thì tiếng sóng vẫn còn, nhưng tiếng sóng từ gió nồm, từ gió mùa đông bắc sẽ rộn vui hơn, đáng yêu và yên tâm hơn.

Rồi gành đá vào xuân sẽ hiện ra cơ man cánh bướm thực vật và bướm động vật làm thông điệp tốt lành của đất trời, của sự sống chan chứa ý tình năm mới.

T.L.