TÔI ĐÃ GẶP ANH CHU CẨM PHONG

18.04.2011

TÔI ĐÃ GẶP ANH CHU CẨM PHONG

Kỷ niệm 40 năm Ngày mất Nhà văn-Anh hùng lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong (01/5/1971-01/5/2011)

Phan Đức Nhạn

(Tiết mục văn nghệ tại buổi toạ đàm về nhà văn-anh hùng LLVT Chu Cẩm phong, ngày 18/12/2010 do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật và Trư.JPG)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, cùng biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống để dành độc lập, tự do cho đất nước có sự đóng góp hy sinh của hàng ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng mà mẹ Thứ là một điển hình, cuộc đời mẹ đã trở thành huyền thoại bất tử của người mẹ Việt Nam ...; có sự đóng góp của văn nghệ sĩ, trong đó nhà văn liệt sĩ anh hùng lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong, là một đại diện mà mỗi lần nhắc đến tên anh luôn dậy lên trong lòng chúng ta những cảm xúc vô cùng đặc biệt.

Với tôi cuộc gặp anh Chu Cẩm Phong tại gia đình thật ngẫu nhiên “Thứ ba,7.1.1969 - Trưa nay mình về nhà chị Lạng, nhà đang làm lễ 21 ngày cho mẹ... Nhà có ba con trai, người con cả đi công tác huyện; người thứ hai đi du kích, hy sinh; cậu út tên là Nhạn, mới 15 tuổi, du kích thôn, đội trưởng đội văn nghệ... Nhạn tuy còn nhỏ tuổi, đã tỏ ra người đàn ông trong gia đình. Cậu lanh lợi thuộc nhiều thơ Tố Hữu, Thu Bồn, có giọng ngâm rất tốt, cậu hỏi mình “em không biết người học lớp 4 thì có người lớp 10 dạy, học lớp 10 có đại học dạy, không biết ai là người dạy đại học mà giỏi thế” rất ham học, cứ ước mơ được học lên đại học...” (Nhật ký chiến tranh) và cậu út Nhạn đã hồn nhiên ngâm thơ, tỉ tê chia sẻ câu chuyện làng xóm cùng nhau đánh giặc giữ làng với anh bộ đội Cụ Hồ... Gần 40 năm trôi qua mà hình ảnh anh vẫn đọng lại trong tôi thành nỗi nhớ như mới gặp hôm qua… Chu Cẩm Phong - một người anh gần gũi, đôi mắt sáng, cách nói chuyện có hồn, có duyên, thông thạo chuyện đông tây kim cổ, chuyện địch, chuyện ta... ở đâu anh cũng sống hết mình, hòa nhập để trở thành người con của dân, người cán bộ của nước. Vì vậy những lần sống và chiến đấu ở Bình Dương, anh đã bắt được “cái thần” của mảnh đất được Nhà nước 03 lần vinh danh xã anh hùng… “Người dân Bình Dương chỉ biết làm cách mạng” với hình ảnh ông Đụng, chị Cúc, chị Lang, bà Bảng... cùng nhiều người khác để rồi hôm nay còn lưu lại trong tác phẩm "Nhật ký chiến tranh".

Chu Cẩm Phong! Nhiều đồng đội cùng sống và chiến đấu với anh trong thời chống Mỹ vẫn thường kể cho nhau nghe nhiều ký ức đẹp về anh. Tôi đã nghe, đã đọc Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình An, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Thanh Thảo... và lớp lớp đàn em qua "Nhật ký chiến tranh" cũng ngưỡng mộ tài hoa, chia sẻ suy nghĩ của anh, họ đã cảm nhận được tình yêu chưa nói hết bằng lời của anh về cuộc sống, về con người, về quê hương đất nước, về mẹ anh, về người bạn PL… mà anh đem lòng yêu thương. Cũng như bao người thanh niên thời ấy anh biết nén tình yêu lứa đôi để dành cả tuổi xuân cho Tổ quốc, anh đã chọn con đường xông pha trận mạc, thực hiện nghĩa vụ công dân của một đất nước đang bị xâm lược, thay vì sánh đôi với người yêu giữa lòng Hà Nội hoặc ra nước ngoài bình yên học tập, nghiên cứu, để có một tương lai tươi sáng cho riêng mình...

Thật xúc động khi anh tự sự với chính mình: “Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, nhất là mẹ mình sẽ đau khổ chừng nào. Mình biết điều đó. Mình là con trai được cả nhà yêu thương. Nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống: dũng cảm, say sưa quên mình như những chiến sỹ cộng sản chân chính. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng hạnh phúc lắm thay!”. Chu Cẩm Phong vẫn không ngừng có mặt ở những nơi cam go, ác liệt nhất để vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa viết những trang thấm đẫm tính nhân văn.... Tôi nghĩ, chính điều này đã lưu giữ trong chúng ta hình ảnh Chu Cẩm Phong vẫn còn tươi sáng nguyên vẹn như tuổi 20 đẹp đẽ ngày nào.

Sau 35 năm tôi lại “gặp” anh Chu Cẩm Phong trong một hoàn cảnh đặc biệt: Sáng ngày 01 tháng 06 năm 2005 chúng tôi đang vui ngày sinh nhật của mình tại Tam Kỳ, anh Hồ Duy Lệ gọi tôi đến tòa soạn báo Quảng Nam. Anh lật vội trang sách đã “đánh dấu”... trao cho tôi quyển Nhật ký chiến tranh. Anh giục: “đọc đi, và Nhạn có muốn khác hay không cũng không được vì đây là nhật ký của người đã hy sinh để lại cho đời..” tôi dán mắt vào trang sách, mẹ tôi hiện lên thật rõ “Bà Bảng (Mẹ Việt Nam anh hùng Vương Thị Cận) đây là bà mẹ Việt Nam kiên cường. Chồng đi tập kết, bà ở nhà vẫn nuôi cán bộ, sau ngày giải phóng tham gia công tác kháng chiến tích cực, mình đã nghe bà con làng xóm thương tiếc. Nhà đó mới là nhà cách mạng toàn gia. Bà không có ai bì. Đấu tranh sản xuất cũng hì"... tôi nghẹn ngào nước mắt cứ trào ra… Thấy tôi xúc động anh Hồ Duy Lệ nói: Mình tặng Nhạn quyển sách đó, đem về làm kỷ niệm và cho gia đình cùng bạn bè đọc… Tôi chào anh Lệ và “ôm” quyển Nhật ký chiến tranh ra về. Những suy nghĩ về anh Phong, về mẹ tôi, về quê hương cứ hiện về... khi làm người cán bộ lãnh đạo rồi trở thành Đại biểu Quốc hội, noi gương thế hệ cha anh, tôi luôn làm việc say sưa hết mình, được đánh giá là típ người năng động sáng tạo. Một kỹ sư xây dựng tôi đã để lại dấu ấn nghề nghiệp qua những công trình, góp phần tạo dựng những nét mới cho quê hương, đất nước. Tôi hòa vào đội ngũ kỹ sư, những người thợ trong ngành xây dựng Việt Nam trong thời hội nhập và phát triển. Khi chuyển qua làm Quyền trưởng ban Khu kinh tế mở Chu Lai, tôi lại hăng hái đi, đọc, lắng nghe, gom góp tích lũy cùng nhau xây dựng cơ chế chính sách "mở" của Khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam, rồi cơ chế ấy đã được Chính phủ điều chỉnh nhân rộng áp dụng trên phạm vi cả nước. Cuối năm 2006, làm giám đốc Sở giao thông Quảng Nam tôi lại theo cái nghề mà ba tôi đã một đời gắn bó với ngành quản lý giao thông.

Nay tại Thành phố Hồ Chí Minh tôi lại nhận nhiệm vụ ở lĩnh vực mới, góp phần quản lý trật tự xây dựng đô thị... ở đâu làm gì tôi cũng luôn nhớ lại một thời chống Mỹ.

Quá khứ lùi xa... những nét đẹp một đời càng lan tỏa như những viên ngọc quý lấp lánh … Nhật ký chiến tranh và người anh hùng lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong vẫn còn sống mãi với cuộc đời.

P.Đ.N