MỘT NÉT QUẢNG NAM TRONG THƠ KHƯƠNG HỮU DỤNG

18.04.2011

MỘT NÉT QUẢNG NAM TRONG THƠ KHƯƠNG HỮU DỤNG

Mỗi nhà thơ khi sáng tác gắn với một “vùng thẩm mỹ” của riêng mình. Nhà thơ Khương Hữu Dụng- một nhà thơ mà cuộc đời và sự nghiệp không ồn ào nhưng gắn liền với hành trình của cả nền thơ gần một thế kỷ. Ông sinh ngày 1 tháng 1 năm 1907 tại phố cổ Hội An, là một vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa đất Quảng. Tuổi thơ ông lớn lên trong một không gian vừa đượm không khí trầm tư cổ kính của Thơ Đường và Khổng Giáo, vừa âm vang những giọng hò mênh mang trên dòng sông Thu Bồn... Ba tuổi mồ côi mẹ, lớn lên trong tình thương của bà nội và bố, người hay ngâm thơ Đường và kể chuyện tiểu thuyết cổ Trung Hoa cho ông nghe... Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học nghèo, có truyền thống nhân nghĩa, yêu văn thơ và giỏi chữ Hán, sống trên một vùng đất trung dũng kiên cường và đậm đà nhân nghĩa, hồn thơ ông được vun đắp và nhen lên từ đó. Được nuôi dưỡng từ chiếc nôi gia đình và quê hương như thế, dấu ấn quê hương in đậm trong sáng tác của ông là điều dễ hiểu.

Dấu ấn Quảng Nam trong thơ Khương Hữu Dụng thể hiện qua ngôn ngữ đậm đà chất Quảng, qua hình ảnh thiên nhiên, qua chân dung những con người xứ Quảng chân chất, mộc mạc, nghĩa tình.

Đọc thơ Khương Hữu Dụng ta bắt gặp đậm đặc những dấu hiệu ngôn ngữ miền trung. Đó là cách ăn nói giản dị, hiền lành, những từ ngữ mộc mạc: răng, rứa, mô, chi, chừ... Ngôn ngữ ấy có sức gợi về một vùng đất khô cằn mà mặn nồng tình nghĩa. Tần số xuất hiện của ngôn ngữ Quảng Nam cho thấy nhà thơ đã gắn bó tha thiết với mảnh đất Quảng Nam. Cách đặt tên bài thơ cũng đậm đà ngôn ngữ Quảng Nam: Cái thuyền, Nước réo dưới cầu, Dẫy mả, Bày chi, Mở cửa mả, Nói để em hay, Thơ gửi con trong nớ, Khang khác, Rứa đó...

Điều dễ nhận thấy là những khi muốn trải tâm sự của mình lên trang thơ nhà thơ mới buộc miệng dùng những từ quê mùa chất Quảng. Khi tâm hồn con người xúc động chân thành, ngôn ngữ bình thường nhất cũng có thể trở thành thơ. Điều đó lý giải vì sao trong thơ Khương Hữu Dụng, những bài thơ đậm cảm hứng đời tư thế sự là những bài thơ đậm đà ngôn ngữ Quảng Nam nhất. Đó là những bài thơ tiễn bạn, khóc vợ, viếng bạn... là những tâm sự sâu kín tận đáy lòng nhà thơ.

Khi tiễn bạn, lời người ở lại thật thiết tha: Anh về ngoài nớ đành an phận/Tôi ở trong ni rất khổ lòng. (Tâm sự người ở lại, 1928)

Bài thơ “Tiễn Nguyễn Đình bị đổi đi Di Linh” (1942) được coi là một trong những bài thơ hay của Khương Hữu Dụng.

Không chén Dương quan, liễu dịch đình/Đưa nhau phá một tiến cười rinh/Ở, đi, đây, đó, cần chi hở/Nước độc, ma thiêng, bọn lũ mình...

Nhiều người nói đến cái hay của tinh thần lạc quan, đây đó ta thấy phong thái của Hồ Chí Minh khi đi đày: “Hôm nay xiềng xích thay dây trói/Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung”.Tiếng cười rinh trong bài thơ cũng toát lên tinh thần lạc quan ấy. Song ở đây ta có thể thấy cái hay khác. Đó là những lời gan ruột của một người bạn khi tiễn đưa một người bạn thân “Ở, đi, đây, đó, cần chi hở”. Nói với bạn mà như thổ lộ với chính lòng mình, còn có lời chia xẻ nào thấm sâu hơn mà được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ dung dị hơn thế!

Cũng những lời gan ruột ấy, những người đồng chí nơi chiến trường nhắc nhở nhau khi đối mặt với kẻ thù: Nó ở bên kia đồi/Cậu nhằm cho thật trúng(Từ đêm Mười chín”).

Những câu đối viếng người thân về với suối vàng là những câu nói thường từ trái tim nên nhà thơ dùng nhiều từ ngữ đậm chất Quảng Nam.

“Viếng bạn cố tri Bửu Tiến”:

Thoả bấy tình thơ/Trên nớ, hai lần đi đã đến

Đóng rồi nút kịch, /Dưới ni bao thuở nhớ rồi quên.

“Viếng em rể Phan Văn Đức”:

Phải chú tìm cô về dưới nớ/Để con với cháu ngóng trên này.

Và cảm động nhất là những bài thơ khóc vợ. Khi vợ mất, xót xa trước nghịch cảnh trái ngang, nhà thơ đã thốt lên câu hỏi chua chát. Lời thơ hay là một tiếng than thảm thiết trước cảnh trái ngang của cuộc đời:

Ba mươi mốt tuổi người răng rứa?

Đôi lứa trăm năm chuyện phỉnh phờ!

(Ai có ngờ, 1942)

Tạo hóa bày chi nên nghịch cảnh ấy. Phạm Thái đã từng khóc người yêu mà trách tạo hóa bất công: “Nếu phải kiếp mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi?”. Lời thơ chân thành trở nên xúc động hơn nhờ những tiếng thân quen: răng rứa, Bày chi :Bày chi cõi âm và cõi dương/Để cho người mất lại người còn?/Người mất than khóc đáy mồ sâu/Người còn than khóc gầm trời cao/Lâu lâu một lần nhớ nhau quá/Hai người gặp nhau trong chiêm bao... (Bày chi, 1942).

Hai câu thơ cuối thật giản dị mà cũng thật tràn trề xúc cảm: Lâu lâu một lần nhớ nhau quá/ Hai người gặp nhau trong chiêm bao... Nhà thơ đang nói với mình hay nói với người đã khuất, hay đó là một lời hẹn ước: Gặp nhau trong chiêm bao. Hình ảnh người đã mất trở lại nhiều lần trong thơ Khương Hữu Dụng, trở thành nỗi ám ảnh trong không ít bài thơ của ông: Nhớ lại buổi chia ly/Em không hề ngỏ chi /Đưa lời trong khoé mắt/Giấu lệ dưới hàng mi/Tóc rối quên sờ lược/Áo huyền để sổ khuy/Tiễn anh vừa đến cửa /Cúi mặt vội quay đi (Nhớ lại, 1941).

Hình ảnh người vợ hiền hiện về trong ký ức nhà thơ thật thâm trầm mà sâu sắc. Cái im lặng trong buổi chia tay “không hề ngỏ chi” chỉ biết “Đưa lời trong khoé mắt/ Giấu lệ dưới hàng mi”đúng là hình ảnh của một cô gái Quảng Nam mộc mạc, kín đáo và thâm trầm. Phải thật yêu thương, thật thông cảm nhà thơ mới thấy vẻ đẹp của người vợ ẩn sau những điều không nói ra ấy. Và cũng thật yêu thương, thật thông cảm nhà thơ mới thấy vẻ đẹp từ hình ảnh “Tóc rối quên sờ lược/ Áo huyền để sổ khuy” ấy. Đó là dấu hiệu của một cuộc sống nhọc nhằn, bề bộn nỗi lo. Và nỗi nhọc nhằn của vợ, của người phụ nữ Việt Nam, của người con gái Quảng Nam tảo tần ấy là nỗi ám ảnh đối với nhà thơ. Để rồi sau này, khi cuộc sống đã đổi thay, nhà thơ lại tâm sự với vợ dưới nấm mồ. Cũng là lời tự gan ruột với những từ ngữ đậm đà chất Quảng: Trên mồ em hôm nay lên cỏ biếc /Anh đến thắp hương và nói để em hay/Em có thể yên lòng nhắm mắt/Cuộc đời giờ đây đã hết đọa đày. (Nói để em hay, 1963).

Thứ ngôn ngữ tự trái tim tuôn chảy khi cảm xúc chợt về là thứ ngôn ngữ không được gọt giũa kỹ. Song kỳ diệu là ngôn ngữ tự trái tim bao giờ cũng khiến con người ta cảm động, có độ thấm sâu nhất. Thơ Khương Hữu Dụng có những bài đạt được điều ấy.

Khương Hữu Dụng viết nhiều bài thơ về cảnh thiên nhiên xứ Quảng. Riêng cảnh Đèo Le, một thắng cảnh của vùng đất Quế Sơn - Quảng Nam đã có tới 4 bài: Quán lưng đèo, Mời khách 1,Mời khách 2, Đèo Le.

Đây là những câu thơ mời khách: Cheo leo mái Quán Lưng Đèo/Đường mai Trung Phước, dặm chiều Quế Sơn/Hỡi ai hơi mỏi chân chồn/Dừng qua bóng mát, trà thơm giải lòng (Bán quán, Quán Lưng Đèo, 1947).Từ nay đường bớt quạnh hiu/Lại qua có Quán Lưng Đèo nghỉ chân/Quà ăn vài món thanh tân/Chỗ ngồi đơn giản một sân cỏ rừng... (Bán quán, Mời khách I, 1947).Trên lưng gánh quán cheo leo/Ra đi lòng nhẹ gió đèo trăng non. (Bán quán, Mời khách II, 1947)

Mỗi đoạn thơ, nhà thơ giới thiệu với người đọc một nét về một vùng núi non thi vị. Lòng người đọc như cùng hòa với khung cảnh thiên nhiên hữu tình ấy. “Chỗ ngồi đơn giản một sân cỏ rừng”. “Ra đi lòng nhẹ gió đèo trăng non”. Và đây là những câu thơ giàu chất họa. Ta hình dung ra một khung cảnh hùng vĩ mà nên thơ. Những người con xứ Quảng hẳn sẽ tự hào vì quê hương mình đẹp đẽ, kỳ vĩ như thế.Đường dốc lởm chởm, đá cụng đá/Chân bước gập ghềnh, gượng, lại ngã!/Khúc bằng êm gót đạp lên hoa/Khúc lởm, trầy chân sướt cạnh đá (Đèo Le, 6-1947)

Dấu ấn Quảng Nam trong thơ ông còn hiện lên qua chân dung con người xứ Quảng. Thật khó mà nói được đầy đủ đặc điểm riêng của con người Quảng Nam so với con người ở các vùng đất khác trên đất nước Việt Nam. Song đặc điểm của thiên nhiên, của vùng đất cằn cỗi miền Trung “chó ăn đá, gà ăn sỏi” là điều ai cũng nhận thấy. Một miền đất của thiên tai khắc nghiệt, một miền đất không màu mỡ nhưng đã tồn tại sự sống. Điều đó hình thành nên tính cách con người nơi đây một sức bền bỉ, dẻo dai; một khả năng chịu đựng phi thường; một khát vọng bứt phá mãnh liệt. Đó là cơ sở để Quảng Nam xứng đáng được vinh danh “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Trong những bài diễn ca phục vụ kịp thời cho kháng chiến, nhà thơ viết nhiều về những con người Quảng Nam chân chất, khẳng khái. Đó là “Ông lão mù” giả vờ ngu ngơ để rải những tờ truyền đơn: “Cái gì ơ? Cái gì ơ?/ ông nào làm rớt cái tờ giấy chi?”. Đó là “Chị hàng rau” khôn ngoan dụ hàng binh: “Chỉ trao quả thị quả hồng/ Chị hàng rau đổi được lòng hàng binh”. Đó là người vợ có chồng theo Tây kiên trì vận động chồng theo cách mạng: “Cho nên chị đã nén lòng/ Theo chồng vào ở ngay trong đồn thù”. Để cho: “Sau khi bộ đội rút rồi/ Bên hàng kháng chiến thêm đôi vợ chồng”. Những câu thơ ấy vần vè, dễ nhớ, dễ thuộc, dù không đặc sắc ở giá trị nghệ thuật nhưng cái hay của những câu thơ ấy mang lại là hình ảnh những con người kiên trung trong kháng chiến.

Tấm lòng những người Quảng Nam kiên trung đã đi vào thơ Khương Hữu Dụng thật đẹp đẽ, giản dị mà cũng thật phi thường. Đó là hình ảnh những người mẹ nuôi quân: Bà mẹ mắt mờ tay chống gậy/Từng che chở ta như núi sông (....)Đất nước hai lần đi kháng chiến/Hai lần tay mẹ rợp trên đầu (Tay mẹ, 1965). Hình ảnh đôi tay mẹ rợp trên đầu được so sánh với núi sông thật lớn lao và kỳ vĩ. Sự so sánh hàm chứa cả niềm tự hào, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn. Và còn gì tự hào hơn khi mình được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống ấy. Mảnh đất mà mỗi tên đất, tên người được đi vào huyền thoại. Đã có lúc nhà thơ thốt lên niềm vui thơ trẻ: Thôi cha tạm gác bài thơ lại /Lòng gửi theo con đến cửa Hàn/Thăm lại dòng sông, thăm mảnh đất/Mỗi người dân một Phan Hành San (Tiễn con về quê mới giải phóng)

Được sống và chiến đấu trên mảnh đất quê hương, còn gì hạnh phúc hơn thế. Cái hạnh phúc thơ trẻ ấy ùa vào ý thơ trong bài “Đất quê”: Hôm đánh vào giải phóng quê ta/Con nổ bộc lôi chín lần rào thép/Hơi bộc lôi hất tung con lên/Quần áo bay đi hết/Con lại như đứa trẻ mới lọt lòng.../Trên mảnh đất chôn rau cắt rốn/Lại sinh ra con lần thứ hai.

Nhận xét về thơ Khương Hữu Dụng, Lê Trí Viễn viết:“ông chả ngại ăn nói quê mùa của đất Quảng, quê mùa mà chính xác đến sắc sảo”. Nét phong cách này được Vũ Văn Sỹ trong “Khương Hữu Dụng”đề cập đến. Ông cho rằng “phần hiện diện thường xuyên trong cảm xúc của Khương Hữu Dụng là phần viết về Miền Nam, về quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng”, và tác giả bài viết nhắc nhở khi đọc thơ Khương Hữu Dụng “ta thấy cần phải im lặng để nghe, để cảm, để hiểu tâm sự của người cầm bút mà nửa phần tóc đã bạc vì quê hương yêu dấu, nơi đã dạy nhà thơ biết nói “những tiếng thân yêu” trăn trở cuộc đời”.

Điều cần chú ý, Khương Hữu Dụng là một người con của vùng đất Quảng Nam, nhưng ông còn là người con của nhiều miền đất nước. Ông là một người Quảng có giao lưu. Vì vậy ngôn ngữ Quảng Nam trong thơ ông mặn nồng mà không thô ráp, giản dị mà không xơ cứng. Bên cạnh những bài thơ viết về đất và người xứ Quảng, ông còn có nhiều bài thơ viết về những vùng quê khác trên đất nước Việt Nam: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Thọ...Thời gian sống lâu ở Hà Nội, thơ ông còn có chất giọng tinh tế của kẻ sĩ Bắc Hà. Nhưng không vì thế mà nhòe nhạt đi chất Quảng Nam đằm thắm trong thơ ông. Ông đã từng dịch một bài thơ Đường của Hạ Tri Chương “Trở về làng, ngẫu hứng viết”: Trẻ bỏ nhà đi luống tuổi về/ Tóc tai đã cỗi, giọng còn quê/ Trẻ con thấy lạ nhao nhao hỏi/ Ông ở mô mà tới chỗ ni?. Giọng quê còn là còn vẹn nguyên tình cảm với quê hương. Với Khương Hữu Dụng, con người Quảng Nam, giọng nói của con người Quảng Nam vẫn là giọng nói trầm ấm, thiết tha nhất.

Nét Quảng Nam ấy làm nên đặc trưng trong thơ của một nhà thơ lão thành. Dù biết lạm dụng ngôn ngữ địa phương trong thơ sẽ tạo nên sự đơn điệu. Đã có lúc thơ Khương Hữu Dụng rơi vào nhược điểm đó. Song nhà thơ đã biết dừng lại và sử dụng đúng chỗ thứ ngôn ngữ tự trái tim để tạo nên những vần thơ đủ sức đánh thức tình quê trong lòng mỗi chúng ta.

Nguyễn Thị Minh Tuyết