HÔXÊ MÁCTI NÓI VỀ HÁT BỘ

18.04.2011

HÔXÊ MÁCTI NÓI VỀ HÁT BỘ

Phan Lý Lệ Vân

Hôxê Mácti (1853-1895) người thầy của cách mạng giải phóng Cuba, “tác giả tinh thần của cuộc tiến công trại lính Môncađa”, như chủ tịch Phiđen Caxtrô trân trọng đánh giá, cũng là người đặt nền móng cho nền văn thơ cách mạng Cuba. Trong bài báo giá trị “Cuộc dạo chơi trên đất nước Annam”, với ngọn bút sắc sảo, hóm hỉnh, giàu tính chiến đấu, Hôxê Mácti vạch mặt xâm lược và dối trá nhân loại của thực dân Pháp đối với đất nước Việt Nam, vào dịp Hội chợ triển lãm quốc tế ở Pari năm 1889 (10 năm sau khi Pháp xâm chiếm hoàn toàn Việt Nam).

Về hát bộ, Hôxê Mácti viết:

Họ luôn đi xem hát bộ. Đến đó không phải để nghe kể những chuyện cười mà để nghe câu chuyện về các tướng lĩnh và các ông vua của họ. Họ ngồi xổm, yên lặng lắng nghe câu chuyện về những trận giao tranh.

… … …

Họ đến các rạp hát bộ để mong sức lực tâm hồn khỏi bị kiệt quệ, vì trong rạp hát không có người Pháp. Trong rạp hát, họ xem người ta diễn những tích trò lịch sử kể về nước Annam từ khi còn là một nước lớn có nhiều tài nguyên phong phú, khiến những nước láng giềng thèm muốn xâm lược. Kịch hát ở nước Annam không nói về những chuyện đang xảy ra mà thường kể về những chuyện thời xưa của đất nước. Chuyện chiến đấu dũng mãnh của ông vua An Dương thắng quân xâm lược Triệu Đà, Trung Quốc. Chuyện của những cuộc chiến đấu của hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị. Hai bà mặc quần áo giản dị, cưỡi trên mình ngựa, thành hai vị tướng của người Annam đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc ra khỏi bờ cõi. Những người xem ngồi xổm trên nền đất, nghe và xem tích hát, không như kiểu kịch hoặc nhạc kịch. Các kép ra sân khấu với những áo thụng thật đẹp, thêu hoa lá, chim phượng lạ chưa từng thấy. Đầu họ đội những chiếc mũ đính kim tuyến làm rất công phu. Nhạc nổi lên sôi nổi, không lúc nào ngừng, âm thanh của thanh la, chập chõa, sáo, kèm dăm và đàn cò. Điệu nhạc nghe rất lạ tai, tựa như tiếng thét, tiếng kêu, dường như không theo quy tắc, nhưng nghe thấy buồn khi có cảnh chết chóc, nghe thấy nhộn nhịp như đến cảnh chiến trận, khi ông vua chiến thắng trở về, nghe thấy rất vui khi có người cưới được công chúa. Nhưng chăm chú nghe kỹ mới thấy qui luật âm nhạc của họ, là để cho nhạc công tự do suy nghĩ, ứng tấu, để có thể phấn khởi, lo âu thật sự với những tư tưởng của tích hát mà đặt vào trong nhạc điệu tình cảm của mình-những vui, buồn, thương, giận mà người đó cảm thấy trong lòng-nhưng không vì thế mà quên không giữ trọn được làn điệu cổ truyền mà tất cả nhạc công trong dàn nhạc đều tinh thuộc. Những làn điệu cổ truyền đó tựa như người nhạc trưởng hướng dẫn những nhạc công mỗi người theo một cách sáng tạo thêm để đệm cho lời hát vẫn không đi chệch xa làn điệu chính. Có thể như vậy, vì những người nào không hiểu làn điệu của họ thì nghe chỉ cảm nhận như tiếng kèn, tiếng trống hòa hợp nhộn nhạo, và những tiếng hát-thét lộn xộn.

Kiểu hát trong hát bộ của người Annam như vậy, đã làm đau đầu một khán giả người Âu. Ông ta đâm bực tức, ghét cái thứ ca nhạc đã làm cho một người Annam ngồi bên ông cười khoái trá vì vui sướng hoặc rơi nước mắt vì thương xót. Theo tiếng nhạc, câu chuyện kể về một người học trò thông minh, nghèo, tài giỏi, đã đưa các quan cận thần của nhà vua ra làm trò cười, làm cho các vị đó bị hạ xuống vai trò bần tiện. Hoặc một câu chuyện buồn của một hoàng tử đã kêu gọi nước ngoài vào chiếm cướp nước mình, đến khi thấy không còn cách gì cứu vãn tội lỗi, vì quân xâm lược đã tràn vào hàng vạn với đầy tham vọng. Hoàng tử đó hối hận, đã nhịn đói chết dưới chân tượng Phật. Bọn xâm lược vào chiếm vàng, chiếm lụa là, cai quản ruộng đồng. Một số người trong nước cũng giúp bọn người nước ngoài hành hạ những người mang hết tâm lực bảo vệ đất nước. Lúc đó, tiếng hát, tiếng đàn trở nên trầm và chậm chạp, tựa như khóc than, như vang lên từ lòng đất.

Khi xem xong vở tuồng, ra khỏi rạp hát, những người Annam lchuyện trò rôm rả với nhau như thể bực tức, như thể muốn thuyết phục những bạn bè hèn nhát, như thể dọa dẫm họ nữa. Còn khi ở chùa về, người Annam lặng lẽ, bước đi chầm chậm, đầu cúi, đôi bàn tay đút trong túi áo dài xanh. Nếu một người Pháp hỏi họ một điều gì đó ở trên đường đi, họ trả lời bằng tiếng của họ “không biết!”. Nếu một người đồng bào của họ bí mật thì thầm với họ một điều gì đó, thì họ trả lời “biết đâu đấy!”.

P.L.L.V.