ĐỌC KÝ NHẬN GIAO MÙA

18.04.2011

ĐỌC KÝ NHẬN GIAO MÙA

Gặp gỡ La Trung vài lần, trò chuyện buâng quơ không ra chuyện, bởi tào lao tùng phèo, nhưng qua đấy tôi có cảm nhận tính tình La Trung bỗ bã, mộc mạc, hơi “ồn”. Rồi đọc tập thơ Ký nhận giao mùa của anh, và thật sự ngạc nhiên hớn hở, bởi thơ anh kiệm lời, kín đáo, đôi chỗ tinh tế đến xao xuyến, ngỡ ngàng.

Gió tàn đông ngõ lời giã biệt

Cành biếc xôn xao

Vo ve ngôn ngữ bướm ong

Sợ mất hương trinh hoa vàng gọi nắng xuân về dâng hiến

Nhện cố giăng trận đồ bát quái

Côn trùng ăn đến vô tư

Mặc người sờ nắn âm dương

Mắt cửa vẫn mở thời gian hàng trăm thế kỷ

Hẻm nhỏ cựa mình trở giấc

Nghe đường xưa ký nhận giao mùa

(Ký nhận giao mùa)

Đó là những câu thơ hay, thể hiện tầm quan sát thiên nhiên của La Trung sâu sắc, cách diễn đạt là lạ, xê dịch ý tưởng bất ngờ. Ký nhận giao mùa ở bài thơ trên là ký nhận, giao thoa, hòa quyện giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa cái đẹp vô tư ưu ái với cái đẹp ưu ái vô tư, ở một thời khắc cụ thể đông tàn xuân đến của trời đất mênh mông. Nhưng ký nhận giao mùa ở cả tập thơ, theo thiển ý của tôi, là những ký nhận sâu xa hơn về thời gian, rộng lớn hơn về vũ trụ. Ở một vài nghĩa nào đó, đó là ký nhận giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và con người, giữa những điều chưa biết và những điều đã biết, là hòa quyện trộn trạo trong thức tâm không thời khắc. Và đôi lúc bản ngã ta cũng không cần hỏi ai ký nhận, ký nhận về điều gì, ký nhận ở thời khắc nào, ký nhận để làm gì. Bởi khi đặt điều hỏi đáp là ta đã bó hẹp vào khuôn khổ của lý trí và cảm xúc. Đọc ký nhận giao mùa là đọc cái hòa quyện khôn dò với hóa công.

Em có về hãy nhẹ bàn chân

Như ngày xưa

Cái thời dưa muối

Kẻo cha ông nửa mừng nửa tủi

Rằng ta lạc dấu cội nguôn!

( Phút thiêng)

Đọc Ký nhận giao mùa , bạn đọc dễ dàng nhận ra, thơ La Trung không to tiếng, ít lý sự thi phi với đời sống-xem như một đối tượng cần đối đãi, dẫu cuộc đời không phải lúc nào cũng mật ngọt với hoa thơm, mà dường như phần nhiều là đắng đót chua cay.

Chạm cốc tình say ngỡ bóng thiên đường

Loay hoay dỗ cơn phiền muộn

Cầm tháng năm lên bờ xuống ruộng

Phố xưa mấy bận đi, về

Giọt đắng trái mùa chạm phải nỗi đau

Ngẩn ngơ bên bờ tâm thức...

( Chín tới)

Hành trình đi tìm cốt tủy thơ ca, tình yêu và “ bản lai diện mục” trong thơ La Trung, tựa những anh hùng tìm đạo thời xưa, đầy chông gai, trắc trở, cũng là những phản tỉnh và cô đơn. Nhưng ở La Trung có vẻ nhẹ nhàng, điềm đạm hơn, thi ca hơn

Trở giấc cô đơn

Dấn thân theo từng con chữ

Nửa đời duyên với nợ

Lọt lòng mấy cuộc tri âm

Hồn thi nhân tỉnh thức nửa đêm

Tứ thơ đau ứa trên đầu bút

( Cáo trạng không lời)

Hoặc là: thương nhánh sông quê uốn mình cầm hơi xứ sở

Sư cụ xả thiền vội vã rung chuông

Rớt câu thần chú

Vọng thấu năm căn

( Ngộ)

Thơ La Trung đa tình nhưng ít đa đoan, nhiều chuyện, rối rắm. Có lẽ anh đã tìm ra chõ tựa vững chắc cuối cùng của cuộc sống ? hoặc là, anh đã “ ngộ” ra cái bến bờ dừng chân của con thuyền kỳ hồ lang bạt. Bởi vậy chăng mà giọng thơ anh nhỏ nhẹ, đầm ấm, chứ không cố ý lên gân cốt dạy đời, thấm dần vào tâm hồn bạn đọc như sự lan tỏa của không khí và hơi sương, như hương hoa và sắc nắng. Cái lý sự trong thơ anh là cái lý sự khêu gợi, chủ yếu cho chính mình.

Thiếu nghĩ

Con ôm ghì hiện tại

Nụ cười cha gãy hai

Rơi bên tượng đài...

Giật mình!

Nghiêng tai hứng âm thanh nguồn cội

Tiếng cười ông và cha dội vào trí não

Nhận ra lối mòn

Con tất tả đi tìm...

Nụ cười gãy thiêng liêng

(Nụ cười gãy)

Là người con của đất Điện Bàn nhân kiệt, góp một giọng hót lạ cho quênhà,âu đó cũng là nguồn hạnh phúc vô biên. Cái riêng biệt của thơ LaTrung là, không có vẻ riết róng, nghịch ngợm, kỳ ảo ngôn từ như Nguyễn Hàn Chung; không có chất liệu, ngữ điệu mới mẻ, kiêu sa, trí tuệ như Nguyễn Minh Hùng; cũng không có vẻ “ tân kỳ hình thức”, những câu thơ tài hoa như Phạm Tấn Dũng. Có lẽ thơ La Trung giao thoa, gặp gỡ nhiều với thơ của Nguyễn Nho Khiêm thời trước. Đó cũng là giọng thơ nhỏ nhẹ, dịu dàng, đầy suy tư và chiêm nghiệm về lẽ sống, lẽ đời, thường trực “ quẫy đạp” để “thoát thai’ những ý tưởng, những phát hiện mới,

và anh dần đến độc chín của sáng tạo. Tôi dám chắc rằng, anh tự biết sức mình, tài mình và không tự huyễn hoặc là bao. Còn với mảnh đất Hội An, nơi anh đang sinh sông và viết, dường như anh là “người trong nhà”, đang thể hiện, để lại một dư âm?

Lan man, dàn trải như thế là tôi muốn mở ra cái quê quán tôi xưa ngẫu nhĩ đâu đó của tác giả còn tiềm ẩn. Biết đâu tôi lại bỏ sót những hình ảnh kín đáo, kỳ vĩ nào đó của thơ La Trung. Chẳng hạn, tôi thích những câu thơ sau mà chẳng biết vì sao:

Chút hương đời ra mắt cuộc trần ai

Mặc tháng năm thì thầm kén chọn

Thôi nhé !

Tình riêng

Riêng tình đã trọn

Khắc lời thương lên sắc màu lận đận

Hát ru người qua ngõ thị phi...

(Tự ru)

So với tập thơ đầu tay Gót quê, thì tập ký nhận giao mùa đã có những bước tiến vượt bậc về cấu tứ, cách diễn đạt và độ chín của ý tưởng. Tuy nhiên, mặt hạn chế của thơ La Trung là biên độ đề tài còn hạn hẹp và quen thuộc quá, như : khúc tơ dâng mẹ,ngôi yêu, xưa sau, sóng mơ, tấc lòng, hậu ca...Những cái đề như vậy dễ làm bạn đọc có cảm giác “sáo” và “sến”.Ở đây cần phải nói thêm là,cũng với những đề tài ấy, nhưng anh chưa có hướng nhìn mới hơn, thổi vào bài thơ một cảm xúc mới hơn, làm độc giả ngỡ ngàng. Quả thật điều này cũng hết sức khó khăn, hết sức sáng tạo. Ở thể thơ lục bát, thơ của La Trung cũng chưa tạo ấn tượng cho lắm, ý tưởng còn nghèo, đơn điệu về nhịp điệu, không có những bước đột phá, sắc sảo về ý đồ nghệ thuật

Có lẽ không thừa, trong các bài viết, nhận định của tôi tôi luôn “ ghi chú” rằng, trên đây là những nhận xét, những kiến giải của một cá nhân cá thể, không đại diện cho một “chân lý”; bởi vậy, trong bài viết có thể có rất nhiều sai lầm, hạn hẹp, rất ít tính chân thực, tính khách quan, độ chính xác của biện chứng khoa học; hy vọng “ tài liệu tham khảo” này đóng góp một phần rất nhỏ để soi rọi vào “ ký nhận giao mùa” của La Trung. Nơi ấy chưa đựng một vẻ đẹp tâm hồn của một con người, và một nhà thơ. Để kết thúc bài viết này, cho tôi bộc bạch vài lời như một tình yêu :

Vào một thời khắc nào đó của ngày trong năm

Nhưng tốt nhất đẹp nhất có lẽ

Vào một buổi sáng

Của mùa xuân

Anh gánh hoa ra chợ

Mọi người xúm xít vòng quanh rạng rỡ

Người thứ nhất bảo: rau anh thơm quá !

Người thứ hai bảo: rau anh sạch quá !

Người thứ ba bảo: rau anh xanh quá !

Người thứ tư bảo: rau anh non quá !

Người thứ năm bảo: rau anh mềm quá !

Người thứ sáu bảo: rau anh ngọt quá !

Người thứ bảy bảo: rau anh mập quá !

Người thứ tám bảo: rau anh dài quá !

Người thứ chín bảo: rau anh rẻ quá !

Rồi mọi người bỏ đi

Chỉ còn anh

Và gánh hoa

Có thể vào một thời khắc nào đó của ngày trong năm

Nhưng tốt nhất đẹp nhất có lẽ

Vào buổi trưa hoặc buổi chiều

Của mùa hè hoặc mùa thu

Anh gánh hoa ra chợ

Và mọi thứ sẽ khác.

H.M.T.