Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn Tiếng

28.01.2016

Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn Tiếng

Trong một bài viết gần đây, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét về nhân vật Tấm trong cổ tích Tấm Cám như sau: “Động một tí là giở trò than khóc để sau đó hoàn toàn trông mong vào sự cứu giúp của các thế lực bên ngoài, tức cũng là trông vào vận may mà số phận run rủi cho gặp. Toát lên từ cả câu chuyện ta thấy nếu cuối cùng Tấm có hạnh phúc thì phần lớn là nhờ ở hiền gặp lành chứ không thể gọi nàng là người biết lo liệu cho cuộc đời mình”. Từ đó Vương Trí Nhàn khái quát về các nhân vật trong cổ tích Việt và về người Việt nói chung: “Cách nghĩ sống bằng cầu xin và ăn may không phải độc quyền của Tấm. Trong khi diễn đạt những bước đường đời của con người - cả trong sự lẩn tránh rủi ro lẫn truy cầu hạnh phúc, các mẩu truyện dân gian còn cho thấy nét tâm lý trên của Tấm rất  phổ biến trong người Việt”. Và Vương Trí Nhàn dẫn chứng ngay trong Tấm Cám:  “Hãy nhớ lại đoạn Tấm đánh rơi giày, vua cho gọi mọi người đến thử. Có phải là một hai người nào đâu mà hầu như là tất cả đàn bà con gái đi hội đều chen nhau đến để ướm chân vào giày, người nào người nấy tự nhủ nhỡ biết đâu chân mình vừa giày thì sao. Ảo tưởng đến thế là cùng!” 1.

 

Dễ đồng tình với Vương Trí Nhàn nếu quan sát nhân vật chính trong cổ tích Cây tre trăm đốt. Bất lực trong việc tìm cây tre đủ một trăm đốt, anh chàng “quẳng rựa xuống đất, ngồi khóc nức nở. Tiếng khóc của anh vang động cả núi rừng. Nghe tiếng khóc, Bụt hiện lên trước mặt, hỏi: - Con là ai? Cớ sao lại ngồi đây mà khóc? Anh gạt nước mắt kể lể sự tình cho Bụt nghe” (lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Và nhờ được Bụt chỉ cho cách đốn một trăm đốt tre cùng cách sử dụng hai câu thần chú “khắc nhập” và “khắc xuất”, anh đã thỏa được ước nguyện của mình là thành hôn với cô chủ nhỏ... Cũng dễ đồng tình với Vương Trí Nhàn nếu tiếp tục quan sát nhân vật chính trong cổ tích Bánh chưng bánh giầy. Đề thi của vua Hùng thứ sáu dùng để chọn người kế vị có thể nói là quá khó đối với Lang Liêu, bởi cùng là con vua nhưng Lang Liêu xưa nay chỉ biết “côi cút làm ăn toan lo nghèo khó” (chữ của Nguyễn Đình Chiểu), làm sao có thể thắng các anh mình trong cuộc chạy đua tìm sơn hào hải vị. Vậy mà cuối cùng Lang Liêu đã được truyền ngôi nhờ may mắn được thần linh “mách nước”: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”, và đương nhiên còn nhờ may mắn được vua cha - người từng cho quan quân đi khắp nước Văn Lang tìm hiền tài và đã tìm được cậu bé làng Dóng huyền thoại có sức mạnh vượt trội giúp vua đánh tan giặc Ân bảo vệ bờ cõi biên cương Tổ quốc - một lần nữa có “con mắt xanh” để cảm nhận được giá trị văn hóa trong “bài thi” độc đáo của Lang Liêu... 

Tuy nhiên cần thấy anh chàng “cây tre trăm đốt” không phải “động một tí là giở trò than khóc để sau đó hoàn toàn trông mong vào sự cứu giúp của các thế lực bên ngoài” như cô Tấm. Ban đầu anh ta vẫn dựa vào sức mình là chính, và tỏ ra rất kiên trì: “Lên rừng, anh cố tìm những bụi tre cao rồi lách vào mà chặt. Nhưng mỗi một cây tre ngã xuống là một lần anh thất vọng. Tre trông cao ngất ngưởng là thế nhưng nhiều lắm cũng chỉ đến bốn mươi đốt là cùng. Tuy vậy, anh vẫn không chịu nản. Anh lại luồn vào những nơi hiểm hóc có những bụi tre già, và mặc cho gai tre tua tủa cào rách cả áo, toạc cả da, anh vẫn không bận tâm, chỉ mong có một cây tre trăm đốt để mang về làm lễ dâng lên bố vợ. Anh giơ cao rựa chặt lấy chặt để” (lời kể của Nguyễn Đổng Chi). Chỉ khi thấy mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả như mong đợi, anh mới buông tay... Cũng vậy, Lang Liêu cũng không “hoàn toàn trông mong vào sự cứu giúp của các thế lực bên ngoài”, thậm chí không có thần chú như anh chàng “cây tre trăm đốt” để cầu được ước thấy. Muốn hoàn thành xuất sắc “bài thi” của mình, Lang Liêu trước hết phải “thuộc bài”, thậm chí phải “hiểu bài” khi tiếp thu ý tưởng trời tròn đất vuông, và quan trọng hơn là phải khéo tay hay làm - nào giã, nào gói, nào chưng... để hiện thực hóa cái ý tưởng mang màu sắc triết lý và đạo lý Văn Lang ấy.

Điều đáng nói là trong cổ tích Việt có không ít nhân vật chỉ biết dựa vào sức mình để sống và để có thể đổi đời trong hoạn nạn - tiêu biểu là Mai An Tiêm trong Sự tích dưa hấu. Chuyện kể rằng: “Hùng Vương thứ mười bảy có một người con nuôi là An Tiêm có tài tháo vát và có trí hơn người. Vua yêu mến An Tiêm thường ban cho của ngon vật quý. Thói thường, các quan được một chút lộc vua thì nâng niu ca tụng, riêng An Tiêm thường bảo: Của biếu là của lo, của cho là của nợ và xem thường các thứ ấy. Việc đến tai vua, vua giận lắm, bảo: Đã thế ta cho nó cứ trông vào tài sức của nó xem có chết rũ xương ra không. Thế là một buổi sớm, tự nhiên An Tiêm thấy lính đến giải cả chàng lẫn vợ con xuống thuyền, chẳng cho mang theo một cái gì hết. Chàng nói mãi chúng mới để cho đem một cái gươm cùn hộ thân. Buồm căng gió, thuyền tròng trành nhằm biển khơi thẳng tiến. Bãi cát trắng, vệt cây xanh trong bờ lần lượt khuất đi, rồi bèo bọt, rác rểu, dấu vết của dân cư cũng không còn nữa, bây giờ chỉ thấy trời với nước xanh ngắt một màu. Hôm sau thuyền đến một đảo nhỏ. Họ để gia đình An Tiêm lên bờ với năm ngày lương thực, một chiếc nồi, rồi nhổ neo quay lái. Nàng Ba, vợ An Tiêm, bế con nhìn theo chiếc thuyền dần dần ra xa rồi khuất mất, nước mắt nhỏ như mưa”2 .

Như vậy trong Sự tích dưa hấu vẫn có những giọt nước mắt, có điều đây không đơn thuần là khóc vì khổ, vì cảm thấy bất lực trên hoang đảo, mà còn là và chủ yếu là khóc vì nhớ quê, nhớ đất liền, và cũng chỉ có vợ An Tiêm khóc. Với bản tính dựa vào sức mình là chính, An Tiêm đã vượt lên số phận, đã chỉ trông vào tài sức của mình mà không chết rũ xương như suy nghĩ của vua Hùng. Đương nhiên phải thừa nhận An Tiêm có gặp may: “Một hôm có con chim đương ăn ngoài bãi thấy An Tiêm đến, vội bay đi, bỏ lại một miếng mồi đo đỏ. An Tiêm cầm lên xem thì là một mảnh quả dưa bằng hai ngón tay”, nhưng rõ ràng với An Tiêm, cái may mắn ấy chỉ là chiếc cần câu chứ không phải là con cá, bởi ngay sau đó, An Tiêm “nghĩ thầm chim ăn được có lẽ người cũng ăn được, bèn nếm thử thì thấy có vị ngọt. Chàng ăn hết miếng dưa và nhặt hạt gói lại. Ngồi nghỉ một lát thấy mát ruột, đỡ đói, chàng có ý mừng, lấy gươm xới một khoảnh đất mà gieo hạt xuống”3. Nhờ vậy sau một thời gian cần mẫn lao động, gia đình An Tiêm không chỉ đàng hoàng mưu sinh độ nhật, không chỉ được đổi đời trong hoạn nạn - mà còn đóng góp cho đất nước một sản vật quý là quả dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng, và hơn thế, một kinh nghiệm quý về giao thương biển: “Cứ mỗi lần hái dưa, An Tiêm lấy mấy quả đánh dấu thả ra biển. Dưa trôi biệt tăm tích không biết bao lần, trăng non rồi trăng già không biết bao bận, An Tiêm vẫn không ngã lòng. Quả nhiên một hôm có một chiếc thuyền ghé đến hỏi xem ai đã trồng được giống dưa quý, để đổi về đem bán trên đất liền” 4.

 

Cổ tích Việt cũng có những nhân vật mong muốn được đổi đời, nhưng không phải từ nghèo khổ mong muốn có được cuộc sống sung túc hơn, hay từ dung mạo xấu xí mong muốn có được một vẻ ngoài dễ nhìn hơn... mà là đã giàu có còn mong muốn trở nên giàu có hơn, đã có dung mạo bình thường còn mong muốn trở nên trẻ đẹp hơn... Đương nhiên mong muốn như vậy cũng tốt nếu họ dựa vào sức mình là chính, nhưng trong các trường hợp này, họ chỉ biết lên tiếng cầu xin sự cứu giúp của các thế lực bên ngoài, tức cũng là trông vào vận may mà số phận run rủi cho gặp như Vương Trí Nhàn nhận định. Có điều khi tiếp cận được với cái vận may mà số phận run rủi cho gặp ấy, họ đồng thời nhận được phép thử của lòng tham: nếu không quá tham họ sẽ được may mắn như mong đợi, còn ngược lại họ sẽ bị trừng phạt. Cổ tích Việt có không ít nhân vật không vượt qua được ranh giới mong manh này. Chẳng hạn như trong cổ tích Cây khế, nếu như vợ chồng người em biết giới hạn vận may mà số phận run rủi cho gặp vào đúng chiếc túi ba gang nên đã được đổi đời, thì vợ chồng người anh lại bị nhấn chìm bởi lòng tham không biết chỗ dừng: “Mới đầu, hai người định may thật nhiều túi, sau lại sợ chim không đưa đi, nên rút cục chỉ may một cái túi như người em, nhưng may to gấp ba, mỗi chiều chín gang, thành một cái tay nải lớn (...) Mãi gần chiều, anh ta mới kéo được cái tay nải đầy vàng và kim cương đến chỗ chim đang đợi (...) Lúc ấy chim đã bay trên biển cả (...) Túi vàng lớn thốt nhiên bị gió hất mạnh vào cánh chim. Chim buông xuôi hai cánh, đâm bổ từ lưng trời xuống biển. Chỉ trong chớp mắt, người anh bị sóng cuốn đi, cái túi lớn và những ống quần, tay áo chứa đầy vàng và châu báu dìm anh ta rất mau xuống đáy biển”5.

Cổ tích Hai anh em và con chó đá cũng kể về câu chuyện tương tự như trong cổ tích Cây khế. Vợ chồng người em đi theo ông lão hành khất lên núi, “thấy có hai con chó đang chầu trước một cái bệ. Ông lão bước lại gần, sẵn cái gậy trúc ở tay, ông cầm gõ vào đầu chó ba cái. Bỗng nhiên chó đá há miệng thật to”, phép thử của lòng tham bắt đầu. “Hai vợ chồng đang rụt rè thì bỗng chốc ông lão đã biến đi đâu mất. Chồng đánh bạo thò tay vào miệng chó mà khoắng thì quả nhiên lấy ra được những thỏi vàng sáng lấp lánh, bèn vội lấy mỗi người mấy thỏi giắt lưng đem về. Từ đó họ giàu có sung sướng”6. Trong khi đó, khi ông lão hành khất đồng ý dẫn lên núi tìm vàng, vợ chồng người anh ngay từ đầu đã không vượt qua được sức cám dỗ của lòng tham: “Hai vợ chồng hí hửng mang theo quang gánh lật đật chạy theo. Đi đến nơi, ông lão cũng dùng gậy trúc gõ vào đầu một con chó đá. Chó đá vừa há miệng thì anh chồng đã nhanh tay thò vào. Nhưng tay hắn chưa kịp rút ra thì chó đá đã ngậm miệng lại. Hắn ta cuống cuồng quay lại cầu cứu tiên ông thì tiên ông đã biến mất từ lúc nào. Vợ cố lôi kéo hộ chồng, nhưng miệng chó đá ngậm chặt không thể gỡ nổi”7. Thực ra với người anh, cơ hội lấy được vàng trong miệng chó đá vẫn là năm mươi năm mươi, có điều lòng tham đã khiến anh ta đưa tay vào nhanh mà rút tay ra chậm, có lẽ muốn cho bõ công đã đưa cả quang gánh đi theo giấc mộng làm giàu chỉ nhờ vào vận may mà số phận run rủi cho gặp.

Còn cổ tích Sự tích con khỉ thì kể rằng: “Ngày xưa có một người con gái đi ở với một nhà trưởng giả. Nàng phải làm việc quần quật suốt ngày, lại bị chủ đối đãi rất tệ. Cái ăn cái mặc đã chả có gì mà thỉnh thoảng còn bị đánh đập chửi mắng. Vì thế, cô gái tuổi mới đôi mươi mà người cứ quắt lại, trông xấu xí bệ rạc”. Với bản tính tốt bụng thương người, nàng được đức Phật - trong vai cụ già nghèo khổ lang thang cơ nhỡ - giúp trở thành một cô gái xinh đẹp: “Phật bảo nàng lội xuống giếng, hễ thấy bông hoa nào đẹp mút lấy thì sẽ được như nguyện. Khi xuống nước, cô gái chỉ mút mấy bông hoa trắng. Tự nhiên lúc lên bờ, nàng trở nên trắng trẻo xinh xắn”. Như vậy ước mơ đổi đời của nàng được toại nguyện. Ngược lại, cả họ nhà trưởng giả đã bị trừng phạt về sự bạc ác của mình: “Khi cô gái quảy gánh nước trở về, cả họ nhà trưởng giả vô cùng kinh ngạc. Nàng xinh đẹp đến nỗi họ không thể nào nhận ra. Nghe cô gái kể chuyện, ai nấy cũng muốn cầu may một tý. Họ lập tức đổ xô cả ra bờ giếng mong gặp lại đức Phật để được trẻ lại và đẹp ra. Phật cũng bảo họ lội xuống giếng và dặn họ y như dặn cô gái lần trước. Dưới giếng lúc đó đầy hoa đỏ và hoa trắng. Ai nấy đều cho màu đỏ là đẹp nên khi lội xuống giếng đều tìm hoa đỏ mút lấy mút để. Nhưng không ngờ lúc lên bờ, họ không phải trẻ lại mà già thêm ra: mặt mũi nhăn nheo, người trông quắt lại, lông lá mọc đầy người, đằng sau lưng là cả một cái đuôi”8. Cũng như người anh trong cổ tích Hai anh em và con chó đá, cơ hội để được trẻ lại và đẹp ra của cả họ nhà trưởng giả vẫn là năm mươi năm mươi, tiếc rằng giữa hoa đỏ và hoa trắng, họ đã không chọn hoa trắng... 

 

1 Xem Vương Trí Nhàn: Con người và xã hội Việt Nam qua truyện Tấm Cám, vuongtrinhan.blogspot, ngày 30-10-2015.

2 100 truyện cổ tích Việt Nam, Lữ Huy Nguyên và Đặng Văn Lung biên soạn, Nxb. Văn học, 2013, trang 87, 88.

3 Sách đã dẫn, trang 89.

4 Sách đã dẫn, trang 90.

5 Sách đã dẫn, trang 195, 196.

6Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 5, Nxb. Trẻ, 2012, trang 144.

7 Sách đã dẫn, trang 145, 146.

8 100 truyện cổ tích Việt Nam, Lữ Huy Nguyên và Đặng Văn Lung biên soạn, Nxb. Văn học, 2013, trang 479, 480.

B.V.T 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế