Thời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh Lâm

28.01.2016

Thời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh Lâm

Thời gian, cái hạn định nghiệt ngã mà con người không thể đo đếm và không biết đâu là điểm khởi thủy, điểm kết thúc. Rượu cũng mơ hồ như thời gian, con người không biết được rượu có từ lúc nào và ai là người phát hiện ra đầu tiên, có một điều con người đoan chắc rằng, rượu là biệt dược cho nỗi buồn và nguồn cơn để tạo cảm hứng sáng tạo. Một giả tưởng cho rằng, rượu được tạo ra từ sự hư hoại của vật chất, như các trái cây quá độ chín sẽ có sự lên men tự nhiên, khi các chú chim ăn những quả chín mọng nước này, chất men trong đó khiến cho các chú chim ngây ngất, cất giọng hót líu lo suốt ngày. Hay một tình cờ nào đó của sự lãng quên, đã khiến các tay buôn hoa quả phát hiện ra mùi hương khác lạ từ các thùng cây trái nên tò mò thử xem và đã ngất ngây sảng khoái. Nhà nghiên cứu Patrick McGovern ở Mỹ đã chứng minh được rằng, rượu nho đã xuất hiện từ thời kỳ đồ đá muộn (8.500-4.000 trước CN).

Trong các thức uống, rượu được tính tuổi bằng thời gian. Tựa như cổ vật, rượu càng lâu năm càng quý và có giá trị tỉ lệ thuận với thời gian. Có thể nói rằng con người dùng rượu để đo thời gian, trong thực tế rượu có thể giúp cho con người tạm bước ra khỏi thời gian để đi vào cảnh giới của ảo mộng, nhưng mặt khác rượu cũng vùi dập con người xuống vực sâu của bi lụy. Loại chất lỏng vừa nóng vừa lạnh đó, đem lại niềm vui nhưng cũng mời mọc lắm nỗi phiền muộn cho người mê rượu và hệ lụy đến những người thân. Ngoài ra, rượu còn đo được thước tấc lòng người. Thời xa xưa, những người uống rượu được gọi là hảo nhân. Thuở đó, có thể các bậc tiền bối uống rượu không say xỉn như bây giờ, mà uống để thăng hoa, xướng họa nghệ thuật. Chỉ có điều, những kẻ tiểu nhân không bao giờ dám uống rượu vì sợ say không làm chủ bản thân nên những âm mưu đen tối dễ bị tiết lộ. Có thể vì lý do đó mà người xưa nói những kẻ uống rượu là người tốt bụng là vậy, vì không có gì để giấu diếm.

Thật ra, trong đời sống thường nhật bên cạnh các nghi lễ cả vui và buồn đều có sự hiện diện của rượu. Trong dân gian các lễ như kết hôn, sinh nhật hay lễ cúng tế, chạp giỗ,... đều có rượu. Ngay cả khi tiễn đưa một người về với đất rượu cũng đi cùng. Trong những cuộc hội ngộ hay chia ly rượu cũng đồng hành, như trong buổi tiệc của Chúa Giê-su với mười hai tông đồ, để sau này rượu nho được đưa vào trong nghi thức lễ trọng của đạo Thiên Chúa. Với các văn hào được giải Nobel như: William Cuthbert Faulkner, Ernest Miller Hemingway,... thì rượu không thể vắng mặt trong đời văn của họ. Nhưng nhà văn tên tuổi không phải hễ ai mời thì họ đều uống, câu chuyện uống rượu của văn hào Hemingway thể hiện cá tính mạnh của ông; có lần Hemingway ngồi trong quán rượu cùng vợ. Một phóng viên trông thấy ông, hồ hởi tới mời ông cụng ly. Ông từ chối: "Không, tôi đang trong chế độ kiêng!". Chàng phóng viên ngạc nhiên:"Sao lại kiêng, tôi thấy ông cũng đang cầm ly rượu cơ mà?". Hemingway đáp: 'Tôi có chế độ kiêng đặc biệt - tôi không uống rượu cùng những kẻ vớ vẩn!". Còn nhà văn Henry Miller đã viết “rượu uống nỗi buồn như giấy thấm”. Hay trong cuộc tiệc rượu tao phùng oái oăm của Thúy Kiều với Kim Trọng và Thúy Vân, Nguyễn Du đã cho Thúy Vân mượn rượu để giãi bày điều khó nói trong lòng: “Tàng tàng chén cúc giở say/ Đứng lên Vân mới giãi bày một hai”, với thơ say thì có thi sĩ Vũ Hoàng Chương, còn Cao Bá Quát có bài “Bạc vãn túy quy” hay bài thơ “Say” của Tản Đà,... ở phương Bắc thì có nhà thơ Lý Bạch uống rượu trở thành huyền thoại, cũng vì xem đời là đại mộng như trong bài “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”, nên ông lúy túy suốt ngày và truyền thuyết nói rằng trong cơn say ông nhìn bóng nguyệt dưới sông ngỡ là thật, nên ông nhảy xuống vớt trăng và đã chết cùng cái đẹp. Hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thi sĩ Bùi Giáng,... đều có đẳng cấp uống rượu để thăng hoa cho đến cuối đời. Trịnh Công Sơn còn được hãng rượu Martell mời xuống hầm rượu và ghi danh tính của mình ở đó. Riêng ở Việt Nam có các loại rượu nổi danh là: rượu làng Vân, rượu Mẫu Sơn, rượu Ba Đồn, rượu Kim Long, rượu Bàu Đá, rượu Gò Đen,... còn xứ Huế thơ mộng lại có rượu làng Chuồn rất nồng và thơm. Ở Nhật có rượu Sake, Hàn Quốc có rượu Sochu, Trung Quốc có rượu Mao Đài, còn Bồ đào mỹ tửu dành cho phái yếu được cho là có nguồn gốc từ rượu nho xuất phát từ vùng Trung Á. Thử điểm qua một số dòng rượu nổi tiếng thế giới như: Whisky, Cognac, Vodka, Gin, Rhum,... Với Cognac các ký hiệu trên nhãn thể hiện đẳng cấp và tuổi của rượu, như: VS là chữ viết tắt của “very special” sử dụng rượu nền có ít nhất hai năm tuổi mới được sử dụng để sản xuất rượu Cognac VS. Còn VSOP là chữ viết tắt của Very Superior Old Pale (rất lâu năm): Rượu Cognac VSOP được sản xuất từ rượu nền có ít nhất 4 năm tuổi. Loại rượu VSOP bao gồm những thuật ngữ như Old (lâu năm) hoặc Reserve (Dự trữ) và XO là chữ viết tắt của Extra Old (Cực kỳ lâu năm); rượu Cognac XO chỉ được sản xuất từ rượu nền có ít nhất 6 năm tuồi (trung bình thường là 20 năm tuổi). Những loại rượu Cognac như Napoleon hoặc Old Reserve tương đương với rượu Cognac XO, còn Martell là loại Cognac mạnh rất hiếm và được ủ trong những thùng gỗ sồi trên nửa thế kỷ. Với dòng Whisky thì nhãn hiệu Chivas được đánh số để biết tuổi của rượu. Nhắc đến rượu Tây, tôi nhớ kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống, một con người ẩn mật vừa rời cõi trần. Ông đã được nhận bằng tiến sĩ về quản trị hòa bình thế giới của Liên hiệp quốc vào năm 2004 cùng với Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan và tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Mỗi lần có rượu ngon, loại cao cấp dành cho các nguyên thủ quốc gia để tiếp đãi khách vip hoặc giới thượng lưu, là ông nhắn gọi nhóm anh em văn nghệ ở Huế mà ông rất quý để nhâm nhi và nói chuyện đời, ông không uống được nhiều, nhưng mỗi cuộc hội ngộ như vậy ông luôn nhắc đến cuộc kháng chiến văn hóa. Tôi nghĩ, người trí thức không thể dùng vũ lực để trừ cái phi thiện, mà phải dùng văn hóa để hóa giải. Điều mà đức Phật và các đạo sư trên thế giới đều rao giảng, hãy đem từ bi để cảm hóa. Nhưng có mấy ai thực hành được.

Ai cũng biết rượu có hai mặt, vừa giúp các nghệ sĩ thăng hoa để tạo các tác phẩm hay và đẹp cho đời, và rượu cũng có thể vùi dập con người xuống vực sâu qua những hành vi vô văn hóa khi mất lí trí. Rượu xóa tan cơn ưu phiền trong con người nhưng cũng đem lại nhiều nỗi đau, rượu sưởi ấm cho linh hồn cô độc nhưng lại khiến con người thêm lạnh lẽo. Có thể nói rằng người đến với rượu là đến với hạnh phúc ngắn ngủi nhưng bất hạnh thì triền miên. Hai câu trong truyện Kiều như một chia sẻ của người từng trải trong các cuộc rượu: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh / Giật mình, mình lại thương mình xót xa”. Hiểu như vậy nhưng có mấy ai xa được rượu. Đặc biệt là những ngày cuối năm, tiết trời như gọi mời, uống chén rượu cùng người tri kỷ bên ngôi đền trắng thấy ấm áp cõi lòng, rồi tự nhắc nhở bản thân, đừng để rượu uống mình. Dù biết rằng mọi thứ rồi sẽ trôi qua, kể cả con người, nhưng thời gian, rượu và thi ca vẫn tồn tại như một sự cộng tri tô điểm thêm cho vẽ đẹp của mùa xuân.

 

Huế, 12-2015

L.H.L

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế