Đếm ngược thời gian - Thi Anh

28.01.2016

Đếm ngược thời gian - Thi Anh

Chiều cuối năm, lênh láng nỗi niềm xa xứ. Những chuyến tàu vụt qua trước mắt tôi như khẳng định một điều vĩnh cữu rằng thời gian không bao giờ trở lại và tôi không thể đi ngược với quy luật thời gian để nhặt lại bóng mình. Tôi bắt đầu đếm trong miên man những nghĩ suy gieo rắc khắp ngõ ngách tâm hồn. Cũng không đi ngược lại bước chân của mình sau một năm đã cố gắng hết mình cho công việc, rồi gia đình, và cả những ước mơ.

Năm, bốn, ba, hai, một. Thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới đến nhẹ tênh trong tiếng pháo hoa bung ngàn màu sắc trên bầu trời. Ý niệm thời gian dừng lại. Những gương mặt người tôi đã gặp trong đêm giao thừa đã để lại nhiều dư âm và ấn tượng trong tôi. Khi Tết về, người già thường đăm chiêu nghĩ về cuộc đời và không quên gửi gắm niềm tin vào con, cháu. Người trẻ thì háo hức với những dự định đắp đầy cho một năm với bao nhiêu ước vọng cần đạt đích. Chỉ riêng trẻ em hồn nhiên trong những bộ quần áo mới, giày mới, rồi những chiếc túi đựng tiền lì xì bé xinh. Trẻ thơ vẫn mãi hồn nhiên trước những cái Tết chạm vào tuổi mình, rồi chúng lớn lên, mang theo những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của thời thơ bé với những cái tết ngọt ngào. Hạnh phúc bao giờ cũng đầy tay với những người sống có hoài vọng và biết nâng niu khát vọng thời tuổi trẻ. Tôi bắt đầu có ý thức về những cái Tết khi bước sang tuổi mười lăm. Đó là năm mà tôi tự biết vạch ra cho mình những cột mốc trong học tập để rồi phấn đấu để đạt được những dự định từng ấp ủ bao năm đó.

Tôi đã mơ mình là một thiên thần cho những tháng năm sau này dù thời gian có trôi đi rất nhanh và khoảnh khắc của cuộc đời ngày càng ngắn lại. Tôi nhớ chiếc đồng hồ cũ mà cha tôi đã tích góp rất nhiều ngày làm công để mua cho tôi khi tôi đậu vào lớp mười trường chuyên của huyện. Chiếc đồng hồ đo thời gian cho cả đời cha mẹ tôi, chị em tôi. Hơn thế, dù đến bây giờ, khi tôi luôn được nhìn ngắm nhiều chiếc đồng hồ đắt tiền với nhiều dáng hình, thì vẫn không thể thay thế chiếc đồng hồ trong ký ức đó. Cha tôi vẫn thường đùa, rằng tôi lớn bấy nhiêu rồi mà vẫn thích mình là trẻ con. Mãi mãi!

Tôi nhớ chiếc áo bông của mẹ tôi đã ở bên tôi, ủ ấm tôi bao nhiêu mùa đông lạnh. Chiếc áo bông hai lớp, có đính những hạt cườm bằng nhựa mà mẹ đã tự tay làm từng đêm như gửi vào đó tất cả tình yêu thương cho con gái. Chiếc áo thơm mùi sữa mẹ trong ký ức tôi. Tròn vẹn.

Tôi nhớ đôi dép nhựa bà nội mua cho tôi mà tôi cứ nâng niu, không chịu mang vì sợ đứt. Đôi dép đã theo tôi đi từ trường làng lên trường huyện rồi tôi đi tới hôm nay bằng đôi dép khác mà nếu ngày xưa không có bà, chắc gì tôi đã tới được nơi cần đến?

Tôi nhớ chiếc áo dài màu trắng chị gái tôi đã dùng hết số tiền học bổng đầu tiên của năm đầu tiên học đại học để may cho tôi. Đó là chiếc áo dài đầu tiên tôi được mặc trên giảng đường đại học năm nào.

Tất cả. Những kỷ vật đơn giản mà mầu nhiệm với cả đời tôi. Bởi đó là những năm tháng mà tôi không thể đếm ngược thời gian để trở lại thời thơ bé. Được nằm võng như trưa hè rồi bắt mẹ tôi ngồi hát dân ca. Được bé lại để thấy mình mãi hồn nhiên trẻ nhỏ trước mỗi dịp Xuân về.

Bây giờ tôi nhìn lên bầu trời và đếm những gam màu hạnh phúc của pháo hoa. Tôi nhẩm đếm thời gian cùng mọi người trong thời khắc giao thừa hạnh phúc, với một mùa xuân bình yên.

T.A 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế