Vạt áo cưới của mẹ - Tường Linh

28.01.2016

Vạt áo cưới của mẹ - Tường Linh

Cận tết năm Tân Tỵ (1941) cha tôi từ trần ở cái tuổi hưởng dương. Một mẹ góa và năm con mồ côi gần như không biết tết là gì. Mọi sinh hoạt đời thường lâu nay của gia đình bị xáo trộn theo chiều đi xuống. Năm ấy mẹ mới ba mươi sáu tuổi, tôi lên mười và đứa em trai út mới hai tuổi.

Sau hậu sự của cha tôi, gia đình lâm cảnh khốn khó. Và cũng từ cảnh thiếu thốn ập đến ngay dịp tết, tôi càng thấy rõ hơn, thấm thía hơn về tình thương con và bản lĩnh của mẹ. Đầu tiên, mẹ đưa ra quyết định khiến tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Mẹ trao đổi với bác Tự lấy lại một mẫu ruộng để tự mình canh tác. Khoảnh ruộng này lâu nay bác Tự làm rẽ của gia đình tôi, mùa tháng ba và mùa tháng tám âm lịch hai bên chia đôi số thóc thu hoạch. Lúc sinh thời, cha tôi là một giáo viên bậc tiểu học, gia đình thiếu sức lao động mới chịu đưa phần ruộng ít ỏi này cho bác Tự làm rẽ. Nay cha mất rồi, anh em tôi còn bé, làm sao tự canh tác? Tôi đem sự lo lắng này hỏi mẹ thì được mẹ trả lời chắc nịch: mẹ sẽ cày, bừa, còn cấy thì vòng công với chị em, nhổ cỏ lúa mẹ sẽ dạy cho con để phụ mẹ một tay. Mình phải tự sản xuất mới tạm đủ thóc ăn con ạ!

Thế rồi từ mùa tháng ba sau năm cha tôi mất, mẹ đã làm như thế.

Bà con cô bác đến nhà thăm, nhiều người nhìn anh em chúng tôi với vẻ thương hại. Có người nói:

- Tội nghiệp mấy cháu mồ côi cha, rồi đây phải bỏ chuyện học hành!

Mẹ tôi phản đối cứng cỏi:

- Không bao giờ có chuyện đó!

Một hôm mẹ bảo tôi:

- Con thi xong tiểu học, mẹ sẽ cho ra Huế học xong trung học sẽ tính tiếp. Bốn em con cũng lần lượt giải quyết như vậy.

Tôi hỏi:

- Nhà ta nghèo, con ra Huế, tiền ăn, tiền trọ, tiền sách vở... mẹ làm sao kham nổi?

Mẹ chỉ tay về phía đầu tủ gỗ đựng sách và nói:

- Mẹ mua con heo đất loại lớn đó, hễ bán lứa chuối, lứa cau hay bán heo, gà, mẹ trích ra một phần bỏ vào heo đất để dành cho con đi học xa. Đầy con này sẽ tiếp con khác. Mẹ đã bắt đầu thực hiện việc ấy rồi, con đừng lo.

- Nhưng rồi lấy ai phụ giúp mẹ việc nhà, việc đồng áng?

Mẹ đưa hai bàn tay ra trước mặt tôi:

- Con yên tâm. Đôi tay mẹ còn khỏe lắm.

Mọi năm, cứ đến tết là vườn cải nhà tôi rực rỡ hoa vàng. Đó là công trình của mẹ. Đến sau mùng mười tháng giêng mẹ mới thu dọn và san bằng các luống cải để trả lại mặt đất cho vườn. Cha tôi rất thích ngắm màu hoa cải vàng và thường làm thơ về loài hoa thân thiết này, phần nhiều là thơ Đường luật. Về đề tài này, ngoài lá xanh, hoa vàng, bướm đẹp, cha còn không quên hình ảnh của mẹ tôi.

Mùa cải đầu xuân sau ngày cha tôi mất, mẹ không để đất yên. Mẹ xới lại các luống cho đất tơi ra, bón phân chuồng đầy đủ. Tôi hỏi mẹ về việc này thì được mẹ trả lời:

- Để trồng thêm một mùa cải nữa. Rau trái mùa bán được giá lắm con ạ!

Khi mùa cải thứ hai thu hoạch, mẹ tôi gọi bà chủ sạp rau quả ở chợ đến xem. Hai bên định giá. Mẹ bán sỉ trọn đám cho bà và nhận tiền trước một lần.

Bà ấy cứ mỗi ngày cho người đến cắt cải đem về chợ bán.

Mẹ dùng tiền bán vườn cải trái mùa ấy mua áo quần mới cho anh em chúng tôi khi tết đã qua khá lâu.  Riêng đứa em gái duy nhất của tôi mới bốn tuổi không chịu mặc áo mới mẹ mua mà cứ đòi phải có áo in hoa đẹp. Vì chợ quê nhỏ, mấy tiệm bán vải và áo quần may sẵn chỉ nhắm mua về vừa đủ bán tết, qua tết là hết hàng. Mẹ lùng sục khắp chợ vẫn không có thứ áo hay loại vải nào em gái tôi đòi hỏi. Khi thấy bốn anh em trai có áo quần mới, em cứ ngồi khóc và không chịu

ăn uống.

Trưa nọ tôi đang nằm trên phản gỗ để đọc cuốn sử ký thì nghe từ buồng phía trong vách ván có tiếng lưỡi kéo cắt vải. Tôi bước vào thì thấy mẹ đang cắt chiếc áo dài in hoa mẹ giữ từ ngày cưới. Đây là vật kỷ niệm quý của mẹ. Cứ vào một ngày sau tết có nắng thì mẹ đem chiếc áo cưới cùng với đôi hài thêu kim tuyến ra phơi, phơi xong mẹ đem cất.

Nhìn vạt áo đang bị cắt, tôi bàng hoàng hỏi mẹ:

- Sao mẹ cắt áo cưới của mẹ ra từng mảnh thế?

Mẹ ngừng tay nhìn tôi với ánh mắt vời vợi như mong tôi thông cảm:

- Con M. cứ đòi áo của nó phải có hoa, mẹ tìm mua khắp chợ mà không có. Nhà có mình nó là con gái, mẹ và các con nên chiều nó một chút.

Một năm trôi qua đúng ngày lễ giáp năm cha tôi. Chiều hôm ấy, thung lũng quê tôi vẫn còn gió bấc từ sông Thu Bồn thổi khắp. Chót núi Cà Tang quấn đầy mây trắng... Trong lúc mẹ và tôi sắp mâm cơm lên bàn thờ cha tôi thì bốn em tôi ngồi trên ngạch cửa nhìn về phía núi xa. Đúng một năm trước, bà con họ hàng đã đưa cha chúng tôi về hướng ấy. Đứa em gái áp út buột miệng hỏi:

- Sao cha đi vô trong đó lâu quá mà không về?

Không ai trả lời em. Mẹ tôi quay đi lau nước mắt.

Tôi thắp tiếp hương lên bàn thờ cha rồi ngồi bên mẹ. Hai mẹ con kiểm lại mấy việc đã làm trong một năm sắp qua. Việc nổi trội nhất là mẹ đã can đảm lấy lại mẫu ruộng để tự canh tác. Vì không chia đôi cho người làm rẽ nên số thóc của nhà tôi gấp hai lần lúc trước. Ruộng do tự mình làm nên cày bừa, bón phân, nhổ cỏ chu đáo. Nhờ vậy, tuy là ruộng nhị đẳng điền nhưng năng suất không kém ruộng nhất đẳng điền của người khác.

Tuy những ngày nghỉ học tôi mới phụ lực chút ít với mẹ nhưng nhờ mẹ chỉ bảo, tôi đã rành việc nhổ cỏ lúa, bón phân, đắp và tháo ngõ nước...

Còn vài hôm nữa là chợ làng đông phiên tết. Vườn cải trước nhà tôi lá to xanh đều hân hấn và vô số hoa vàng. Trước khi sử dụng kết quả công trình hằng năm ấy, mẹ bước vào cửa mành mành chọn cắt mấy hoa cải vàng đẹp nhất. Mẹ vào nhà, cắm những hoa cải ấy vào bình hoa trên bàn thờ cha tôi. Mẹ biết cha tôi rất yêu vườn cải và hoa cải vàng nhưng loài hoa dân dã này vĩnh viễn không còn được cha tôi làm thơ ca ngợi nữa.

Mẹ nói với tôi:

- Từ mùa cải này mẹ không còn cắt bán từng buổi chợ nữa mà bán sỉ cả đám cho bà chủ sạp như đã làm ở mùa cải trái vụ vừa rồi.

Bà chủ sạp rau quả ở chợ chỉ mong có thế. Cũng như lần trước, bà trả tiền trước ngay một lần cho toàn vườn cải.

Sáng hôm sau, mẹ đi chợ và mua về cho năm anh em tôi áo quần mới mặc tết không quá muộn như cái tết vừa qua. Em gái tôi cũng có một chiếc áo in hoa rất đẹp, chiếc áo mới toanh chứ không phải vải cắt từ áo cưới của mẹ ngày xưa.

Từ đó cho đến cuối đời, mỗi năm một lần mẹ vẫn phơi vật kỷ niệm thiêng liêng của mình dưới nắng đầu xuân nhưng không còn chiếc áo cưới. Đôi hài thêu kim tuyến nằm đơn lẻ trên mặt ghế giữa sân.

T.L 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế