Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân Hùng
Những chặng đường nối tiếp nhau, như những mùa hoa đua nở trên thành phố bên bờ sông Hàn. Từ cái mốc lịch sử đầu tiên, Đà Nẵng giải phóng đến ngày trở thành thành phố trực thuộc Trung ương tháng 1 năm 1997, để rồi đứng vào hàng ngũ “đệ tứ anh hào” Đô thị loại I cấp quốc gia tháng 6 năm 2003. Tất cả, những gì có được hôm nay của Đà Nẵng là một khẳng định sinh động cho vị thế ngày càng quan trọng của thành phố trong quá trình phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Mỗi một người Đà Nẵng có thể tự hào về truyền thống đã được hun đúc từ hơn 700 năm, bắt nguồn từ cái nôi “Xứ Quảng”, trải dài suốt chiều dài lịch sử oai hùng, bi thương mà cha ông đã làm nên, để có được ngày hôm nay, một thành phố đang trên đường tiến lên văn minh, hiện đại khẳng định mình với cả nước. Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm quê hương thoát khỏi ách ngoại xâm và gần hơn là 18 năm “ra riêng”, những con cháu của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Châu Trinh đã đồng lòng, thuận chí viết nên một trang sử mới - trang sử của những năm tháng lao động cật lực - tạo dựng một hình ảnh Đà Nẵng mới, cùng cả nước với chỉ một bước đi nhưng là sự kế tục của cả một bề dày truyền thống, mà không phải đâu cũng có được.
Người Đà Nẵng, dù là “Đà Nẵng gốc”, hay xuất xứ từ những miền quê xứ Quảng hoặc đến từ mọi miền của đất nước, một khi đã từng trải qua những năm tháng buồn - vui, sướng - khổ cùng mảnh đất này, đều không khỏi tự hào, pha lẫn hãnh diện về mảnh đất "đầu biển cuối sông" này, dù cho đối với họ đó là “Đất mẹ ân tình” hay quê hương thứ hai "ơn sâu nghĩa nặng". Bản thân người viết, cũng không phải là dân “Đà Nẵng gốc” nhưng được may mắn lớn lên cùng thành phố từ những năm sau khi non sông liền một dải, có thể tự hào để nói với mọi người rằng “Mình cũng là người Đà Nẵng”.
Theo dõi các bài viết dự thi Cuộc thi viết “Người Đà Nẵng” do Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố phối hợp với Cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức, đều có cùng một điểm rất chung là rất yêu và tự hào về Đà Nẵng, một tình yêu chân chất, mộc mạc.
Bạn Nguyễn Thị Hoài Thu, công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng kể về một cô gái, tuy không phải là người "Đà Nẵng gốc" nhưng lại yêu Đà Nẵng như ruột thịt. Cô yêu Đà Nẵng bởi vì những con người xung quanh dễ thương và gần gũi, dù rằng cô chỉ là một người ở nơi khác đến “tá túc” nhưng sự gần gũi, thân thiện đã xóa tan đi mọi lo âu, nghi ngờ về cái nơi tưởng như xa lạ nhưng gần gũi đến lạ. Và cô bộc bạch: “...Bây giờ trong mỗi chuyến đi công tác khi được hỏi từ đâu đến, cô như không giấu được sự tự hào “tôi đến từ Đà Nẵng”. Cô tự cho mình cái quyền đó, vì với cô, người Đà Nẵng đâu phải chỉ là người sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, chỉ cần là người yêu thành phố này, hòa nhịp cùng những nốt thăng, nốt trầm của thành phố thì đã là người Đà Nẵng rồi!”. Và cô đã thốt lên “... Đà Nẵng “giỏi” đi vào lòng người thật!”
Cũng là một người không sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nhưng bạn trẻ Trần Thị Tùng (Bảo hiểm xã hội thành phố) chọn Đà Nẵng làm “bến đậu” sau khi ra trường, đã thổ lộ tình yêu Đà Nẵng của mình trong bài “Một chút tản mạn về Đà Nẵng tôi yêu”. Tùng viết: “Do yêu cầu của công việc nên tôi đã đi được nhiều nơi ở đất nước nhưng trong tôi, Đà Nẵng lúc nào cũng đẹp nhất, không biết tôi đã “thiên vị” Đà Nẵng hay vì mình dành cho Đà Nẵng một tình yêu đặc biệt nên ở Đà Nẵng cái gì cũng đẹp và đi đâu rồi tôi cũng muốn nhanh được về với thành phố”.“Vượt lên vẻ đẹp của phố phường núi non, sông biển là vẻ đẹp của tình người, của con người Đà Nẵng. Không ngọt ngào, khéo léo như người miền Bắc hay xô bồ như người miền Nam, những con người Đà thành lại “ăn cục nói hòn”, chân chất, giản dị nhưng lại chân thành, mến khách, tốt bụng đến kỳ lạ”... Một nhận xét khách quan, qua đó nói lên được nét gần gũi, dễ thương của người Đà Nẵng. Có lẽ người Đà Nẵng gốc, những người con đất Quảng đã là nguồn cảm hứng để những người từ mọi miền đất nước đến an cư lập nghiệp ở mảnh đất đáng sống này và “lây” cái tốt đẹp, chân tình của người “Đà Nẵng gốc” vào trong máu thịt, trong suy nghĩ hành động của mình, góp phần tạo dựng nên một cái tên chung: “Người Đà Nẵng”!
Quay lại Đà Nẵng của những năm 80 của thế kỷ trước, khi người viết còn ở lứa tuổi học sinh - sinh viên, Đà Nẵng vẫn là một “đô thị loại 3” cấp tỉnh. Thế hệ chúng tôi khi ra Bắc hay vào Nam để học tập đều cảm nhận rằng, nếu so với thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, Đà Nẵng mình còn nhỏ bé lắm, nhỏ bé về mọi mặt, từ quy mô về địa lý, dân số đến hạ tầng kinh tế. Chưa thể gọi là tự tin khi nói về thành phố mình với mọi người. Thành phố bên Sông Hàn chỉ tấp nập mấy con đường như Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm, nhà cao tầng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cầu qua sông thì mang tính dã chiến phục vụ chiến tranh hơn là trang điểm cho diện mạo một đô thị hiện đại. Những hình ảnh này hẳn còn lưu lại trong ký ức của không ít người dân Đà Nẵng hôm nay, trong đó có “thế hệ 6X” như chúng tôi, vất vả mưu sinh, nhọc nhằn kiếm sống và vẻ buồn không giấu nổi trên mỗi khuôn mặt con người.
Nhiều người biết đến Đà Nẵng vỏn vẹn chỉ là một địa danh của một miền đất Trung Trung bộ đầy khó khăn, thường xuyên lũ lụt hạn hán và… “hình như ở đó có danh thắng là Ngũ Hành Sơn thì phải”! Khách quan mà nói, về thực chất, Đà Nẵng đã đi sau thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội ở điểm xuất phát trong công cuộc đổi mới. Ý thức sâu sắc “những thua thiệt” này, người xứ Quảng, người Đà Nẵng đắm mình suy nghĩ những bước đi thích hợp nhất cho mình để xây dựng thành phố quê hương lớn lên từng ngày. Có thể nói, kể từ cái mốc lịch sử năm 1997, mỗi mùa xuân đi qua trên thành phố là một mùa hoa khoe sắc, làm rạo rực tâm hồn người Đà Nẵng. Đó cũng là mùa của xây dựng, mùa của những công trình, mùa của những niềm vui khó tả, thể hiện sinh động trong ánh mắt, nụ cười của những người dân khu dân cư tồi tàn ven biển Thuận Phước hay trong những căn nhà chồ xập xệ, nhếch nhác bên bờ Đông sông Hàn...
Người Đà Nẵng bây giờ có thể ngẩng cao đầu mà bước đi một cách tự tin nhưng không chấp nhận sự tự mãn, chủ quan. Và cũng không bỏ qua những tồn tại, khiếm khuyết đã, đang và sẽ phải đối mặt. Với cả nước, Đà Nẵng đã được đặt trở lại đúng với tầm vóc cần phải có của mình: thành phố động lực - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Một may mắn nữa cho Đà Nẵng là, thành phố có những chủ nhân trẻ, trẻ trong cách nghĩ, trẻ trong cách làm, trong cách nắm bắt nhạy bén và vững vàng những quy luật tất yếu của cuộc sống, mà ở đó, nhân dân chính là những người chủ thật sự.
Mùa xuân đang về bên thành phố Sông Hàn. Vất vả, gian nan còn nhiều, nhưng lạc quan và niềm tin thì không bao giờ cạn. Đó cũng là bản chất của người Đà Nẵng. Bản lĩnh văn hóa cũng như trí tuệ, công sức, tình cảm của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng đã sản sinh ra những kết quả thật đáng để tự hào. Trong những ngày xuân vui này, từ phố phường đến làng quê, từ đồng bằng đến miền núi của quê hương lại thêm sống động, đẹp đẽ như những bức tranh ánh sáng, đầy màu sắc với âm hưởng của lao động, nghỉ ngơi, hòa nhịp với cảnh sắc thiên nhiên hiền hòa, quyến rũ. Thật tự hào được lớn lên, cống hiến bàn tay và khối óc cho mảnh đất thân yêu này.
D.H