Người làm lịch độc bản - Văn Thành Lê

28.01.2016

Người làm lịch độc bản - Văn Thành Lê

Nhà Hồ Công Khanh ở địa chỉ 223 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Ngang qua đó, ít ai nghĩ rằng ẩn mình sau cánh cổng sắt chừng như khép kín cả ngày ấy là một ngôi nhà có dáng vẻ như một “thảo lư” đầy cỏ cây hoa lá, sách vở chữ nghĩa. Như một ẩn sĩ, anh chúi đầu bên nghiêng mực, nét cọ xòe ra trên vuông giấy dó và để lại ở đó thần thái, tinh lực của suốt những năm tháng miệt mài bên những con chữ.

Từ những nhặt nhạnh trên đường...

Ghé thăm nhà anh, bước qua hàng hiên có những giò phong lan rực sắc là có thể mục kích tận mắt các bộ sưu tập chuyên đề, trong đó có cả những thứ thoạt trông như là linh tinh nhưng lại ẩn chứa nhiều cảm xúc thẩm mỹ mà anh nhặt nhạnh được trên đường mình đi qua. Một lần đi thăm đảo Phú Quốc, anh bắt gặp một vỏ sò khổng lồ, ngư dân ở đây bảo nó cũng phải cả nghìn năm nằm dưới biển. Ghiền qua, mua hết 2 triệu đồng.

Anh mang “cả nghìn năm” về, 25 kg, khá nặng, nghĩ mãi không biết viết gì vào đó. Vỏ sò bề ngang 60cm, cao 40cm, như một cánh cửa mở ra cõi thiên tiên huyền ảo, anh viết lên đó bài Bát nhã tâm kinh, kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Tết rồi anh em văn nghệ sĩ đến thăm nhà anh, trầm trồ khen là hàng quá “độc”.

Cũng từ Phú Quốc, anh mang về cây trầm biển, thân cây xòe ra như một cổ thụ thu nhỏ, đốt không cháy, bẻ không gãy. Tết đến, anh gắn lên đó 100 mảnh giấy nhỏ nhiều màu sắc ghi 100 câu thành ngữ 4 chữ (tứ tự thành ngữ) chúc Tết. Toàn là những điều tốt đẹp: Vạn sự như ý; Thuận buồm xuôi gió; An cư lạc nghiệp...

Một cái Tết đi thăm Đài Loan, anh thấy có bày bán 4 cái vỏ bào ngư cũng thuộc loại to lớn ít nơi có. Ở ta, bào ngư ngâm rượu chỉ thấy to như con nghêu là cùng chứ có đâu mà “khủng khiếp” đến thế. Anh chọn mua cái lớn nhất có kích 20 x 25cm, ngạc nhiên khi chỉ phải trả 20 USD, có lẽ loại này ở đó không hiếm. Vỏ bào ngư độc đáo này lên nước bóng như xà cừ, bên trong ẩn hiện chân dung của một ai đó mà anh chưa dám gọi tên.

Rễ tre chỉ là thứ vứt đi hoặc cho vào bếp nhưng dưới cái nhìn của anh nó trở thành tác phẩm nghệ thuật. Một lần đi Hội An xem anh em điêu khắc trên gốc tre, bỏ ra hàng đống rễ tre không biết làm gì. Anh mang về một rễ cái, uốn rễ con lại, bồi giấy lên đó thành khung để viết thư pháp. Đó là một bài thơ tụng ca mùa Xuân do chính anh sáng tác: Xuân là giao hưởng đất trời. Người là điệu thở muôn đời bể dâu. Trăm năm có lạ gì đâu. Buồn vui sướng khổ có lâu đâu mà.

… Đến những bộ lịch độc bản

Về nơi ở mới, phải làm cái gì mơi mới. Sau nhiều ngày vào ra nghĩ ngợi, anh nảy ra ý tưởng làm lịch thư pháp, bởi nhận thấy lịch tờ treo tường đã “xưa như trái đất”, chẳng ai còn thích nữa. Anh làm lịch, nhưng độc bản, độc quyền (và tất nhiên là độc đáo), không in ấn nhiều bản nên chẳng hề “đụng hàng” bất cứ ai.

Tết Mậu Tý - 2008, anh chọn “Những nhà thơ nổi tiếng Việt Nam” làm chủ đề cho bộ lịch thư pháp đầu tiên của mình. Lịch có 7 tờ, một tờ bìa và 6 tờ dành cho 12 tháng. Mỗi tác giả anh chọn một đoạn thơ hay nhất theo ý chủ quan của anh.

Với Bùi Giáng, anh chọn hai câu trong bài “Chào Nguyên Xuân”: Xin chào nhau giữa con đường. Mùa xuân phía trước miên trường phía sau. Xuân bắt đầu mở ra một năm mới. Xuân cũng là bình minh tinh khôi của một kiếp người, bước liên tưởng này dẫn anh đến nhà thơ Nguyễn Đức Sơn và mấy câu “đắt” nhất trong bài “Nhìn con tập lật”: Nắm tay lật úp đi con. Co thân tròn trịa như hòn đá lăn. Muốn cho đời sống không cằn. Tập cho quen mất thăng bằng từ đây. Với Trịnh Công Sơn, “Nguyệt ca” không phải là bài thơ nhưng ca từ thấm đẫm chất thơ và anh không thể nào không chọn từ đó những câu mông mênh như... ánh trăng: Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời... Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ.

Bộ lịch đầu tiên này được giới văn nghệ sĩ chào đón nhiệt thành như một “người ngoài hành tinh” ghé thăm trái đất. Từ đó, “mỗi năm hoa đào nở” anh

 lại cho ra đời một bản lịch thư pháp

độc đáo, trên khổ giấy 60 x 120cm đến

80 x 140cm.

Tết Giáp Ngọ vừa qua, anh cho ra đời bộ lịch “Những áng hùng văn”, dùng kỹ thuật mới kết hợp giữa bột nước và bột màu. Thư pháp thường chỉ trích hoặc viết 2-4 câu thơ, nhưng ở bộ lịch này anh viết nguyên cả bài, bởi như thế mới thể hiện hết cái thần hồn “hùng văn” của các tác giả, qua đó tri ân công đức tiền nhân từ thuở lập quốc đến giờ và tôn vinh những giá trị tinh thần của đất nước.

Cả bộ lịch chào năm Con Ngựa này tính ra trên 10 nghìn chữ, trong đó dài nhất là bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, xếp sau đó là Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo. Tác phẩm đương đại anh chọn bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ, 70 câu với 15 khổ, khổ cuối cùng như một di huấn gửi cho đời sau: Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ. Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn. Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá. Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...

Khi Nguyễn Du và Truyện Kiều... lên lịch

Tết Bính Thân 2016 đã cận kề mà anh vẫn chưa biết làm bộ lịch về đề tài gì.

Bài “Thi sĩ sớm bạc đầu” của tác giả Xuân Cang đăng trên báo Lao Động cuối tuần số ra ngày 22-11-2015 đã mở ra cho anh một ý tưởng độc đáo. Tác giả bài báo dẫn lời nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc rằng căn cứ vào một bản Gia phả của họ Nguyễn phát hiện ở làng Tiên Điền năm 1966 thì Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu tính ra dương lịch là ngày 3 tháng 1 năm 1766 nhưng vì chưa đến tiết lập xuân (nghĩa là chưa được cho bước sang năm Giáp Tuất - NV) nên vẫn tính là năm 1765.

Vì thế, năm 2015 vừa rồi cả nước đã kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du. Hồ Công Khanh thì nghĩ khác, anh dựa vào ngày sinh theo dương lịch của tác giả Truyện Kiều (Đoạn trường Tân Thanh) để làm bộ lịch thư pháp “250 năm Ngày sinh Nguyễn Du”.

Vẫn 7 tờ như các lịch trước, tờ đầu sẽ là chân dung Nguyễn Du. Tờ thứ hai anh “túm gọn” cả Truyện Kiều qua câu đầu và câu cuối: Trăm năm trong cõi người ta… Mua vui cũng được một vài trống canh. Tiếp theo là các tờ lịch ghi dấu từng chặng đường trong đời nàng Kiều. Mô tả cảnh Kim – Kiều gặp nhau là hai câu thơ: Bây giờ rõ mặt đôi ta. Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao. Kim – Kiều chia tay nhau thì phải 4 câu mới hết tình hết ý: Sự đâu chưa kịp đôi hồi. Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ. Trăng thề còn đó trơ trơ. Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng…. Tờ cuối cùng hẳn là cảnh Kim – Kiều tái hợp: Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Đặc biệt, nhà thư pháp đã dành hai tờ lịch ghi lại dấu ấn ngoại giao của Việt Nam qua Truyện Kiều.

Tháng 11-2000, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam của mình và của các Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton đã làm người Hà Nội “giật mình” khi ông trích thơ Nguyễn Trãi và “lẩy” Kiều. Lãnh đạo nước Mỹ lúc đó mượn hai câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn trường Tân Thanh để diễn tả về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa rồi từ đó chuyển sang ý tưởng thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước: “Như Truyện Kiều đã tiên đoán trước, “Sen tàn cúc lại nở hoa; Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”. Bây giờ những hình ảnh băng giá của thời quá khứ đã bắt đầu tan đá. Những nét đại cương của một tương lai chung ấm áp hơn đã bắt đầu thành hình. Chúng ta hãy cùng tận dụng khả năng của mùa xuân mới này”.

Mới đây, tháng 7-2015, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong buổi chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ lại làm những người khách Việt Nam ngạc nhiên khi bất ngờ “lẩy Kiều” như Tổng thống Bill Clinton từng làm 15 năm trước: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Trong bối cảnh mối quan hệ Việt - Mỹ hiện nay, có thể ngầm hiểu điều ông Joe Biden muốn nói: Để có được cuộc hạnh ngộ hôm nay là nhờ ơn trời (“Trời còn để có hôm nay”); mối nghi ngại giữa hai bên giờ đã không còn “Mây tan đầu ngõ”; mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ phát triển lên tầm cao mới (“Vén mây giữa trời).

Hai sự kiện chính trị - văn hóa độc đáo này sẽ được Hồ Công Khanh đánh dấu bằng hai tờ lịch có tháng 7 và tháng 11 của năm 2016. Bốn câu thơ Kiều được hai lãnh đạo người Mỹ này “lẩy” ra sẽ được viết bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh.

Trong 9 năm làm lịch độc bản, nhà thư pháp Hồ Công Khanh hy vọng bộ lịch “250 năm Ngày sinh Nguyễn Du” sẽ là tác phẩm thư pháp về lịch anh thích nhất. Bởi đây là tâm huyết, làm ruột gan của một người đi tìm cái đẹp trong con chữ Việt và gắn kết nó với những dòng chảy văn hóa, trong đó Truyện Kiều là tác phẩm vừa được Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới công nhận là “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”.

V.T.L 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế