Buson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm Trâm
Mối bang giao văn hóa, văn học giữa hai dân tộc Việt - Nhật hơn 40 năm qua ngày càng phát triển tốt đẹp. Mùa xuân này, xin giới thiệu đến bạn đọc vài nét phác thảo vẻ đẹp thơ haiku của Buson - “thi sĩ mùa xuân” trong vườn thơ đất nước hoa anh đào.
Chương trình Ngữ văn (nâng cao) đưa thơ haiku (Nhật Bản) vào để giới thiệu cho học sinh lớp 10 một thành tựu thơ ca độc đáo của đất nước Mặt trời mọc nói riêng, của thơ ca phương Đông, thơ ca nhân loại nói chung. Hai tác giả haiku nổi tiếng được chọn là Matsuo Basho (1644 - 1694) và Yosa Buson (1716 - 1783).
Trong khi ba bài của Basho được chọn, một bài viết về một chiều thu cô tịch, một bài về tiếng chuông trong chiều xuân bảng lảng và một bài về tiếng mưa đêm thu hiu hắt thì cả ba bài của Buson đều viết về mùa xuân. Vườn thơ haiku của Buson có khoảng 2.000 bài (trong tổng số khoảng 3.000 bài) dành cho đề tài mùa xuân, đã đưa tên tuổi ông vào hàng “thi sĩ của mùa xuân”.
Haiku là thể thơ cực ngắn, ngắn nhất trong tất cả các thể thơ trên thế giới, mỗi bài chỉ có 17 âm tiết chia làm ba dòng đăng đối (5 - 7 - 5). Nhưng từ trong tiếng Nhật đa số đa âm nên 17 âm tiết thường không quá 10 từ. Vì thế, haiku ít dùng những từ biểu đạt tâm trạng, ít dùng tính từ, trạng từ... Bạn đọc phải tự nhìn thấu vào cảnh qua vài nét chấm phá, tự đón nhận những thanh âm mơ hồ, tự lắng lòng mà chiêm cảm triết lý được ký thác ẩn kín.
Nhà phê bình người Pháp Roland Barthes nhận định: “Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức. Haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là một sự tình vắn tắt tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”(1).
Một bài thơ haiku có kết cấu gồm ba phần phá - thực - kết khá chặt chẽ, nghiêm chỉnh như tâm tính người Nhật. Tứ thơ bắt đầu từ một khoảnh khắc bất chợt trong hiện tại nhưng cái khoảnh khắc ấy có khả năng bừng ngộ về lẽ vĩnh hằng huyền vi. Kết của bài thơ là khoảnh khắc đột giãn đưa thơ lên đỉnh cao trực cảm hoặc triết lý.
Người Nhật yêu mến thiên nhiên, tạo vật, sống hòa hợp với tự nhiên nên haiku chủ yếu là thơ về thiên nhiên. Đề tài xoay quanh bốn mùa trong năm, gọi là quý đề (kidai); dùng các từ ngữ chỉ cỏ cây, hoa lá, cảnh quan, con vật đặc trưng của từng mùa, gọi là quý ngữ (kigo). Chẳng hạn, nói mùa xuân thì có hoa anh đào, hoa mơ, hoa nở... Mùa hè là chim đỗ quyên, con ve, con đom đóm... Thu có trăng, cánh đồng lau, hoa triêu nhan... Đông thì tuyết đầu mùa, sương giá... Điều đó mang đến sự hàm súc cho haiku, trong một diện tích chữ nghĩa tối thiểu mà chuyển tải biết bao ẩn ý và suy tư. Điều đó cũng mang đến vẻ đẹp độc đáo của haiku - cái đẹp thuần khiết, thanh khiết và cao khiết. Có thể nói, haiku tinh xảo mà không cầu kỳ, tinh giản chứ không đơn giản, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thâm thúy.
Có người nói về chất thơ haiku như sau: “Đạo của nó là trái tim bình thường”. Trường hợp thơ Buson, nhất là thơ mùa xuân của Buson thì quả đúng như thế. Yosa Buson được sinh ở ngoại ô Osaka. Ở tuổi 21 (năm 1737), Buson chuyển đến Edo để học vẽ và làm thơ haiku theo truyền thống Basho. Năm 1742, ông thực hiện chuyến du hành lên phương Bắc theo dấu chân Basho. Sau đó, ông đến Kyoto vừa làm thơ vừa vẽ tranh. Ông làm chủ hội Tao đàn Dạ bán đình với tên “Xuân Tinh” (Shunsei), tức “Ngôi sao mùa xuân”. Năm 1776, Buson lập hội thơ Ba Tiêu am, trở thành môn đồ tích cực của Basho, có công làm hưng thịnh thơ haiku sau một chặng dài suy tàn sau khi Basho qua đời, mang đến cho haiku một tinh thần mới.
Trong khi thơ Basho thâm trầm, sâu thẳm thì Buson tươi trẻ, rạo rực. Trong khi Basho đưa bốn mùa vào thơ thì Buson thích nói nhiều về mùa xuân. Với quý đề mùa xuân, ông đưa đến cho haiku thú trần gian với tất cả hương vị ngọt ngào.
Bài thơ đầu tiên là về thác nước:
Gần xa đâu đây
nghe tiếng thác chảy
lá non tràn đầy.
Thường thường, thác nước (taki) là quý ngữ chỉ mùa hè. Ở Nhật Bản, thác nhiều và đẹp. Thác còn được tạo trong những khu vườn rộng, gọi là “thác tại chỗ”(2). Mùa hè, người ta thường dựng những trà thất bên thác nước phục vụ cho mọi người đi tìm sự mát mẻ, dễ chịu.
Ở đây, Buson dùng hình tượng thác với ý nghĩa biểu tượng cho thế giới vận động không ngừng, bởi vì thác nước luôn chảy, luôn chuyển động. Quan trọng hơn, thác nước ở đây biểu tượng cho mùa xuân, cho sức sống mùa xuân. Thác nước, dưới bàn tay thi sĩ - họa sĩ Buson bỗng “tràn đầy” lá non, cây cối xanh tươi đang đâm chồi nảy lộc, tưởng như có thể nghe thấy tiếng tách mình vô thanh của chồi non, lộc biếc. Cùng với ấn tượng thị giác (nhìn lá xanh non), thính giác (nghe tiếng thác chảy), xúc giác (cảm thấy mát mẻ, dễ chịu) là linh giác (cả thảm lá non đang tràn ra, đơm lên)... Mùa xuân đang khoác tấm áo mới, đang sinh sôi, mang một sức xuân rời rợi.
Bút pháp đối lập - tương giao giữa sự kỳ vĩ (thác nước) và sự hữu hạn (chiếc lá non bé nhỏ), giữa âm thanh (thác chảy) và màu sắc (lá non), giữa màu sắc (nước thác trắng bạc) và màu sắc (lá xanh)... thể hiện mối tương giao tuyệt diệu giữa con người và thiên nhiên. Tất cả tạo nên một bức tranh xuân với tất cả tiếng xuân, sắc xuân, dáng xuân; một bức họa về sự sống, sức sống và niềm hy vọng. Vì thế, Hiro Sago nhận xét: “Thơ Buson có ý thức mãnh liệt về thế giới”.
Bài thơ thứ hai là bài thơ về mưa xuân:
Dưới mưa xuân lất phất
áo tơi và ô
cùng đi.
Buson làm nhiều thơ về mưa xuân, có khoảng 30 bài, trong đó ông thường dùng những từ ngữ như bụi mưa xuân, mưa xuân gieo cải, mưa xuân rắc hạt... Bài này là mưa xuân lất phất, trong màn mưa có hai người cùng đi, một mặc áo tơi, một che ô. Áo tơi là biểu tượng cho người con trai, ô là biểu tượng của người con gái. Đôi tình nhân sánh vai đi trong màn mưa lay bay. Thiên nhiên và con người hòa điệu, mưa rây bụi để có cớ khoác tơi, giương dù. Mưa đồng lõa với đôi lứa yêu nhau, mưa dệt sợi che chắn lứa đôi. Mưa xuân chỉ bay nhẹ, không dầm dề, không lạnh lẽo, là cơ hội đi bên nhau, giấu tay trong nhau, thầm thì lời yêu. Bức tranh xuân ấm áp, rộn rã lạ. Có lẽ vậy nên có bản dịch khác như sau:
Mưa xuân thầm thì
bên nhau đôi bóng
ô và áo tơi đi.
Có lẽ, đây là bài thơ tả mùa xuân vào hàng lãng mạn nhất của Buson nói riêng, của thơ haiku nói chung: mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu.
Bài thứ ba:
Hoa xuân nở tràn
bên lầu du nữ
mua sắm đai lưng.
Trong thơ haiku, hoa anh đào (sakura) là quý ngữ chỉ mùa xuân, sứ giả của mùa xuân. Người Nhật tôn quý hoa anh đào, nâng lên hàng quốc hoa. Hoa anh đào rơi khi đang độ tươi thắm, hoa biết chọn một cách chết đẹp, tựa tinh thần võ sĩ đạo (samurai). Cùng với hoa anh đào, haiku cũng lấy hoa mơ (ume) làm quý ngữ. Nhưng khi haiku nói “hoa nở” thì người đọc hiểu đó là hoa anh đào, là mùa xuân. Song, ở đây, Buson tả hoa xuân đang nở tràn, có thể hiểu là tất cả các loài hoa nở tưng bừng, tràn trề sắc hương.
Ở đất nước Phú Sĩ, mùa xuân là mùa của lễ hội thưởng lãm hoa anh đào, thăm viếng đền chùa, đi mua sắm... Đây là dịp cho các du nữ (yujo) đi sắm các vật trang sức làm đẹp, trong đó có cái đai lưng, một vật không thể thiếu bên ngoài bộ kimono truyền thống. Trên đai lưng, tùy theo mùa mà thêu dệt các họa tiết khác nhau: mùa xuân hoa đào, hoa mơ, hoa mận; mùa hè dòng suối, dòng sông; mùa thu là loại cây gỗ màu lá rực đỏ; mùa đông là cây thông...
Những cái đai lưng của du nữ đã là tín hiệu mùa xuân. Những cô thiếu nữ đương tuổi thanh xuân đi mua sắm càng làm tôn vẻ đẹp tươi, rộn ràng của mùa xuân. Một bức tranh con người và thiên nhiên, cuộc sống hòa hợp càng tô điểm cho mùa xuân thêm màu sắc rực rỡ và sức sống mãnh liệt.
Hình ảnh du nữ ở đây làm chúng ta bất giác nghĩ đến một bài thơ của Basho:
Chung một mái trọ
Phòng bên du nữ ngủ
Trăng và hoa thu .
Tình cờ trong một quán trọ, bất chợt hình ảnh du nữ và hoa cùng ngủ dưới trăng làm lòng nhà thơ xao xuyến về cái đẹp toàn mỹ, về sự hài hòa giữa cái đẹp tinh thần (hoa, trăng) và cái đẹp thể chất (du nữ). Trăng - hoa - du nữ bình đẳng với nhau trong vũ trụ, trong trần thế, tất cả bình đẳng trong ánh sáng và hương thơm, không gian và thời gian...
Từ bài thơ Basho, bất giác chúng ta tự hỏi: phải chăng Buson cũng muốn gửi gắm cái nhìn đầy trân trọng đối với các du nữ, những “nghệ giả” (geisha) mang nghệ thuật và tiếng cười đến cho cuộc đời này? Tiếng nói nhân văn đã hòa với tiếng lòng nhân đạo trong một cảm quan Thiền tính.
Từ ba bài thơ haiku của “thi sĩ mùa xuân”, có thể thấy thơ haiku đề cao chân tâm và minh triết qua một quan điểm thẩm mỹ độc đáo: cái đẹp là sự dịu nhẹ, gợi cảm. Thể thức làm thơ haiku là không tả mà chỉ gợi, là mở đường rồi để người đọc tự lên đường: “Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài, rồi tránh sang bên” (Tagor). Nhà thơ Viên Mai (Trung Quốc) đã đề cao tính hàm súc của thơ ca: “Hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ văn thì quý cong”. Có thể nói, bản chất của thơ là lối nói gián tiếp, kín đáo và khơi gợi. Song, haiku Buson quả là những đường cong chân trời dành cho trí tưởng tượng bạn đọc thỏa sức bay lượn.
Haiku đậm chất Thiền. Chất trầm lắng (sabi) là tinh thần chính yếu của haiku, nhất là thơ Basho. Còn haiku của Buson mang vẻ đẹp nghiêng về trần tục, vẻ đẹp đậm nhân bản. “Thi sĩ của mùa xuân” đã mang đến một vườn xuân haiku đầy đủ sắc xuân, sức xuân và tình xuân xôn xao trong từng li ti tế bào.
Nói đến tứ trụ haiku không thể thiếu Buson (Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa, Masaoka Shiki). Kể ba cây đại thụ haiku, không thể không nhắc Buson (Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa). Buson, nghệ sĩ tranh haiga (bài họa), một lối tranh đơn sơ, tĩnh mặc, ám tượng ở những khoảng không không có nét chữ. Buson, thi sĩ haiku, lối thơ nửa ngậm nửa thốt, nói mà như chưa nói gì, mời gọi bằng những khoảng trắng giữa 14 âm tiết và sự “thiếu hụt” chữ nghĩa của không quá 10 từ. Hai tư cách ấy đã bổ sung cho nhau, hòa quyện, đồng điệu trong nghệ thuật “một thoáng” của Nhật Bản.
Người Nhật hướng về đạo, thơ haiku cũng hướng về đạo. Hài cú đạo, cùng với trà đạo, kiếm đạo, hoa đạo... là những đạo sống, là những nét đẹp vi diệu của tâm hồn người xứ Phù Tang. Mùa xuân, bất giác nhấc chén rượu sake, đọc mấy bài haiku của “thi sĩ mùa xuân” để hướng về đạo sống an nhiên khoảnh khắc mà vĩnh hằng.
Xuân Bính Thân
C.D.T