Giấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh Đào

28.01.2016

Giấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh Đào

Thành phố. Mọi thứ mới toanh. Người mới. Xe mới. Bạn mới. Phố vẫn trong và tinh tươm như khi cô vừa đặt chân. Cô đã không muốn mình thiên di. Dù sao, Mơ vẫn chọn góc quán đó. Mỗi ngày. Như ở đó chỉ dành cho cô và cô bình yên với góc riêng đó.

Có đôi khi, Mơ chợt muốn mình biết bay. Bay là là mặt đất cũng được. Miễn là được cất cánh. Khi đó, cô đã được thoát khỏi hệ lụy của chính những ràng buộc trên mặt đất và ở một khoảng lơ lửng giữa mặt đất và bầu trời. Cô mơ mình hóa thành không khí. Như vô tri vô giác mà lại cần thiết cho tất cả mọi sinh linh trên cõi trần. Là khói cũng được. Cứ không chân mà bay để khỏa lấp mọi suy nghĩ có đôi khi trống rỗng đến tận cùng tâm trí. Đôi khi nhạo báng. Có lúc tỉ tê. Mọi thứ khập khểnh như chiếc bếp cũ còn lại hai chân kiềng. Trống hoác và có thứ chỉ tồn tại như bổn phận. Giấc mơ đôi khi lại quay về góc sân nơi con chó mực nằm dài vì đói năm nào. Lại tỉ mẩn hái hạt hoa mùng tơi bên hiên vườn để làm màu vẽ lên giấc mơ phố phường chật hẹp.

Có đôi bữa cô gặp may, bởi vì gặp được một câu chuyện không phải của mình. Từng mẩu một. Số phận cuộc đời. Họ cũng như cô. Chọn góc quán nhỏ này làm bạn. Tất tật mọi thứ xảy ra đều có thể đến tai cô. Tai nạn giao thông. Trẻ em bị đau do ma ám. Cặp bồ. Vợ bé. Ngoại tình. Gặp rắc rối với sếp. Đẻ mướn. Khắc khẩu với mẹ chồng. Cô em dâu mất nết muốn tranh phần gia tài. Đủ thứ. Cô lắng nghe chăm chú thực sự. Đôi khi lại chau mày, nhăn mặt. Đôi khi phá lên cười. Đôi khi chỉ nhếch mép. Cô mở máy tính. Mười ngón tay lướt đều trên bàn phím. Hệt như đang làm việc say sưa mà thực ra cô đang nấu chín cảm xúc từ bên ngoài cuộc sống để buộc nó trở thành một cái gì đó na ná cái truyện ngắn, hay cái tùy bút, tản văn. Thả lỏng. Lỏng để mà không câm nín. Lỏng để cô biết rằng, cuộc sống này đây, nó đang bay nhảy, múa lượn quanh mình. Cuộc sống đẹp như hoa. Đẹp như sương. Trong vắt như nước mắt và thơm mùi hoa oải hương. Mơ mê loại hoa đó lắm. Hồi còn ở Huế, vườn nhà cô có trồng mấy luống. Mê lắm. Màu tím cánh hoa oải hương cứ mê hoặc và chiếm lĩnh hết tâm can. Cô cũng thi thoảng dùng nước hoa mùi oải hương. Thưởng thức cảm giác của một tâm hồn thanh thản.

Nhiều hôm cô chạy xe nhanh như cắt. Loáng cái thế là sà vào cái ghế đó. Mà có hôm "mất ghế" thật. Mất như chơi. Nói đùa chứ mấy cái ghế chức quyền thì người ta tranh nhau, luồn lách bằng mọi cách với đủ mánh khóe để giành cho bằng được, có khi là đổ máu! Thế nhưng cái ghế ngoài quán cà phê cũng không phải là ngoại lệ. Có khi cô đến mà thấy người khách khác ngồi đó rồi, lại lẳng lặng tìm cái ghế khác. Bực. Cô quen một bác hưu trí ở phố. Bác bảo, giờ bác đang làm một chân cán bộ ở tổ dân phố, mà năm nay bác đã trên bảy mươi tuổi, vẫn làm vì xin mãi mà bà con không cho, cứ dấm dắng là thôi quen việc, quen người, phải cố làm. "Mấy cái ghế ở tổ dân phố ấy, có bỏ mốc cũng không ai đoái hoài đâu. Thế nhưng cái ghế ngoài quán cà phê, đúng cái góc mình thích, mình khoái. Thế là lại mất như chơi đó cháu à". Bác nói với cô như vậy. Sướng. Kể ra thì cũng có người tranh ghế của mình, dẫu đó là cái ghế chỗ quán cà phê. Cô nghĩ thế rồi cười mông lung. Cô tự luận bản thân mấy câu hỏi vừa là câu trả lời, như, "Đến khi nào mình giàu?" - "ngày mai!" - "vì sao?" -  "trúng số!"

Vớ vẩn. Mua vé số để góp phần

kiến thiết đất nước! Đừng ngồi mà mơ trúng số.

Buổi sáng nắng chảy tan ngoài tầm mắt. Những dây tơ hồng buông xuống. Tím trắng trông giống một bức mành. Thoảng một cơn gió, những sợi tím rung rinh. Cô ngồi phía sau nhìn về góc quán với chiếc ghế mình hay ngồi. Hôm đó, ghế cô có một phụ nữ tứ tuần ngồi. Cũng gọi một ly nâu nóng kèm nước lọc. Tóc ngắn. Áo hai dây. Túi xách hàng hiệu kèm cái iPad đời mới. Nhìn mà phát thèm. Bởi cô thấy nó sang trọng. Tiếc cái ghế ngồi quen thuộc, tiếc góc nhìn quen mỗi sáng nhưng đổi lại, cô được ngắm người đàn bà đẹp ấy từ phía sau. Cô thích cái ót của cô ấy. Trắng nõn. Cô ấy ngồi cà phê khoảng hơn  đồng hồ và chỉ làm mỗi một việc là đếm tiền. Một cọc tiền, nhiều nhất là mệnh giá 500 ngàn đồng. Cô ấy đếm. Cột lại thành từng loại tiền cụ thể. Rồi nhẩm tính gì đó. Chắc người đàn bà đẹp này là chủ một shop quần áo lớn trên phố này. Vì cô ấy đi bộ tới. Thư thái và nhẹ nhàng. Mơ lại muốn mình có được một chút phong thái đó. Chút xíu thôi. Bởi nhìn cô khi nào cũng... khổ. Tóc thì búi củ tỏi, áo quần thì mặc toàn đồ si-đa... trông bẩn bẩn và mất trật tự, sáng nhìn thấy cái nào thì mặc ngay cái đó. Cô thấy mình nhàu nhĩ. Tệ. Cô cũng dùng nâu nóng kèm nước lọc. Nhưng vẫn thấy cách xa vời vợi với người đàn bà ấy. Cô có đẳng cấp không nhỉ? Nghĩ thế rồi thủng thẳng nhấp vị cà phê quen. Khoái. Bỗng cô phá lên cười thành tiếng. Một vài đôi mắt trong quán ngơ ngác nhìn cô, dò hỏi.

Nhiều hôm Mơ rời quán trước người đàn bà đẹp. Thêm một phát hiện vào thứ năm mỗi tuần cô ấy tự lái xe đến quán. Người Hà Nội. Làm kinh doanh. Ngẫu quá. Cô lại thèm cảm giác được bay lên để tầm nhìn của mình không phải là khoảng không gian nhỏ đó. Cô muốn bay.

Điện thoại reo. Sếp gọi bảo báo cáo tiếp dự án B. Cô trả lời thủng thẳng, “chưa có gì làm cả ạ”. Bên kia dập máy cái rụp. Bực. Ngày nào cũng tìm, báo cáo và báo cáo. Đến nghẹt thở. Đến bức bối. Đến muốn bỏ việc. Cô lại hoang tưởng. Vớ phải cái dự án mới này, toàn gặp những người đàn bà vùng ven để lấy thông tin. Đôi ngày chạy cả mấy chục cây số về chẳng được một dòng nào cần để bổ sung vào dự án. Nhưng nàng nghĩ, không bám lấy việc thì bám lấy gì mà tồn tại bây giờ? Đã bám phố được gần ba năm. Phòng trọ tăng giá sáu lần. Xăng xe thì tăng, giảm như chong chóng. Lương thì vẫn chưa nhúc nhích. Lại còn cô em gái thất nghiệp. Cô cứ cố. Cố mãi thành lì. Thành quen với cái nếp sống tự bản thân sắp đặt lại. Mọi thứ có thể hạn chế, nhưng bỏ cà phê thì không. Cô nghiền chất đắng đó. Một dạo báo chí cứ khơi thông toàn những công ty cà phê rởm với hóa chất này hóa chất nọ. Cô sợ thất kinh. Nghĩ có khi nào mình bị ung thư trẻ vì quá nghiền cà phê không? Rồi quyết đổi quán. Tìm đúng chỗ cái quán người ta xay cà phê trực tiếp để uống với suy nghĩ dúm dắng rằng, yên tâm hơn, bài bản hơn và "chất" hơn.

Bắt đầu nói về người ở phố. Họ có cách sống khác. Khuôn phép, co cụm, ít mở lòng. Cô chưa thật sự là người của phố. Cô chưa thay đổi được quan điểm sống, chân vẫn như còn dính chút bùn non ruộng vườn tần tảo. Sống thật và thẳng. Cô thất vọng nhận ra hai mặt cuộc sống như bàn tay sấp - ngửa. Nhà cô ở trọ sát vách với một gia đình giàu có. Kín cổng cao tường. Có con chó xù vàng thi thoảng tru lên những hồi phát sợ. Cô yêu động vật, vậy mà nghe tiếng tru đó, sợ quá nhiều đêm thấp thỏm khỏi ngủ. Lại ra hiên sân tầng hai khu nhà trọ. Có hôm trăng sáng trong veo. Cô thèm nói chuyện với mẹ như ngày xưa, mỗi độ mùa gặt về, lại gánh lúa giữa đêm trăng để bớt cái nắng gắt miền trung. Tờ mờ sớm đã ra ruộng, tầm tám giờ đã về nhà. Những giọt mồ hôi cũng bớt đi phần nhọc nhằn của đời làm nông. Đêm trăng, cả nhà ngồi bứt lạc. Khổ mà vui. Đầy hơi ấm gia đình mà cô đang thiếu. Thành phố lạnh. Cô nhìn qua nhà hàng xóm. Giàu sang mà lạnh. Bên kia, cô chủ ngủ muộn. Mơ thoáng thấy bóng cô chủ nhà đi lại trong phòng khách rộng. Tóc ngắn. Ót đẹp. Nhìn quen quen. Nhưng cô chưa gặp người đàn bà láng giềng đó bao giờ. Phần thì cô đi làm rất sớm. Cô chủ đó lại đi xe hơi. Sang trọng thế làm sao gặp. Cô lại huyễn. Kệ. Cô chỉ muốn ấm hơn một tí trong khoảnh khắc đó. Khu phố mờ hẳn vào sương sớm. Cô đã cố ngủ một giấc chưa tròn. 

Giấc mơ kéo cô đi. Sương lớt phớt rơi trên những sợi tóc mai. Chiếc áo dài tím Huế nón trắng duyên dáng. Những dấu chân trên đường đi chưa phai nhạt cả trong giấc mơ và đời thực. Cô cười với bạt ngàn hoa ti gôn hồng và những chiếc bong bóng bay lên nhòe nước mắt. Những nỗi buồn ám khói, mộng mị. Mướt mát. Lay nhẹ. Những sợi tóc mai chảy dài nhẹ bẫng. Trong khoảnh khắc đó, Mơ muốn nghe lại những ca từ diệu vợi trong ca khúc Tóc mai sợi vắn sợi dài của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Trữ tình và ẩn ý. Thoát lên giữa những khát khao tưởng như với tới trong tầm tay mà xa vời vợi. Tóc mai sợi vắn sợi dài - lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm. Miền xa thẳm trong những con đường, nẻo phố đã đi qua. Bao khuôn mặt muôn sắc đã gặp đâu đó rồi cứ nghiễm nhiên trở thành ký ức rất xanh trong tim. Niềm đa cảm cố giấu sự xúc động. Cô ở phố mà vẫn hoài hương quê kiểng. Vẫn thèm những đêm trăng lênh láng đường làng. Thèm mùi hoa tre trắng. Thèm cả góc vườn mẹ mắc võng ru đứa em út ngủ à ơi. Em út cô giờ đã là thiếu nữ. Ký ức lại vụt về mỗi ngày một đậm, thấm.

Thức dậy lúc mặt trời đã đỏ. Người cứ thừ ra. Nhà hàng xóm đang tập trung đông người. Con chó vàng không tru nữa mà nằm buồn một góc sân. Hình như nhà đó có tang.

Sáng. Vẫn quán cũ. Nhưng góc quán quen trống không. Hôm nay nàng được ngồi chỗ của mình. Bỗng dưng yêu phố, không còn muốn bỏ phố ra đi. Người ta sống nhiều nhưng ít được cảm giác tự tại và hạnh phúc. Đa phần người ta cố tạo ra điều đó mà huyễn hoặc bản thân rằng viên mãn. Cô bạn già sống gần phòng trọ nàng đã chọn màu áo nâu để tìm chốn bình yên nơi căn tu. Nhìn cuộc sống đó chưa hẳn đã bình an, tự tại. Phải tự bình an trong tim, trong suy nghĩ thì mới tìm được căn nguyên của duyên hạnh. Trái cây mỗi mùa mang một hương vị, con người có mặt trên cuộc đời này cũng mang thân phận riêng. Trong nhiều câu chuyện cô hay nghe người ta dạy nhau về nhân - quả - phúc - họa. Nhưng dễ gì chạm tới!

Vẫn gọi nâu nóng như mọi ngày. Quán bỗng lao xao bởi nhóm phụ nữ trung niên ngồi đối diện đang tám chuyện. "Nó vẫn hay ngồi quán này đấy. Khổ. Đẹp thế mà không có phước. Chồng suốt ngày cặp bồ. Giàu có để làm gì khi có mỗi đứa con bị dị tật từ nhỏ vừa mất đêm qua".

Ly cà phê nóng trên tay nàng bỗng nguội ngắt. Giấc mơ phố bay đi.

N.T.A.Đ 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế