Theo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến Loan
Năm 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính thức thành lập Dinh Quảng Nam, đặt lỵ sở ở xã Cần Húc, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn.
Cần Húc (nay là Văn Đông), tiếp giáp với làng Thanh Chiêm, vì nằm gần sông, về mùa mưa lũ hay bị sụt lở, nên ít lâu sau Dinh trấn Quảng Nam lại được dời về Thanh Chiêm (nay là thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Lập Dinh trấn Quảng Nam, Nguyễn Hoàng đã có một quyết định khác thường hiếm thấy trong lịch sử, đó là giao toàn quyền định đoạt mọi việc trong xứ cho Dinh trấn Quảng Nam, tạo cho Quảng Nam có những điều kiện tối ưu để phát triển thành một hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa và làm bàn đạp cho các vị chúa kế tiếp mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Có thể nói, trong buổi đầu dựng nghiệp của chúa Nguyễn, Dinh trấn Thanh Chiêm là cơ sở đào luyện các Quốc vương của Đàng Trong. Dinh Chiêm là nơi lý tưởng để con cháu chúa tập sự điều hành đất nước trước khi ra Chính Dinh. Tại đây con chúa được bổ làm Trấn thủ vương (theo cách gọi của Chu Thuấn Thủy), có toàn quyền giải quyết mọi vấn đề (từ Quảng Nam trở về Nam). Các Thế tử qua nhiều năm cai quản Dinh Chiêm đã rút được những kinh nghiệm quý giá trong việc điều hành chính sự nhờ thế khi lên ngôi chúa rất vững vàng, bản lĩnh và đầy năng lực.
Dinh Chiêm là cơ quan đầu não, trực tiếp giao thiệp với người nước ngoài, kiểm soát xuất nhập khẩu và ngoại thương. Các tàu buôn, thương gia, du khách hay giáo sĩ ngoại quốc vào xứ Nam đều do hai cửa Đà Nẵng, Hội An phải trình báo về Dinh Chiêm và đợi lệnh của quan Trấn thủ.
Từ khi Dinh trấn Quảng Nam được thành lập, việc giao thương với nước ngoài phát triển mạnh mẽ. Hội An trở thành một thương cảng tấp nập, phồn vinh, thuyền bè các nước Tây phương, Trung Hoa, Macao, Nhật Bản, Manila, Malacca... thường xuyên đến buôn bán. Với một chính sách thông thoáng, mở cửa giao thương với nước ngoài, các quan Trấn thủ Quảng Nam Dinh và các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho Quảng Nam phát triển thành vùng đất giàu có vào bậc nhất của xứ Đàng Trong, đóng góp rất lớn vào ngân sách của Chính Dinh và nâng cao đời sống của nhân dân.
Dưới thời chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là một căn cứ thủy quân hùng mạnh nhất trong số ba căn cứ thủy quân ở Đàng Trong là Chính Dinh, Quảng Nam Dinh và Trấn Biên Dinh. Với đạo thủy quân đóng trên sông Chợ Củi của Dinh Chiêm, năm 1644, Thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần đã anh dũng đánh tan quân Hà Lan, một đội quân vô địch trên mặt biển Đông. Nguyễn Phúc Tần là người đầu tiên ghi vào lịch sử dân tộc chiến công oanh liệt đánh thắng quân Tây.
Quân đội Dinh Chiêm đã hỗ trợ đắc lực cho Chính Dinh trong cuộc chiến chống lại họ Trịnh, họ Mạc ở Đàng Ngoài; và mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Trong khoảng thời gian 200 năm tồn tại, Dinh Chiêm đã từng bước theo đoàn quân Nam tiến, mở rộng biên cương, đóng vai trò chủ động trong công cuộc cống hiến cho quốc gia một vựa lúa khổng lồ có thể nuôi sống cả nước.
Cuộc Nam tiến khởi đầu từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến đời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, các chúa Nguyễn đã hoàn tất kế hoạch mở rộng bờ cõi, khai chiếm toàn bộ vùng đất Nam bộ gồm cả đất liền và các hải đảo thuộc biển Đông và biển Tây.
Quảng Nam Dinh không chỉ đã cung ứng cho các chúa Nguyễn những đội quân tinh nhuệ để mở đất phương Nam mà còn cung ứng cho miền Nam những lưu dân gan dạ, dũng cảm, những địa chủ giàu kinh nghiệm và những người lãnh đạo tài ba để xây dựng thành công vùng đất giàu có vào bậc nhất của Tổ quốc.
Phải nói rằng, nếu không có chúa Nguyễn, không có Dinh Chiêm, không có dân Thanh Nghệ Tĩnh, dân Quảng Nam Dinh, thì Việt Nam không thể nối dài thêm nửa nước với tài nguyên phong phú và con người năng động như ngày nay.
Đầu thế kỷ XVII, một tình cờ lịch sử đã mang đến cho Dinh Chiêm vinh dự trở thành miền đất khai sinh chữ Quốc ngữ khi Giáo đoàn Buzomi đến Dinh Trấn mở đầu cho công cuộc truyền bá Đạo Ki tô, tại đây các giáo sĩ, nhất là Francisco de Pina đã đặt nền móng cho việc sáng chế chữ Quốc Ngữ - một công cụ vô cùng quý giá cho chúng ta sử dụng và hội nhập với quốc tế ngày nay.
Từ năm 1771 đến năm 1801, Dinh Chiêm trải qua các trận giao chiến ác liệt giữa quân Nguyễn, quân Trịnh và quân Tây Sơn, đã bị phá hủy phần lớn, đến nỗi khi Gia Long thống nhất sơn hà thì nơi đây không còn chỗ để làm công việc hành chánh nên lỵ sở Dinh Chiêm phải dời về tạm đóng tại Hội An, mất vài năm mới đưa trở lại Thanh Chiêm.
Năm Minh Mạng 14 (1833), lỵ sở của Quảng Nam dinh dời ra La Qua cách lỵ sở cũ khoảng 2 km, chấm dứt vai trò lịch sử của Dinh Chiêm qua hơn 200 năm.
Sự thịnh suy, tồn vong của Dinh Chiêm gắn liền với sự thịnh suy tồn vong của chín đời chúa Nguyễn. Dinh Chiêm sinh ra từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và tiêu vong cùng cái chết của Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Vai trò lịch sử của Dinh Chiêm mất đi kéo theo sự suy tàn của cảng thị Hội An. Thiên nhiên và chính trị cùng một lúc đặt dấu chấm hết cho phố thị một thời nhộn nhịp nhất Đông Nam Á, vai trò cảng thị được chuyển giao cho Đà Nẵng.
Dinh trấn Thanh Chiêm, đầu não của công cuộc khai mở một nửa đất nước về phương Nam, một thời vàng son lừng lẫy như thế mà tiếc thay đến nay chẳng còn lưu lại dấu tích gì.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Kikuchi Sellchi, gần đây, các nhà Khảo cổ học Nhật Bản đã tiến hành hai cuộc điều tra khai quật di tích ở thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (lần thứ nhất vào tháng 8 năm 1999 và lần thứ hai vào tháng 8 năm 2000), sau đó tiến hành điều tra bằng thiết bị địa thám vào năm 2001.
Trong lần khai quật đầu tiên, các nhà Khảo cổ học Nhật Bản đã khai mở 4 hố thám sát: hai hố tại trường Tiểu học Nguyễn Du (hố thứ nhất và hố thứ hai), một hố ở trong vườn nhà ông Lê Em (hố thứ ba) và một hố trong vườn nhà bà Nguyễn Thị Nang (hố thứ tư) rồi tiến hành khai quật. Kết quả là, ở hố thứ nhất họ tìm thấy dấu tích của thế kỷ XX, hố thứ hai không có dấu tích gì. Ở hố thứ ba và thứ tư người ta phát hiện ra dấu tích có niên đại từ thế kỷ XVII - XIX.
Trong lần khai quật thứ hai, để xác định niên đại và tính chất của di vật, các nhà nghiên cứu đã mở rộng hai hố ba, tư và tiếp tục khai quật.
Hố khai quật trong vườn nhà ông Lê Em (hố thứ ba), đã tìm được một dấu tích kiến trúc hình vuông có kích thước 1,8 m x 1,8 m. Dấu tích kiến trúc nằm sâu khoảng 1,2 - 1,3 m, lớp đất bao phủ màu đen và có thể chia làm 3 lớp: lớp cát, lớp gạch vụn và lớp bột màu trắng. Lớp gạch, gồm những mảnh gạch mỏng được ép chặt, dày 0,3 m và có 3 tấm ván. Trên bề mặt những tấm ván này có rất nhiều chỗ lõm mà người ta cho rằng đây là dụng cụ để chêm lót.
Từ dấu tích kiến trúc này, họ tìm được một số di vật. Mảnh bát gốm Quảng Đông có hoa văn Phúc Kiến - Trung Quốc tìm thấy trong lớp gạch vụn có lẽ là thuộc thế kỷ XVIII. Từ lớp gạch vụn đã tìm thấy hũ lớn, đồ gốm được làm ở vùng Trung Bộ - Việt Nam có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII, XIX. Từ những di vật trên có thể suy được rằng dấu tích kiến trúc này có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII, XIX. Từ cấu trúc tấm ván các nhà nghiên cứu xác định được rằng dấu tích kiến trúc tìm thấy là dấu tích của lỗ chôn cọc của một công trình kiến trúc.
Ngoài ra khi đào ở phía bắc của chiếc hố được 3 m, cũng phát hiện được một chiếc bình gốm dài, một chiếc bát của Việt Nam thế kỷ XVII, đĩa gốm có hoa men ngọc của Trung Quốc cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.
Từ những kết quả khảo sát và theo lời của dân địa phương thì không có những công trình lớn xây dựng ở đây vào thế kỷ XX, họ có thể kết luận rằng niên đại của dấu tích lỗ chôn cọc là ở khoảng thế kỷ XVIII - XIX. Qua cấu trúc của ván và độ lớn của dấu tích kiến trúc, người ta suy đoán là dấu tích của lỗ chôn cọc không phải của nhà dân thường mà của một công trình xây dựng có quy mô lớn.
Năm 2001, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng thiết bị địa thám để kiểm chứng vị trí của Dinh trấn Quảng Nam (nay thuộc khu vực Điện Bàn Quảng Nam).
Công tác điều tra sử dụng thiết bị địa thám do ông Nishimura Yasushi, Trưởng phòng tìm kiếm di tích của Trung tâm nghiên cứu Di sản văn hóa Nara (nay là Trung tâm Di sản văn hóa Nara) và ông Sugiyama Hiroshi, điều tra viên kiêm Chủ nhiệm Phòng tư liệu chịu trách nhiệm tiến hành. Rada được sử dụng để thẩm tra dò tìm là loại có model SIR - 2P của hãng GSSI - Mỹ, ăng ten có tần số 400 MHz (hình vuông kích thước 30 cm). Ăng ten phải được đặt trong vòng 50 cm tại khu có kiến trúc.
Theo các tài liệu điều tra khai quật lần này, từ hai hố 3 và 4, người ta phát hiện ra các dấu tích hình rãnh có niên đại thuộc thế kỷ XVII, và dấu tích hố chôn cọc của một công trình lớn hồi thế kỷ XVIII - XIX. Do điều này phù hợp với những ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí: “Quốc triều ban đầu dựng trấn dinh ở xã Thanh Chiêm huyện Diên Phước, sau nhân biến loạn phải bỏ. Đến khi trung hưng (Triều Nguyễn), thu phục Quảng Nam, tạm đặt ở phố Hội An, năm Gia Long thứ 2 (1803) dời qua cựu lỵ ở xã Thanh Chiêm, đắp thành đất. Năm Minh Mạng 14 (1833) dời qua chỗ này (xã La Qua), sang năm 16 (1835) mới xây gạch”1, nên có thể suy đoán rằng các dấu tích hình rãnh chính là dấu tích kiến trúc liên quan tới Dinh trấn Quảng Nam lúc đầu, còn dấu tích hình cọc là dấu tích của Dinh được xây dựng lại vào năm thứ 2 thời Gia Long. Vì vậy có thể kết luận rằng, dấu tích của công trình kiến trúc lớn có niên đại từ 1804 đến năm 1824.
Những di vật thu được có những di vật đồ gốm sản xuất ở Bắc Bộ và những đồ vật bằng đất hình sư tử có niên đại từ thế kỷ XVI mà các nhà nghiên cứu không tìm thấy ở khu vực Hội An. Đó là những đồ vật chỉ có thể do Nguyễn Hoàng trực tiếp mang từ Đàng Ngoài vào trong những lần ông ra Bắc trước năm 1600. Hiện nay tại khu vực cảng Hội An không phát hiện thấy di vật đồ gốm sứ được làm ở Bắc Bộ mà việc mua đồ gốm sứ Bắc Bộ thông qua thương nhân là rất khó.
Những đồ vật bằng đất có hình sư tử không được sử dụng trong dân cư mà chỉ được dùng trong cung vua hay nhà thờ họ Nguyễn.
Như vậy, tại thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm thấy dấu tích kiến trúc Dinh trấn Quảng Nam được chúa Nguyễn xây dựng năm 1602 tồn tại cho đến năm 1775 và dấu tích kiến trúc của Dinh trấn Quảng Nam được xây dựng từ năm 1804 đến năm 1824 vào thời Vương triều Nguyễn2.
Hơn 200 năm tồn tại trên đất Thanh Chiêm, Dinh trấn Quảng Nam đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc. Thế mà ngày nay nói đến Dinh Chiêm ít người biết đến. Không chỉ những người sinh sống ở nơi khác mà ngay cả những người dân địa phương và những nhà nghiên cứu cũng mơ hồ về vùng đất một thời lừng lẫy này. Vậy mà các nhà Khảo cổ Nhật Bản từ một đất nước xa xôi lại tìm đến đây, chú tâm nghiên cứu rất công phu để tìm ra những dấu tích và những di vật của Dinh trấn Thanh Chiêm. Những thành quả mà các nhà khảo cổ học Nhật Bản đạt được là bài học quý giá cho chúng ta về trách nhiệm đối với quá khứ.
Mong rằng sẽ có những nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp bước họ với những công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn để phát hiện những giá trị lịch sử, văn hóa của một nơi đã từng là Kinh đô thứ hai của xứ Đàng Trong.
C.Y.L