Một bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần Tâm
Gần hai mươi năm kể từ khi ông qua đời. Tôi nhớ lúc ông mất, tôi là một sinh viên năm hai đại học. Trong một buổi chiều cuối năm, những chủ vườn cao su rủ nhau đi đốt lá, tôi và các bạn đồng hương Quảng Nam quây quần thành vòng tròn để ca hát giao lưu trong buổi họp đồng hương bên một cánh rừng cao su ở Thủ Đức. Lúc đó, giữa không khí vui vẻ của bạn bè, đến lượt tôi hát, tôi lại rất buồn, tôi xin đọc một bài thơ để nhớ tới ông (bởi hôm đó cũng là ngày làm tuần bảy ngày của ông). Và tôi đã đọc bài “Bờ lúa”. Đương nhiên có vài bạn đồng cảm với tôi, còn lại, nhiều bạn trở nên xa lạ với tôi hơn bởi họ thấy tôi không giống ai. Lúc đó tôi rất buồn, tôi buồn vì nghĩ rằng chỉ mới đọc thơ của ông thôi mà người ta đã tránh mình, huống gì ông, người đã thác đời mình vào những dòng thơ vô tận, chắc ông cô đơn lắm. Và cũng từ dạo ấy, cứ mỗi khi nhìn ai đó đốt lá cuối năm, tôi lại nhớ đến ông, nhớ đến bài thơ này:
Em chết bên bờ lúa
Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con
Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ
Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió
Mười năm sau xuống ruộng
Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng
Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang.
(Bờ lúa - Mưa nguồn -
NXB Lá Bối năm 1970).
Và cũng thú thật là cho đến bây giờ, tôi chỉ biết bài thơ này hay đến độ mỗi khi đọc là tôi bắt gặp một cảm thức nào đó rất lạ nhưng tôi chưa bao giờ đoán ra được nhân vật “em” trong bài thơ này là ai? Bởi những tín hiệu thơ không cho thấy đây là cái chết (nếu có) của một thiếu nữ, một cô gái, một người đàn bà hay một thiếu phụ... mà là cái chết đã để lại “một bàn chân bé con” trên bờ lúa. Nhưng chắc chắn đây cũng không phải là cái chết (nếu có) của một bé thơ hay một thiếu niên bởi em chết đã khiến cho “đêm cuồng mưa khóc điên/ Trăng cuồng khuya trốn gió”. Một nỗi đau không dừng ở những hệ lụy nhân sinh thuần túy mà hàm chứa cả phức cảm nhục thể.
Em chết bên bờ lúa
Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con.
Người đọc có thể đặt ra nhưng câu hỏi tỉ như “em là ai?”, “em còn bé hay đã lớn?”, “em là một hiện thể hay chỉ là một giả tượng?”... Tất cả mọi câu hỏi như thế này thường đến với người đọc khi tiếp cận thơ Bùi Giáng nói chung chứ không riêng gì bài Bờ lúa, Chào nguyên xuân, Mắt buồn, Mưa nguồn... Bởi lẽ, hình tượng thơ Bùi Giáng không bao giờ là một sự mô phỏng hiện thực mà đó là mô tả hiện thực thông qua lăng kính triết học, tôn giáo và cả phân tâm học (ví dụ như: Bây giờ em ở nơi đâu? Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao - câu này không thể nói rằng được quán chiếu qua lăng kính triết học hay tôn giáo mà có cả sinh học, có cả tính cà rỡn, tếu táo và hóm hỉnh của ông, điều này rất hiếm). Lần này, một bàn chân bé con xuất hiện bên bờ lúa, người đọc có thể liên tưởng đến bờ lúa bạt ngàn, dịu vợi nơi cố hương Vĩnh Trinh, Duy Xuyên của ông và bàn chân nhỏ như một giả tượng về một hình hài nào đó trong vô thủy vô chung của thi ca và triết học.
Nhưng đồng thời, bờ lúa cũng có thể là một viễn tượng, một bờ sinh tử đã chín rục giữa cõi lòng, một bờ mà khi đứng đó, người ta có thể nhìn về thuở nguyên sơ, thuở bàn chân nhỏ bé của mình đã thả bước như một sinh linh vô nhiễm, như một hoàng tử nhỏ cô đơn bước đi trong gió mùa, những trận gió lạnh thổi ngược làm chiếc khăn choàng cổ của hoàng tử nhỏ bay phất phơ và cậu nhận ra bàn chân của mình mới nhỏ bé và đáng thương biết nhường nào. Ai cũng từng thả bàn chân nhỏ bé của mình trên cánh đồng huyền thoại tuổi thơ trong một buổi chiều vàng nào đó, để rồi, mãi mãi ngàn năm đó chỉ là một khoảng trời quá vãng, một kỷ niệm đẹp và buồn.
Hiểu theo hướng này, bàn chân nhỏ bé trong thơ của Bùi thi sĩ có thể chỉ đơn giản là một bàn chân bất kỳ về một buổi chiều bất kỳ trên một cánh đồng cũng bất kỳ. Nhưng chắc chắn cánh đồng ấy phải rất giống và rất đẹp giống cánh đồng nơi Vĩnh Trinh cố quận mà tuổi thơ của ông đã “chết” ở nơi này. Và biết đâu, trên những con đường đất ngoằn ngoèo ở xứ lụa, có một nơi nào đó vẫn còn in dấu nấm mồ tuổi thơ của Bùi thi sĩ, nơi ông đã chôn tuổi thơ của mình ở đó vĩnh viễn. Để rồi, trên bước đường vô định giữa cuộc đời, mỗi bài thơ như một bài ai điếu tưởng tiếc tuổi thơ nơi cuối trời!
Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ
Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió.
Nhân vật trữ tình “anh” xuất hiện ở khổ hai bài thơ, điều này rất dễ tạo cảm giác đây là bài thơ tự sự của một người anh viết và nói về một người em nào đó trong quá khứ, hay nói cách khác là bài thơ của người anh thực tại chiêm nghiệm và suy tưởng về người em của ký ức, kỷ niệm. Sau cái chết của em, anh lên đường, theo bước run rủi của gió và mây, theo tháng ngày, anh qua miền cao nguyên, để rồi một bữa nọ, nhìn mây trời, anh lại nhớ về em... Đó là cách hiểu có thể chấp nhận được khi bóc lớp nghĩa thứ nhất của bài thơ này và đẩy nhân vật trữ tình “anh” và “em” về hai phía chủ thể - khách thể. Nhưng nếu bỏ qua lớp nghĩa thứ nhất, tức lớp nghĩa thực tại, bước sâu vào thế giới ký ức cùng với trực giác và những lát cắt phân tâm học, nơi mà mỗi thời đoạn, mỗi lứa tuổi mang một cảm thức riêng về thế giới chung quanh và những cảm thức đó lại mang màu sắc rất riêng mà cũng rất chung. Cái riêng nằm ở chỗ tính phân thân của thi ca và cái chung nằm ở tính đại thể của thi ca.
Nghĩa là cái riêng nằm ở chỗ phân thân của chính một người, của chính thi sĩ, mỗi thời đoạn trong cuộc đời là một hình ảnh phân thân để từ đó thi sĩ quán chiếu, chiêm nghiệm, suy tưởng, cảm nghiệm, cảm nhận và giải phóng những ẩn ức tâm linh bằng câu chữ. Ở vấn đề cái chung, tính đại thể của thi ca, đây là một cặp phạm trù đối lập, nhưng không thể thiếu một trong hai, đây cũng là hai con cá lưỡng nghi âm dương trong bát trận đồ thi ca. Vấn đề tính đại thể của thi ca nằm ở chỗ tuy đây là phân thân, phân đoạn của từng quãng thời gian ngắn trong cuộc đời, cụ thể là cuộc đời của cá nhân thi sĩ nhưng đó lại là một thế giới chung, một thế giới đã tích hợp mọi phân đoạn cuộc đời, đã cảm nghiệm mọi nỗi đau và hạnh phúc trong từng cuộc đời của thế giới chung quanh để theo thời gian, nung nén thành năng lượng ngôn từ. Để đến một lúc nào đó, trong một sát na, một khoảnh khắc, nội năng ngôn từ chuyển hóa thành con chữ theo cơn bùng vỡ tâm thức, một kiểu đốn ngộ của thơ.
Ở đây, căn cứ trên tính riêng biệt và tính đại thể của thi ca, có thể nói rằng trong cuộc đời con người có rất nhiều lần chết và cũng rất nhiều lần con người tự làm đám tang để tiễn đưa quá khứ, tiễn đưa tuổi thơ, tiễn đưa những tháng ngày phồn thịnh và vàng son của mình. Và mỗi tờ lịch trong quá khứ như một tấm bia tưởng niệm chính mình, tưởng niệm những tháng ngày đã quá vãng, không thể nào bắt gặp, cho dù có cố gắng lần mò bằng cách nào chăng nữa cũng không thể trở về chốn ấy. Và, “anh” ở đây cũng chính là thi sĩ cùng những mảnh rời số phận tương ứng, “em” ở đây cũng là chính thi sĩ cùng những mảnh rời số phận nào đó trong cuộc đời mang dáng dấp cả hạnh phúc và đau khổ mà thi sĩ đã trải nghiệm. "Anh qua miền cao nguyên" nghĩa là anh đang bước vào vùng trời mới của tuổi đời; "Nhìn mây trời bữa nọ" chính là chiêu cảm những đám mây tuổi thơ đang bay vật vờ trên vùng trời thời gian; "Đêm cuồng mưa khóc điên" cũng là nỗi thổn thức rất riêng và rất chung trong cõi người ta khi nhìn về quá khứ, bắt gặp những ký ức xa xưa; "Trăng cuồng khuya trốn gió" cũng là một sự chạy trốn giữa hữu thể và hư vô, giữa bản ngã và vô định, giữa tiểu tinh cầu nhỏ nhoi mang tên con người với đại thể thế giới mênh mông hằng hằng lớp lớp ký ức thời gian đã đánh mất...
Mười năm sau xuống ruộng
Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng.
Đọc đến khổ thứ ba, người đọc lại một lần nữa vấp phải “hòn đá tảng” trong thơ Bùi Giáng, một kiểu chơi chữ cực kỳ ghềnh thác, mạch thơ đang chảy êm đềm, nhẹ nhàng, chiêu cảm người thơ đi vào chân trời viễn mộng bỗng đứng khựng, gặp ngay một vách đá - con số mười năm! Khái niệm thời gian trong thơ ông có lẽ phải dùng chữ “cà chớn” là đúng nhất, bởi nó làm đảo lộn mọi ý niệm ban đầu, mà theo ông từng nói là “làm đảo lộn càn khôn, ném ba đào về một cõi...”. Mười năm, khái niệm thời gian này thi thoảng vẫn nghe trong nhạc của Trần Quảng Nam, ví như “mười năm yêu em, ta hóa thành chiếc lá, trôi theo từng cơn sóng của kiếp sống...” hay “mười năm rồi Ngọ/ Dáng lau lách buồn” của Phạm Thiên Thư…
Năm năm, mười năm là những mốc ký ức tập thể ám chỉ quãng thời gian dưới mái trường đại học hay một thập kỷ trôi qua của đời người với nhiều biển dâu thay đổi. Điều này cũng không ngoại trừ Bùi thi sĩ, quãng thời gian mười năm bôn ba viết sách, dạy đại học từ Văn Khoa đến Vạn Hạnh rồi dịch sách, viết khảo cứu... Và đây cũng là quãng thời gian ông từ bỏ phố thị, lên chốn rừng rú vui ca cùng bầy dê từ Phường Rạnh, Khe Rinh sang Rù Rì, Dùi Chiêng, Tí Sé... Dường như mỗi tấc đất nơi rừng rú Trung Việt đều có bước chân và hơi thở của ông.
Đó cũng là quãng thời gian đếm lại ký ức, quãng thời gian bừng sáng của suy tư, chiêm nghiệm và tịch ngôn. Mười năm như một thoại đầu của một thiền sư vừa đốn ngộ, nhận chân những mất và còn cũng như giá trị chân như của nó “đếm lại lúa bờ liền/ máu trong mình mòn ruỗng/ xương trong mình rã riêng...”!
Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang.
Vòng luân chuyển của thời gian, luật quay của càn khôn vũ trụ, dòng máu luân lưu trong huyết quản... Tất cả một lần nữa mô phỏng và hiện hình cho cái hữu thể nhỏ nhoi mang sinh mệnh thi ca giữa cái đại thể vô cùng của thi ca và cát bụi. Những câu thơ cuối như một thước phim quay chậm của tâm thức. Ranh giới giữa không gian và thời gian đã xóa nhòa, trùng trùng những bước đi mà trong mỗi tiếng chân là một tiếng chuông tỉnh thức tâm hồn. Và trùng trùng tiếng chuông hòa quyện với trùng trùng bóng dáng. Bóng dáng của buổi sơ đầu làm người, của những bàn chân nhỏ bé, của cánh đồng vi vu reo ca và thi thoảng im lìm hiu quạnh... Và, thi thoảng, cánh đồng lại cất lên những âm vọng, những tiếng thơ vui như khóc giữa mùa Xuân!
T.T