Tết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn Học

28.01.2016

Tết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn Học

MỘT ĐÊM GIAO THỪA

Những ngày cuối đông, tôi thường hay nhớ về những năm tháng tuổi thơ nơi chốn quê nhà nhất là  nhớ về ngày tết. Thời ấy lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng mong đến tết. Đây là thời điểm chúng tôi thích nhất vì được nghỉ học, được mặc quần áo mới, được ăn những món ăn ngon mang hương vị ngày xuân.

Trong cái không khí se lạnh của những ngày cuối đông, từ đầu làng đến cuối xóm nơi đâu cũng tất bật, nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nào cũng chuẩn bị làm bánh, nào là bánh khô, bánh in, bánh tổ... đặc biệt là nấu bánh tét. Những làn khói tỏa ra từ nồi bánh hòa quyện với làn sương chiều tạo nên một hương thơm dìu dịu gợi cảm giác thanh bình của một làng quê những ngày cuối năm.

Đêm đến cùng với tiếng củi nổ lốp bốp, tiếng nước sôi sùng sục, ánh lửa chập chờn bừng sáng lên từ bếp lửa nấu bánh tét, chúng tôi ngồi bên nhau nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, những chuyện được nói đến nhiều nhất là những câu chuyện về tết và không ai buồn ngủ cả. Chúng tôi chỉ mong ba mẹ sớm vớt ra những cái bánh ú nhỏ mà trong khi gói bánh ba tôi đã để lại một ít nếp để gói cho mỗi đứa một cái. Đêm đã về khuya, cả không gian chìm trong tĩnh lặng, chỉ còn lại tiếng củi tí tách cùng với những hạt mưa bụi nhẹ nhàng lướt qua trên đầu, cũng chính là lúc những chiếc bánh ú nhỏ được vớt ra. Hơi nóng tỏa ra từ những chiếc bánh làm cho chúng tôi ấm lòng và xua tan đi cái giá lạnh của trời đêm. Nâng niu cái bánh trên tay, chúng tôi nhìn ba với cảm giác biết ơn. Cái bánh tuy nhỏ nhưng gói trọn được tình thương và sự quan tâm của ba đối với niềm vui tuổi thơ của chúng tôi.

Và rồi, cái giây phút chờ đợi nhất là đêm giao thừa, chúng tôi được ông bà, ba mẹ lì xì mừng tuổi và chờ giây phút được đón giao thừa. Cả xóm sáng rực vì ánh sáng chớp nháy của những quả pháo, chúng tôi đứng ngồi không yên nhấp nhổm chạy ra sân để nhìn. Bầu trời bừng sáng hẳn lên, cái thứ ánh sáng huyền dịu chỉ có được trong đêm 30 tết. Giao thừa xong, chúng tôi đi ngủ nhưng có đứa nào ngủ được đâu, chỉ mong cho trời mau sáng để mặc quần áo tết ra đường khoe với bạn. Trời chưa sáng hẳn, tiếng bạn gọi nhau i a i ới ngoài đường như giục giã. Chúng tôi chẳng cần ăn uống gì vội chạy ra đường để khoe bộ cánh mới của mình. Niềm vui trẻ thơ ngày ấy sao mà đáng yêu quá! Nó trong trẻo hồn nhiên mà trẻ con ngày nay khó mà biết được.

Ngày tết của chúng tôi ngày xưa là vậy, nó mộc mạc đơn sơ mà hồn nhiên như cây cỏ. Giờ đây mỗi lần tết đến gợi nhớ trong tôi cái thuở thiếu thời với những phút giây hạnh phúc bên gia đình trong những ngày xuân, những ký ức không thể nào quên...

 

CHỢ TẾT TÚY LOAN

Thuở còn đi học, đọc đến bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ, tôi thấy hình ảnh trong bài thơ sao mà gần gũi, thân thương với mình biết mấy. Chợ tết quê tôi cũng có nét tương đồng như thế, và hình ảnh cùng theo mẹ đi chợ tết trong những ngày cuối năm vào những ngày xa xưa ấy đã để lại trong tôi cảm xúc bồi hồi khó phai.

Chợ quê tôi là chợ Túy Loan thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, nằm gần bến sông, mang đầy đủ đặc trưng của chợ làng quê Việt Nam là có cây đa, bến nước, sân đình. Vào những ngày cuối năm, chợ rất tấp nập đông vui cả dưới sông lẫn trên bờ. Chợ Túy Loan vào những phiên chợ tết có rất nhiều đồng bào dân tộc từ trên xã Hòa Phú mang những mặt hàng của núi rừng về đây họp chợ cũng làm cho lũ trẻ chúng tôi tò mò về cách ăn mặc và giọng nói của họ. Hồi ấy theo mẹ đi chợ tết thật thích. Trời chưa sáng hẳn, khi ánh lửa bắt đầu bập bùng dưới gian bếp là tôi choàng dậy chuẩn bị đi chợ tết với mẹ. Gập ghềnh theo mẹ bước thấp bước cao, tôi và mẹ ra khỏi con đường làng hòa nhập dòng người đi chợ. Trên quang gánh các mẹ, các chị là sản phẩm trồng ở vườn nhà nào là chuối, cam, dừa, nếp, gà... Trên đường đi tiếng nói, tiếng cười cùng với tiếng chào làm vang động cả con đường cùng  những hạt sương sớm đang nhảy múa dưới ánh nắng ban mai. Lẽo đẽo theo sau mẹ, trong đầu tôi thầm nghĩ miên man sẽ được mẹ sắm quần áo mới, giày dép và cho ăn quà...

Chợ tết rất đông người nên người mua bán tràn ra cả lòng đường chật chội nhưng chẳng mấy ai than phiền vì họ cho rằng chợ tết mà. Chợ tết rất đa dạng sản phẩm, cả hàng hóa miền núi và miền xuôi, nào là các loại bánh khô, bánh in, bánh tét, bánh tổ, nào là trái cây thờ cúng ba ngày tết... Chỉ mất ít thời gian mẹ tôi đã bán hết sản phẩm mang theo. Chợ càng lúc càng đông. Sợ tôi bị lạc, mẹ dẫn tôi len theo dòng người vào trung tâm chợ. Một thế giới đầy đủ màu sắc hiện ra, nào là áo quần, giày dép, nào là bánh mứt, đồ chơi. Tất cả làm tôi ngẩn ngơ thích thú. Thấy tôi ngần ngừ đứng ngắm say sưa gian hàng đồ chơi nặn bằng đất sét với đủ loại con vật nhiều màu sắc, mẹ dường như hiểu được tâm trạng của tôi. Mẹ đã mua cho tôi một con gà bằng đất nhỏ nhắn. Một con gà bằng đất sét thôi, mà khi thổi lên âm thanh “te te” của nó đã làm xao động cả lòng tôi. Con gà đất dễ vỡ nên tôi rất cẩn trọng. Và giờ đây đã là người lớn nhưng con gà đất mà mẹ mua cho tôi trong phiên chợ tết năm nào vẫn còn trong ngăn kéo của tôi - một kỷ niệm về người mẹ mà suốt đời tôi không thể nào quên.

Cùng mẹ đi chợ tết là thế đấy. Có cái thích thú hồn nhiên của tuổi thơ, có tình thương của mẹ, có cả hương vị quê hương. Ai đã từng sống nơi làng quê ngày trước, chắc cũng có cảm giác như tôi khi cùng  mẹ đi chợ tết. Cái cảm giác như xa mà lại gần, vì trong sâu thẳm của người làng quê, cái chợ tết năm xưa một phần bóng dáng của quê hương vẫn còn đó trong ký ức.

 

HỘI ĐUA GHE ĐẦU NĂM

Xuân về có lắm niềm vui. Niềm vui với âm thanh của tiếng trống đình trong hội đua ghe đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa của làng quê tôi. Sau những ngày tết thăm nhau là ngày cả làng nô  nức với hội đua ghe.Từ mờ sáng tiếng trống đình vang lên, âm thanh dõng dạc, đĩnh đạc của nó như nhắc nhở mọi người.

Người lớn trong làng trước đó đã phân công nhau lo lễ vật, thanh niên trai tráng thì dựng bạt, che lều ở đình. Các vị chức sắc trong làng người nào việc nấy một cách chỉn chu. Trẻ con chúng tôi lúc ấy chưa quan tâm gì nhiều việc của người lớn làm, chỉ chờ đợi cái hiệu lệnh trống mà thôi. Xong hồi trống dài và chiêng xen kẽ với nhau là vào lễ. Mọi người cung kính trước hương án và thả lòng mình theo lời đọc của Chủ bái. Dứt một đoạn là tiếng trống, tiếng chiêng điểm nhịp. Hết bài tế là một hồi dài trống, chiêng vang lên không ai bảo ai lũ trẻ chúng tôi chạy ào xuống  bến sông.

Thôn Phú Hòa, thôn Túy Loan, thôn Bồ Bản, thôn Yến Nê, thôn Cẩm Toại  (theo cách gọi thời ấy) là những thôn nằm dọc theo dòng sông Túy Loan. Làng nào cũng có đình làng. Sau lễ cúng đình, mọi người đều phấn khởi tụ tập ở bến sông để xem đua ghe mừng xuân, mừng cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.  Lúc nầy, trong cơn mưa xuân lất phất đã thấy hai bên bờ sông với những cờ phướn đủ sắc màu tung bay trong gió. Dưới bến, đội ghe của các thôn với những tay chài giương cao những chiếc dầm hướng lên trời để chuẩn bị xuất phát. Sau hồi trống lệnh, những chiếc ghe vun vút lao lên với tiếng hò reo vang dội cùng với tiếng trống giục vang hồi. Người ta vừa chạy men theo hàng tre bên bờ sông vừa la hét vừa cổ vũ. Cả một vùng sông nước như náo động hẳn lên cùng với tiếng trống giục giã làm nô nức lòng người.

Cuộc đua có đội thắng người thua, nhưng điều đó không quan trọng mà điều quý nhất là duy trì được nét đẹp văn hóa truyền thống làng quê trong những ngày đầu năm mới. Dù trải qua những thăng trầm và biến động của thời gian và cuộc sống, nhưng đến hẹn lại lên, âm thanh của tiếng trống đình rộn rã lại vang lên vào những ngày đầu xuân như giục giã lòng người, mang lại niềm vui trong sáng, thuần khiết cho người dân quê tôi, một vùng quê nằm trên dải đất hẹp miền Trung khi mỗi độ tết đến xuân về.

N.V.H 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế