Quà Tết - Huỳnh Viết Tư

28.01.2016

Quà Tết - Huỳnh Viết Tư

Chiều cuối năm. Ông giáo già ngồi bên ấm nước trà, ngước nhìn ra ngoài góc hiên. Cây mai, nhánh cành khẳng khiu nhưng cũng cố sáng lên vài bông vàng le lói. Cây mai này do đồng đội cũ tặng ông vào dịp tết, nay đã hai mươi năm rồi! Sau khi chưng tết trong nhà, ông mang ra trồng ở góc hiên nhỏ nhoi, thiếu nắng, thiếu gió. Cây không trổ mã nhưng vẫn cố vươn lên để tồn tại, như một quy luật đấu tranh sinh tồn tự nhiên. Căn nhà nhỏ của ông như cuộc đời thanh bạch một gia đình nghề giáo. Nó lúc nào cũng sạch bong và ưa nhìn. Cái ông quý nhất vẫn là chiếc tủ sách cũ, mấy trăm quyển đã úa màu nhưng luôn ngay hàng thẳng lối. Ông có cậu con trai út đang đóng quân ở đảo Trường Sa. Nhiều lần nó xuýt xoa: “Ước gì đảo gần nhà, con mang ra đó cho các bạn đọc thì tuyệt!”. Ông đồng cảm với con trai: “Cả đời cha tích cóp được những cuốn sách hay, chỉ mong truyền lại cho các thế hệ sau kinh nghiệm, kiến thức đa dạng và phong phú... để chúng tiếp tục tư duy, sáng tạo giúp đời!”.

Đang trầm tư, ông nghe tiếng dép của vợ đến châm nước vào bình trà. Bà lên tiếng:

- Ông à! Làm sao có chút quà cám ơn chú Mánh chứ? Cũng cuối năm rồi!

Câu nói của vợ làm ông chợt tỉnh. Chả là năm rồi, lão cán bộ hàng tỉnh xây nhà mới bên cạnh, nó lấn hẳn sang đất nhà ông. Con chó phốc ông mang từ trại cảnh khuyển về nuôi thấy vậy sủa dữ dội. Lão điên tiết, xúi mấy tay thợ xây đánh nó. Khi ông về nhà, lão đã cho xây xong mảng tường trên đất lấn chiếm, con chó bị thương nặng vì dập cả hàm răng, nằm ở góc nhà, không ăn. Thương nó quá, ông mang đến bác sĩ thú y để chữa trị nhưng rồi cũng không qua khỏi, ông chôn cất nó tử tế ở góc vườn nhà, như vĩnh biệt một người bạn thân yêu.

Mánh hàng xóm, là tay chân trong, chân ngoài, lươn lẹo đủ trò để làm giàu. Ở bên ông giáo thật thà, hắn cảm thấy yên tâm, tin cẩn gởi gắm lũ trẻ cho ông bà chăm, ngoài giờ đến trường. Vợ chồng hắn thương gia cảnh của ông, cả đời chỉ biết những điều nhân nghĩa, thương học trò như thương con, còn sự sát phạt ngoài đời thì ngu ngơ lắm, nên chỉ nhận thiệt thòi. Hắn nhờ những thằng bạn chuyên nghề “cò” đất, vượt qua những rào cản rắc rối của thủ tục, làm giấy chứng nhận quyền sở hữu cho ông. Nhà đất ông mua chỉ giấy viết tay, do ông tin người, chẳng có xác nhận của chính quyền gì cả. Người chủ cũ cũng khó khăn, chuyển đi làm ăn phương xa cần bán gấp. Ông không nỡ nào ép họ lúc khó khăn để mua rẻ, mà thuận mua vừa bán. Người chủ cũ hiểu ông, ghi rõ diện tích nhà và tường rào là của ông, để sau này ông khỏi bị tranh chấp rắc rối. Mảnh đất trẻ con chơi bên nhà ông, cũng lạ, bỗng biến thành đất ở của lão Cương, có giấy tờ chứng nhận hẳn hoi, lại ghi tường rào chung với ông. Chắc là lão muốn lấn qua một ít phía sau, cho nó “nở cái hậu”. Vợ ông cằn nhằn, ông mời lão Cương vào nhà, nhỏ nhẹ nhưng cương quyết:

- Chuyện vặt, tôi không cần kiện cáo làm chi. Nhưng ông cũng đừng thấy người ta hiền mà lấn tới theo kiểu “mềm thì cắn, rắn thì buông” nghe! Từ giờ trở đi ông không được có những hành động tương tự. Nếu không thì đừng bảo tôi không nói trước. Người ta bảo “ bán láng giềng xa, mua hàng xóm gần” ông ạ!

Lão Cương ra về, ông bảo bà:

- Thôi thì nó lấn có tí tẹo, ăn nhằm gì, chết rồi hạt nút người ta còn cắt bỏ để lại trần gian, tham thì thâm chứ được gì?

Bà cãi lại:

- Họ thế mới giàu, còn ông thì nghèo rớt mùng tơi! Chúng ta chỉ biết điều với những người biết điều, chứ cái hạng đó phải trị bằng súng đại bác.

- Về lý mà nói, nó có giấy tờ hợp pháp, còn nhà đất của mình đã nhờ cậu Mánh làm nhưng chưa có quyết định, cho nên đứng về lý thì mình thua, lại còn ảnh hưởng đến tiến độ khi xảy ra tranh chấp. Thôi để lại phúc đức cho con cháu đời sau vẫn hơn bà ạ. “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” bà không nghe người xưa nói sao?

Bà nghe ông nói cũng phải, đành thôi.

Nghe lời bà, chiều hôm đó, sau khi nhận được lương hưu, ông tạt vào siêu thị, thấy cái gì cũng đắt đỏ. Ông về nhà thở dài kể lại với vợ, là người  thường đi chợ, bà biết giỏ quà tối thiểu cũng 500.000đ mà lương hưu cả tiền tết của nhà nước tặng cũng chẳng là bao. Ấm trà pha khi sáng đã nhạt, lại được bồi nhiều đợt nước, nên có cái màu nhờ nhợ, uống vào thấy nhạt thếch mà bỏ thì thấy tiếc.

Bỗng nhiên trong đầu bà lóe lên một ý mới:

- Hay là ông bứng cây mai sang tặng cho chú? Hôm trước tôi thấy chú khen cây mai ông chăm có thế đẹp!

Ông như được gỡ cái rối trong lòng, nuốt vội chén nước nhạt, hối hả đi tìm cái cuốc.

- Bính boong! Bính boong!…

Có tiếng chuông. Bà gọi ông:

- Ông ơi! Nhà có khách.

Ngạc nhiên. Ông lật đật chạy ra ngõ mở cửa. Một chàng trai cao to, lịch sự đang chờ.

- Chào thầy! Em là Dũng đến thăm tết thầy đây.

- Anh là….

- Là học trò ngày xưa của thầy!

Ngồi chưa ấm chỗ, ông đã nghe Dũng huyên thuyên kể chuyện xưa. Bây giờ, ông giáo già mới nhận ra cậu học sinh trong những ngày đầu đất nước mới giải phóng. Lúc đó, ông vừa rời quân ngũ về quê và quay trở lại nghề dạy học. Ngày ấy, khi đứng trên bục giảng, ông vẫn còn mặc áo lính. Dũng là cậu học sinh có cha đi học tập cải tạo vì tham gia vào chính quyền phía bên kia. Dũng có năng khiếu hát hay, đàn giỏi nên được ông giới thiệu, lớp bầu làm lớp phó văn thể mỹ. Dũng bắt nhịp bài hát Quốc ca cho lớp tập, để hát vào buổi chào cờ vào sáng thứ hai đầu tuần không ngờ bài hát Dũng bắt nhịp là bài quốc ca của chế độ cũ! Hồi đó, người ta có thể suy diễn nâng quan điểm lên thành lớn chuyện. Nhưng với ông là nhà sư phạm, ông biết đó là sự nhầm lẫn của con trẻ. Thật ra, thì cậu ta cũng mới chỉ cất lên đúng 4 chữ đầu: “Này công dân ơi!...”, cả lớp đã bò lăn ra cười. Chuyện đến tai Bí thư chi bộ nhà trường, bí thư cho người kiểm tra và hỏi ý kiến của ông, với tư cách là nhà giáo - chiến sĩ và là một thương binh, ông nêu rõ quan điểm của mình lúc đó chuyện mới yên. Nếu không, có thể Dũng đã bị đuổi học. Sau đó, Dũng đi diện HO cùng gia đình qua Mỹ. Dũng luôn nhớ lại chuyện thầy trò ngày xưa, hôm nay về quê ăn tết, anh ghé thăm thầy, ôn lại những kỷ niệm khó quên. Dũng mang về hai chai rượu làm quà tết, một chai tặng ông bác để dâng lên bàn thờ tổ tiên ông bà, còn chai này anh kính tặng thầy giáo cũ.

Thầy trò hàn huyên. Dũng cứ nhắc chuyện cũ đã làm cậu ta xúc động bao năm rồi, kể những chuyện đã tiếp các đoàn nước nhà qua Mỹ, chuyện về những chuyến đi làm việc và du lịch các nước trên thế giới đầy thú vị, đặc biệt, được đến tham quan những thư viện danh tiếng... Dũng đã học tập được nhiều từ những chuyến đi như vậy. Anh vẫn không quên lời thầy: “Người có học thức cần thể hiện sự học và sự thức của mình bằng việc làm cụ thể, thông qua những đóng góp cho sự phát triển của xã hội loài người, chứ không bằng cái tem dán bên ngoài”. Anh ôm thầy của mình trong sự xúc động. Ông đã luôn truyền cái quan niệm, tạo nguồn cảm ứng cho đám học trò: “Sản phẩm nào, công trạng nào sống dai với thời gian, với cuộc đời, thì sản phẩm đó, danh hiệu đó càng có giá trị đích thực. Mai sau. Anh là người dạy học, danh hiệu cao quý nhất là sự quý trọng của học trò. Anh là văn nghệ sĩ, danh hiệu cao quý nhất là sự yêu quý của người đọc, người xem. Anh là nhà khoa học phải có sản phẩm trí tuệ, mang lại lợi ích cho xã hội... Tất cả đều phục vụ cho cái chân, cái thiện và cái đẹp của xã hội loài người.”

Dũng thấy nhà thầy đã trở nên cũ kỹ, sau mấy chục năm; ngược hẳn với ngôi nhà mới xây cao sang của ông cán bộ bên cạnh.

- Thầy ơi! Em và các bạn vẫn nhắc đến thầy luôn. Chúng nó đang bàn để sửa lại nhà thầy, thầy đồng ý nghe!

Ông giáo già lặng yên vẻ xúc động, lâu lắm rồi ông mới cảm nhận lại cái tình người, tình thầy trò.

- Thầy chỉ cần các em về thăm thầy là quý lắm rồi, đừng bày vẽ tốn kém. Trong nhiều đứa học trò của thầy cũng còn có nhiều người còn khó khăn, các em hãy “lá lành đùm lá rách”.  

- Nhưng chúng nó còn trẻ, có sức khỏe. Thầy đã gần đất xa trời, có điều kiện để sống thêm ít tuổi nữa là hạnh phúc cho chúng em rồi.

Bà giáo thêm vào:

- Em nó nói cũng phải đó ông à! Chúng nó có cái lòng thành tốt quá, chứ mình đâu có ép uổng chi đâu.

Một khoảng lặng. Ông giáo đăm chiêu suy nghĩ. Cuối cùng, ông cũng thốt lên một cách quả quyết:

- Thầy già rồi, sống đạm bạc đã quen, thầy đã quyết định rồi. Thằng Tâm nhà thầy sau khi làm xong nghĩa vụ, nó sẽ về nhà cưới vợ và lập gia đình. Về lâu về dài là nhà của nó, nó thích kiểu gì thì làm kiểu ấy. Cám ơn các em nhiều!

Dũng không còn cách nào khác. Anh tặng thầy chai rượu và ra về với lòng kính trọng. Thầy vẫn như ngày xưa, thanh bần nhưng cao sang, ước gì trong cuộc đời này có nhiều người thầy như ông. Anh cảm nhận nguồn hạnh phúc đang trào dâng vì có được một người thầy như vậy.

Ông cầm chai rượu ngắm nghía kỹ, hình dáng đẹp nhưng vết chà xước, có lẽ do vô tình, va chạm vào chữ X. Ông đến ngay nhà cậu Mánh hàng xóm. Ông đâu biết giá trị của chai rượu X25 đang là hàng độc, hiện không có trên thị trường. Cậu Mánh nhận chai rượu mừng ra mặt. Về nhà, thấy bà cười ông cũng vui.

Câu chuyện quà tết của ông giáo già tưởng đã dừng lại ở đó, nếu như không có chiều 30 tết...

Chai rượu của ông giáo biếu cho Mánh, khiến hắn nghĩ ngay đến chức Trưởng phòng còn trống chỗ. Thế là hắn mang sang biếu sếp, sếp lại mang biếu cho quan trên. Vợ quan, khi thấy nhà đã nhiều rượu, gọi điện thoại kêu nhà hàng rượu tây Đạt Thắng đến bán. Chai rượu X25 xách tay được chọn đặt ở vị trí trang trọng trong gian hàng. Đại gia ngành xây dựng, Tuấn Râu đến nhà hàng. Sau một hồi ngắm nghía các loại, quyết định chọn chai X25. Dù mua với giá khủng, nhưng nét mặt hắn long lanh như chiếm được bảo vật. Chai rượu X25 nhanh chóng được đem đến biếu cho Mười Tham kèm theo một phong bì dày cộm. Mười Tham cầm tập tiền dày, vất vào cái cặp da bò to đùng, còn chai X25 được chuyển tới tay Hạnh, người tình của gã, một phát thanh viên ở đài truyền hình.

- Bà giáo ơi! Con, Hạnh đây!

- Cô Hạnh đấy hả? Tối nay lại trực đêm à?

Hạnh. Cô gái xấp xỉ ba mươi, nõn nà, cao ráo, có ba vòng đều chuẩn, với cái nhìn sắc lẻm như dao sắt chém chuối và đôi chút lả lơi, đủ làm đám đàn ông háo sắc điên loạn khi đối mặt với ả. Trong đám chức quyền đó, Mười Tham là người cao tay ấn nhất, chịu chơi và chịu chi. Chẳng vậy, tuy chỉ là một nhân viên bình thường, với tiền lương không đủ phấn son, nhưng Hạnh có cuộc sống thong thả của một phu nhân đài cát “già nhân ngãi, non vợ chồng” với Mười Tham vì người chồng bị bất lực. Bà giáo đâu biết, mỗi khi chồng Hạnh đi dạy ở các tỉnh xa, ở nhà Hạnh đi lại với Mười Tham cả đêm, thằng con trai 5 tuổi được giao ở với bà giáo. Bà vô tình là người tiếp tay cho mối tình vụng trộm đó.

Vừa ra mở cửa bà hỏi:

- Thằng Cún đâu? 

Hạnh cười:

- Nó đang đi chơi với bố nó. Cuối năm, con có chút quà gửi tặng bà, còn chai rượu này con tặng ông.

Hạnh về, bà mở túi quà trao ông chai X25 . Ban đầu ông còn ngờ ngợ nhưng sau đó nhận ra, chính là chai X25, bởi vết trầy xước phạm vào chữ X mà ông đã tặng cho chú Mánh. Ông chẳng biết cái hành trình nó đi vòng vo như thế nào mà nay lại quay về tay ông!

Ngày mồng 2 tết ông mang X25 mời khách.

Lão Cương, nhà hàng xóm qua chúc tết ông giáo, nhân tiện xí xóa chuyện lấn chiếm đất đai hồi năm cũ. Cuộc gặp mặt có Mánh, cả hai tấm tắc khen ngon.

Mánh bảo:

- Rượu này ngon phải biết!

Lão Cương giọng khề khà, cười sảng khoái, sau khi chai rượu đã vơi nửa:

- Rượu này là rượu... kẻ mua không được uống... người uống không mất tiền mua!

Còn ông, lạc lối giữa trời đông, say sưa kể về nghĩa tình của cậu học trò, không ăn nhập vào đâu!

H.V.T 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế