Cội phương mai - Lương Hoàng Hạc

28.01.2016

Cội phương mai - Lương Hoàng Hạc

 

Bảy mươi tám tuổi. Một lực điền. Ông khỏe lắm. Buổi sáng, một bát nước chè khô sắc đậm, thế là đi cày đến trưa. Con trâu đực mệt phờ mà ông vẫn bình thường. Ngày hai bữa cơm. Rau mắm là chính. Thịt cá là thỉnh thoảng. Tối ngon giấc. Quanh năm ông chẳng hề tốn một viên thuốc.

Thế mà bây giờ ông đổ bệnh. Mấy hôm đã ngật ngừ rồi. Giờ thì ông nằm một chỗ. Không cơm nước gì được. Cháo cũng không ăn. Gần nửa tháng, mấy thầy thuốc rồi cũng không tìm ra bệnh. Các con ông hỏi Ba đau chỗ nào, Ba thấy người ra sao. Ông không trả lời. Chỉ chép miệng, rồi thở dài. Hình như cả ngày cả đêm ông không ngủ. Tiếng thở dài càng lúc càng mệt nhọc. Chỉ đến khi con dâu đầu hỏi han: Ba đau thế nào hay có chuyện gì bức xúc, Ba cứ nói ra đi, anh em con sẽ tìm cách. Ông tin đứa con dâu đầu này nhất. Nó biết ăn ở. Lời nó nói bao giờ cũng chừng mực. Chưa bao giờ nó nói quá lời. Nó nói được là làm được. Bây giờ vợ chồng nó ở vớí ông. Nó quán xuyến hết việc nhà, việc giỗ chạp, phải không. Ông thổ lộ sau một tiếng thở dài: Ba sai. Ba tham. Là Ba sai rồi.

Luận, con trai đầu của ông, suy nghĩ mãi. Ba vốn hiền lành. Tuy nghiêm khắc mà không khắc nghiệt. Ba không lấy gì của ai, không mưu toan với ai điều gì. Suốt đời chỉ cắm cúi vào mảnh ruộng. Sao bây giờ Ba lại nói mình sai mình tham? Họp mấy anh em lại. Bàn luận. Chú út đưa ra ý kiến: anh Hai ở với Ba, anh nhớ thử gần đây có điều gì khác lạ. Luận chợt nhớ. Phải rồi. Hồi tháng Giêng Ba bán chậu mai kiểng. Cội mai hình con lân. Ba quý cội mai ấy lắm. Chắc chỉ có chuyện ấy. Chắc chắn rồi. Ngoài ra, soát xét kỹ, chẳng có chuyện gì khác thường. Luận với mấy anh em góp tiền. Âm thầm đi mua lại gốc mai. Bây giờ mới tháng Mười. Gốc mai, vựa cây kiểng chưa bán, vẫn còn. Chỉ khác là đã được thay vào một chiếc chậu sứ đẹp, to hơn, xứng với tầm vóc cội mai. Cành lá sum suê hơn. Búp đã nhiều. Luận phải mua lại với giá ba cây vàng. Ông chủ vựa nói thật, tôi lãi một cây. Anh có thuận thì chở. Luận cắn răng. Vì Ba.

Hôm chở chậu mai về, Ba như sống lại. Đương nằm bệnh ông vội chồm dậy. Nói cười như không. Trông tươi giống như chàng trai trẻ gặp được người yêu sau bao ngày xa cách. Ông cười nói vui vẻ. Tối ấy ông ăn một bữa như ăn bù. Ông luôn miệng cám ơn các con. Thì ra trong vườn có một ít cây kiểng, đây là cây mai ông rất quý, cội mai người chú ruột của ông cho ông khi ông ấy yếu lắm rồi, gần đi xa. Dạo sau Tết ông chủ vựa cây cảnh đến gạ mua. Ban đầu nói gì ông cũng không bán. Khi người ta trả đến hai cây vàng. Hai cây vàng với ông là rất lớn. Cả đời ông chưa bao giờ có nổi lấy vài chỉ. Có lẽ đời sống đã khấm khá lên, người ta đua nhau chơi cây cảnh nên mới có giá thế. Vừa lúc thằng cháu nội đích tôn của ông đi học về. Chiếc xe đạp cũ nát. Đã lớp mười hai. Nó phải đi học xa, còn bạn bè. Và rồi sẽ có bạn gái nữa. Thế là ông bán. Bán để sắm cho thằng cháu nội chiếc xe gắn máy.

Bữa hôm đi cày về ông thấy nhà lão Bảy đông người, có cả xe ô tô. Ông ghé vào, hóa ra người ta đến trả mua cây mai đẹp của nhà lão. Ông sực nhớ cội mai nhà mình. Mới đầu chỉ là sự tiếc nhớ. Sau đổ thành bệnh như vậy. May là các con ông có hiếu. Bây giờ ông lại có cội mai.

Từ hôm bệnh dậy. Ông bàn với Luận. Thôi, Ba không đi cày nữa. Ba dành phần đời còn lại để cho cây cảnh. Các con cho Ba nợ tạm số tiền ba cây vàng dùng để mua lại cội mai.

Sau Tết ông bắt tay vào việc. Ông tìm đào các  gốc duối, gốc ổi, gốc cây dủ dẻ và nhiều loại gốc khác miễn có hình thù. Đào trong xóm làng hết, ông sang tìm ở các bờ bụi làng bên. Hết, ông bỏ tiền ra mua giá rẻ. Hình thù, có gốc hình con lân ngồi oai vệ. Gốc hình con hổ nhe nanh giương vuốt. Gốc bù dẻ hình con rồng bay lên. Có tàn có lá lại hoa thơm vào mỗi hoàng hôn. Ông thích lắm. Ông bỏ tiền ra mua hơn chục gốc mai. Trong vườn bây giờ đã bộn bề nhưng ông vẫn quý nhất là cội mai vàng, mà ông đặt tên là cội phương mai.

Không biết ông học hỏi ở bạn bè, sưu tầm ở đâu mà bây giờ ông rất tường tận về loài mai. Ông biết cả truyền thuyết Đắc Kỷ rất thích hoa mai. Loài hồ ly chín đuôi ấy mà cũng thích hoa mai. Phải chăng vì thế mà loài mai ma mỵ lắm, quyến người ta lắm. Mai có mai vàng, trắng, đỏ. Vàng quý phái. Trắng tinh khiết. Đỏ thắm tình. Riêng mai vàng có gần ba chục loại. Mai trâu, còn gọi là thanh mai. Mai sẻ, mai hồng diệp. Mai giảo Thủ Đức chín đến mười hai cánh, cánh to. Đẹp. Nhiều người thích. Mai cúc nhiều cánh nhiều tầng như hoa cúc. Mai huỳnh tỉ, mai tứ quý v.v... Nhưng theo ông quý nhất là loài thanh mai có hương thơm ngát. Gọi là phương mai. Năm cánh, tượng trưng ngũ hành. Cánh to, dày, trải đầy, không hổng trong gốc cánh. Hoa vươn tới.Và đặc biệt, mùi hương. Thanh khiết như mùi trinh nữ. Không khoe khoang nhưng ngát. Các loài mai khác đêm giao thừa lắng nghe mới nhận biết được hương thơm. Phương mai tỏa hương trong gió. Cây cảnh nói chung được tạo theo các thế. Thế trực, thẳng đứng. Thế xuy phong, cuốn theo chiều gió. Thế thác đổ, nước trên cao vượt bao ghềnh đá. Thế quỳ, hiến dâng. Riêng cây mai, loài cây tiết tháo, không chịu cúi mình. Tạo nên thế thác đổ là vô cùng công phu, uốn nắn từng ngày vì bao giờ ngọn nó cũng vươn lên trời. Còn thế quỳ là do trời đất, một cơn bão lớn xô đổ . Gốc mai tự nhiên buộc ở thế quỳ. Như người quân tử chỉ tuân theo mệnh trời thôi vậy.

Cội mai nhà ông không cần lặt lá vào tiết đông chí. Đến lúc đó lá tự rụng hết để lập xuân trổ đầy hoa. Hoa chi chít đầy cành. Đến hết tháng giêng mới hết hoa. Cội có hình thù một con kỳ lân đã to  lắm, gốc bằng bắp chân người trưởng thành. Quỳ hai chân sau, hai chân trước nâng một áng hoa vàng thịnh khai, xôn xao, rộn rã. Chúc mừng phú quý vinh hoa!

Ông ngắm nghía săm se mỗi sáng, mỗi chiều. Hoa nở là vào đúng lập xuân. Ông bày một tiệc rượu nhỏ. Mời bạn bè thân, mời những bạn mới, thích và quý mai. Uống rượu thưởng mai, đón xuân về. Hàn huyên kỷ niệm về mai. Lại có thơ về mai nữa:

 Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Ông Nguyễn Du giỏi thật, với sáu chữ thôi đã khắc họa được cái khí tiết thanh cao của người quân tử cũng như đức hạnh người thục nữ. Có cụ bạn già đọc thơ Ức Trai:

Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà,

Ái duyên tuyết bạch,

mai phương khiết.

Nghĩa là

Yêu mai, yêu tuyết vì đâu,

Vì tuyết trắng, mai thơm và

trong sạch.

Có anh bạn trẻ, vẻ người lãng mạn, đọc thơ Vũ Hoàng Chương:

Rượu ngấm say nằm dưới gốc mai

Khói sương tha thiết áo bay dài

Đam mê trở gối- ồ trăng lặn

Rêu biếc còn ghi nhẹ gót hài.

(Tình liêu trai - Vũ Hoàng Chương)

Và cuối cùng, ông đọc sau khi uống cạn chung rượu và tiếng khà thỏa mãn:

Bình thản vàng rung chào cuối đông

Thanh thoát hương bay giữa

lạnh lùng

Nhẹ nhàng gom góp mùa thơ cũ

Đình tiền tạc dạ hồn sắc không.

(Hoa vườn nhà - Lương Hoàng Hạc)

Ông thỏa mãn thật. Mới năm năm đi vào nghề cây kiểng - Ông gọi là nghề, nghề chơi - ông đã trả lại được cho các con ba cây vàng. Lại còn làm được ngôi nhà cấp bốn. Tuy nhỏ thôi, nhưng đã khang trang và có thiết kế đẹp. Tiện nghi tương đối. Vườn kiểng mở rộng. Ông thuê người làm. Bây giờ có hàng trăm gốc. Đổi mới. Nhiều người giàu có hơn. Họ đổ qua những thú chơi. Chơi cây cảnh thể hiện đẳng cấp. Thanh tao. Mà giữ lại được vốn chơi. Cây mỗi ngày một lớn, càng có giá. Vì thế nghề cây cảnh phát đạt và ông cũng đổi đời. Ngày ngày ông ra vườn sớm. Mười giờ ông đã vào nhà. Đọc sách, uống trà. Xế chiều uống rượu ngâm thơ. Cuộc đời viên mãn.

Mùa xuân năm ông tám sáu tuổi. Buổi chiều ông mệt, biếng ăn. Đến khuya, ông mệt nặng, toàn thở hơi ra rồi. Con cháu đã về bên ông đầy đủ. Đến gần sáng. Ông cựa mình, thều thào: Ba đi thôi. Các con ạ! Ở đời phải biết lựa thế làm ăn. Phi nông bất ổn nhưng phi thương bất phú. Mà làm gì cũng phải có đức. Sống cho tiết tháo, như loài mai. Các cháu còn trẻ không nên cúi đầu. Nói xong, thở hắt ra, ông nhẹ nhàng đi.

Vườn chịu tang ông, cây vẫn xanh. Chỉ riêng cội phương mai héo dần, Tưới tắm cách nào cũng không xanh được. Làm tuần mười bốn ngày cho ông là cội phương mai chết hẳn. Hồn người quyến lấy hồn hoa. Hoa và người không thể thiếu nhau. Cháu nội ông, người cháu mà ông bán cội mai để mua cho xe máy, nay đã là kỹ sư nông nghiệp. Người tiếp truyền vườn cảnh của ông. Anh đem cội mai khô cắt các cành nhỏ chỉ để các cành mộc, phủ lên lớp PU sáng bóng, đặt lên chiếc đôn để cạnh bàn thờ. Mỗi lần thắp hương cho ông, anh đều cắm vào cội mai một nén.

L.H.H 

Bài viết khác cùng số

Ngày xuân, nghĩ về người Đà Nẵng - Dân HùngTết - Trần Huy Minh PhươngCó những “Người Đà Nẵng” đến từ nơi xa... - Trần Trung SángGiấc mơ phố - Nguyễn Thị Anh ĐàoBong bóng cá mùa xuân - Liêu NhiGiữa mùa chán chết - Nguyễn Ngọc TưKhúc hát của dòng sông - Nguyễn Quang ThiềuQuà Tết - Huỳnh Viết TưMơ hồ ánh lửa Bích Câu - Nguyễn Nhã TiênVạt áo cưới của mẹ - Tường LinhCội phương mai - Lương Hoàng HạcĐếm ngược thời gian - Thi AnhTết - trong ký ức tuổi thơ tôi - Nguyễn Văn HọcCần thiết - Thái Bảo - Dương ĐìnhXuống dốc - Quốc LongDự cảm - Nguyễn Xuân TưẤm dấu chân xưa - Nguyễn Hoàng SaBác xích lô chiều 30 Tết - Nguyễn Thành LongKhông đề - Lê Huy HạnhNhư là nỗi nhớ - Mai Hữu PhướcGió nhớ - Nguyễn Nho Thùy DươngTặng người một ánh rằm xuân - Trịnh Bửu HoàiSáng nay - Trương Điện ThắngTình như bèo dạt - Nguyễn Miên ThượngNét phố - Thuận TìnhLiên tưởng - Trần Trúc TâmMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtChào xuân trên biển - Đoàn Văn MậtLạt mềm mùa xuân - Lê HòaNgẫm - Nguyễn Hoàng ThọTiếng thì thầm - Phan HoàngLàm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc HạnhĐọc Kiều - Lê Minh QuốcTự xuân - Thùy AnhTrong những lời yêu thương - Đinh Thị Như ThúyMùa xuân trên đảo - Trần Mai HươngMùa xuân nào quay bước? - Tần Hoài Dạ VũĐêm hoa nở - Mai Văn PhấnThơ Phạm PhátĐã quen - Nguyễn Minh HùngHương thanh trà - Vạn LộcTrần tình với mùa xuân - Nguyễn Kim HuyCon bướm xinh/ Con bướm đa tình(*) - Đỗ Thượng ThếTrầm tích từ ký ức xanh - Trương Đình ĐăngTrôi về phương cũ - Trần Văn HuyTiếng chim xuân - Tăng Tấn TàiRượu và thơ - Lê ĐàoGửi đến núm ruột mình nơi đảo xa - Phan Thành MinhMưa biển - Hải VânCâu đối xưa nói về ca nhạc và sân khấu - Phan Lý Lệ Vân (sư tầm)Khỉ trong thành ngữ, ca dao - Minh Lê (sưu tầm)Về mong ước được đổi đời trong cổ tích Việt - Bùi Văn TiếngTheo chân các nhà khảo cổ học Nhật Bản đi tìm dấu tích Dinh Chiêm - Châu Yến LoanNgười làm lịch độc bản - Văn Thành LêTrần Quế Sơn “cõng mẹ đi chơi” - Hoàng Hương ViệtBuson - thi sĩ mùa xuân trong vườn thơ Haiku - Chế Diễm TrâmHình tượng khỉ trong nền điêu khắc Champa và khỉ thần Hanuman của sử thi Ramayana - Trần Kỳ PhươngThời gian, rượu và thi ca - Lê Huỳnh LâmVẻ đẹp của tiểu thuyết không hư cấu - Thanh TânNgày xuân kể về một nhân cách lớn của đất Quảng - Vân TrìnhMột bàn chân nhỏ bé giữa mùa xuân - Trần TâmBên chén rượu đầu năm - Thanh Quế