Văn chương - Những suy ngẫm về nghệ thuật

04.03.2024
Trần Bảo Định

Văn chương - Những suy ngẫm về nghệ thuật

Chân dung nhà văn Thái Bá Lợi.

LTS: Nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bảo Định có công trình Trang văn Thái Bá Lợi: gợi mở và suy ngẫm. Tạp chí Non Nước xin trích giới thiệu phần 3 của công trình này với bạn đọc.

Với hàng loạt tác phẩm và hàng loạt giải thưởng từ thập niên 1970..., Thái Bá Lợi đã có hành trình văn chương bền bỉ và đáng khâm phục. Đến nay, có thể nói, Thái Bá Lợi đã đứng vào hàng ngũ những nhà văn tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam - nhất là giai đoạn đổi mới và mở cửa. Như sự tổng kết hành trình văn chương, Tuyển tập Thái Bá Lợi gồm 5 tập gồm cả truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết,… sáng tác trải dài từ những năm trước và sau 1975 cho đến tập thập niên 2010 gần đây cùng với nhiều ý kiến đánh giá giá trị tác phẩm Thái Bá Lợi.

Trong số những thể loại ghi dấu ấn của Thái Bá Lợi, có lẽ chính là truyện ngắn và tiểu thuyết. Đáng nói, truyện ngắn của anh có xu hướng vươn đến tầm tiểu thuyết và tiểu thuyết của anh có xu hướng cô đọng như truyện ngắn. Rõ là, ranh giới thể loại không hoàn toàn rạch ròi trong sáng tác của anh. Ngẫm lại, thực ra người viết không phải lúc nào cũng bị lệ thuộc vào các quan niệm thể loại, vốn là mối quan tâm của nhà lý luận phê bình. Với truyện ngắn, đòi hỏi dung lượng nhỏ, thường chỉ xoay quanh một tình huống hoặc câu chuyện một con người, lát cắt một thân phận, nên nhà văn Thái Bá Lợi thường chú trọng xây dựng tình huống truyện gãy gọn và thường gây tò mò cho bạn đọc. Song đến khi kết thúc câu chuyện, Thái Bá Lợi thường gieo lại trong lòng bạn đọc nỗi bâng khuâng, có phần chưng hửng, có phần ngậm ngùi. Và thường xuyên, câu chuyện kết thúc trong nỗi niềm thinh lặng xa xăm - đôi khi rất xa xăm. Thêm vào đó, giọng điệu và tốc độ kể thay đổi liên tục. Nhất là, trong hoàn cảnh chiến đấu, giọng văn Thái Bá Lợi tưởng như “đồng loạt xung phong chạy ào lên phía trước” - dồn dập, dồn dập đến nghẹt thở. Tốc độ kể nhanh gọn, khẩu khí người trực tiếp sống trên chiến trường, chiến đấu nơi sa trường... Rồi, cũng có khi lặng thinh, lúc ưu tư trĩu nặng, Thái Bá Lợi có những đoạn độc thoại nội tâm rất dài - dài tưởng chừng nhân vật đắm chìm trong dòng suy tư không thôi. Thường như thế, Thái Bá Lợi khắc họa những đay nghiến nội tâm hoặc những niềm đau khôn nguôi của quá khứ.

“Buổi sáng tôi dậy sớm để ra đi. Thực ra tôi có thể ở lại với bà một vài ngày nữa nếu tôi muốn. Vắng tôi, chuyến công tác của cơ quan chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng tôi không đủ sức chịu đựng cái nhìn của bà mỗi khi nghe tôi kể chuyện. Trong đêm tôi chỉ chợp mắt được vài giờ vào lúc gần sáng. Gió xào xạc ngoài vườn. Tiếng kêu chem chép của một con thằn lằn trên mái nhà. Bên nhà hàng xóm tiếng một con mèo già rống lên như tiếng trẻ khóc. Có thể những cái đó làm tôi khó ngủ. Tôi mở to mắt nhìn vệt sáng lờ mờ đầu chái nhà. Từ vệt sáng đó hiện lên cánh rừng chiều, phiên tòa quân sự, cái bờ hố nơi Đán ngã gục trước hai mươi tám tay súng chúng tôi. Cũng từ vệt sáng đó văng vẳng lời tuyên án của vị chánh án. Nhưng tất cả mọi thứ đã nhòe đi, chìm xuống trước câu nói của người mẹ. Cháu cứ kể đi, bác chịu được, bác chịu được mà… lặp đi lặp lại như một điệp khúc” (Đội hành quyết, tập 1, 277-278).

Ám ảnh về việc tự tay bắn vào đồng đội và đồng loại của mình là ám ảnh suốt đời. Cứ trở đi cứ lại giày vò “hai mươi tám tay súng chúng tôi”. Nhìn từ lý thuyết chấn thương, nỗi đau năm cũ của nhân vật xưng tôi trong Đội hành quyết là chấn thương mãn tính. Chấn thương chiến tranh có thể lỗ đầu bể trán ghê rợn nhưng chấn thương hậu chiến dù không đổ máu lòi ruột nhưng lại dày vò héo hon tâm can. Bởi nó đeo đẳng thường trực và dai dẳng theo năm tháng!

Trong văn chương, Thái Bá Lợi cho thấy vốn sống phong phú. Dễ hiểu, bởi anh trực tiếp trải qua những hoàn cảnh, thời thế khác nhau của đất nước. Đặc biệt, anh thấu hiểu nội tâm của người lính. Giọng điệu gần gũi, tâm tình, anh kể lại những mẩu chuyện mà hễ ai từng trải qua đời binh nghiệp không thấy gì xa lạ và thế nào cũng cảm thấy xúc động sâu sắc. Dung lượng tác phẩm của anh có đặc điểm như đã nói: truyện ngắn mang tầm cỡ tiểu thuyết và ngược lại tiểu thuyết có sự cô đọng dồn nén như truyện ngắn. Đặc điểm này sẽ trở nên dễ hiểu nếu bạn nhận thấy tư duy nghệ thuật Thái Bá Lợi: sự thận trọng, chỉn chu, khắt khe của chính ông trong việc xây dựng tác phẩm. Vấn đề quan tâm không còn là dung lượng hay định hình thi pháp thể loại mà điều quan trọng hơn cả: khả năng tác động hiệu quả nhất mà tác phẩm có thể gây ra ở bạn đọc. Chuyện thi pháp thể loại, chủ yếu là chuyện của nhà phê bình, người sáng tác phần nhiều khi cầm bút không quá câu nệ, lệ thuộc vào những quy chuẩn thể loại.

Qua trang văn, Thái Bá Lợi cũng bộc lộ nhiều điều về quan niệm nghệ thuật. Trong tiểu thuyết Trùng tu (2003), Thái Bá Lợi viết:

“Vừa rồi tao có gặp một thằng, trước là y sĩ trên mặt trận, đã xuống Huế ngay từ những ngày đầu, sau bổ sung về đại đội quân y trung đoàn mình. Bây giờ nó chuyển sang viết văn. Hôm tao gặp, nó nói đang soạn một bộ tiểu thuyết ba tập dày ngàn trang về chiến dịch Mậu Thân ở Huế. Trên bàn nó bày các bản đồ Huế và nhiều chồng tài liệu. Nói chuyện với nó, tao cảm thấy nó đang mắc bệnh. Nhà văn cũng có bệnh nghề nghiệp chứ? Nó tưởng tượng ra nó hay hơn tưởng tượng ra các nhân vật. Nhà nó lúc nào cũng đông khách. Hôm tao đến gặp các tướng đang uống bia. Một can bia hơi mười lít. Tao cũng được mời ngồi xuống chiếu. Các tướng đang bàn hình thành một nhóm, một hội gì đó để hướng dẫn văn nghệ cả nước. Tao nghe cũng hơi chối nhưng cứ phải ngồi nghe vì mình là thằng ngoại đạo. Một ông trong bọn nói với tao: Anh thông cảm cho, bọn tôi không có ý gì đâu, chỉ muốn cùng anh em cả nước tiến lên làm những tác phẩm có giá trị. Lúc đó tao nghĩ các nghĩa sĩ ngày xưa tụ nghĩa thường uống máu ăn thề, bọn du đãng lập băng thì uống nước ống cống, các cha nội này muốn lãnh đạo văn nghệ cả nước mà chỉ uống có một can bia hơi thì không phải là không tin nhưng mà nghi lắm! Khi gặp riêng nó tao nói: Ông muốn lưu danh phải không? Nếu muốn lưu danh cần gì đến hàng ngàn trang, vài câu hay vẫn lưu danh được. Kể ra tao cũng nặng lời, dù sao nó cũng đã chữa cho tao khỏi cơn sốt ác tính trước khi tao ra Bắc” (Trùng tu, tập 3, tr.365-366).

Về sự lưu danh, có lẽ cần ngẫm thêm về thực danh và hư danh! Câu văn của Thái Bá Lợi có thể khiến nhiều người chợt tỉnh ngộ. Nhất là, người ta cảm ra và ngộ ra cuộc rong chơi chữ nghĩa văn chương này. Rốt cuộc làm văn chương vì ai, vì điều gì và để làm gì? Chưa dám lạm bàn về thành tựu văn nghiệp, nhưng ta thấy cần nhấn mạnh rằng: Thái Bá Lợi là người nghiêm chính khi làm văn chương. Và văn chương của anh không phải chữ nghĩa vì mình mà là chữ nghĩa vì người và vì đời. Phần được của văn nghiệp là ở người, không phải ở mình. Trong tác phẩm Bán đảo, nhà văn cho nhân vật đối thoại với người kể chuyện. Có lẽ, đó là cách Thái Bá Lợi tự trò chuyện với chính mình. Cơ hồ, đối thoại nhưng thực ra là độc thoại.

“Ông Lợi này, tôi có đọc một hai truyện của ông. Văn chương thì chưa bàn làm gì, nhưng tôi cứ gọi ông là ông Lợi như ngày xưa chứ không phải Thái Bá Lợi như các ông văn nghệ sĩ vẫn thường gọi nhau. Việc gì mà dài dòng thế phải không ông? Các tác giả thực sự chắc họ giản dị lắm” (Bán đảo, tập 3, tr.25).

Văn chương Thái Bá Lợi vì thế, có tính chất phản tư sâu sắc. Then chốt triết học Kant nằm ở ba truy vấn: “Tôi có thể tri thức gì? Tôi phải làm gì? Tôi có quyền hy vọng gì?”[1]. Sự phản tư của Thái Bá Lợi cơ hồ cũng tương quan với ba truy vấn này. Văn xuôi Thái Bá Lợi luôn cứ trăn trở, day dứt, không yên bởi những suy tư này. Biểu hiện của trăn trở nghệ thuật này là các dòng thời gian của hành động kể liên tục di chuyển, đôi khi có hai ba dòng thời gian cùng chảy đồng thời. Cũng tức là điểm nhìn trần thuật cũng liên tục thay đổi. Cho nên, văn xuôi của anh nhìn có vẻ bình lặng nhưng bên dưới có những gợn sóng thời gian cuồn cuộn. Mặt nước chỉ lăn tăn nhưng lòng nước cuộn xoáy.

“Hơn ba mươi năm sau, khi trở về thăm quê, leo lên dãy Động Mông - Đá Hàm, Thành không thể nào hình dung ra nơi diễn ra trận đánh giữa quân Mỹ với đầy đủ các phương tiện hiện đại từ pháo bầy đến trực thăng với đoàn cán bộ của sư đoàn 2 đi chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Tết Mậu Thân trong thung lũng Quế Sơn, chỉ có tiểu liên và súng ngắn. Tổn thất của trận đánh này đối với Quân khu Năm lúc đó rất nặng nề, nhưng cũng ít người biết. Toàn bộ Bộ tư lệnh sư đoàn gồm các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, hai ban chỉ huy trung đoàn 21 và 31, các chiến sĩ trinh sát và vệ binh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh trừ dăm người sống sót trong đó hai người lính trinh sát đêm ấy về ngủ ở vườn mít nhà Thành để đi đón các thủ trưởng mới cho sư đoàn” (Minh Sư, tập 4, tr.90).

Để bộc lộ quan niệm nghệ thuật, nhà văn Thái Bá Lợi xây dựng nhân vật nhưng không ngừng “dày vò” nhân vật. Rất nhiều nhân vật của anh như Đoàn Minh Thành trong tiểu thuyết Minh Sư (2010), cứ phải sống trong nỗi ám ảnh thường về những ký ức đau thương chiến trường. Nhân vật của Thái Bá Lợi phần nhiều là nhân vật nội tâm, sống nhiều về suy tưởng. Qua đó, ta thấy nghệ thuật với Thái Bá Lợi là quá trình tư tưởng về chính bản thân tư tưởng. Chủ đích nghệ thuật của nhà văn phần nhiều biểu thị qua các nhân vật tư tưởng như thế! Bởi vậy nội tâm của họ cũng nặng nề, đau đớn với những vết thương dù đã hơn ba mươi năm vẫn chưa lành lặn. Thành nhớ đi nhớ lại đêm thủ trưởng hy sinh.

“Buổi chiều có điện của ông Phước bí thư triệu tập thủ trưởng về họp. Giao liên đi bám đường hai lần báo cáo địch đã chốt nhiều nơi trên hành lang. Thủ trưởng ra lệnh cứ phải bám địch mà đi. Khi họ đến sát đường số 1 thuộc địa phận Giáp Năm gần cầu Thanh Quýt thì nghe có mùi thuốc lá thơm. Thủ trưởng trực tiếp bò lên quan sát. Có một tiểu đội Mỹ chốt trên đường 1. Thủ trưởng trở về rồi bò đi tìm một hướng khác để vượt đường. Hướng này phải bò qua một ruộng bắp rồi đến một cái cống lớn. Sau hơn mươi phút quan sát, thủ trưởng lệnh vượt đường. Khi mọi người thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt đường 1 an toàn và tiếp tục đi về phía tây thì có tiếng súng nổ. Lúc đầu chỉ có tiểu liên AR15, sau đó có đạn phóng lựu, rồi có cả đạn đại liên bay tới đội hình đang trên đường. Thủ trưởng lệnh cho tổ giao liên nổ súng kiềm chế đi vòng qua một gò đất để vượt qua chốt địch. Cái chốt này mới có vì buổi chiều trinh sát báo từ đoạn này lên đến Hòn Tàu không có địch. Quân ta đã vượt được cái chốt này, chắc là của bọn Mỹ. Nhưng mới đi được hai trăm thước, vào một ruộng mía thì gặp một chốt khác, cũng của bọn Mỹ. Chính vì cái chốt này mà thủ trưởng hi sinh cùng một đồng chí giao liên” (Minh Sư, tập 4, tr.93-94).

Để khắc họa nhân vật tư tưởng, bạn đọc có thể thấy nhà văn rất hay sử dụng lối độc thoại nội tâm. Việc này càng thuận tiện để nhân vật của Thái Bá Lợi hồi tưởng những mảng ký ức vụn năm cũ. Có lẽ vậy nên nhà thơ Thanh Thảo nói trang văn của Thái Bá Lợi “gợi ra từ ký ức”. Và ta tưởng như trang văn của Thái Bá Lợi như cách anh nhặt nhạnh những hồi ức trong tâm tưởng để kết dệt thành bức tranh tâm trạng của người lính mà dù nửa thế kỷ trôi qua cũng không nguôi nhớ đồng đội xưa, chiến trường xưa. Nỗi ngậm ngùi thương tưởng quá khứ khiến cho trang văn của anh như phủ lên màn sương năm tháng. Trong đó lẩn khuất hơi hám người xưa, nhiều đoạn Thái Bá Lợi chia sẻ những vết tích lịch sử còn in hằn trên từng địa danh mà bom đạn cày xới. Miền đất dọc đôi bờ Thu Bồn đã bao lần khói lửa, đã bao nhiêu thời đại thịnh rồi suy, suy rồi lại thịnh. Can qua năm tháng tưởng như tạo nên những lớp trầm tích của đất đai xứ ấy. Cảm hứng văn hóa lịch sử biểu hiện khá thường xuyên trong trang viết của Thái Bá Lợi.

“Đây là vùng đất giáp ranh giữa hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam. Theo sử sách ghi lại phía nam sông Thu Bồn là đất của trấn Quảng Nam do Đô đốc Bùi Tá Hán tổng trấn, còn bắc sông chịu sự cai quản của Tổng đốc Thuận Hóa Luân quận công Tống Phước Trị. Vì là vùng đất giáp ranh nên sự cai trị rất lỏng lẻo, nhất là vùng đất từ bắc sông đến núi Hải Vân” (Minh Sư, tập 4, tr.96). “Đó là vào một buổi chiều tháng Chín năm Mậu Ngọ (1558) bên bờ sông Cái. Bọn người theo Phạm Dữ đến đây chưa quá chục người, thực ra họ mới chỉ quen nhau buổi sáng nay. Đó là những con người bất định gặp nhau trên đường đời. Phần lớn bọn họ từ vùng Thanh Hóa, Nghệ An đi vào. Họ đến vùng Ô châu ác địa này với những tâm trạng khác nhau. Có người là dư đảng của họ Mạc, tuy quê họ đã tái thuộc về nhà Lê, nhưng họ chưa phục vua Lê, còn lưu luyến nhà Mạc. Có người do bất mãn với họ Trịnh muốn đi tìm một minh chủ mới. Cũng có người là thuộc hạ của gia đình Nguyễn Kim, bỏ đất Thanh ra đi vì sợ tai họa sẽ đến với mình như đã đến với gia đình họ Nguyễn. Những con người đang ngồi trong căn lều, bên bến nước của con sông lớn trong mùa lũ này chưa phải là những người làm ta nghĩ đây là những đại diện cho dòng người đang đổ về Nam, nhưng họ là những con người đang được dung dưỡng trong cái không khí hỗn loạn qua nhiều biến cố dồn dập. Họ bất chấp kỷ cương, quen tính hung bạo, nói năng ương ngạnh, sống đời phóng túng. Họ tạo nên dòng người đang tiến về phía nam một cách vô tổ chức và hầu như mục đích rất mơ hồ” (Minh Sư, tập 4, tr.96-97)

Về phong cách trần thuật, Thái Bá Lợi không cố tình sáng tạo lối trần thuật khác lạ. Điểm đáng chú ý nhất trong lối viết của anh chính là việc lựa chọn và thể hiện các chi tiết truyện. Phần nhiều, đó là những chi tiết khóc liệt, ám ảnh, éo le.

“Năm 1969, năm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh ở đây nặng nề trôi qua. Càng cuối năm địch càng ra sức đánh phá những vùng giải phóng hai bên sông Thu Bồn. Các con đường lấy gạo hầu như bị bịt kín. Trung đoàn với số thương vong cao và không được bổ sung quân số không đánh được trận nào đạt yêu cầu. Sau mùa mưa các đơn vị chưa biết cách nào để có đủ gạo nuôi sống bộ đội. Trong trung đoàn không có nơi nào mỗi người một ngày được một lon gạo. Tiểu đoàn 9 đóng ở vùng Dùi Chiêng theo báo cáo thì đã hết gạo mười ngày rồi. Ở bệnh xá trung đoàn, nhiều trường hợp cấp cứu được cứu chữa một cách đơn giản: tiêm gluycô vào tĩnh mạch, cho uống nước đường, cho ăn sữa, cho ăn cháo, cho ăn cơm, giữ lại uống hết liều thuốc sốt rét rồi ra viện” (Hai người trở lại trung đoàn, tập 1, tr.196-197).

Truyện ngắn Hai người trở lại trung đoàn gợi lại thời kỳ gian nan chiến chinh mà bất kỳ ai từng kinh qua đời lính không bao giờ quên được. Hay cái chết của người vợ trên căn gác nhỏ phố Khâm Thiên của nhân vật Hải hồi năm 1972 với chiến dịch B52 của Nixon đánh vào thủ đô trong tiểu thuyết Bán Đảo. Những chi tiết trong sự kiện người tản cư đổ dồn về Đà Nẵng khiến dân số tăng lên gấp ba tạo ra bao cảnh trớ trêu, chi tiết anh lính nhận được bọc tiền rồi ăn chơi xả láng đến mức bị đuổi khỏi ngành trong tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng (2016),… và còn rất nhiều chi tiết khác nữa. Trang viết của Thái Bá Lợi dày đặc những chi tiết mà chỉ người trong cuộc mới cảm thấu hết được. Nhưng việc khai thác và sử dụng các chi tiết độc đáo, có khả năng tác động mạnh trong truyện của Thái Bá Lợi không đưa anh đến chỗ cực đoan - ấy là tạo ra các chi tiết phơi bày tính phi nhân của con người - ngược lại chi tiết của Thái Bá Lợi củng cố thêm: dù trong hoàn cảnh khốc liệt và bi thảm như thế nào, con người mà cụ thể là con người Việt Nam đều khẳng định tình người, tình giống nòi thắm thiết.

Nhiều nhà văn phân tích tâm lý nhân vật một cách lạnh lùng, hoặc là phân tích nhân vật như nhà phân tâm mổ xẻ những góc khuất tâm hồn. Với Thái Bá Lợi, nhà văn phân tích tâm lý nhân vật bằng sự cảm thông. Đứng trước các động thái biểu hiện của nhân vật, “tôi” (mà có lẽ chính là nhà văn) cố gắng thấu hiểu những thương tích mà nhân vật chịu đựng để thông cảm cho hành động và nét mặt của họ. Thái Bá Lợi bộc lộ tình cảm nhân đạo với chính những nhân vật của mình.

“Mỗi một con người nhiều khi không ý thức hết được những việc xảy ra đối với mình và những ứng xử của mình sau đó. Thường thường họ phải nhờ những người khác, bằng một lời khuyên hoặc một việc làm giúp họ nhận rõ ra mình. Không phải lời khuyên nào cũng có thể đúng được cả. Vì vậy họ rất dè dặt, thận trọng khi nhận ra một lời khuyên mới. Điều đó gần như một tập quán, mà một tập quán thì ngay đến niềm căm giận mãnh liệt và liều lĩnh nhất cũng chưa hề thắng nổi tập quán, như một nhà văn đã nói. Các nhân vật trong câu chuyện này cũng vậy. Đầu tiên họ bị bất ngờ vì các sự việc vốn rất dễ xảy ra mà họ lại nghĩ nó không xảy ra nữa. Sau những ngày bàng hoàng ấy, họ lại để cho những suy nghĩ cá nhân kéo dài lê thê, mỗi người đều kéo câu chuyện về phía mình, không hề nghĩ đến việc người khác đang nghĩ gì về nó. Chắc rằng có người trong họ cũng muốn quyết đoán một điều gì thật êm thắm và tốt đẹp. Nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa thấy có ai quyết đoán được điều gì” (Bán đảo, tập 3, tr.17-18).

Phần nhiều tác phẩm của Thái Bá Lợi, cả truyện ngắn và tiểu thuyết, anh hay sử dụng ngôi kể ngôi thứ nhất. Ngôi kể này giúp cho nhà văn bộc lộ tâm tư, suy nghĩ kín đáo về tất cả động thái xảy ra trong câu chuyện. Và ngôi kể này cũng cho phép hành động kể như tiến gần đến đối tượng bằng một góc nhìn cận cảnh để khắc họa cuộc đời và tâm tư của họ. Phần nữa, ngôi kể này cũng giúp cho chính bạn đọc đến gần hơn với “hình tượng người kể chuyện”. Và ở cự ly gần, bạn đọc như đang nghe lời thủ thỉ của chính tác giả, phân trần, phơi bày, thổ lộ những ưu tư thời gian và đời sống. Ngôi kể và điểm nhìn trần thuật cũng thay đổi liên tục. Điều này cho thấy nhà văn phản ánh hiện thực qua nhiều chiều hướng khác nhau. Có lẽ nhà văn muốn nhìn nhận cuộc sống từ nhiều góc độ, ngõ hòng phản ánh được chân thực nhất những góc khuất mà lắm khi nếu chỉ nhìn một chiều ta không thể nào khám phá được. Có lẽ vì thay đổi điểm nhìn nên những yêu thương lẫn ngậm ngùi của Mây trong Hai người trở lại trung đoàn, hay chị Tân trong Bán đảo được hiện lên một cách thuyết phục.

Thái Bá Lợi là nhà văn của niềm cảm thông và thấu hiểu!

T.B.Đ

 

[1] Dẫn theo Trần Thái Đỉnh (2005). Triết học Kant. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin, tr.38