Ông Nguyễn Đình An - người anh lớn của những người làm văn hóa đất Quảng
Ông Nguyễn Đình An từng là một nhà hoạt động chính trị, nhà giáo, nhà báo, nhưng nổi bật hơn hết là một nhà văn hóa, bởi ông nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, cống hiến hết mình cho văn hóa, và là mẫu mực về sự ứng xử văn hóa trên quê hương xứ Quảng.
Là người làm công tác văn hóa thuộc thế hệ đàn em, tôi và nhiều đồng nghiệp khác rất kính trọng, nể phục và yêu quý ông Nguyễn Đình An, một bậc đàn anh, một cây đa, cây đề về hoạt động văn hóa trên quê hương đất Quảng thân yêu.
Nghĩ về ông, trước hết tôi nghĩ rằng đó là một trí thức dấn thân. Từ một nhà giáo giảng dạy phổ thông trung học ở thủ đô Hà Nội, tháng 11/1965, ông tạm biệt người vợ chưa cưới để quay về quê hương tham gia đánh giặc. Khi làm phóng viên chiến trường của tờ Cờ Giải phóng thuộc Khu ủy 5, ông tình nguyện đi tác nghiệp ở mặt trận Quảng Đà - một trong những chiến trường ác liệt nhất ở miền Nam. Ông lại về Gò Nổi, cái rốn của bom đạn - “nhất Củ Chi nhì Gò Nổi”. Ông đã bao lần thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, bao lần phải vuốt mắt đồng nghiệp, đồng đội nơi chiến trường. Nhà văn Hồ Duy Lệ kể rằng, trận bom Mỹ ngày 22/5/1972 đã hất tung mình và ông Nguyễn Đình An ra khỏi nơi trú ẩn là một hang đá ở khu căn cứ Hòn Tàu, Quảng Nam, trong khi 10 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngay tại chỗ.
Nghĩ về ông, tôi nghĩ đó là một nhà hoạt động văn hóa có kiến thức sâu rộng, uyên bác, đặc biệt là hiểu biết về mảnh đất, con người, truyền thống văn hóa - lịch sử của quê hương đất Quảng. Khi chạm đến những vấn đề thuộc về văn hóa thì ông luôn say sưa, tâm huyết. Ông và nhà nghiên cứu Thạch Phương là đồng chủ biên của bộ Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng rất đồ sộ với tổng cộng 1845 trang (NXB Khoa học Xã hội, 2010), và tham gia tích cực cùng nhà văn Nguyên Ngọc biên soạn bộ sách Tìm hiểu con người xứ Quảng dày 675 trang (NXB Đà Nẵng, 2005). Nhiều người nhận xét rằng, ông Nguyễn Đình An là một trong số rất ít các vị lãnh đạo viết hay, nói hay, có sức thuyết phục lớn, có khả năng thu hút sự quan tâm theo dõi của người nghe, người đọc. Nếu không chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi thường xuyên thì làm sao ông có được một nội lực văn hoá dồi dào như vậy!
Bên cạnh việc nghiên cứu chuyên sâu, ông còn là một nhà hoạt động thực tiễn văn hóa nồng nhiệt. Thời ông làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1977-1986) là thời kỳ quê hương, đất nước còn quá khó khăn với bối cảnh quan liêu, bao cấp, nhưng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn, triển lãm, thư viện, bảo tàng… diễn ra đều khắp, sôi nổi, tạo được không khí “tuy nghèo mà vui” từ thành thị đến nông thôn. Ông đặc biệt tập trung chỉ đạo gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như nghệ thuật tuồng, dân ca, bài chòi, các lễ hội, trò chơi dân gian... Không phải ngẫu nhiên mà năm 2014, lãnh đạo thành phố Hội An tổ chức trang trọng lễ mừng thượng thọ tuổi 80 và tri ân ông. Nếu như ông Hồ Nghinh, cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, là người có công đầu trong việc bảo vệ khu đô thị cổ Hội An khỏi bị đập phá bởi tư tưởng ấu trĩ, tả khuynh thời mới giải phóng sau 1975, thì ông Nguyễn Đình An là người có công đầu trong việc xác định giá trị và quảng bá hình ảnh Hội An ra cả nước và thế giới. Trên cương vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, ông đã chủ trì Hội nghị quốc gia về đô thị cổ Hội An để từ đó Hội An được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa vào tháng 3/1985; và trên cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông chủ trì Hội thảo quốc tế về đô thị cổ này để từ đó, tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 12/1999; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt vào tháng 8/2009.
Nghĩ về ông, tôi nghĩ đến một nhà chính trị, một nhà hoạt động văn hóa không bảo thủ, không giáo điều, mà ngược lại, có tư duy năng động, sáng tạo, đổi mới. Ví như, một thời gian dài, chúng ta bị câu thúc trong lối suy nghĩ cố chấp, coi Phan Châu Trinh là nhà cải lương chủ nghĩa, là người “lạc lối trời Âu”, nhưng ông Nguyễn Đình An, từ khá sớm, đã không nghĩ vậy. Ông viết hẳn một bài nghiên cứu là “Phan Châu Trinh không phải là một nhà cải lương”. Sau khi nêu ra hàng loạt dẫn chứng đầy thuyết phục, ông nhấn mạnh: “Một con người yêu nước thiết tha đến thế, có trách nhiệm với tổ quốc cao đến thế, can đảm và quyết liệt đến thế, con người ấy không thể, không bao giờ là một người cải lương. Đánh giá Phan Châu Trinh là một nhà cải lương, đó có thể là sự lầm lẫn của một số học giả, nhưng thực dân Pháp, những tên cáo già thống trị thì không như vậy. Chúng luôn xem Phan là một phần tử nguy hiểm phải loại bỏ và vô hiệu hóa” (Tìm hiểu con người xứ Quảng, sđd, trang 589)
Bây giờ thì ông Hồ Nghinh, cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhưng mãi đến những năm đầu thế kỉ XXI, không ít người vẫn coi ông là người nhạy cảm, là thành phần “xét lại”. Ông Nguyễn Đình An vốn từng làm việc bên cạnh ông Hồ Nghinh trong những năm chiến tranh ở Đặc khu ủy Quảng Đà, đã kịch liệt bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng ông Hồ Nghinh là người có tư duy đổi mới và đi trước thời đại chứ không phải là người có quan điểm gì sai trái. Năm 2003, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng, ông chủ trì lễ mừng đại thọ 90 năm tuổi ông Hồ Nghinh, qua đó khẳng định công lao to lớn của nhà cách mạng này. Biết tôi là người chuyên làm phim tài liệu về đất và người xứ Quảng nên năm 2006, ông gợi ý tôi nên làm phim về ông Hồ Nghinh. Nghe ông và được ông hỗ trợ về ý tưởng, tôi làm bộ phim Một tấm gương, một tấm lòng. Bộ phim đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc, và sau đó được phát nhiều lần trên sóng truyền hình quốc gia cũng như truyền hình các tỉnh, thành trong cả nước.
Nghĩ về ông, tôi còn nghĩ đến một nhà hoạt động văn hóa đầy tính nhân văn, sống có đạo lý, nghĩa tình, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội và nhân dân, nhất là những người từng làm việc cùng ông trong những năm kháng chiến ác liệt. Từ ngày về hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc Ban Tuyên huấn Quảng Đà, luôn đau đáu nghĩ về những đồng nghiệp, đồng đội còn nằm lại ở trên các chiến trường năm xưa. Lòng ông đỡ nặng trĩu khi Ban liên lạc phối hợp cùng gia đình, địa phương, cơ quan chức năng tìm kiếm được hài cốt và đưa vào nghĩa trang liệt sĩ nhà báo Trần Văn Anh, diễn viên múa Phương Thảo, các nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, nhất là 10 đồng chí hy sinh khi cùng ông trú ẩn tại Hòn Tàu trong trận ném bom ngày 22/5/1972. Đối với các đồng nghiệp, đồng đội còn lại sau chiến tranh, ông thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ khi có điều kiện, và mỗi khi họ qua đời thì ông đều có những lời tiễn biệt từ gan ruột, chan chứa yêu thương. Khi nhà biên kịch Hồ Hải Học đi xa năm 2017, ông nằm trên giường bệnh vẫn viết bài tiễn bạn: Đi theo ánh lửa từ trái tim mình, trong đó có đoạn: “Học ơi! Chỉ riêng chuyện cách đây nửa thế kỉ, một chàng trai đất Quảng 25, 26 tuổi đã vượt Trường Sơn về với quê hương tuyến lửa trong những ngày mảnh đất này đối mặt với những thử thách dữ dội, sống còn. Hành trình đi theo ánh lửa từ trái tim mình ấy đủ để Học ở thế giới bên kia có thể nhìn lại cuộc đời mình, hoàn toàn thanh thản”. Khi bà Nguyệt Ánh, một nhà tư sản dân tộc, từng bí mật hoạt động cách mạng giữa lòng Đà Nẵng trước 1975, ra đi năm 2015, ông viết bài Người phụ nữ giỏi làm giàu, giỏi làm cách mạng với những tình cảm chân thành, và ông đọc ngay tại lễ truy điệu làm nhiều người không cầm được nước mắt. Khi đọc bài tiễn biệt: Nhớ anh Vĩnh Linh, lắng nghe nỗi buồn của ông, tôi thực sự xúc động và kính phục cả hai nhân cách này. Giáo sư Vĩnh Linh thuộc dòng dõi hoàng tộc và là người Công giáo, hoạt động yêu nước và cách mạng trong lòng đô thị miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Sau giải phóng, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông sống và làm việc một cách say sưa, vô tư, nhiệt thành, nhưng về sau, ông trở nên lặng lẽ, trầm tư, thu mình lại với nhiều nỗi buồn đau. Ông Nguyễn Đình An chia sẻ sâu sắc trước nỗi buồn này qua bài viết nói trên: “Có thể vì sống quá lý tưởng mà cuộc sống lại không như mong muốn nên anh rơi vào hội chứng vỡ mộng… Anh Linh ơi! Đến lúc này tôi mới ngộ ra rằng mình chưa thành tâm chia sẻ và tôn trọng nỗi đau buồn của anh, chưa lắng nghe đầy đủ những nghĩ suy, mong muốn của anh”. Quý thay những tấm lòng, cao đẹp thay những nhân cách văn hóa!
Ông Nguyễn Đình An ra đi để lại một khoảng trống mênh mông trên lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động văn hóa trên quê hương đất Quảng. Tôi nghĩ rằng, trước mắt và trong tương lai gần, khó có thể lấp được khoảng trống ấy. Cầu mong ông thanh thản về miền mây trắng. Những người làm công tác văn hóa thế hệ chúng tôi luôn hướng theo ông với lòng ngưỡng mộ và tri ân.
Đà Nẵng, ngày 20/02/2024
H.H