Thằng Như Cồ

04.03.2024
Phan Nguyên Chi Mai (Lớp 9/1 THCS Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng)

Thằng Như Cồ

Hắn ngồi tha thẩn giữa công viên, lặng lẽ thả những sợi khói thuốc lá nồng mùi qua kẽ tay. Đôi môi thâm, nứt nẻ như bờ ruộng mấp máy vài ba câu không ra hơi, mắt lại đờ đẫn nhìn trời nhìn đất trông kỳ lạ hết biết! Từ ngày cha hắn mất, ngày nào mà hắn không ra ngoài công viên thơ thơ thẩn thẩn. Cái tên Cồ ấy dở dở ương ương, ai cũng tránh mặt và không ngừng bàn tán:

- Cái thằng Cồ ấy, không biết làm cái quái gì mà ngày nào cũng lui tới công viên, không đến công ty hay nhà máy, chả hiểu hắn sống bằng gì.

- Cái thằng lập dị ấy, thanh niên trai tráng đã qua ba chục mùa xuân rồi, mà làm gì không rõ, chưa có vợ con! Nó cũng nên lo lắng cho cuộc sống đi thôi!

Mọi người xung quanh nể tình cha hắn là người đóng góp nhiều cho xã hội, nên mới thật tình khuyên bảo, nhưng hắn không nghe. Hắn vẫn cứ thích nhởn nhơ ngoài công viên, tha thẩn nhìn trời nhìn mây với bao thuốc lá bẹp dí luôn để trong túi quần. Không ai biết hắn đang suy nghĩ gì trong đầu nhưng có một điều: Hắn rất mê văn chương.

Thứ văn chương của hắn thật khó diễn đạt sao cho trôi chảy. Đại khái là vì mê quá, người ta thường gọi là mụ mẫm, mà trở nên lập dị. Hắn thường lang thang nơi công viên để vẩn vơ ngẫm nghĩ nhiều thứ trên trời dưới đất, họa chăng có thần thánh mới đoán được. Rồi hắn lại lủi thủi ở trong một căn hộ cũ xập xệ, kín tiếng, trông lúc nào cũng tối tăm, bẩn thỉu... Hắn có cả một tủ sách, không hiểu hắn đọc ra làm sao mà suy nghĩ trừu tượng lắm, đến ăn nói cũng trừu tượng theo. Có mấy lần hắn đọc sách, càng ngẫm càng thấy hay nên mới tìm người để... ngẫm chung! Mỗi khi đi ra đường, nếu vớ được người nào, hắn hỏi ngay người đó, bởi thế nên hắn mới bị người ta xa lánh.

Những điều hắn suy nghĩ cũng không hẳn là phi lý và tầm phào. Hắn hay trăn trở về những quan niệm sống trong cuộc đời. Muốn tìm người tri kỷ cùng tâm sự là điều dễ hiểu thôi, con người ta đâu ai muốn cô độc. Nhưng mà, thử hỏi xóm hắn, ai cũng đều là công nhân (những con người tất bật với cuộc sống xô bồ) thì đâu có thì giờ tâm sự văn học với một tên quái gỡ? Họ thường bảo: “Đối với một tên như Cồ, càng tránh xa càng tốt!”. Cồ đã quá quen với việc mọi người tránh hắn như tránh tà, và những người xung quanh cũng quen với những hành động quái đản của hắn. Nếu vậy thì thật tội nghiệp cho hắn. Một tấm lòng hăng say cháy bỏng với văn chương, với nghệ thuật lại bị bỏ rơi. Và chỉ vì hắn không suy nghĩ chung một tầng số với số đông mà người đời lại nghĩ hắn là kẻ quái dị, lạ lùng và gán cho hắn những biệt danh mà chính hắn cũng bắt đầu nghi ngờ tự hỏi...

Cồ ngồi thơ thẩn ở công viên như thể là đang suy tư. Hắn nghĩ thiệt thòi cho hắn chán rồi, lại ngẫm về văn học. Hắn nhận thấy, như cách một bác sĩ khám bệnh cho người khác, văn học hiện nay thực sự có “vấn đề”. Văn chương soi bóng mỗi thời đại, một thời đại riêng có những vấn đề, con người rất riêng. Người cầm bút thời nay xoay quanh những mẩu chuyện tối tăm của xã hội hoặc tôn vinh những tấm gương nhân cách tốt đẹp. Nhưng thế đã là gì, cũng giống như thời đại trước những năm 1975, mà rõ ràng thời đại nay rất khác những năm trước, vậy nên, cần có sự khác biệt! Nét mới riêng biệt tìm đâu ra chẳng thấy. Cồ nhận thấy trong cách sáng tạo nhân vật, các cây bút vẫn chưa thể hiện được hình mẫu của con người thời đại và nêu ra những vấn đề về bản chất chung nhất. Nếu không chứng tỏ được con người và những vấn đề thời đại thì văn học chưa hoàn thành được sứ mệnh. Nghĩ được vậy, nhưng nghĩ thôi thì làm được gì? Bản thân hắn cũng đắn đo về đề tài này, loay hoay mãi trước giờ vẫn không tìm được khái niệm rõ ràng của “con người thời đại” và làm sao để đưa nó vào trong mỗi tác phẩm. Khó thật đấy, phải chăng con người thời đại là những người lo toan công việc làm ăn như mọi người trong xóm hắn? Hay là những người có nhận thức đúng đắn kịp thời như chính bản thân Cồ đây? Hoặc phải chăng là những con người khác nữa thoát khỏi phạm vi một khu phố chật hẹp?

 Nghĩ hoài nghĩ mãi nát cả óc mà hắn vẫn chưa ngộ ra được thứ gì! Chưa có ai tiên phong cho một nhận thức mới về sự đổi thay thời đại ư? Thêm vào đó là những con người vô tâm như bọn người nhiều chuyện ở xóm hắn, chỉ bận tâm những công trình kiến trúc, nào có tha thiết gì về công trình nghệ thuật của chữ viết đâu? Rồi văn học nước nhà sẽ lụi tàn mất! Không thể! Làm sao hắn có thể mặc kệ chuyện lớn như vậy? Hắn phải ra tay! Đúng rồi, Cồ phải ra tay cứu vớt lại văn chương! Hắn phải viết sách! Nếu không tìm ra chân lí về con người thời đại để học tập theo, thì hắn phải tiên phong một phong trào mới! Đúng rồi, hắn phải viết sách!...

Nghĩ là vậy, nhưng giờ hắn cũng giống những nhà văn kia thôi, làm gì có ý tưởng, mà cũng đâu phải là một nhà văn thực thụ, chỉ là một kẻ nghiệp dư say đắm văn học! Yêu thích, hăng say là thế nhưng cũng chẳng thể góp chút sức nhỏ nhoi thay đổi thời thế. Hắn thấy sự vô dụng tại nơi hắn. Hắn chính là kiểu người biết tỏng việc nhưng chẳng có năng lực làm, đành bất lực nhìn niềm tin yêu đến thời tàn…

Hắn tựa cái mặt đầy mụn ghẻ và rám nắng lên đôi bàn tay thô ráp có những chiếc móng vàng khè. Ngồi thế một hồi, hắn đưa tay vào túi móc ra gói thuốc, đốt lên rồi đưa lên bờ môi thâm. Suy nghĩ càng nhiều, hắn hút càng nhiều. Điếu này nối đuôi điếu kia, hơi hắn hít hà như thấm luôn vào phổi, vào gan mà chả cần phải nhả khói. Tiếng ho khụ khụ phá tan không gian. Tàn thuốc rơi xuống đất, nhanh chóng rã ra, theo gió cuốn bay thành bụi.

Ở ngoài công viên mệt rồi, Cồ về phòng trọ. Căn phòng tịch mịch chỉ có hắn và đống sách ngổn ngang. Hắn hoài tiếc nhìn đống sách, ánh mắt hắn dịu lại và đượm buồn. Hắn đang tiếc thương nền văn học nước nhà, mà biểu tượng là đống sách ấy. Bỏ mặc mọi thứ, Cồ nhảy lên giường ngủ, nằm lăn lộn, tiếp tục suy nghĩ:

“Chỉ có ta dám không quản khó khăn theo đuổi văn học. Nếu không phải ta, sẽ là ai trên đất nước này cải tiến tình hình văn chương thời đại mới của nước nhà? Sẽ không có ai cả. Chỉ có mình ta thôi! Thế nên ta phải viết! Dẫu cho không biết gì đi chăng nữa! Ta phải viết!”.

Rồi hắn ngồi bật dậy, va vào bàn.

“Đúng rồi! Không biết thì phải học! Ta sẽ học tập từ từ, luyện chữ, luyện cả tinh thần, luyện cả câu từ... Sau đấy viết! Phải rồi, ta phải cố gắng mới có được thành tích! Ăn không ngồi rồi nỗ lực ảo thì làm được cái khỉ gì? Đúng rồi! Sách đâu? Ta phải học! Không biết viết gì thì ta cứ viết hết những gì ta nghĩ! Càng nhiều càng tốt, để người đời nhìn nhận vấn đề theo nhiều góc! Phải viết! Phải viết!...”.

Thằng Cồ mở mấy cuốn sách ra và hăng say đọc. Rồi hắn cầm bút loay hoay viết. Những câu từ lủng củng, đọc lại chẳng hay. Hắn xé bỏ tờ giấy. Hắn hút điếu thuốc. Thuốc khiến câu chữ hắn ổn định hơn, nhưng không đúng ngữ pháp. Hắn lại xé bỏ tờ giấy. Hắn lại hút điếu thuốc. Hắn tìm tòi ý trong đống sách. Hắn lại tập viết. Sai thì gạch chữ. Bí thì hút thuốc. Cáu quá thì xé giấy. Mực nhợt thì chấm mực. Viết. Vẫn viết. Trời tối mịt. Bụng đói cồn cào. Cứ mặc kệ. Hút thuốc đủ no. Vẫn viết. Viết...

Đã thành bản năng, mỗi lần suy nghĩ là một lần hút. Chẳng mấy chốc mà gạt tàn đã đầy thuốc lá. Hắn ho khụ khụ. Nhưng hề gì, hút thì đầu óc minh mẫn, hắn mới viết được. Những ý nghĩ tuôn trào và chảy xuống ngòi bút theo dòng mực...

Hắn viết ngày qua ngày. Đôi khi đói quá thì uống đại ly cà phê hay miếng bánh mì. Giấy bản thảo của hắn nhiều lên, tỉ lệ thuận với số thuốc lá mà hắn hút. Càng hút ho càng nhiều, nhưng hắn không ngừng được. Ngày qua ngày, mùi thuốc lá hăng đầy trong phòng, kính bám đầy bụi mờ của khói...

- Dạo này bà có thấy mặt thằng Cồ không? - Một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác trong xóm.

- Thằng Cồ ất ơ nào thế? - Người đàn bà thắc mắc hỏi lại.

- Cái thằng nghiện thuốc lá hay ngồi ghế đá công viên, rất quái dị ấy!

- Ừ nhỉ, không thấy nữa, đã lâu rồi chưa thấy mặt nó. Không biết nó ở xó xỉnh nào rồi.

- Chả lẽ chết dí ở trong nhà ấy?

- Bà lại nói đùa! Đi xem thử liền biết. Ghé qua nhà nó chút, xem như là hàng xóm quan tâm nhau.

Hai người đàn bà rủ nhau sang phòng trọ của hắn, không phải đơn thuần là tình làng nghĩa xóm, mà chỉ để thỏa cái đam mê hóng hớt chuyện đời. Gõ cửa mãi không được, nhưng cửa không khóa, nên hai người bèn vào bên trong. Căn nhà bừa bộn, hăng mùi khói thuốc, tối om, chỉ có ánh sáng từ cái đèn bàn ở tận trong phòng ngủ. Hai bà lò dò tới, thấy thằng Cồ nằm bất động trên bàn. Bàn làm việc nhỏ mà dàn trải đầy sách, còn ngổn ngang giấy trắng và giấy đã viết, lộn xộn bút viết, dưới chân lại bừa bộn đống giấy vo viên. Thằng Cồ gục đầu trên bàn, nhếch nhác và cơ thể bốc mùi thuốc lá. Tay hắn vẫn cầm mãi một cây bút, đầu bút nghiêng thấm đẫm mực lên giấy, che mất cả chữ. Mấy bà nghĩ là hắn đang ngủ nên lặng thinh, tiện tay vớ đọc mấy tờ bản thảo một chút. Ồ, cái thằng như Cồ mà viết hay quá! Giọng văn và đề tài hắn viết có gì đó rất riêng, thâm sâu và cao thượng lắm, nhưng hay thế nào thì mấy bà hóng chuyện không thấu hiểu nổi. Tuy thế, cái cách hắn sử dụng câu từ vẫn chứng tỏ phần nào thực lực của hắn, và những thứ ấy luôn thôi thúc các bà đọc tiếp. Không ai ở đấy ngoài hai bà và Cồ nên chẳng ai nói cho hai bà biết: Bộ dạng thích thú đọc những trang văn bây giờ của hai bà rất giống với Cồ, rất giống hành động mà mọi người cho là kỳ quặc. Hăng say đến hết mấy trang bản thảo, mấy bà mới nhìn lên tường và phát hiện những trang báo dán sẵn, đều là của hắn viết! Hóa ra hắn là một người viết báo, chứ không phải là một kẻ lơ đễnh, ăn không ngồi rồi như người đời vẫn nghĩ... Mấy bà nhìn nhau, chợt thấy thẹn trong lòng, rồi một bà lay lay vai Cồ:

- Dậy đi Cồ! Ngủ mà không khóa cửa, nguy hiểm lắm.

Nhưng hắn không trả lời bà ta. Hắn không những im thin thít mà còn bất động nữa. Hai bà nhìn nhau kinh ngạc, mặt hơi tái xanh. Đánh liều một cái, sờ tay thằng Cồ. Lạnh ngắt...

Thằng Cồ ra đi vì bệnh phổi, để lại những trang bản thảo còn dang dở. Trong những phút giây cuối đời, hắn có thể đã là một người tiên phong cho văn chương thời đại mới, hoặc chỉ đơn thuần là một nét người tiều tụy vì mê đắm văn học.

P.N.C.M