Đọc tự truyện của Phan Đức Nhạn

04.03.2024
Trung Trung Đỉnh

Đọc tự truyện của Phan Đức Nhạn

Tự truyện Ong rừng của tác giả Phan Đức Nhạn.

Tôi vốn là người mang sẵn tính cực đoan, kể từ thời nhỏ, thích cái gì, yêu cái gì, muốn cái gì cũng cứ theo đuổi bằng được. Ngược lại, gặp ai, cái cảm giác ban đầu mà có gì đó gợn lên trong lòng không ưa, không thích, thế là y rằng, ngay sau đó và đa số mãi mãi, ít khi lấy lại được thăng bằng. Nhớ cái năm nào ở trong Sài Gòn, tôi được ông anh nhà văn Thái Bá Lợi rủ đến một quán bia hơi gặp người bạn thân của anh, anh bảo, tay này “đặc sệt” chất Quảng. Nghe thế là tôi đã khoái vì mấy anh em chúng tôi lính trại viết Khu V, sống chết lập thân lập nghiệp trên đất Quảng từ hồi ở mãi trên rừng xanh núi đỏ Trà My, nước Oa, nước Ồ, nước Mỹ, như sống và chiến đấu trên quê hương mình nhiều năm. Bữa bia đó không có gì đặc biệt, nhưng về rồi, mấy ngày sau tôi cứ bị ám ảnh mãi câu chuyện giữa anh Lợi và anh bạn mới, là Phan Đức Nhạn một kỹ sư xây dựng hay giao thông gì đó, không hề viết văn làm thơ, nhưng rất am hiểu người trong giới nghệ thuật miền Trung Trung Bộ, thậm chí rành rẽ từng người.

Trong câu chuyện vui của hai anh hay nhắc đến cá tính đặc biệt của mỗi người, chú Phan Tứ có đặc điểm ghi chép tỷ mẩn, mỗi lần đi xuống cơ sở đang ngồi làm việc với anh chị em du kích mà có cô nào cậu nào hay ho hay cười hay nói lái, nói lảng thế nào thì cũng được “vào ngồi” trong sổ tay của chú ngay. Cũng thế, cái tính hay quên của nhà văn Nguyễn Chí Trung hồi trong rừng chiến khu bây giờ còn được các anh chị truyền lại đến tức cười. Lối yêu đương hồi đó rất đặc trưng, đặc biệt. Người yêu tặng quà cho người yêu mà phải phục kích, đón lõng ở trong đường rừng để tặng nhau một cuốn Điều lệ Đảng mà nghe anh Phan Đức Nhạn kể do anh thu gom được qua tiếp xúc với các chú các anh, anh cũng không “tha”. Các anh hay nhắc đến các nhà văn Chu Cẩm Phong, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung và một số các anh khác nữa một cách thân thiết và nể trọng. Đó là các tên tuổi ở Quảng Nam Đà Nẵng mà tôi đã được sống chung và yêu quý vô cùng. Tôi mê Phan Đức Nhạn ngay bởi cái kiểu nói về những bậc tiền bối mà không hề có sự quá lên, chỉ đơn giản giống như họ đang ở đâu đó quanh chúng ta vậy. Từ đấy chúng tôi kết với nhau, thỉnh thoảng Nhạn rủ tôi theo anh về quê chơi, tất nhiên các chuyến đi ngược về quá khứ đều có anh Lợi, anh Ngọc và anh Hồ Sĩ Bình, cô cháu Phạm Bích Tuyết yêu quý. Bích Tuyết là một cán bộ biên tập và kiêm cái việc rất quan trọng là thư ký cho chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà Văn miền Trung và Tây Nguyên ở Đà Nẵng. Hơn hai ba năm nay nhà thơ Hồ Sĩ Bình, cô cháu Phạm Bích Tuyết và “đại ca” Thái Bá Lợi “quần nhau” với Phan Đức Nhạn xung quanh cái bản thảo dày cộp, nặng cả vài ký với một nội dung sâu nặng ân tình không thể đo đếm được. Tôi bảo cho tôi đọc ké với, anh Lợi bảo không, khi nào hoàn chỉnh thì cho phép. Và nó đây, vì mắt tôi không được khỏe nên phải nhờ cô cháu gửi bản mềm đọc trên máy tính, phóng chữ to lên… để tôi đọc, đọc đi rồi đọc lại, mỗi lần chạm vào sự kiện nào đó, tên anh chị em du kích nào đó mà tôi có dịp qua lại gặp gỡ làm quen, làm thân nhiều năm nay ở xã Bình Dương tôi đều ngưng lại, hình dung lại, suy nghĩ và chiêm nghiệm lại. Tôi rất kinh ngạc hôm mới rồi về Bình Dương với anh Nhạn, tình cờ gặp anh Tư đi họp đâu đó về.  Một người nhỏ thó, nhanh nhẹn được anh Nhạn giới thiệu đã trên bảy mươi tuổi, bị thương 6 lần, mất hai phần ba một lá phổi, vậy mà bây giờ vẫn còn công tác mặt trận, vẫn chuyện trò rang rảng và vẫn “làm vài ly” với chúng tôi. Sự thực sức sống, sức chịu đựng của con người quả thực là bất tận và kỳ lạ thật. Đến Bình Dương bây giờ ta vẫn gặp mấy ông bà du kích năm xưa, kể chuyện chiến đấu năm nào như kể chuyện mới hôm qua. Đọc tự truyện của Phan Đức Nhạn không gặp bất cứ dòng nào với giọng kể lên gân, với lối viết cầu kỳ, với sự tích được tô vẽ ly kỳ mà toàn sự kể mộc mạc chân tình. Một cậu thiếu niên cùng chúng bạn được cách mạng chuyển từ vùng chiến sự ác liệt bậc nhất giữa thời chiến tranh khốc liệt nhất của miền Trung ra hậu phương để được đi học để sau này về phục vụ quê hương. Về quê hương sau chiến thắng chung của đất nước, sau những nỗi đau mất mát quá lớn của gia đình, tôi không muốn kể ra nhắc lại ở những đoạn viết này nữa, vì  không bao giờ kể ra đủ, nguôi ngoai được...

Đọc tự truyện hay đọc hồi ký với tôi luôn ở trạng thái khác xa đọc truyện hay tiểu thuyết. Nó vấp phải sự suy xét nghiêm ngặt giữ những con chữ với sự thật! Theo tôi tự truyện là thể loại văn học có một “thế đứng” riêng, nó không phải là hồi ký, không phải là ghi chép kiểu “có gì viết nấy” như trước đây một vài người có quan niệm thô sơ vậy. Vì theo họ, sự thật, sự kiện đã diễn ra quá độc đáo, quá hay, chỉ cần ghi chép lại thật đúng là đủ tuyệt vời rồi. Vâng, có thời người ta gọi nhà văn là “thư ký” của thời đại là vậy. Nói thế không sai, quan niệm thế cũng không sai, nhưng càng ngày nó càng biểu hiện cái sự chưa đủ và chưa đủ có nghĩa là chưa hoàn thiện, chưa hoàn thiện tức là chưa hoàn hảo. Văn học thời nay không có sự hoàn hảo, bởi sự hoàn hảo do các cụ cổ điển đã làm hết cả rồi! Nói như vậy, có nghĩa là, mỗi thời văn học có vai trò của nó. Nó, thời “bốn chấm không” phải tự nó vận động, không chịu dừng lại ở cái nghĩa cụ thể là hiện thực như trước nữa. Nó cũng không còn coi thể loại này hay thể loại kia có khuôn mẫu định hình theo các ước lệ thế nào đó do các nhà lý luận phê bình nâng lên đặt xuống với các chức năng này nọ cho “có vấn đề” nghiêm trọng. Không được thiếu tính này tính kia, không được bỏ qua định hướng này nọ! Nói một cách khác, văn học thời nay không còn chỉ do các nhà văn được thiêng liêng hoá sáng tạo ra như trước đây. Người viết không còn phải gánh vác các chức năng, các nhiệm vụ lớn lao và hoành tráng nữa. Họ được giải phóng, được tự do yêu ghét, không lệ thuộc vào các tiêu chí định hướng có sẵn. Danh hiệu nhà văn không còn là một cái gì đặc biệt. Cái gọi là mực thước đối với công việc sáng tạo nghệ thuật, viết văn không còn là độc quyền của một tổ chức hay cá nhân nào đó đủ tài lực quy định cho các cây bút được gọi là “nhà văn tự do”, một thuật ngữ mới nhưng có lẽ nó sẽ rất cũ nhanh thôi. Nhà tự truyện Phan Đức Nhạn, người viết viết theo cảm xúc của mình. Buông ra rồi tự thấy phải gom lại, đọc lại, lần mò, tìm kiếm, nghe ngóng và tiếp tục khám phá: Đọc, ngừng, nghĩ/ đọc, ngừng, nghĩ, bởi tác giả viết ngay từ chữ viết ra đầu tiên của thiên tự truyện này đã được hình thành từ nhiều năm trước, nó đau đáu hình thành bởi được nuôi dưỡng bằng một nguồn năng lượng không thể nói chung chung là lòng yêu quê hương đất nước. Hơn thế nữa, nó được cái ý chí đặc biệt do sự mất mát ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ thiên tài nào tưởng tượng ra. Chiến tranh thật khốn nạn! Nói thế cũng không bao giờ đủ. Chỉ có tội ác của chiến tranh mới đủ tàn bạo giết hàng loạt người từ các gia đình vô tội, từ các làng quê khao khát yên bình. Chiến tranh trên đất nước này đã qua, nhưng nó luôn luôn trong trạng thái bị đe doạ. Phan Đức Nhạn viết không bị chi phối bởi cái này kia khác nọ. Anh viết, anh kể về mình, gia đình mình, quê hương mình một thời chiến tranh, một thời hoà bình, đơn giản vậy và quyết không phải sách công cụ, sách giáo dục dạy dỗ, hay để “rút ra bài học” mà đây chỉ đơn giản là “Tự truyện” không có các thứ động lực ngoài nào xâm chiếm được bút lực tự thân nên đến khi đọc tôi thấy nó có tất cả!

Mới đây, Phan Đức Nhạn đưa ra một dự án có tên giản dị là “Vườn Mẹ”, một dự án khởi đầu bằng tấm lòng của một đứa con, bằng ý tưởng phi lợi nhuận chỉ là để làm được một khu “vườn mẹ” với sự  góp nhặt, tích tụ các vật chứng, các di sản văn hóa và di sản lịch sử của đất mẹ, không màng danh lợi, không màng theo đuổi các nhà “mạnh thường quân” ghi danh góp công, xây tượng đài cho họ với danh nghĩa này nọ. Hãy tỉnh táo con ong rừng thông minh và tự tin vào dân mình xưa đã kiên trung giờ càng vững bước đi trên con đường đầy hoa lá cành đến “vườn mẹ” thơm lừng hương thơm quyến rũ. Đọc xong cuốn tự truyện và đọc xong dự án “vườn mẹ” tôi tự thấy mình phải xem lại mình. Viết cả chục cuốn sách, được người ta gọi nhà này nhà nọ, bây giờ đọc Phan Đức Nhạn thấy trong cuốn tự truyện Ong rừng hội đủ cả các cái chất tinh hoa của nghệ thuật viết. Từ ngày chơi với anh đến giờ, chưa khi nào tôi thấy anh tự xưng mình là nhà văn nhà thơ. Cũng chưa bao giờ thấy anh có nguyện vọng vào hội này hội nọ. Cuốn sách đề thể loại “tự truyện” không lụy hình thức và nội dung. Cánh cửa luôn luôn mở rộng. Nó không ngừng làm thỏa mãn người đọc ở mọi giới, mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Cái đích luôn luôn ở phía trước và tác giả không bao giờ chịu ngồi im với những gì mình viết ra. “Tự truyện”, theo tôi là một thể loại văn học, một thể loại văn học nghiêm khắc trước hết đối với người viết, người kể, bởi đó là một dạng văn học “phi hư cấu”.

Có một nhà văn đàn anh lập luận với tôi rằng, đã viết văn mà lại còn “phi hư cấu” thì sao được gọi là văn học? Vâng đúng thế, tôi nhất trí cao sau khi đọc cuốn tự truyện Ong rừng này, tôi thấy tác giả không hề có ý định viết văn. Thành công lớn nhất của nó chính xuất phát từ điểm này. Ong rừng và người viết tự mình nắm chắc được cái tôi, tác giả xác định ngay từ đầu là viết trước hết cho mình, làm kỷ niệm với gia đình, dòng họ làng quê, đồng chí, đồng đội. Phan Đức Nhạn tự lấy tiêu chí cho lòng mình là phải trung thực. Kể về thời chiến tranh để tố cáo tội ác chiến tranh. Kể về thời bình với những bươn bả quăng quật “lên bờ xuống ruộng” và con “Ong rừng” Phan Đức Nhạn lúc nào cũng khát khao xây tổ ấm cho đời.

T.T.Đ