Bài học không có giáo trình

04.03.2024
Nguyễn Vĩnh

Bài học không có giáo trình

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Năm ấy cả nhà tôi lìa xứ, tản cư để tránh những tràng bom dữ. Nhà mới của gia đình tôi trên bãi cát trắng, hướng ra cánh đồng nhỏ. Hàng xóm một ít người cùng quê, một ít người từ Huế vào. Hết thảy cột kèo dựng nhà đều bằng gỗ thông, lợp tôn, phên vách thì giấy và giấy. Nhà nào khá giả, mới có bộ phên ván mua từ cơ sở phế liệu. Người lớn trong nhà, trăm người như một phải đi làm thuê để mưu sinh qua ngày.

Cha tôi vào làm thuê cho hãng nào đó dưới phố. Mẹ tôi chuẩn bị cơm từ sớm, 4 giờ sáng cha ăn vội bữa sáng, xong tay xách gamelle cơm ra đi, có khi tối mịt mới về. Giờ đó tôi và chú em đã dậy học bài, thuộc hay còn ngập ngợ thì trước 6 giờ cũng phải ăn cơm để tới trường. Công việc cha tôi xem ra thu nhập èo uột, chắc vậy nên mẹ tôi làm thêm cái nghề khá nặng nhọc kiếm sống. Nghề bán nước mắm. Những ngày tôi học tiết sau hoặc buổi chiều, mẹ không ngần ngại nhờ tôi gánh giúp gánh mắm, qua các bờ ruộng mấp mô để ra quốc lộ:

- Nào trai cả đâu, giúp mẹ gánh mắm lên đường cái, rồi về lo đi học.

- Dạ, mẹ để con. - Tôi tập gánh gồng từ nhỏ, nên chẳng chút ngại ngần.

Đôi quang gánh mẹ tôi lại tảo tần ngày này qua ngày khác, quảy nắng hoàng hôn quê người, quảy cả những vạt nắng trưa chang chang cát nóng.

Chú em tôi sắp xong cấp tiểu học. Chú vẫn học cuốn sách toán của soạn giả Trần Bửu tôi chuyển giao. Sau bữa cơm sáng, trường gần nên chú em đi bộ tới lớp, còn tôi trèo lên chiếc xe đạp cắm cúi phóng vào tận Cẩm Lệ, nơi có mái trường Trung học công lập Hòa Vang bề thế thời bấy giờ. Năm ấy, gần ba nghìn sĩ tử dự thi đầu vào lớp Đệ thất, Vinh gáo tôi điểm cao thứ ba tính từ trên xuống, trong số sáu trăm trò trúng tuyển. Hôm tôi mang kết quả này về nhà, cha cứ xoa đầu tôi mãi, dường như cha phấn khích lắm nhưng không nói ra.

Những năm đầu trung học, năm nào tôi cũng khoe cha “bảng danh dự”, hay phần thưởng là ram vở “xích lô”. Cha vui. Bước vào năm Đệ tứ cha không còn thấy hai thứ ấy nữa. Cha biết đường học vấn của tôi có vấn đề, nhưng là người tinh tế cha dõi theo trong im lặng. Thỉnh thoảng cha giở chồng vở trên bàn kia, để kiểm tra kết quả học hành của tôi. Còn tôi, tự mình dẫu không muốn vẫn phải biến đổi đến chóng mặt. Tôi hôm nay phủ định tôi của hôm qua mà.

Thể hiện quy luật này, tôi nhớ mình đã tập tọe múa bút làm thơ. Bài thơ đầu tiên trong đời có tên: Vô đề.

Bàn tay hư vô về biển khơi

Xô sóng trào dâng đến tuyệt vời

Sóng cả tàn dần em đứng đó

Trần truồng e lệ bãi chiều khơi.

Bạn bè trong lớp, ngoài lớp đọc khen rầm rầm, tán tụng là hiện tượng “anh hoa phát tiết” thời hoa niên vậy. Ngày đó tôi đọc sách như người phát cuồng, đêm chong đèn dầu nằm đọc, sáng ra mũi đóng khói đèn thành hai cục muội đen hắc gớm chết. Thấy tôi ngọ ngoạy, manh nha muốn làm các nhân vật
Lệnh Hồ Xung, Quách Tỉnh, Dương Quá... múa may Độc cô cửu kiếm chán, lại vù vù múa Giáng long thập bát chưởng. Cha tôi khuyên hãy thôi đọc kiếm hiệp.

Vâng lời cha, tôi chuyển sang đọc sách văn học. Vẫn là cách đọc ngấu nghiến của một gã tham lam. Ngốn ngộn để rồi chịu ảnh hưởng của rất nhiều tác giả: Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, JPaul Sartre, Faulkner... nhưng có lẽ nhờ thế, tôi bắt đầu viết thơ và truyện ngắn thành tập. Đại loại thơ thì viết thế này:

Chiều đang cơn bão xuống rừng

Chiều rừng núi nhuộm nét ngoài

quan san

Gieo em thước ngọc rắt hàng

Thì đau đứt ruột vỡ đàn tồn lưu…

(Bão rừng)

Truyện ngắn viết tay trên giấy học trò, viết nhăng viết cuội cho đỡ thèm, hoặc là viết để giải tỏa năng lượng đang ứ nghẹn trong lòng, cảm xúc cứ thế ùa ra đến mức không kiểm soát và chẳng có bố cục lớp lang gì. Ví dụ:

Những ngày hạ tuần biển động... và triều đang lên theo trăng hâm ba thật muộn. Đầu ghềnh, tiếng thét ầm ì của con sóng vỗ bờ.

Chợt ta muốn gầm rú như loài hoang thú tiền sử. Ta bẻ nhành hoa hồng đánh vào mặt trời, nhưng sẽ thương trái đất. Ta cầm con dao đi tìm cha đẻ loài người. Gặp Phật cười rằng: Bạo động là kẻ thù của núi.

...Bỗng thèm khóc lớn, thèm nguyền rủa. Lúc gió sớm đưa ta vào du lãng, ngoái lại sau lưng còn thấy nhớ nhung in hằn trên nếp trán rêu phong!

(Vết hằn)

Một hôm đi học về, thấy cha ngồi ở bàn học đang đọc các trang viết của tôi. Chờ tôi thay áo xong, cha gọi tôi lại gần rồi hỏi:

 - Con đói bụng không?

- Dạ đói, tôi thật thà trả lời.

- Bây giờ cha cho con ang lúa giống, hãy đem gieo sạ để có cơm ăn, con nghĩ sao hả? Hỏi xong cha nhìn tôi chờ đợi.

 - Dạ... tôi ngần ngừ, con đành cảm ơn rồi đi lục cơm nguội thôi.

Nghe tôi nói vậy, hai cha con cùng cười. Dứt cười cha thủng thẳng:

- Thế đấy, một tư tưởng hay một bài thơ mất nhiều thời gian sau người ta mới hiểu được, thì sự hiện diện của nó bây giờ có ý nghĩa gì chứ.

Quá trình hình thành tính cách một người rất dài, chi phối từ nhiều ảnh hưởng khác nhau. Chân lý về vấn đề nhận thức của cha tôi thật đơn giản: Hãy truyền đạt thông qua ngôn ngữ những lời dễ hiểu, nếu bạn không muốn người nghe, người đọc quay lưng. Tiếc thay, xem chừng tôi đã và đang là cậu học trò kém cỏi của cha tôi.

Những bài học của cha vẫn luôn vậy. Bất kỳ người cha nào trên trái đất cũng đảm nhiệm vai trò người thầy đầu tiên, dạy con mình tính cách làm người. Bài học ấy giảng giải mọi lúc mọi nơi, chẳng tuân theo giáo trình cụ thể nào.

* * *

Vinh gáo là biệt danh lũ trẻ lớp Ba gắn cho, do đầu của tôi phía sau nhô ra như cái gáo dừa. Cách gọi tên kèm phụ danh của bọn nhóc dành cho nhau thời nào cũng đáng yêu, có khi kéo dài đến tận già. Năm tôi học Đệ tứ có thêm mật danh: Ngọc. Bí số: F1.

Nhận mật danh, mật số làm tôi thấy mình quan trọng hẳn, dẫu nó ngắn ngủi vỏn vẹn chỉ có 3 năm.

Một chiều mùa hè nhà vắng cả, tôi đang cày bài tập toán thì anh Quang từ Đà Nẵng đến tìm (Bốn Quang là con trai thứ tư của bác cả tôi, vừa ở tù Côn Đảo về). Hai anh em bắc ghế ngồi trước hàng hiên chuyện trò.

- Con đầu chú hai tham gia “ba sẵn sàng” rồi nằm lại ở bản Tống Cói, xã Ba (Đông Giang bây giờ), em biết chưa? (Chú hai anh đang nói là gia đình bác hai tôi).

- Dạ biết, hồi đó em còn ở quê mà.

- Ừm, nhưng chú hai và thằng con trai thứ tư mất thì chắc em không biết.

- Ren mất anh? Tôi sửng sốt thực sự.

- Chú hai đi công tác, qua truông Chẹt bị Mỹ đồn Chóp Nón phục kích. Thằng bốn Trưng dính pháo chụp đồn Thường Đức trước cửa hang Thạch Lục. Anh Quang giọng chậm rãi như đang tâm sự. Sau Hiệp định Genève, chú hai bị Việt Nam Cộng hòa nhốt tù
3 năm, mãn tù trở về khổ nhục sống dưới sự quản thúc dài hạn. Năm sáu mươi tư chú lại ra hoạt động, tới năm sáu mươi tám chú dính đạn của những người lính Mỹ đến từ bên kia địa cầu. 

Câu chuyện lặng đi một lúc. Tôi chợt hiểu cái “khổ nhục kế” bác hai đã nói ngày nào. Bác hai tôi đã ung dung sống khổ nhục để chờ đợi. Tôi nghĩ cha tôi biết điều anh Quang vừa nói, nhưng cha chưa muốn cho tôi biết mà thôi. Có thể cha lưỡng lự, trước nguyện vọng chọn ban C rồi vào Văn khoa của tôi, hoặc là một chàng trai tuổi mười lăm không nhất thiết phải biết tất tần tật. Cha tôi thường vẫn vậy. Sông càng sâu càng tĩnh lặng. Người càng biết nhiều càng kiệm lời.

- Em giờ lớn rồi, hãy tham gia vào sự nghiệp thống nhất nước nhà. Anh Quang tuồn tuột một hơi, như đoán rằng tôi sẽ không từ chối. Địa bàn hoạt động chiến đấu của em ngay tại vùng ven thành phố này. Nội dung công việc do Thanh giao liên truyền đạt, qua hộp thư chết em chọn lựa.

- Đại để là công việc chi rứa anh? Tôi tò mò.

- Đa dạng, như là rải truyền đơn kêu gọi kháng chiến. Vận động người có tình cảm với cách mạng tham gia vào đội ngũ. Chúng ta đang vận dụng triệt để phương châm “Hai chân ba mũi” mà. Dừng chút anh nhìn tôi nói tiếp: Em định bố trí hộp thư liên lạc chỗ nào, đã nghĩ ra chưa?

- Sau lưng miếu Ba Cô, trước tượng Phật Hòa Mỹ, anh thấy được không?

 - Sao phải chọn chỗ này?

- Miếu này gần đường lại xa dân cư, tiếng đồn linh thiêng lắm người sùng tín tấp nập hương khói ngày đêm. Một chốn như vậy sẽ thuận tiện cho việc giao nhận anh ạ. Tôi trả lời.

- Ừ, hàng tuần em ghé qua vờ thắp hương, thấy có ký hiệu thì ra phía sau tìm kiếm. Nguyên tắc hoạt động đơn tuyến, ai làm người ấy biết. Em làm tổ trưởng của tổ này, nhưng thật cần hỗ trợ mới huy động đội viên. Mật danh, bí số là mật khẩu liên lạc nội bộ, chỉ ba người trong tổ biết. Em phải ghi nhớ kỹ nguyên tắc này nhé.

Nắng vàng trải xiên xiên trên cánh đồng nhỏ trước nhà, cái nắng hầm hập của cát trắng cũng không còn gay gắt. Anh Quang đã về Đà Nẵng lúc lâu, tôi vẫn còn ngồi bâng khuâng một mình. “Chiến tranh là cuộc đấu tranh vũ trang có tổ chức, giữa các đơn vị chính trị đối kháng”. Tôi đứng vào hàng ngũ những người đấu tranh vì hòa bình, thống nhất như lẽ tự nhiên. Bởi chỉ có con đường này, mới không còn bom rơi đạn nổ, không còn cửa nát nhà tan. Chỉ có con đường này, Tổ quốc thân yêu mới vẹn nguyên hình chữ S. Từ nay, chuyện tù tội và sống chết của tôi dễ như sấp ngửa bàn tay, chẳng giống trò chơi trận giả náo nhiệt của tuổi lên mười ngày nào.

Ông bà xưa có câu: “Có công có chuyện thì lo/ Không công không chuyện ngáy kho kho”. Từ lúc trở thành F1 do anh Quang tổ chức, tôi lo lắng thật sự. Trước đây hàng ngày phóng xe đạp tới trường, viên cảnh sát đứng ở ngã Ba Huế chẳng mảy may làm tôi bận tâm. Sáng nay chưa xuôi hết con dốc dài, tôi đã đưa mắt quan sát trạm gác, không thấy có biểu hiện nghi ngờ mới rẽ phải đi qua. Tới trường, vào lớp tôi ít nói hẳn. Nơi đó, chỉ có nụ cười và đôi mắt lá răm lúng liếng của con Nga đen, mang tới cho tôi bình yên. Còn lại tôi cảnh giác với tất thảy, người tôi căng ra dò tìm tín hiệu không an toàn chung quanh. Bạn chắc đã từng nghe thành ngữ: “Cẩn ngôn vô tội, cẩn tắc vô ưu” chưa? Sự cẩn trọng luôn mang lại lợi ích. Cẩn thận lời nói thì không mắc lỗi lộng ngôn. Việc chuẩn bị kỹ càng thì không lo phiền não.

* * *

Ra Hòa Khánh được vài ba năm, cha tôi tìm cách “quy điền”. Cuộc sống ở phố chừng như không phù hợp với người thích ung dung tự tại như cha. Một lão nho có tài năng, lúc nào cũng muốn: “…Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no…”. Hoặc cha “quy điền” còn có mục đích khác, nhưng cha tôi vốn kín miệng không dễ chi nghe được nhiều.

Cha trở về làng Hà Tân, ở trọ nhà người quen. Mỗi sáng chiều cha tôi đi nhờ ghe người này người khác, khứ hồi xuống đồng Quy Bắc phát hoang gieo trồng. Lâu lâu rỗi vụ cha ra thăm nhà, đem theo những con lươn câu được ở sông suối to bằng bắp tay, đen thui trông phát sợ. Những dịp như vậy, mẹ lại hí húi làm mỳ Quảng lươn ngọt xợt. Bọn trẻ tôi ngon miệng ăn no tức bụng.

Mẹ tôi vẫn giữ nghề buôn gánh lâu nay. Gánh mắm của mẹ xem ra đã có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. Thực ra tôi hay bất cứ ai, không dễ vẽ bức chân dung về mẹ hoàn chỉnh. Tôi chỉ có thể vắn tắc, giới thiệu với bạn như thế này: Mẹ tôi sinh ra trong gia đình khá giả, nhưng tuyệt nhiên không được cắp sách tới trường. Giữa thập niên năm mươi của thế kỷ trước, ngoài tuổi hai mươi mẹ mới ôm vở theo lớp bình dân buổi tối. Mẹ gặp cha (giáo viên bình dân học vụ), ông tơ bà nguyệt xe duyên hai người thành đôi cho đến bây giờ. Từ ngày mẹ tôi khăn gói theo chồng rồi làm mẹ, cái thiên chức vĩ đại (làm vợ, làm mẹ) khiến cho mẹ không còn phút thảnh thơi. Tấm chăn có nhãn hiệu “Tam tùng, tứ đức” quấn kín đời mẹ, gói chặt những buồn vui bận bịu, toát ra hạnh phúc xen lẫn đớn đau.

Bạn đã bao giờ ngồi thử vẽ chân dung mẹ hay chưa? Bức tranh có thể chưa đẹp, dẫu mẹ chúng ta luôn rất đẹp. Đẹp hơn mọi phụ nữ trên đời.

Còn tôi trong vai nhân vật F1, nhiều phen toát mồ hôi lạnh. Lần thứ nhất  ghé miếu Ba Cô vào buổi chiều sắp tàn, khi lom khom cắm hương thì nhìn thấy ký hiệu liên lạc. Tôi khựng người, phập phồng thở gấp vì hồi hộp. Trông trước ngó sau không thấy gì khả nghi, tôi vòng ra sau miếu xóa ký hiệu trên tảng đá, lật lên cầm lấy xấp truyền đơn giấu kỹ vào lưng.

Đêm đó chẳng tài nào chợp mắt được, tôi loay hoay tìm phương án vẹn toàn nhất cho ngày mai. Phương án nào cũng đối diện với hiểm nguy. Quanh tôi là dân vệ đoàn, cảnh sát chìm cảnh sát nổi, liên gia ấp trưởng, an ninh… đông như kiến cỏ. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi đã manh nha ý định bỏ cuộc, nhưng rồi tự xấu hổ thầm: “Nếu đã là con đường của bạn, bạn phải tự bước đi. Người khác có thể đi cùng, nhưng không ai có thể bước thay bạn”. Đúng vậy, tôi phải tự bước đi thôi.

Hôm sau chờ đêm xuống, tôi phóng xe đạp lòng vòng các làng Đa Phước, An Ngãi để rải những tờ truyền đơn nho nhỏ. Việc trót lọt, trở về nhà tôi vẫn còn run, nửa mừng nửa sợ.

 Nghe tới đây bạn có thể bĩu môi, phán một câu xanh dờn:

 - Đồ thỏ đế.

Bạn nổ hơn, có khi còn chê bai không tiếc lời:

 - Đồ nhát gan, đã vậy còn cà kê dê ngỗng.

Mặc cho các bạn chế giễu thế nào, tuổi mười lăm lần đầu hoạt động đơn tuyến trong vùng tạm chiếm, cảm giác lo sợ nung cháy cả người. Khi an toàn trở về ngôi nhà tuềnh toàng của mình, tôi thở phào nghiệm ra rằng: “Muốn thành công bạn phải chiến thắng nỗi sợ hãi thất bại”. Người ta vẫn nói “Vạn sự khởi đầu nan”, quả thực không sai chút nào.

Khi tôi làm công việc rải truyền đơn lần hai, lần ba, lần n… sự dạn dĩ đã quay trở lại. Thực hành giúp tôi ngày càng dày dặn kinh nghiệm. Nhiều bạn cùng trang lứa ngày đó nổi tiếng gan lì cóc tía, chắc chắn cũng từng vất vả tự chiến thắng mình, trước khi góp phần hiển hách vào chiến công chung.

 Một hôm Nguyễn Cương ở Đại Lộc ghé nhà. Cương tầm tuổi tôi tóc tai khét nắng, vừa chào hỏi chưa kịp rót nước đãi khách đã nghe Cương thầm thì:

- Cháu là Long, F2. Chú đang gặp khó khăn chi rứa?

Tôi giật nảy. Cương là cháu ngoại trong gia tộc gọi tôi bằng chú, nhưng mật danh bí số hắn vừa trưng ra đâu dễ tin ngay được.

- Long và F2 là ren hè, tôi chưa hiểu.

- Mấy ngày trước chú báo cần hỗ trợ, sáng nay Cương được lệnh đến giúp.

Đúng là tuần trước qua hộp thư liên lạc tôi có gửi yêu cầu hỗ trợ, nhưng sự xuất hiện đột ngột của Cương, không khỏi làm tôi bán tín bán nghi.

- Anh càng nói tôi càng chẳng hiểu tẹo nào.

- Nguyên tắc cảnh giác không thừa, Cương cười vui vẻ. Chú cần giúp đỡ chi, ta bàn luôn kẻo trễ.

- Tau mới nhận được ít thuốc nổ, (tôi đã tin hắn là F2 thật, nên bộc bạch), nhưng phụ kiện kèm theo không có, không biết phải sử dụng ren đây.

- Chú có được chi rồi?

- Tầm vài lạng thuốc và một kíp nổ.

- Dùng acid kích hoạt. Cương giọng thành thạo, chắc nịch. Acid phản ứng với bạc tạo nhiệt, đốt cháy thuốc ở kíp phát nổ.

- Mi chắc không?

- Chắc như đinh đóng cột. Cương lại cười.

Bài hóa học thời trung học này thì ai cũng biết. Acid sulfuric đậm đặc (H2SO4) ăn mòn kim loại, nhưng nó có thể kích hoạt kíp nổ thì tôi mới nghe lần đầu. Hai đứa phân công nhau chuẩn bị: Tôi chạy chợ mua acid, thằng Cương lội quanh bờ bụi tìm nhặt lon sữa, hộp cá vương vãi cần dùng.

Đó là một ngày đáng nhớ. Nhà tôi vắng tanh như chùa Bà Đanh. Cha tôi đã về lại Hà Tân mấy ngày trước, mẹ tôi gánh mắm ra đi từ sớm, chú em tới trường. Ngôi nhà nhỏ của tôi biến thành phòng thí nghiệm cho hai kỹ sư trẻ (bất đắc dĩ). Thằng Cương rót acid vào vỏ lon cá hộp, canh đồng hồ theo dõi phản ứng vừa hỏi nhỏ:

 - Mục tiêu chú chọn đánh lần này ở mô, gần hay xa?

 - Tau định đánh cái trạm gác ở ngã Ba Huế. Tầm cuối chiều trạm canh này bỏ trống, chỉ cần nổ ngay chỗ viên cảnh sát vẫn đứng hàng ngày, nhất định sẽ tạo được tiếng vang xôn xao có lợi.

 - Đồng ý. Thằng Cương gật gật đầu. Thường từ đây đến đó, chú đi mất bao nhiêu phút?

- Gần mười phút, tôi cân nhắc ước lượng.

Nắng chiều đã tắt phía núi xa. Mẹ và em tôi lần lượt về nhà. Cương nhìn tôi nháy mắt ra hiệu. Hai đứa dắt xe đạp ra đường. Qua nghĩa địa trống trải, Cương giao tôi chiếc hộp bọc kỹ trong giấy báo, kèm lời dặn dò:

- Trái nổ đã được hẹn giờ, chú bảo quản cẩn thận không được rung lắc nghiêng đổ. Tới nơi, hai đứa vờ như đang nghịch, cởi xe đạp dí nhau quanh trạm canh. Chú áp sát đặt hộp này vào, xong chạy vài vòng ngụy trang nữa là mình chia tay. Chúng ta có ba mươi phút tính từ bây giờ, chú nhớ hỉ: ba mươi phút.

Chẳng rõ Đà Nẵng hôm ấy có sự kiện quỷ quái gì, đã chập choạng trạm kiểm soát này vẫn chưa nghỉ, lại còn được tăng cường một tổ quân cảnh lô nhô mũ sắt. Tôi chột dạ, dừng xe ở cuối dốc. Nguyễn Cương nói nhỏ:

 - Đi tự nhiên, chạy quanh vài vòng nghe ngóng tình hình rồi tính.

Hai đứa vòng phải vào Hòa Phát, rồi ngoặc lại vòng xuống Thanh Khê. Tổ quân cảnh và cảnh sát sắc phục đang kiểm tra, sục sạo các loại xe ra vào rất kỹ. Chưa biết hoạt động bất thường này kết thúc lúc nào. Sự cố đột xuất nằm ngoài tiên liệu của đôi bạn.

- Một ngày không vui vẻ xí mô. Cương đạp xe chầm chậm bên tôi làu bàu. Thời gian sắp hết rồi, chú tìm mục tiêu khác hoặc đành bí mật hủy nó (trái nổ) thôi. Ta chia tay ở đây. Chúc F1 chú thành công.

Đạp xe quay về qua ngã ba Phú Lộc, tôi rẽ ngang vào đường ray tàu hỏa, tìm cái cống nhỏ kín đáo gửi trái nổ ở lại. Trên đời có hàng trăm trường này lớp nọ, nhưng ta vẫn luôn nhận được những bài học chưa từng hiện diện trong bất kỳ giáo trình hiện đại nào. Ví dụ: Dùng acid sulfuric thay thế, để chế tác mìn hẹn giờ là bài học như vậy.

Ba năm sau tôi gửi lại phố “mật danh, bí số”, cùng với quãng đời học trò dễ thương để lên rừng, khoác cho mình bộ quân phục và chiếc mũ tai bèo xanh lá. Tôi lại học từ đồng đội bài học vô cùng quý báu: Cái này (sẵn sàng) mất đi, cho cái khác hồi sinh.

Đó chính là quy luật đánh đổi. Hòa bình, thống nhất càng không thể là món quà tặng miễn phí, như lời gièm pha đâu đó. Tôi chẳng rườm rà tranh luận đúng sai với ai. Một câu ví von tuyệt hay, rằng: “Con người khi tích lũy đủ sâu thì tự nhiên sẽ có lòng biết ơn và trân trọng. Như bông lúa tự cúi đầu khi trĩu hạt”.

Chuỗi bài học mỗi người tiếp nhận trong cuộc đời (rất nhiều bài học không có giáo trình). Khác biệt ở độ sâu tích lũy, chính là sức chiêm nghiệm và độ thẩm thấu mà thôi.

N.V