Một thoáng vườn quê

04.03.2024
Dân Hùng

Một thoáng vườn quê

Cách đây chưa lâu, người viết có dịp đi thực tế một số địa điểm “nông nghiệp - nông thôn” của thành phố, một phần vì nhớ về “một thời khuyến nông” ngược xuôi ruộng vườn, cỏ cây vùng nông thôn Đà Nẵng mà mình đã từng gắn bó, một phần vì muốn gặp lại những người nông dân một thời “đồng cam cộng khổ” với mình trong những năm tháng “bám vườn - lội ruộng” để lắng nghe tâm tư, trăn trở của họ. Hai mươi năm rồi, theo thời gian người còn người mất, những người còn lại đa số cũng đã cao tuổi, trong khi thế hệ kế cận ngày càng hiếm.

Điểm đến đầu tiên là vùng chuyên canh rau La Hường, thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Có thể nói, đây là một mô hình “nông nghiệp trong lòng phố” khá điển hình, một vùng chuyên canh rau “có tên tuổi” đã lâu của Đà Nẵng nằm ven sông Cẩm Lệ với khoảng hơn 50 hộ dân tham gia sản xuất, trong đó có hơn 20 hộ chuyên canh. Đây là vùng rau tập trung, được Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng khá tốt với hệ thống đường bê tông nội đồng kết nối các vườn rau cùng hệ thống thủy lợi và hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn như Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm, Chi cục Nông nghiệp…

Hằng năm, La Hường cung ứng khoảng 500 tấn rau sạch cho thị trường thành phố Đà Nẵng. Các loại rau củ quả ở vườn đa dạng về chủng loại, từ các loại rau ăn lá như mồng tơi, rau cải, rau lang, rau muống cho đến các loại củ quả như mướp, dưa leo, khổ qua, bầu, bí… Hiện sản phẩm rau sạch La Hường được các thương lái thu mua tiêu thụ một phần ở các chợ đầu mối, số còn lại được bà con nông dân bán tại các chợ.Trước đây Hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm và bán tại điểm rau quả sạch ở chợ Cẩm Lệ nhưng hiệu quả không cao, do chưa thể tự cạnh tranh để có chỗ đứng trên thị trường, số lượng khách hàng ghé mua không nhiều. Một số “lão nông tri điền” ở La Hường tâm tư rằng: “Khó khăn nhất của người trồng rau ở đây là đưa rau ra thị trường”. Ở thời điểm hiện nay, Hợp tác xã cũng chỉ tuyên truyền, vận động để các hộ dân thực hiện theo quy trình sản xuất rau an toàn, còn đầu ra tiêu thụ là do các hộ dân “tự bơi” là chính. Trong khi đó, nghề trồng rau không phải dễ dàng gì, nhất là trồng rau an toàn, rau sạch. Người nông dân phải vất vả từ khâu chọn giống, phòng trừ sâu bệnh, đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt và còn canh cánh nỗi lo đầu ra cho sản phẩm. Người ta ví sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất rau quả là “xí nghiệp ngoài trời” quả là không sai và vùng rau La Hường cũng không là ngoại lệ. Với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng rau, những tháng mưa thì hầu như không canh tác được, còn vào mùa hè, nắng nóng cao độ, nước sông Cẩm Lệ đã có những thời điểm nhiễm mặn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm cung cấp cho vùng rau…

Một yếu tố nữa cũng làm bà con lo lắng là lực lượng lao động kế cận, lớp trẻ bây giờ hầu như vắng bóng trên đồng rau, để gọi là “người kế nghiệp” của mỗi nông hộ giờ đây có thể nói là cực hiếm và đa số cũng không mấy ai mặn mà với nghề truyền thống của gia đình. Bà con tâm tư, lỡ có đau ốm, bệnh tật, già yếu là có nguy cơ bỏ đất hoang. Cũng đã có một xã viên trẻ dự định khởi nghiệp bằng mô hình “Cửa hàng sinh thái”, có trang facebook mang tên “Rau quê”, một mô hình kinh doanh rau củ an toàn kiểu mới mà ở đó trọng tâm là các cửa hàng nằm ngay tại vùng  rau, nơi khách có thể tiếp cận một cách dễ dàng để trải nghiệm, thu hái các loại rau cho gia đình, qua đó gia tăng tính trải nghiệm cho khách hàng đối với việc mua rau củ cho gia đình cũng như tăng tính minh bạch của nguồn rau, của thương hiệu, từ đó chiếm được lòng tin của khách hàng đối với hệ thống các cửa hàng bán rau củ sau này, khi nó mở rộng sâu vào nội thành. Bạn xã viên trẻ này cho biết, sau khi hình thành, “Cửa hàng sinh thái” này sẽ triển khai bán voucher rau theo tháng và chỉ phục vụ các khách hàng mua voucher, không phục vụ khách lẻ. Bằng cách làm này sẽ chủ động, tối ưu được nguồn lực về nhân sự, cơ sở vật chất còn hạn chế của mình, giúp giảm chi phí, giảm giá cho khách hàng (dự kiến giảm 10% cho khách hàng khi mua voucher), chăm sóc khách hàng tốt hơn và đem đến nhiều giá trị cho khách hàng hơn. Đây cũng là địa điểm trải nghiệm của học sinh các trường trong thành phố, đến đây các em có thể được chứng kiến cảnh trồng trọt, chăm bón rau và có thể trực tiếp thu hoạch sản phẩm dưới sự giám sát của thầy cô hoặc phụ huynh…Ý tưởng là vậy nhưng để thực hiện cần có sự thống nhất các xã viên của Hợp tác xã và nhất là của ban lãnh đạo trong việc phối hợp, chia sẻ vì lợi ích chung của mỗi xã viên, qua đó khẳng định thương hiệu, uy tín của Hợp tác rau La Hường.

Điểm đến thứ hai mà người viết “mục sở thị” là mô hình chuyên canh rau tập trung có diện tích 4,5 ha tại thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang với sản phẩm đầu tiên là bí non lấy trái. Có thể nói đây là mô hình thể hiện sự phối hợp của “4 nhà”: Nhà nông, Nhà doanh nghiệp, Nhà nước và Nhà khoa học (khuyến nông). Giống bí non này được cung cấp bởi một doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Hải Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi (“Vua tỏi”) và cũng chính là đơn vị bao tiêu sản phẩm. Mô hình được sự chỉ đạo, quan tâm của huyện Hòa Vang và Ủy ban nhân dân xã Hòa Khương, hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm. Đặc biệt, Bí thư huyện ủy Tô Văn Hùng đã trực tiếp xuống chỉ đạo và cắt băng khai trương mô hình, đồng thời đặt tên thương phẩm cho sản phẩm bí non mang tên “Bí Oa-Qua”. Đây là một loại rau quả giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chương trình hợp tác này thực hiện chuyển đổi cây trồng để hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây bí “Oa-Qua” trên diện tích 2 ha; theo đó trực tiếp có 3 hộ nông dân tham gia sản xuất, chăm sóc, thu hoạch và bán sản phẩm theo hợp đồng ký kết.

Việc thí điểm mô hình hợp tác với Công ty Cổ phần Hải Đảo Lý Sơn để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bí
“Oa-Qua” nhằm phát huy tiềm năng đất đai, nâng cao hiệu quả canh tác, tiến tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm đặc trưng tại xã Hòa Khương. Với cách làm khép kín này, người trồng có thể yên tâm về cả đầu vào và đầu ra. Có 2 trong số 3 nông dân tham gia mô hình là nông dân từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) xuống thuê đất làm, chỉ có một hộ duy nhất là “nông dân gốc”. Điều đó cho thấy, tình trạng thiếu lao động tại các vùng sản xuất chuyên canh và rộng hơn là tại địa bàn nông nghiệp - nông thôn của Hòa Vang nói riêng, Đà Nẵng nói chung, là một bài toán nan giải cho những ai quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp của thành phố.

Một chuyến thực tế “bỏ túi” chưa thể miêu tả hết bức tranh toàn cảnh về nông nghiệp - nông thôn của Đà Nẵng nhưng qua đây cũng có thể thấy được phần nào thực trạng nông nghiệp - nông thôn của thành phố nhìn từ góc độ sản xuất và tiêu thụ nông sản, cũng như thực trạng lao động hiện nay. Thiết nghĩ, cần có một hướng đi mang tính “liệu cơm gắp mắm” trong bối cảnh hiện nay, trong đó tập trung vào ứng rộng tiến bộ kỹ thuật với công nghệ không đòi hỏi nhiều lao động, ưu tiên chất lượng hơn số lượng và trên hết là hệ thống phân phối, bao tiêu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra để người nông dân yên tâm sản xuất, người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm của chính quê hương mình.

D.H