Đi cùng Cảnh sát biển

04.03.2024
Mai Hữu Phước

Đi cùng Cảnh sát biển

Đoàn văn nghệ sĩ chụp ảnh kỷ niệm với Cảnh sát biển.

Đang làm việc thì tôi nhận được thông tin nếu có thể tham gia chuyến đi thực tế sáng tác cùng Cảnh sát biển 2 thì trả lời gấp… Tôi in giấy mời của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 vừa được chuyển qua zalo từ nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng và gặp lãnh đạo đơn vị trao đổi. Vậy là cắt phép lên đường.

Xách ba lô lên tàu đi cùng cảnh sát biển

Qua thông tin từ nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, cùng đi với tôi trong chuyến đi thực tế sáng tác này có nhạc sĩ Nguyễn Hào Quang, hội viên Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng.

Khi tôi còn loay hoay thu xếp công việc chưa kịp gọi cho nhạc sĩ Nguyễn Hào Quang thì anh đã rất nhiệt tình gọi điện cho tôi. Vậy là hai anh em vạch ngay ra lộ trình và thống nhất thời điểm lên đường để kịp có mặt theo như tinh thần ghi trong giấy mời. Chúng tôi hẹn nhau lên đường vào buổi sáng.

Đúng hẹn, anh đón tôi đi cùng bằng ô tô riêng của anh. Chúng tôi hăm hở lên đường. Trong hành lý mang theo của anh có cây đàn bầu sạc điện gấp gọn. Còn trong hành lý của tôi mang theo có một máy ảnh Canon 80D. Đó là những công cụ hỗ trợ chúng tôi tác nghiệp 10 ngày trên con tàu sắt lênh đênh giữa biển Đông bao la…

Đến nơi, chúng tôi liên lạc với Trưởng Ban Tuyên truyền, Phòng Chính trị của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và được hướng dẫn gởi xe, lên tàu. Tàu mang số hiệu 4038. Đây là con tàu sẽ đưa chúng tôi đi dọc biển miền Trung từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (Bình Định).

Lên tàu, chúng tôi nhận bảng tên đeo, trên bảng tên có ghi số phòng ngủ và phòng ăn. Hai chúng tôi nhanh chóng đi cất đồ đạt và thấy vài anh em văn nghệ Quảng Ngãi, Bình Định và lực lượng chức năng, liên ngành từ các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung cũng đã có mặt. Nghe nói có một số tham gia chuyến đi, vì bận việc nên sẽ đến muộn vào buổi chiều hoặc sáng sớm hôm sau trước giờ tàu nhổ neo rời bến.

Bữa ăn trưa, chúng tôi được bố trí ăn ở tàu bạn. Đây là con tàu vừa cập bến sau một chuyến hải hành suốt 15 ngày trên biển. Tàu của chúng tôi đang bận tập kết lương thực thực phẩm, nước uống và một lượng nước khổng lồ đủ dùng cho sinh hoạt trong suốt 10 ngày cho gần 70 người, gồm chiến sĩ và khách mời.

Buổi tối, chúng tôi dự chiêu đãi ở nhà ăn của Bộ Tư lệnh. Sau bữa cơm tối, được mời lên hội trường họp để phổ biến cơ bản về kế hoạch di chuyển và một số quy định trên tàu. Chúng tôi nhận được thông báo không được sử dụng bia rượu trong suốt chuyến đi. Đối với vài người thì đây quả là một tin… buồn.

Bình minh ở biển mát mẻ, khoan khoái, dễ chịu. Gió nhẹ, tiếng sóng như khúc ru êm đềm vọng về từ đại dương bao la. Mặt trời nhô lên từ biển trong hiền hòa và rạng ngời soi rọi ánh sáng muôn nơi. Sau hàng loạt khẩu lệnh kiểm tra tàu, chỉ huy đi thăm hỏi khách ở các phòng. Tàu nhận lệnh nhổ neo rời bến cảng trong tiếng sóng reo vui và trong tiếng máy nổ của tất cả các động cơ đang dần được khởi động và tăng tốc rời bến. Chắc nhiều người cũng như tôi, lòng đang hăm hở reo vui như tiếng sóng đang dào dạt vỗ hai bên mạn tàu.

Thoáng chốc, tàu đã xa bờ. Qua khung cửa tàu chỉ còn thấy trời và biển mênh mông một màu xanh ngát. Vài người có biểu hiện say sóng. Riêng tôi từ nhỏ ở vùng biển, nhiều đêm theo bạn con nhà chủ tàu ra ngủ đêm trên biển để giữ tàu. Có lần, vì quá tò mò và muốn trải nghiệm chuyện say sóng như thế nào, nên xin đi theo tàu đánh cá ra khơi xa, nơi còn không thấy đâu là bờ bến trên con tàu nhiều lúc lắc lư, chao đảo vì sóng gió. Vì vậy mà tôi cũng khá quen với chuyện sóng nước. Không biết có phải nhờ sự “rèn luyện” này hay nhờ vào thể chất mà tôi chưa lần nào bị say sóng mỗi khi có dịp lênh đênh trên biển cả. Do nghề chính là bác sĩ nên tôi mua mang theo một ít thuốc chỉ để cho những anh em xung quanh khi cần. Vui vì được chia sẻ với nhau trong chuyến đi. Nhờ vậy mà 6 anh em từ các địa phương khác nhau được ở cùng một cabin sớm gần gũi và thân thiện với nhau.

Nhiệm vụ trên đường dọc biển miền Trung

Trong chuyến đi 10 ngày, khi qua hải phận của từng tỉnh thành nhiệm vụ của cảnh sát biển trong đợt này là phối hợp với các ban ngành chức năng như Biên phòng, Kiểm ngư, Mặt trận của tỉnh, thành đó kiểm tra việc chấp hành các quy định khi đi đánh bắt xa bờ. Nhìn chung, mục đích kiểm tra là để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt Luật biển, không đánh bắt thủy sản ngoài vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài việc phát tờ rơi tuyên truyền, tặng cờ Tổ quốc, những tàu đánh cá nào chấp hành tốt còn được tàu cảnh sát biển tặng cho một thùng quà động viên tinh thần.

Tàu Cảnh sát biển

Nói thì nghe đơn giản, nhưng qua quan sát vệ tinh mỗi khi có tàu trong khu vực cần kiểm tra, sau khi tiếp cận trong khoảng cách gần thì tàu có hiệu lệnh dừng lại, phát lệnh thả thuyền cao su xuống bên hông tàu trong chòng chành sóng biển và đôi lúc gió thổi mạnh tạo ra va đập giữa thuyền cao su và thân con tàu sắt. Hai cảnh sát biển mặc áo phao gọn gàng được thả xuống theo thuyền để thực hiện sự kết nối giữa thuyền và con tàu mẹ. Những người tham gia thực hiện nhiệm vụ đều phải mặc áo phao và lần lượt từng người leo qua một chiếc thang dây để xuống thuyền. Đôi lúc sóng lớn và gió thổi mạnh xô thuyền cao su lệch qua một bên, người đu thang dây lơ lửng, đong đưa trên không bên hông tàu đang chòng chành trông thật mạo hiểm không khác gì cảnh trong các bộ phim trinh thám. Mỗi chuyến thuyền cao su chở được từ 5 đến 6 người. Thường thì thực hiện 2-3 chuyến cho đủ các thành phần. Phóng viên các báo đài đăng ký đi theo tác nghiệp và các văn nghệ sĩ đăng ký đi theo thâm nhập thực tế và trải nghiệm để cho tác phẩm có hơi thở của cuộc sống.

Thời của 4.0, nên đi hôm trước thì hôm sau tin bài và hình ảnh đã lên báo, lên sóng phát thanh truyền hình. Các đường link trên báo mạng và youtube được chia sẻ cho nhau. Những khi tàu đi sát hoặc dừng nghỉ gần các đảo thì bắt được sóng 3-4G nên có thể nghe xem và đọc tin tức trên các báo mạng. Bên cạnh đó, tranh thủ nhắn tin liên lạc với gia đình và bạn bè.

Phần lớn thời gian di chuyển giữa trùng khơi bao la nên nhiều khi cả ngày, điện thoại cá nhân mất sóng liên lạc hoặc sóng quá yếu để có thể thực hiện được truy cập. Anh em văn nghệ thường tếu táo với nhau: Ở trên sóng nhưng luôn lo mất sóng…

Đối với những người làm nhiệm vụ trên sóng nước thì giờ nghỉ là giờ của riêng mình. Họ dò sóng để liên lạc với gia đình. Với các chiến sĩ độc thân thì liên lạc với người yêu. Mọi người bảo đùa đó là giao ban ca hai với đất liền. Những khi không bắt được sóng liên lạc thì đúng là quay quắt và không gì buồn hơn. Ngày đầu lên tàu phát hiện ra điều này, tôi làm bài thơ “Mất sóng” đọc tặng các chiến sĩ trẻ cùng cười vui:

“Có những đêm buồn vì mất sóng

Không thể “giao ban” với đất liền

Mong em thấu hiểu tình ta nhé!

Bao la trời biển nhớ triền miên…”

Những ngày cùng đi, cùng ăn, cùng ở với Hải đoàn 21 trên tàu, chúng tôi mới thật sự hiểu được sự gian nan, vất vả của những người lính cảnh sát biển khi thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự trên biển và bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam. Cuộc sống lênh đênh sóng nước và thường xuyên xa đất liền, xa nhà đòi hỏi nghị lực, lòng quả cảm và sự hy sinh thầm lặng của từng người khi mang trên mình trọng trách mà Tổ quốc giao phó.

Kết thúc chuyến đi, các văn nghệ sĩ và báo chí đã cho ra đời 57 tác phẩm. Trong đó có 7 bài hát, gần 10 bút ký văn học, đa số là thơ, tin bài, báo chí và truyền hình. Được như vậy cũng đã là sự nỗ lực lớn trong những ngày lênh đênh sóng nước. Có người gần như vật vờ bởi sóng trong suốt chuyến đi vẫn cứ cố gắng cho ra tác phẩm của mình để kịp góp cùng mọi người.

Lòng thầm nghĩ, điều còn ngưng đọng lâu dài với tất cả khách mời tham gia chuyến đi là những tình cảm mà lực lượng cảnh sát biển trên tàu đã rất ưu ái để cùng nhau hoàn thành công việc của mỗi người. Riêng tôi, đó là những ngày trải nghiệm thú vị và đầy cảm xúc. Lâu rồi, tôi gần như không có sáng tác gì. Trong chuyến đi và qua chuyến đi tự nhiên cảm xúc ùa về như gió lộng của đại dương bao la để ngồi trước bàn phím viết ra một điều gì đó ngợi ca vẻ đẹp của biển trời Tổ quốc và những người lính cảnh sát biển…

M.H.P