Rừng, truyền thuyết và tiểu thuyết

04.03.2024
Lê Thị Hường

Rừng, truyền thuyết và tiểu thuyết

Tiểu thuyết Thương ngàn của Nhà văn Vĩnh Quyền.

Máy ảnh không rời tay khi vào rừng, tôi lại cảm phục giới xem chim thuần túy, birdwatchers. Họ lẩn vào xanh lặng ngắm chim trời với sự hỗ trợ sơ khai, ống nhòm. Dồn năng lượng sống vào cuộc kết nối trực tiếp trong khoảnh khắc giữa người và tự nhiên. Lưu ký hình ảnh, âm thanh, cảm xúc đều trông cậy ký ức của chính họ”. Đây là một trích đoạn trong bút kí Mây trắng hồi quang của Vĩnh Quyền, nhà báo, nhà văn viết nhiều, viết lạ về môi sinh, luôn khám phá và ứng xử với tự nhiên “theo lối cộng sinh để tìm ra những điều đẹp đẽ kì diệu”. Sự thành công của một tác phẩm không phụ thuộc vào cuộc đời của nhà văn. Tuy vậy, những gì chung quanh cuốn tiểu thuyết Thương ngàn đều hắt bóng một trí thức nghệ sĩ yêu rừng, một birdwatcher, “thõng tay vào rừng” theo triết lí thuận tự nhiên.

Như những cuốn tiểu thuyết trước đây của Vĩnh Quyền, câu chuyện “thương ngàn” được kể từ ngôi thứ nhất. “Tôi”, những mảnh “tôi”, đều là hóa thân của một con người đam mê rừng, “ở rừng nhiều hơn ở nhà”.  Rừng là tất cả, là nơi chốn đi về, nguồn cảm hứng bất tận của Vĩnh Quyền, một trí thức nghệ sĩ lãng tử lang thang hoài trong tự nhiên và trong những trang văn, kể cả trong vô tận với mênh mông hồi ức, với hiện tại đầy khát vọng và dự cảm tương lai. Cái tôi nhà văn phân thân, san sẻ chỗ này chỗ khác, độc thoại, đối thoại, đối thoại trong độc thoại, tất cả chỉ để nói cho hết nỗi “yêu rừng”. Rừng là hơi thở thổi lộng suốt bề dày, bề sâu của cuốn tiểu thuyết ngắn chưa đến 200 trang, nhiều mạch ngầm với lối viết đa giọng điệu.

Thương ngàn là cuốn tiểu thuyết đan xen nhiều thể loại (trinh thám, kiếm hiệp, truyện đường rừng, truyền thuyết, khoa học viễn tưởng, biên khảo chúc thư...) được lắp ghép linh hoạt. Kết cấu truyện thay đổi uyển chuyển với hai mạch truyện song song nhưng ziczac, đan bện theo hồi ức đồng hiện và liên văn bản. Câu chuyện về rừng liên quan đến người Katu với truyền thuyết Mùa săn máu đan xen với câu chuyện của “tôi” và dự án “phục hồi những cánh rừng nguyên sinh”; của Vy về thiên thạch, về The Big Rip; của những người trí thức về hôn nhân, tình yêu, công việc, niềm đam mê khám phá và sáng tạo. Từ hai trục chính, cuốn tiểu thuyết phân nhánh với lối ghép mảnh tự nhiên, có núi lở, rừng cháy, những sườn đồi hoang trọc, nguy cơ bị tuyệt chủng của động vật hoang dã; có những tin tức thời sự như Rào Trăng; có lịch sử, khoa học viễn tưởng; những rối rắm của tình yêu... Tất cả được kể bằng giọng nhẹ nhàng, điềm đạm thoáng chút dí dỏm kín đáo.

Lời của nhà khoa học nữ Sylvia A. Earle được dẫn ngay đầu tác phẩm (“Phần còn lại của thế giới tự nhiên có thể tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại mà thiếu phần còn lại của thế giới tự nhiên”) cho thấy vấn đề nhà văn quan tâm là vấn đề môi sinh. Nhưng sinh thái chỉ là một mảnh trong nhiều mảnh ngổn ngang đa dạng của đời sống được Vĩnh Quyền đưa vào một cách tự nhiên. Thương ngàn không chỉ là thông điệp cảnh báo môi trường, tác phẩm nới rộng hơn bởi nhiều mảnh ghép ngoại biên. Có thể thấy xuyên suốt các mảnh truyện - lịch sử, môi trường, khoa học viễn tưởng, dòng tộc Huế, tộc người Katu, đất đai và đền bù, tình yêu, hạnh phúc - là hạt nhân triết lí thuận tự nhiên.

Lần ngược về quan niệm của Trang Tử: “Mỗi người, mỗi vật đều có tánh tự nhiên của riêng mình, nếu biết thuận theo thiên tính đó thì hạnh phúc, phận sự duy nhất của mỗi vật, mỗi người là trở về cái tánh của mình để sống theo nó”. Hạnh phúc trong quan niệm của nhà văn Vĩnh Quyền là thuận theo thiên tính. Mọi vật về đúng nơi chốn của mình. Đó là “nơi chốn của đỗ quyên”, loài hoa chỉ nở rực rỡ bên thác Đỗ Quyên ở rừng Bạch Mã, chứ không phải là chỗ hòn dã sơn nghèo nàn đơn điệu, ở đó màu hoa “ngả hồng đào, nhạt dần mỗi năm như phụ nữ không son phấn”, khiến ba tôi “thấy mình có lỗi với hoa” và mang trả hai gốc đỗ quyên cho “con thác ầm ào, cho rừng hoa rực màu đỏ thắm, và cho cả gió sương ngàn”. Đỗ quyên bung nở đúng nơi chốn của nó, như lời triết lí của người ông nội, “cái gì thuộc nơi nào hãy trả về nơi đó”. Tình yêu cũng vậy. Những câu chuyện tình éo le trong truyền thuyết Katu, tình yêu kiêu hãnh trong bất hạnh của trí thức thế hệ trước (ba mẹ tôi) và những mối tình hiện tại của “tôi” đều theo tự nhiên. Mối tình trái khoáy giữa Tôi và “hai người đàn bà chị em” được nhìn nhận một cách nhẹ nhàng, không một ai có lỗi. Ted và Vy, Tôi và Thư, tình yêu như nó vốn thế, “cái gì thuộc nơi nào hãy trả về nơi đó để kiến tạo hạnh phúc”. Bên Vy, dự cảm về tương lai buồn lạnh của vũ trụ, mang tâm trạng của một kẻ không nơi chốn đích thực, nên khi nhìn ánh mắt của Vy và Ted, “tôi” bị mất trọng lực và nghĩ đấy không phải là chỗ của mình. “Có những thứ đến tự nhiên khó tránh”, tôi và Vy chia tay vì tôi không có ước mơ vươn cao đến các vì sao lạ như Ted; nơi chốn của tôi là rừng, ở đó tôi vững vàng, không còn cảm giác nowhere như trên căn phòng áp mái ở Mỹ. Hãy để Vy về nơi chốn của cô với những thiên thạch, hệ mặt trời, những giả định về vũ trụ… và “tôi” với đúng chỗ của mình. Để tránh sự đổ sụp của chính mình, như loài chim di trú, tôi rời bỏ hạnh phúc với Vy trên nước Mỹ, về lại căn phòng đầy sách và những tháng ngày lang thang với rừng, với dự án Hành lang xanh, với nỗi thương ngàn không dứt. Nhân vật của Vĩnh Quyền ràng ríu trong những phức cảm, vừa phi lí vừa thuận lí. Kể cả trong mạch truyện về lịch sử, câu chuyện về một cô trung thời Tây Sơn, Vũ vệ úy đã chọn rừng làm “chốn dung thân”, vì lời-nguyền-trên-đỉnh-Zi’lieng: “Đời đời giữ lời nguyền không đốn hạ và không cho phép ai đốn hạ cây pơmu trên rừng Zi’lieng. Chừng nào rừng Zi’lieng còn thì làng còn, người Katu còn”. Chọn đất rừng làm nơi chốn, người vệ úy họ Vũ được đặt tên theo một truyền thuyết trữ tình của Katu, là Ploong Ang. Ploong nghĩa là trôi. “Nay, chàng trai người Kinh này cũng ‘trôi’ từ miền kinh lên miền ngược,... ‘trôi’ từ cõi chết đến cõi sống, để thành đứa con của làng, vậy nên, chàng ta sẽ mang họ Ploong như một lẽ tự nhiên” (lời già làng). Nhưng cũng thật tự nhiên khi trong đáy sâu tâm hồn Vũ vệ úy vẫn lưu dấu một chốn quê, nên có những lúc Ploong Ang thích được một mình trên đỉnh Zi’lieng, nhìn xuống chân trời cố hương hướng biển, chìm đắm trong nỗi nhớ da diết cái “tiền kiếp” của mình. Lịch sử được đưa vào tiểu thuyết (qua hình thức bài khảo bản chúc thư đại ngàn Zi’lieng) không đơn giản là gài cắm cho đa dạng mà tất cả đều toát lên triết lí thuận tự nhiên.

Trong mạch cảm hứng về rừng, về mối quan hệ hài hoà với thiên nhiên, thuận tự nhiên trở thành nguồn mạch chính. Rừng trở thành biểu tượng thẩm mỹ, góp phần biểu hiện chiều sâu văn hóa của tiểu thuyết Vĩnh Quyền. Nhà văn tâm sự, “…mình đã bị ám ảnh bởi một dấu chứng rừng nguyên sinh từng tồn tại, từ đó vô hình kiến tạo một ký hiệu nghệ thuật và xâu chuỗi suốt tiểu thuyết”. Gắn bó với rừng, nhà văn đã thổi hồn rừng vào những trang văn, thổi lòng yêu rừng vào nhân vật, tái hiện truyền thuyết thành những sinh hiệu con người trong mảng sống rừng tươi xanh. Dự án “Hành lang xanh”, giúp rừng hồi sinh, trả lại những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn không chỉ còn trong ký ức quá khứ mà là kí ức tương lai của con người, theo cách nói của nhà văn. Với người Katu, “rừng là mẹ-thiêng-liêng, là thần linh của làng”. Từ góc nhìn dân tộc học, Thương ngàn là một trong những tiểu thuyết hiếm hoi viết về đời sống, tập tục của người Katu, một tộc người còn lưu lại nhiều nếp sống hoang sơ. Họ gắn bó với rừng. Rừng là mạch sống, nơi chứa những lớp trầm tích văn hóa của các tộc người. Truyền thuyết, hát lý, lời ru, những lời kể truyền đời bên bếp lửa nhà gươl… - những “dấu vết của tinh thần cổ sơ” (Freud) - đã làm nên tâm lí, tính cách của một tộc người. Qua các lớp trầm tích đó, nhà văn làm rõ hơn ý niệm về trời đất, tự nhiên, lối ứng xử và tâm lí thích nghi thuận tự nhiên của tộc người Katu. Cổ tục săn máu thể hiện nhận thức của người Katu nguyên thủy về sức mạnh, về lòng dũng cảm, tính minh bạch, tinh thần thượng võ trong quá trình thực hành nghi lễ hiến sinh cúng Giàng. Về nghệ thuật viết, nó góp phần biểu hiện tính chất liên/xuyên văn bản của tiểu thuyết Vĩnh Quyền. Trong tiểu thuyết Trong vô tận, với cái nhìn liên văn hóa (qua câu chuyện của một cô gái người Nhật nghiên cứu Đông phương học, đang tìm hiểu về bộ tộc Dayak vốn tồn tại một số nét tương đồng với người Việt cổ), nhà văn đã kết nối điểm gặp gỡ của hai tộc người ở châu Á qua tục lệ săn đầu người/săn máu đã đi vào huyền thoại. Đi sâu hơn vào truyền thuyết này, trong Thương ngàn có đối thoại liên văn hóa. Đó là quan niệm của một người phương Tây cho tục săn máu là “dã man”, tộc người Katu là “không thân thiện”. Từ góc nhìn của một nền văn hóa khác, anh ta phê phán tập tục cổ sơ (chỉ còn lưu lại trong những câu chuyện kể của già làng) của một tộc người. Trong truyền thuyết Katu, câu chuyện có những oái oăm ngỡ là phi lí nhưng hợp lí nếu nhìn từ quy luật thuận tự nhiên. Tình yêu, hận thù, đam mê, bản năng và lí trí… đan xen. Trong cuộc săn máu, người cha mất con, Ali mất người yêu, Long Điền vị tiểu tướng Cần Vương chỉ phút chốc trở thành con thú bị làng săn đuổi và được cứu giúp bởi Ali. Trả thù hay tha thứ? Sự lựa chọn không dễ dàng. Số phận hay duyên nghiệp? Số phận buộc Glang phải chết. Duyên nghiệp buộc Ali phải chăm sóc Long Điền, theo luật tục Katu khi còn trong bếp lửa nhà sàn thì là khách. Truyền thuyết kể lại được nhà văn tiểu thuyết hóa, thành câu chuyện về tính kiêu hùng, nghĩa khí, về tình yêu. Không thể lí giải tình yêu của cô gái Katu với kẻ chiến thắng/kẻ thù trong lễ săn máu, nhưng có thể hiểu vì sao sau khi cứu chàng trai người Kinh dũng mãnh, Ali từ chối về xuôi để ở lại với rừng.

Yêu rừng, nhà văn đã thổi vào những con chữ một chất thơ dịu nhẹ. Tôn trọng, trân quý tự nhiên, Vĩnh Quyền đã khắc tạc được những phút giây tương giao kì diệu giữa con người và tự nhiên. Đó là khoảnh khắc “Ali không dè dặt cởi bỏ áo váy ngồi giữa làn nước trong veo dưới ánh mặt trời gần như thẳng đứng…” cùng lúc diễn ra với “tiếng nổ toác của một lóng tre phát gần đó”. Khoảnh khắc vỡ mình của Ali, cái “rùng mình” thiếu nữ của cô gái Katu cũng chính là cái rùng mình của vũ trụ, của rừng tre, lảo đảo, vỡ toác. “Cánh rừng rung chuyển bởi hàng loạt thân tre phát nổ, gãy đổ ầm ào. Lá khô lớp lớp bay lên như bầy chim cổ tích che mặt trời, lớp lớp trút xuống như mưa vàng phủ tràn mặt đất”. Đây là những trang viết đẹp. Cùng với sự chuyển mình của tự nhiên, lần đầu tiên Ali nhận ra chính mình từ cơ thể trinh nguyên của mình. “Quên gùi măng đặt nơi phiến đá, quên áo váy máng trên nhành tre, Ali hoảng loạn chạy về làng, mơ hồ nhận ra một cơ thể con gái xuân thì chạy cùng mình, là chính mình”. Khoảnh khắc và vô tận. Thiên nhiên như chao đảo trước cơ thể con gái xuân thì. Đây không hẳn là phê phán sự huỷ hoại sinh thái mà nhà văn đã lắng nghe được tiếng nói diệu kỳ của tự nhiên trong khoảnh khắc hòa nhập vi tế. Từ một góc nhìn, phải chăng đó là khoảnh khắc giao hòa giữa đất trời và con người? Đó chính là vẻ đẹp đa dạng của tiểu thuyết Vĩnh Quyền.

Thuận tự nhiên, có những khoảnh khắc con người chỉ có thể lặng im chiêm bái, để rồi nó in hằn trong “ký ức tương lai” mà không cần một kỹ thuật số nào lưu lại. Đó là tâm trạng nuối tiếc của tôi khi nghe già Koong kể xong truyền thuyết Katu mùa săn máu mà không kịp “chớp tấm hình một già Koong tóc trắng cùng ánh mắt trầm tư minh triết long lanh phản chiếu đóm lửa đỏ liu riu nửa đêm về sáng”, nhưng lại mừng vì như vậy là “đối xử thuận tình với dòng ký ức miên man nhạy cảm của người kể đắm mình trong cõi sử thi”. Trong nhiều phân cảnh của câu chuyện, có những khoảnh khắc con người lùi lại trước tự nhiên, nhỏ bé đi. Mọi kỹ thuật trong đời sống hiện đại trở nên thừa thãi. Nên vị giáo sư người Nhật Suburoto sững sờ khi tận mắt nhìn thấy đôi voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, và “lẩm nhẩm lời cám ơn trang trọng và xúc động bằng tiếng mẹ đẻ”. Vị giáo sư đã có những cảm xúc không dễ tìm thấy lần thứ hai. Đó là khoảnh khắc ông không cần máy ảnh với lí do, nếu “khao khát chộp lấy những khoảnh khắc độc đáo chỉ xảy ra một lần khiến tôi tất bật với máy ảnh, nhìn thế giới qua kính ngắm nhiều hơn mắt mình”. Và “để kết nối thật sự giữa bản thân với cảnh giới kì diệu của tạo hóa”, vị giám đốc dự án bảo tồn linh trưởng Đông Á đã có những chuyến dã ngoại tay không để bày tỏ lòng tôn trọng thế giới tự nhiên. Hoặc trong suy nghĩ của Kiên, “sẽ không có được bức ảnh đang có trong đầu vì mọi thứ lung linh đẹp đẽ trước mắt sẽ khác sau tiếng click bấm máy”. Vĩnh Quyền phản biện nhận thức chung thường đánh giá cao mối quan hệ giữa con người và tự nhiên qua khái niệm “thân thiện”. Theo nhà văn, động thái này có nguy cơ “làm giảm tính hoang dã của các loài thú”, bởi “săn ảnh chim thú giữa môi trường hoang dã khác hoàn toàn với chụp ảnh động-vật-bán-hoang-dã nơi công viên, sở thú” (lời giáo sư Suburoto); “thân thiện với con người không giúp nó sinh tồn trong hoang dã đâu”, “...nó là của rừng. Một ngày nào đó nó thà chết trong rừng hơn sống với con người giữa phố” (lời già Koong). Đó là cái nhìn văn hóa của những người yêu tự nhiên, không muốn tự nhiên bị tước đoạt. Tiếng nói của động vật cứ thầm lặng vọng lên trong những câu chuyện nhỏ. Là chú khỉ mặt đỏ, là sói đỏ trong cuộc khảo sát của Katy, người phụ nữ Úc yêu rừng, say mê nghiên cứu động vật hoang dã. Được nhìn thấy sói đỏ (các nhà nghiên cứu gọi bằng cái tên lãng-mạn-tính-dục là sói hoàng hôn) là niềm hạnh phúc lớn lao, có khi chỉ một lần trong đời nghiên cứu, nhưng trong khoảnh khắc nghe thấy dấu hiệu động dục của sói đỏ - “tiếng tru dài hào sảng bất đồ cất lên hướng thượng nguồn”- “níu tôi, Katy khẩn thiết: Để chúng tự do…”. Chợt ngẫm về quan niệm hạnh phúc của nhà nghiên cứu lịch sử người Israel, Noah Harari, “khi đánh giá hạnh phúc toàn cầu, thật sai lầm nếu chúng ta chỉ xem xét hạnh phúc con người” (Yuval Noah Harari, Sapiens lược sử loài người, Nguyễn Thủy Chung dịch, Nxb Tri thức, 2022).

“Nếu trời không trong sẽ vỡ. Đất không yên sẽ lở. Hang không đầy sẽ cạn. Vạn vật không sống sẽ dứt” (Lão Tử). Bi kịch sinh thái được tóm gọn trong một vài dòng trần thuật ngắn, qua chuyến thực địa và qua bút ký về Rào Trăng. Những con số về các mốc thời gian, độ cao núi lở, các phương tiện cứu hộ, về những cái chết... đậm đặc tính thời sự. Nhưng thông điệp nhà văn trao gởi không nằm ở những con số mà ở “tiếng lòng, tiếng nói nhân văn, là chiều sâu đọng lại sau khi tính thời sự phai nhạt”, là “đưa bạn đọc đến một Rào Trăng khác, Rào Trăng tịch mịch để chiêm nghiệm, hình dung về những gì đã xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra, nơi này nơi kia trong cả nước”. Kết thúc cơn đau Rào Trăng không là những con số thương vong mà là câu hỏi nhức nhối “Tại sao?”, và thông điệp là hình ảnh “người mẹ già đổ bóng trong ánh chiều cuối năm tịch mịch vừa vái nắm nhang thơm tứ phương vừa khản giọng gọi tên đứa con bất hạnh đang ẩn khuất đâu đó dưới vỡ nát núi rừng sông suối Rào Trăng”.

Sinh hiệu con người giữa những cánh rừng mênh mông hoặc khô cằn hiện ra qua biểu tượng rừng pơmu, “cây lim xanh cổ kính độc trọi”, kể cả biểu tượng chim phượng hoàng sống lại giữa tàn tro trong lời hát lý Mùa săn máu “Trong mơ ta còn muốn đợi/ bầy phượng hoàng trở lại/ ta không thể cho ngươi máu”. Tất cả là dấu hiệu của sức mạnh con người và sức sống của rừng già. Rồi cánh rừng nguyên sinh sẽ trở lại. Trong giấc mơ trùng khớp giữa tôi và cô gái Katu dấy lên niềm mơ ước rừng lim non nhú lên. “Sau cơn mưa cung trời đêm trở lại màu xanh thẫm nguyên sơ trên những cánh rừng chưa được thắp sáng bởi thứ ánh sáng nhân tạo. Bhoo lặng lẽ ngước nhìn ngọn lim xanh rồi mơ màng nhìn quanh. Tôi nhận ra tôi và cô bé Katu có chung một giấc mơ. Rằng lúc này chúng tôi đang trông thấy rừng lim non nhú lên từ mặt đất hoang, lớn thật nhanh quanh gốc lim già, quanh ngôi nhà sàn và trải rộng tới vô cùng”.                     

Thương ngàn không hẳn là một thể nghiệm văn chương, lối viết này đã trở thành phong cách in dấu cá tính sáng tạo Vĩnh Quyền. Không ồn ào, không lên giọng phê phán, trầm tĩnh, day dứt, nhà văn đi tìm tiếng nói của tự nhiên. Thuận tự nhiên phải chăng là thông điệp ẩn ngầm trong những trang văn của Vĩnh Quyền?

L.T.H