Hoàng Sa trong dáng hình Tổ quốc
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trong sân tiền sảnh nhà lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Quần đảo Hoàng Sa, với tên khai sinh ban đầu thuần Việt là Bãi Cát Vàng, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Các thế hệ người Việt Nam tự bao đời đã khai thác, xác lập chủ quyền đối với quần đảo này từ rất sớm và liên tục, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế đương thời và hiện đại, không ai có thể phủ nhận được.
Đọc sách Phủ biên tạp lục, chúng ta thấy Lê Quý Đôn cho biết về đội Hoàng Sa thời các Chúa Nguyễn: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy”[1]. Gian nan trên đường ra đảo, rồi lại ở đó từ tháng 3 đến tháng 8 mới về, thậm chí phải bỏ mình nơi biển khơi nhưng những binh phu không hề quản ngại, luôn xem đó là bổn phận, trách nhiệm của mình, như đã thể hiện trong lá đơn của Cai hợp Cù Lao Ré gửi chính quyền Tây Sơn về việc xin tự đứng ra lập lại hai đội Hoàng Sa và Quế Hương năm 1776, rằng “khi có chinh chiến thì vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm”[2].
Tôi đã gặp những nhân chứng về Hoàng Sa. Trong đó có vị từng giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến thành phố năm 1950, và cũng có những người từng là nhân viên khí tượng, là lính địa phương quân của chính quyền Sài Gòn đã từng trực tiếp có mặt trên đảo trước năm 1974, hiện ở tại Đà Nẵng. Với họ, kỷ niệm về Hoàng Sa, về những gì có liên quan đến Hoàng Sa mà họ biết vẫn luôn sâu đậm.
Tôi cũng đã hai lần đến huyện đảo Lý Sơn, đứng trước tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”, trên đó khắc ghi lời tâu của Bộ Công lên vua Minh Mạng “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” (Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực biển nước ta, hết sức hiểm yếu) như một lời nhắc nhở hậu thế của tiền nhân về chủ quyền và vị trí trọng yếu của quần đảo này, và tôi thật sự xúc động khi tận mắt thấy hàng mộ gió (mộ không có hài cốt) của những người theo lệnh truyền của Chúa, theo chỉ dụ của Vua lên thuyền đi Hoàng Sa nhưng chẳng may tử nạn trên biển đảo hàng trăm năm trước được người thân chiêu hồn đắp nấm tại xã An Vĩnh để có “chốn đi về”, trong đó có mộ cai đội Phạm Quang Ảnh, người được Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi lại trong sách Đại Nam thực lục chính biên: vào năm Gia Long thứ 14 (1815) vua “Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”[3]. Cũng tại Lý Sơn đến nay vẫn còn lưu truyền qua bao thế hệ người dân những câu ca buồn: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”, và “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”.
Bài “Chúc văn khao lề tế lính Hoàng Sa, Trường Sa” mà anh Nguyễn Thành Định - Chính trị viên phó Huyện đội Lý Sơn đọc cho tôi nghe gợi nên niềm thương cảm và sự tri ân:
Viết, cung duy: Âm linh chiến sĩ tôn thần.
Hỡi ôi!
Đất Việt trời Nam, nghĩ tưởng chiến sĩ hy sinh từ thuở nọ, cho hay sinh ký tử quy, đi có về không, thân đã mất mà danh ấy thọ;
Xót thương thay!
Những chiến sĩ tuân lệnh Triều đình bảo vệ biên phòng - lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đã liều thân
vì Tổ quốc, son sắt một lòng ngang dọc chí nam nhi.
Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi;
Hoàng Sa, Trường Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định.
Biết mấy phen thề non hẹn biển, quyết một lòng chiến đấu đến cùng;
Mong ơn trên soi thấu tấm kiên trinh, trường tranh đấu biết đâu là số mệnh.
Ôi!
Tiếc cho khi lỡ bước giữa dòng, nào kiệt thấy ít nhiều ơn vũ lộ;
Trường chinh chiến hoặc là oan hay chẳng, hội thanh bình chớ nghĩ rằng không, cơ huyền diệu chẳng thăng trầm chưa rõ.
Thiên thùy về cố quận, để hương thơm đèn sáng, kiếp tái sinh trở lại thăng quang;
Đã anh hùng dù sinh tử chớ nề, thiêng thuỳ giúp Hoàng triều giữ vẹn biên cương;
Duy vạn kỷ vẫn trường tồn ngôi báu, hộ hương thôn nhân vật phụ khương, quốc thái dân an, rạng danh cố độ.
Ngưỡng lại âm linh chiến sĩ phù trì chi gia huệ dã.
Phục duy cẩn cáo!
Cả lời tâm sự của những người lính có mặt tại trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 trong phim tài liệu “Khát vọng Hoàng Sa - Trường Sa” do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện, thể hiện sự ray rứt, tủi nhục về nỗi đau để mất đảo: “Tôi là người trực tiếp tham gia trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Trận chiến khốc liệt để lại cho tôi hai nỗi đau. Nỗi đau thứ nhất là một số đông anh em đã nằm lại ở quần đảo Hoàng Sa mà cho tới giờ phút này chưa tìm được thi thể và nỗi đau thứ hai của tôi là dù cố gắng hết sức mình để bảo vệ biển đảo nhưng mà vẫn không giữ được”[4].
Thiêng liêng hai tiếng Hoàng Sa
Dày công khai chiếm ông cha bao đời
Một quần đảo giữa trùng khơi
Mà luôn đau đáu muôn người Việt Nam.
Hoàng Sa bị chiếm không đồng nghĩa với Hoàng Sa bị mất!
Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta đã mất quần đảo Hoàng Sa, vì một khi trong ý nghĩ mà cho rằng ta đã mất bộ phận lãnh thổ này thì cũng đồng nghĩa với việc không còn quan tâm đến nó nữa. Nhìn lại lịch sử, trong hơn ngàn năm Bắc thuộc người Việt Nam vẫn không hề mất ý chí về chủ quyền đất nước, vẫn luôn đứng lên, giành quyền tự chủ, rồi giành độc lập. Điều đó cho chúng ta vững tin rằng, chắc chắn sẽ có ngày chúng ta thực hiện được sự quản lý thực sự trên bộ phận máu thịt thiêng liêng này của Tổ quốc. Nhưng đấy không thể là chuyện một sớm một chiều mà phải là sự tiếp bước của nhiều thế hệ, như lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ họp thứ bảy của Quốc hội (26/6/2014): “Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy. Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, phải giữ gìn”[5]
Hoàng Sa trong Anh
Hoàng Sa trong Tôi
Hoàng Sa trong Dáng hình Tổ quốc
Mãi ngàn đời máu thịt Việt Nam!
N.V.M
[1] Lê Quý Đôn: Toàn tập. T1 Phủ biên tạp lục. Nxb KHXH. H, 1977, tr119
[2] Dẫn theo Nguyễn Quang Ngọc. Bài đăng trong Nghiên cứu lịch sử, số 5 (318) - IX-X/2001, tr34.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục. Tập Một. Nxb Giáo dục, 2002, tr 898
[4] https://www.youtube.com/watch?v=U8SxMs4IC2E, cập nhật ngày 28/01/2024.
[5] https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-truong-tan-sang-phai-giu-bang-duoc-chu-quyen-614796.htm, cập nhật ngày 28/01/2024.