Vài kỷ niệm về mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975 - Lê Huy Hạnh
Trong cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, tôi không bao giờ quên những năm tháng sống và chiến đấu ở chiến trường Nam Lào, Tây Nguyên và miền Nam. Ngoài nghĩa vụ của một người lính - là họa sỹ, tôi đã cùng các anh em (một số được điều động từ các đơn vị) phác thảo và in hàng nghìn khẩu hiệu và tranh cổ động phục vụ cho các chiến dịch, và cho các đơn vị (kỹ thuật in lúc này đang thịnh hành là in lưới Cuba). Nó không quá khó khăn trong việc xử lý về phác thảo và màu sắc khi in và trong hoàn cảnh chiến tranh còn nhiều khó khăn gian khổ, thiếu thốn, phần lại đóng quân ở khu vực rừng già vừa ẩm ướt vừa thiếu ánh sáng nên bố cục chủ yếu là những mảng màu đơn giản, tương phản, nhanh khô và đề tài ca ngợi, động viên người chiến sĩ ra trận .
Sau khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị chúng tôi lại hành quân lên Ban Mê Thuột đánh Phun rô ( vì đơn vị chúng tôi vốn quen chiến đấu ở rừng núi), đây cũng là thời gian mà những người lính như chúng tôi phải vượt qua nhiều gian khổ, cam go và cả hy sinh nữa và bất kỳ đóng quân ở nơi nào, ngoài sự đồng cam cộng khổ giúp người dân ổn định cuộc sống, tôi lại cùng lực lượng nam nữ thanh niên tham gia vẽ tranh cổ động, viết khẩu hiệu để vừa tạo cảnh quan đẹp vừa góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách mới.
Cũng từ Ban Mê Thuột, tôi được điều về tham gia triển lãm tại Quân khu 5 (thành phố Đà Nẵng). Lúc đó chưa thể có mặt bằng rộng nên chủ yếu tận dụng địa điểm cũ để cải tạo từ đường đi lối lại, xây dựng phòng trưng bày tranh ảnh, hiện vật và trong không khí khẩn trương ấy, tôi đã được gặp nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (trong chiến tranh chống Mỹ anh là biên chế của đoàn văn công Quân khu 5) khi anh phác thảo và thể hiện nhóm tượng đài chiến thắng với hình tượng nam nữ chiến sĩ giải phóng, khăn choàng tung bay, tư thế bay bổng, gương mặt rạng ngời nhìn về tương lai với hình tượng em bé hồn nhiên đầy sức sống. Vì thời gian gấp nên chúng tôi phải làm việc suốt ngày đêm, có khi thức trắng cả mười mấy đêm nên anh em ai cũng thấy mệt mỏi và có một chi tiết rất vui là khi anh Tuấn (một người đã từng theo học Mỹ thuật Huế) pha thạch cao vào chậu nhựa và leo lên thang để đổ khuôn tượng, nhưng vì quá mệt nên khi lên chưa đến nơi thì anh tỳ chậu thạch cao vào thang và ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì chậu thạch cao đã đông cứng lại và phải xuống pha lại (và cũng có đến mấy lần như vậy).
Trong khi anh Tạ Quang Bạo lo hoàn thiện nhóm tượng đài thì tôi đã phác thảo và thể hiện hàng trăm mét vuông tranh cổ động, thiết kế nội thất một số phòng trưng bày và cùng làm việc với chúng tôi có một số là anh chị em công chức cũ, cả một vài người lính chế độ cũ cũng rất nhiệt tình và họ rất vui và càng hiểu thêm về chúng tôi, những văn nghệ sĩ, những anh “ bộ đội cụ Hồ !”
Cũng trong thời gian này có anh An (vốn là một kiến trúc sư) đã dựng tượng đài Bác Hồ đầu tiên ở Quân khu 5 cũng như thành phố Đà Nẵng (sau này tôi được biết anh là tác giả tượng đài Bác Hồ ở công trình thủy điện Hòa Bình) và cũng có một chi tiết vui mang tính nghề nghiệp mà tôi không thể không nhắc đến: khi đã thi công hoàn chỉnh tượng Bác (tượng cao 3m00 - bệ tượng cao 2m50) tôi nói anh Thông pha màu sơn. Sau khi kiểm tra, tôi đưa cho anh Thông và anh Thông ngồi vào một chiếc thúng được chiếc cần cẩu loại nhỏ đưa lên cao, rất khó khăn khi sơn tượng Bác vì cái thúng cứ lắc qua lắc lại. Đang sơn được nửa tượng Bác thì ông Thức (phụ trách bảo tàng Quân khu 5) ngoắt ngoắt tay gọi anh Thông xuống yêu cầu pha lại màu sơn. Mặc dù thấy màu sơn đã ổn rồi nhưng tôi liền bảo anh Thông vào phòng tôi nghỉ ngơi và pha cà phê, uống trà. Khoảng ba mươi phút sau tôi bảo anh Thông cầm thùng sơn hồi nãy leo lên sơn tiếp tượng Bác. Lúc sau, ông Thức quay lại đi xung quanh nhìn ngắm tượng Bác và nói: “Đẹp rồi đấy, họa sĩ Hạnh pha màu có khác”. Nghe nói vậy, chúng tôi ai cũng nhìn nhau và cười thầm trong bụng và điều tôi muốn nói, điều tôi ghi nhớ: Đây là lần đầu tiên người dân Đà Nẵng được chiêm ngưỡng tượng đài Bác Hồ, tượng đài chiến thắng và hàng trăm mét vuông tranh cổ động miêu tả chiến công của quân và dân ta qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và qua hình ảnh, hiện vật trưng bày họ càng thêm tin tưởng ở ngày mai tươi sáng, càng cảm phục, yêu thương anh chiến sĩ giải phóng quân nói chung, những văn nghệ sĩ mặc áo lính như chúng tôi nói riêng mà lâu nay họ vẫn thường nghe nhắc đến hai chữ “Việt Cộng” hay “Bảy người bu cọng đu đủ mà không gãy” …
Tôi cũng còn nhớ lần ghé thăm nhà sáng tác (tạm gọi là như vậy) ở số 10 Lý Tự Trọng (nay là Nhà Thiếu nhi TP. Đà Nẵng). Nhà văn Nguyễn Chí Trung được ví như người anh cả (sau này là Nhà văn-Thiếu tướng-Thư ký riêng của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu) anh bắt tay tôi, với giọng nói nhỏ nhẹ rất gần gũi: Hạnh từ mặt trận B3 về hả, tội hỉ, gian khó hỉ…và trong bữa cơm thân mật, tôi đã gặp họa sỹ Lê Văn Tài, các nhà văn Thái Bá Lợi, Nguyễn Bảo, Ngân Vịnh, Thu Bồn Nguyễn Tri Huân,Trung Trung Đỉnh,Ngô Thế Oanh… và rồi từ đấy tôi cuốc bộ sang số nhà 1B Ba Đình và thật vui khi gặp họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, rồi họa sỹ Giang Nguyên Thái, Đoàn Văn Nguyên, Triệu Khắc Lễ và Lê Văn Thìn, Nguyễn Thế Ninh, Phạm Văn Vết, Anh Tuấn, Viết Ngọc, những người bạn đã cùng học tại trường Mỹ thuật 42 Yết Kiêu Hà Nội vừa từ chiến khu xuống và trong tình cảm thân thiết nhớ về những kỷ niệm xưa , chúng tôi xúc động, bồi hồi khi nhắc về những kỷ niệm khi còn là học sinh trường mỹ thuật sơ tán ở Hiệp Hòa - Hà Bắc (thôn Nội và Bảo Mản) của họa sĩ Hà Xuân Phong, Nguyễn Xuân An, Nguyễn Quang Việt…về sự ra đi mãi mãi của các anh và những người họa sĩ, chiến sĩ …
Cho tới bây giờ tôi vẫn còn luyến tiếc và nghĩ rằng: giá như hồi đó thành lập nhà sáng tác Khu 5 để quy tụ tất cả các họa sỹ, nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc của tuyên huấn Khu 5 và những họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, mặc áo lính…những người đã sống, chiến đấu qua một thời gian khó cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ thì đến hôm nay sẽ có nhiều tác phẩm lớn và họ sẽ dìu dắt, đào tạo nên những thế hệ kế cận làm rạng danh cho dải đất miền Trung nắng rát mưa chan. Dù vẫn biết rằng sau này- phần lớn những người này đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhiều người đã thành danh, có vị trí xứng đáng trong làng văn học nghệ thuật cả nước và được mọi người yêu quý, trân trọng.
Sau một thời gian về lại đơn vị là sư đoàn quân tình nguyện đóng tại Ban Mê Thuột, tôi lại may mắn lần nữa về lại Đà Nẵng để tham gia triển lãm khu Trung Trung Bộ lần thứ nhất tại 88 Hùng Vương.
Cùng các anh chị thuộc Phòng Bảo tàng Quân khu 5, nhóm họa sĩ phụ trách giới thiệu và trưng bày mỹ thuật của lực lượng vũ trang quân khu 5 có tôi và Lê Anh Vân. Riêng nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo giúp Phạm Hồng thể hiện nhóm tượng đài, cùng với nhà điêu khắc Đỗ Toàn. Riêng tôi cũng tham gia ít thời gian vì bận lo thể hiện mảng tranh cổ động mặt tiền, hành lang và các phòng trưng bày nên chỉ khắc giúp dòng chữ : “Quảng Nam Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ “ gắn trên kỳ đài. Còn họa sỹ Lê Anh Vân thì thể hiện tác phẩm sơn dầu khổ lớn “Khởi nghĩa Trà Bồng”…
Nhắc đến sự thành công của triển lãm Trung Trung Bộ lần đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng (Quảng Nam – Đà Nẵng) không thể không nhắc đến sự đóng góp nhiệt tình và khả năng chuyên môn của các họa sỹ, nhà điêu khắc Đà Nẵng đã tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế, Sài Gòn trước và sau ngày giải phóng như Đỗ Toàn, Phan Chánh Nguyên,Vĩnh Phan,Trần Đình Sung, Hồ Đắc Ngọc, Hà Oai… mặc dù lúc đầu còn nhiều e dè, mặc cảm… Họ đã say sưa làm việc ngày đêm, không ngại khó, ngại khổ, mặc dù tiền thù lao lúc đó chẳng được bao nhiêu. Cũng trong thời gian này tôi cũng đã nhiều lần gặp gỡ với họa sĩ lão thành Nguyễn Viết Hậu và rất kính phục người họa sĩ nổi tiếng với những bức vẽ chân dung Bác Hồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng trước ngày giải phóng miền Nam.
Từ thành công này và rất nhiều những cuộc triển lãm sau đó, chúng tôi càng hiểu nhau hơn và càng thông cảm cho hoàn cảnh của mỗi người, càng hiểu thêm cái quý giá và vất vả của lao động nghệ thuật. Vì vậy khi Sở Thủy sản đứng ra tổ chức triển lãm tranh chuyên đề: “Ra khơi đánh bắt Vụ Nam” ai cũng nhiệt tình tham gia với rất nhiều tác phẩm của Lê Huy Hạnh, Lê Văn Tài, Lê Khắc Duyệt, Nguyễn Văn Tài, Phan Chánh Nguyên, Nguyễn Hưng, Nguyễn Văn Hoa, Vĩnh Cường, Tôn Thất Thủy…và trước khi khai mạc phòng tranh có một sự việc mà tôi muốn nhắc lại: Mỗi con tàu khi ra khơi đánh bắt cá xa bờ đều phải mang theo những cây đá để ướp cá, có người phát biểu tại sao lại vẽ những cây nước đá như áo quan vậy? và sau những giải thích, thậm chí là tranh cãi có phần gay gắt, tác phẩm đó vẫn được trưng bày. Cũng phải nói thêm rằng khi có chủ trương mở phòng triển lãm về thủy sản, có ý kiến đề xuất nên lo một chiếc tàu đưa các họa sĩ đi ký họa ghi chép trên ngư trường để có thực tế, để hiểu và cảm thông với người dân chài từ đó có thêm những tác phẩm tốt,nhưng rồi bàn đi tính lại mãi cũng không thể thực hiện được vì họ sợ vượt biên…
Để có được phong trào sáng tác và triển lãm này không thể không nhắc đến vai trò của anh Vũ Kim Thông giám đốc Sở Thủy sản vì ngoài động viên, khích lệ anh còn sáng tác thơ ( anh làm thơ lục bát rất ngẫu hứng ) để các họa sĩ viết lên tranh cổ động. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ những bức tranh cổ động về Bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc và đánh bắt cá vụ Nam với những câu thơ của anh như: “Ra khơi bám biển dài ngày, buồm căng sức gió thuyền đầy cá tôm”… Đây cũng là triển lãm tranh đầu tiên để lại những ấn tượng tốt đẹp cho người dân thành phố Đà Nẵng .
Thời gian sau này khi khai mạc phòng trưng bày chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ còn có sự góp mặt nhà điêu khắc Dương Đăng Cẩn, với sự giúp sức đổ khuôn đúc tượng của anh Trần Hữu Kinh…và rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc của thành phố Đà Nẵng. Rồi Bảo tàng Điện Bàn có tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Châu Đình Du và còn là sự đóng góp của các hoạ sỹ, nhà điêu khắc thuộc Công ty Mỹ thuật Trung ương tham gia xây dựng Bảo tàng Quân khu 5.
Mặc dù chưa tập hợp đầy đủ do đời sống còn nhiều khó khăn (anh Lê Khắc Duyệt, Nguyễn Văn Hoa phải hành nghề xe ôm) một nhóm họa sĩ đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã Mỹ thuật Đà Nẵng gồm chủ nhiệm là họa sĩ Nam Anh (người đã rất thành công trong việc thể hiện chân dung Bác Hồ), rồi Nguyễn Hiền, Lê Khắc Duyệt, Nguyễn Văn Hoa, Lâm Quang Phước và Lê Huy Hạnh (lúc này tôi chuyển ngành về Phòng Văn hóa thông tin thành phố Đà Nẵng phụ trách mỹ thuật của thành phố) với sự giúp đỡ nhiệt tình về thủ tục hành chính, tìm kiếm việc làm của anh Phan Duy Nhân (Sau này là Trưởng ban Tôn giáo Trung ương). Tuy nhiên do đặc điểm của một thành phố sau giải phóng, đời sống nhân dân còn quá khó khăn nên nhu cầu về mỹ thuật còn quá ít ỏi, thậm chí có cảm giác là chưa cần thiết, nên hợp đồng trình bày, trang trí mỹ thuật còn hạn chế, vì vậy đời sống của anh em thuộc hợp tác xã Mỹ thuật Đà Nẵng cũng chỉ là được chăng hay chớ nên anh em vẫn động viên nhau cố gắng.
Cũng trong thời gian này sau rất nhiều cố gắng, tôi đã khai mạc phòng tranh cổ động cá nhân đầu tiên tại phòng thông tin số 78 Trần Quốc Toản Đà Nẵng với 30 tác phẩm gây được sự chú ý và tình cảm của những người yêu mỹ thuật của thành phố những ngày đầu giải phóng.
Phải nói rằng sau ngày giải phóng, những người lao động nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng chưa thể dễ dàng tìm ra tiếng nói chung,hay nói đúng hơn là sự đồng điệu trong cuộc sống riêng tư và trong sáng tạo để mong làm nên những tác phẩm. Có thể nói rằng khi tiến vào giải phóng thành phố chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ về quân sự và chính trị, nhưng về văn hóa nghệ thuật vẫn còn đó những lỗ hổng khi tiếp cận với những trí thức hay văn nghệ sỹ dẫn đến đôi lúc, đôi nơi đã có những ý kiến không chuẩn mực. Còn nhớ khi được mời thể hiện bức tranh cổ động về chủ đề nông nghiệp: tôi vẽ cô nông dân với gương mặt rạng rỡ tay phải ôm bó lúa vàng nặng trĩu, tay trái nâng ngang ngực cầm chiếc liềm. Khi tác phẩm được trưng bày, tôi chợt nghe ai đó nói: sao lại vẽ cầm cái liềm như cắt cổ vậy? liền đó tôi lại nghe có người nói: họa sĩ vẽ tranh này là bộ đội đấy! Một lần khác khi tôi vẽ pa nô trang trí cho Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng,tôi đang vẽ những bông hoa sen nở dưới mặt trời thì nghe phía sau lưng có tiếng người nói: sao lại tuyên truyền cho Phật giáo vậy,tôi chưa kịp phản ứng gì thì lại nghe có tiếng nói rất quen đọc to hai câu thơ: Tháp Mười đẹp nhất bông sen ,Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ…người đọc hai câu thơ đó chính là nhà văn Đoàn Xoa,Thành ủy viên , trưởng phòng văn hóa thông tin thành phố Đà Nẵng, phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam Đà Nẵng.
Sau khi thành lập Hội Văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng đã tổ chức được một số trại sáng tác, nhóm sáng tác lẻ tẻ chưa có quy mô lớn, tuy nhiên cũng gặt hái được một số kết quả dù còn rất khiêm tốn với nhiều chuyến đi thực tế trên sông Thu và ở những vùng sâu, vùng xa…và mọi người không thể nào quên trại sáng tác mỹ thuật năm 1981 lúc đó Hội văn nghệ có xin đề nghị được tổ chức tại khu triển lãm số 88 đường Hùng Vương nhưng không hiểu vì lý do gì không được Ty văn hóa Quảng Nam Đà Nẵng đồng ý vì vậy anh em họa sĩ chúng tôi phải cùng nhau mở trại sáng tác Mỹ thuật tại lãnh sự quán Mỹ. Đây là tòa nhà hai tầng mà năm 1975 khi bị thất bại ở Việt Nam và trước khi rút chạy chúng đã dùng bom xăng đốt cháy hòng xóa mọi dấu vết nên toàn bộ tường, cầu thang và phần sắt thép kết cấu công trình đều bị hư hỏng hoàn toàn. Hôm đó là ngày nghỉ nên một số họa sĩ ở nhà chỉ còn vài ba người , đang vẽ thì anh Nguyễn Hoàng Kim nói: thôi bọn mày vẽ ở đây, tao sang phòng bên cạnh vẽ cho yên tĩnh. Trong lúc say sưa sáng tác, khi lùi ngắm tranh anh đã bị rơi xuống tầng 1 và khi mấy đứa trẻ đang chơi quanh đó nhìn thấy, gọi mọi người chạy ngược, chạy xuôi tìm được chìa khóa mở cửa đưa đi cấp cứu thì anh đã không qua khỏi và mất đột ngột để lại bao tác phẩm dang dở, bao trăn trở, mong muốn xây dựng một đội ngũ họa sỹ, điêu khắc và sự lớn mạnh của phong trào mỹ thuật Đà Nẵng, để lại sự tiếc thương của giới mỹ thuật Đà Nẵng. Bởi vì khi đang theo học khoa Sơn mài tại Trường mỹ thuật 42 Yết Kiêu Hà Nội- mỗi lần có dịp về quê anh lại ghé thăm bạn bè đồng nghiệp và nhất là sau khi tốt nghiệp trở về Hội văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng, anh là người tâm huyết, không quản nắng mưa, luôn luôn gần gũi với tình cảm anh em đồng nghiệp để động viên, giúp đỡ mọi người vượt qua nhiều khó khăn về đời sống để càng say mê hơn và tìm thấy niềm vui trong lao động nghệ thuật: làm nên những tác phẩm. Đánh giá về phong trào mỹ thuật Quảng Nam Đà Nẵng mà không nhắc đến họa sĩ Nguyễn Hoàng Kim thì chưa hiểu kỹ về mỹ thuật nơi mảnh đất nam miền Trung này.
Theo dấu thời gian, với nhiều thăng trầm, có vui, có buồn, Đà Nẵng càng chứng minh ý nghĩa của câu “Đất lành chim đậu” hay nói cách khác, đúng nghĩa là Đà Nẵng may mắn có được lực lượng họa sỹ, điêu khắc hùng hậu. Đó là những họa sỹ từ chiến khu xuống và xem Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình như Nguyễn Đức Hạnh, Phạm Hồng… Những họa sĩ, nhà điêu khắc mặc áo lính như Tạ Quang Bạo, Lê Huy Hạnh, Mai Ngọc Chính … Những họa sĩ, điêu khắc được tăng cường từ miền Bắc vào như Nguyễn Thị Phi, Vĩnh Thuận, Nguyễn Tường Vinh,Vũ Hà, Đinh Gia Thắng… Những họa sỹ tốt nghiệp mỹ thuật Huế, Sài Gòn trước và sau ngày giải phóng như : Nam Anh, Đỗ Toàn, Trần Như Ái, Lê Khắc Duyệt, Nguyễn Văn Hoa, Lâm Quang Phước, Nguyễn Duy Hinh, Phan Chánh Nguyên, Hà Oai, Nguyễn Kiệt rồi Duy Ninh, Hoàng Đặng, Vĩnh Cường, Hà Dư Sinh, tiếp đến lớp họa sĩ như Trần Nhơn, Nguyễn Trọng Dũng, Quý Dũng, Hồ Minh Quân, Nguyễn Thượng Hỷ, Lê Đợi , Vũ Dương, Từ Duy, Phan Ngọc Minh, Hoàng Ân, Duy Hối. Hữu Tùng, Lê Kim Hằng, Tôn Thất Việt, Nguyễn Hữu Điểu, Dư Dư, Trần Thị Cúc, Đỗ Tịnh, Phó Đức Vượng… và đội ngũ họa sĩ ,điêu khắc kế cận: Nam Kha, Trường Chinh, Thân Trọng Dũng, Nguyễn Quang, Hà Dư Anh, Quang Huy, NguyễnTrung Kỳ, Phan Đức Dũng, Phan Thanh Hải và nhóm điêu khắc đá như Trần Hữu Hóa, Công Dũng, Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Văn Thương, Lê Văn Hóa, Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Cường,Tâm Hảo, Đoàn Phi Hổ…Từ những họa sĩ, điêu khắc tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng họa sĩ, điêu khắc trước và sau ngày giải phóng đã làm nên một Hội Mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh về số lượng,chất lượng và đã đóng góp nhiều cho phong trào mỹ thuật cả nước, đặc biệt là khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên với nhiều phong cách đa dạng trong thể hiện, phong phú về đề tài và chất liệu với những tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc,triển lãm về mỹ thuật Quân đội, triển lãm khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên và đã đạt được nhiều giải thưởng. Dấu ấn rõ nét là từ đầu những năm 1980 các hoạ sĩ, điêu khắc đã tạo nên bước phát triển mới bằng những nỗ lực, sáng tạo trong lao động nghệ thuật bằng những triển lãm cá nhân , triển lãm nhóm liên tục và Trung tâm thông tin quảng cáo thành phố Đà Nẵng tại 80 Hùng Vương luôn luôn mở cửa đón chào những người dân Đà Nẵng đến với các triển lãm Mỹ thuật của các họa sĩ và chúng ta không thể không nhắc đến những họa sĩ nổi tiếng đã tìm đến và sáng tác về thành phố biển Đà Nẵng thân yêu như: Bùi Xuân Phái ,Nguyễn Văn Tỵ, Phan Kế An,Văn Đa, Nguyễn Đức Toàn,Vĩnh Phối và Đặng Thu Hương… .Cũng thời gian này nhiều nhóm tượng đài đã được xây dựng như : Mẹ dũng sĩ (Phạm Văn Hạng), tượng đài Chiến thắng Cấm Dơi (Tạ Quang Bạo), chiến thắng Núi Thành (Lê Công Thành) tượng đài chứng tích Thủy Bồ (Lê Huy Hạnh), tượng đài Nghĩa trang Liệt sỹ Hòa Phong (Đỗ Toàn), tượng đài nghĩa trang Liệt sĩ Điện Quang (Lê Huy Hạnh). Tượng đài nghĩa trang Liệt sĩ Điện Thọ (Đỗ Toàn), Tương đài Cây Cốc, tượng đài Vĩnh Trinh (Vĩnh Phan ), Tượng đài Chợ Được (Phạm Hồng)…
Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày non sông Việt Nam thu về một mối, khi trên môi chúng ta đều vang lên bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, kể từ cái ngày mà các họa sỹ, nhà điêu khắc chúng tôi ở cái tuổi mười tám, đôi mươi (có người tốt nghiệp và chưa tốt nghiêp trường Mỹ thuật 42 Yết Kiêu Hà Nội) cùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đến nay có người tóc đã bạc trắng, nhưng mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm ấy và soi trong mắt nhau hay ngắm nhìn những chân dung của nhau với tình cảm thân thương trìu mến của tình đồng nghiệp hay thiêng liêng như tình đồng đội lòng lại bùi ngùi nhớ về những họa sĩ, nhà điêu khắc mãi mãi ra đi … để bây giờ nhớ lại, ghi lại những dòng này lòng lại tự trách mình đã không thể nhớ hết những sự kiện, có khi cả những tên người và vì vậy tôi cũng mong sao có dịp ngồi lại với nhau để trọn đời không quên “Một thời để yêu, một thời để nhớ!”
L.H.H