Đã Tìm thấy châu bộ “thật” làng Tân Thái - Đinh Thị Toan

21.10.2013

Đã Tìm thấy châu bộ “thật” làng Tân Thái  -  Đinh Thị Toan

tranh chấp liên quan đến vấn đề họ tộc, tiền hiền, hậu hiền làng. Một vài tư liệu Hán Nôm được đưa ra làm bằng chứng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đứng ra giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Dưới góc nhìn của một người có chút hiểu biết về Hán học, chúng tôi mạn phép đưa ra những suy nghĩ của mình qua việc xác định tính chân ngụy của những văn bản Hán Nôm trên.

Trên tạp chí Non Nước số 187 (6/2013), chúng tôi đã có bài viết “Bộ châu làng Tân Thái – mấy suy nghĩ về văn bản”. Trong đó, chúng tôi đã khẳng định bản châu bộ làng Tân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) gồm 6 tờ (bao gồm cả bìa, trong đó chỉ có 3 trang viết chữ), khổ 17 cm x 29 cm, viết bằng chữ Hán và được đóng thành tập là văn bản ngụy. Ngoài hàng loạt lỗi về câu chữ, văn bản này có nhiều sai sót một số vấn đề về lịch sử và có sự mập mờ, thiếu thống nhất về các thông tin đưa ra[1]. Đến nay, sau quá trình tìm hiểu, tiếp xúc với một số hậu duệ dòng họ tiền hiền làng Tân Thái, chúng tôi đã tiếp cận được với châu bộ “thật” của làng.

Trước hết, xin nói về địa danh Tân Thái và lịch sử lập làng. Làng Tân Thái nguyên có tên là làng Tân An, được tách ra từ làng Nam An xưa do dân số đông khó quản lý. Việc tách làng chưa rõ xảy ra vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn phải trước năm Gia Long thứ 10 (1811) bởi vì trong số tài liệu Hán Nôm chúng tôi thu thập được tại làng thì năm 1811, đã có tên gọi xã Tân An thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn.Cũng xin nói thêm rằng, sau khi lập làng Tân An, tên gọi Nam An vẫn giữ nguyên, chứ chưa thay đổi ngay như tác giả sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng phường Thọ Quang (1930-2005)” khẳng định[2]. Bởi vì theo số sắc phong hiện còn lưu giữ tại đình làng Nam Thọ, năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) làng vẫn mang tên là Nam An, mãi đến đợt phong sắc tiếp theo vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), mới xuất hiện tên gọi Nam Thọ. Điều đó có nghĩa là việc đổi tên Nam An thành Nam Thọ chỉ có thể xảy ra trong khoảng thời gian 1826-1843, chứ không thể sớm hơn. Quay lại vấn đề tên gọi Tân An, địa danh Tân An đến thời Gia Long đã xuất hiện. Đến sau này, Tân An được đổi thành Tân Thái. Sở dĩ phải nói rõ như vậy vì trong châu bộ làng được lập vào thời Gia Long năm thứ 14 (1815) tên gọi của làng là Tân An, chứ chưa có tên Tân Thái và làng Nam Thọ ngày nay mang tên là Nam An.

Nói về bản châu bộ làng Tân Thái mới được tìm thấy. Bản châu bộ này được đóng thành tập cùng với các giấy tờ khác thành 25 trang (không kể trang bìa). Trong đó, phần văn bản châu bộ gồm 22 trang giấy viết chữ. Ba trang còn lại là một tờ đơn của xã Nam An thuận nhượng một sở rừng cấm cho xã Tân An để xã này xây dựng miếu thờ. Tập văn bản này hoàn toàn viết bằng chữ Hán trên giấy dó. Do được cất giữ khá lâu nên phần rìa văn bản đã bị hư hại, một số dòng chữ ở mép trang cũng bị mất nhưng nội dung chính đa phần được bảo lưu khá rõ ràng.

Để chứng minh đây là văn bản “thật”, chúng tôi căn cứ trước hết vào niên đại lập châu bộ. Phần cuối văn bản có ghi rõ “Gia Long thập tứ niên thập nhị nguyệt thập thất nhật” 嘉 隆 十 四 年 十 二 月 十 柒 日, tức ngày 17 tháng 12 năm Gia Long thứ 14 (1815). Khảo lại lịch sử, buổi đầu mới lên ngôi, do chính sự chưa ổn định nên Gia Long chưa tiến hành bao đạc lại ruộng đất trên toàn cõi đất nước mà cho sử dụng địa bạ thời trước. Đến tháng 11, năm 1810, “hạ lệnh cho từ Quảng Bình trở về Nam đến Bình Hòa làm địa bạ. Chiếu rằng: “chính sự tốt trước hết là từ cương giới. Triều trước kinh lý việc dân, ruộng đất có sổ, cương giới rõ ràng. Từ khi biến cách về sau, sổ sách tản mất, đầu thời trung hưng chưa kịp sửa chữa. Gián hoặc có người xin trưng và tranh kiện, thì phần nhiều mờ mịt, không do đâu mà quyết định được. Vậy hạ lệnh cho các dinh trấn báo khắp cho xã dân, đều cứ theo số ruộng đất công tư, thực trưng và bỏ hoang, ghi rõ mẫu sào, đẳng hạng, xứ sở, bốn bên, hạn trong 3 tháng làm xong sổ dâng lên. Quan sở tại phải nghiêm cấm nha lại, không được tạ sự quấy nhiễu[3]. Việc tiến hành lập địa bạ (châu bộ) diễn ra qua hai bước. Bước thứ hai hoàn tất trong khoảng 1814-1816 đúng như các tác giả sách “Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế”[4] đã nhận định. Như vậy, thời gian lập châu bộ làng Tân Thái hoàn toàn nằm trong quy định của triều đình nhà Nguyễn. Không những bản châu bộ này mà nhiều châu bộ ở các làng khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng được lập trong cùng khoảng thời gian trên như châu bộ làng Thanh Khê (quận Thanh Khê), châu bộ làng Cổ Mân, làng Nam Thọ (quận Sơn Trà). Tuy nhiên, bản châu bộ này cũng có một vấn đề là, trang đầu tiên của tư liệu ghi năm Nhâm Thân, sau đó viết “Điện Bàn phủ, Diên Khánh huyện” màu mực và nét chữ khác hoàn toàn các trang còn lại. Do vậy, chúng tôi nghi ngờ trang này do người sau thêm vào. Vì năm Gia Long thứ 14 (1815) là năm Ất Hợi, chứ không phải Nhâm Thân. Giả sử, năm Nhâm Thân là năm sao chép châu bộ thì cũng không được thỏa đáng. Vì bản sao chép phải ghi rõ ngày, tháng, năm sao chép và tên người sao chép. Nhưng ở đây hoàn toàn không có. Nhiều người do không tìm hiểu kĩ vấn đề này nên trong quá trình trích dẫn từ châu bộ đã khẳng định rằng năm Nhâm Thân là hoàn toàn đúng và đưa ra mốc 1752 (Nhâm Thân) như là mốc quan trọng đối với việc hình thành làng Tân An hoặc đình Tân An[5]. (Vấn đề này chúng tôi xin nói rõ hơn trong dịp khác).

Thứ hai, về cách thức trình bày châu bộ. Đối chiếu so sánh với các bản châu bộ được tìm thấy ở các làng xã khác, chúng tôi thấy có cùng một cách thức trình bày. Đặc biệt, cách thức này hoàn toàn giống với thể thức do triều đình đặt ra. Trước hết, châu bộ kê khai phủ, huyện, tổng, xã, họ tên xã trưởng, hương trưởng, trùm trưởng xin kê khai các hạng ruộng đất. Sau đó, kê khai các hạng ruộng, đất, vườn, ao công và tư, đất mộ và các hạng ruộng và trang trại quan. Các loại ruộng đất này ở địa phận xã nào, xứ sở nào, đông tây tứ cận ra sao, mẫu, sào, thước, tấc, đẳng hạng như thế nào, thực nộp thuế và bỏ hoang là bao nhiêu. Tiếp đến là mỗi loại như thế giáp với xứ sở nào, xã nào, lấy cái gì làm mốc giới. Các loại đường thiên lý, khe nước một dải dài bao nhiêu, trên dưới giáp với xã nào, nơi nào. Xã nào ở tổng nào, huyện nào hoặc người nào ở xã khác (tức không ở trong bổn xã) có ruộng công, ruộng tư nằm ở địa phận bổn xã, mấy khoảnh, mẫu, sào, thước, tấc, đông tây tứ cận theo từng khoản phải liệt kê rõ ràng. Phần cuối của châu bộ phải có lời cam đoan “Từ đây trở đi, giấy có chữ là bao nhiêu tờ đều đã kê khai tường tân, y như trong sổ, nếu khai bậy không thực, đem ruộng công làm ruộng tư, đem ruộng làm đất, đem ruộng cày cấy làm ruộng bỏ hoang, ẩn lậu ruộng đất từ 1 thước trở lên, sau sai khám đạc và người nào tố cáo, tra ra quả thực ẩn lậu thì xã trưởng Trần mỗ đến Hoàng mỗ cam chịu tội nặng không chối được, nay xin cam đoan[6]. Cũng cần phải nói thêm, các văn bản châu bộ được tìm thấy tại Đà Nẵng thì phần đầu tiên bao giờ cũng kê khai tổng số ruộng, đất, khe nước…thuộc bổn xã, sau đó mới chính thức kê khai từng khoản riêng.

Thứ ba, văn bản này có sự xác nhận của đầy đủ chức sắc trong làng, bao gồm: “Xã trưởng Lê Văn Thuận điểm chỉ; Lão Tuấn Trần Văn Tuấn điểm chỉ; Lão Tân Lê Văn Oản điểm chỉ; Lão Hóa Phạm Văn Tiến điểm chỉ; Lão Viên Nguyễn Văn Nghiêm điểm chỉ; Lão Linh Trần Văn Khương điểm chỉ; Lão Giáp Nguyễn Văn Y điểm chỉ; Trưởng Phế Nguyễn Văn Trang điểm chỉ; Giáp Lộng Trần Văn Linh điểm chỉ; người viết sổ Lê Văn Thành tự kí”. Không những thế có dấu kiềm “Bộ Hộ đường chi ấn” và lời phê “phó chấp bằng”, nghĩa là “phó cho giữ làm bằng”. Hơn nữa, có sự chứng thực của quan viên Nhà nước cấp cao, “Chức Câu kê ti Lệnh Sử bộ Hộ: Niên Thành bá, Cẩn Tín bá và nhân viên thuộc ti Chiếu Quang tử Đô Tín vâng xem xét, đúng với sổ tuyển năm Giáp Tuất (1814). Thư kí dinh trực lệ Quảng Nam Biên Quang Sứ, Hữu thừa ti phòng Công và nhân viên Đoan Ngọc nam vâng xem xét”[7].

Ngoài ra, châu bộ này còn được chức dịch các làng kế cận đối chiếu xác nhận xem có đúng thực tế không. Ở đây, làng Tân An giáp ranh với các xã Phước Trường, Cổ Mân và Nam An cho nên có 3 tờ đơn cam đoan thừa nhận mốc giới của ba xã trên. Cuối tờ đơn, các xã này đều thừa nhận: “Nay xã chúng tôi đối nhận giới hạn ghi trong sổ của xã ấy [tức xã Tân An –ĐTT] hai bên đều phù hợp. Vậy nên kê khai đầy đủ, đúng sự thực, giao chấp làm bằng. Nay thừa nhận”.

Qua việc khảo sát quy cách văn bản cũng như đối chiếu với quy định của triều đình nhà Nguyễn và nhiều bản địa bạ, châu bộ khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chúng tôi khẳng định đây là văn bản “thật” của làng Tân An (tức làng Tân Thái ngày nay). Việc tìm hiểu và công bố tư liệu này hy vọng sẽ giải tỏa nhiều thắc mắc trong lòng độc giả về vấn đề thực hư của châu bộ làng Tân Thái. Châu bộ làng Tân Thái không dài hàng nghìn trang như một tờ báo địa phương đã đưa tin, nhưng cũng không vẻn vẹn sơ sài trong 3 trang giấy viết chữ như văn bản mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước. Và điều quan trọng là, đâu mới là văn bản phản ánh khách quan, chân thực lịch sử? Câu hỏi này thiết nghĩ đến nay đã có lời giải đáp.

                                                                                                                        Đ.T.T



[1] Xin xem thêm: Đinh Thị Toan (2013), “Bộ châu làng Tân Thái – mấy suy nghĩ về văn bản”, Tạp chí Non Nước, (187), tr.79-84.

[2] Đảng ủy phường Thọ Quang (2006), Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng phường Thọ Quang (1930-2005), Nxb Đà Nẵng, tr. 20.

[3] Đại Nam thực lục (2004), Nxb Giáo dục, trang 801.

[4] Bảo tàng Văn hóa dân gian Huế (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, Nxb Thuận Hóa, trang 98.

[5] Xin xem địa chỉ trang web: http://sontra.danang.gov.vn/63-26-128/Di-tich-lich-su-van-hoa/Dinh-lang-Tan-Thai-Man-Thai-.aspx và http://sontra.danang.gov.vn/63-26-748/Di-tich-lich-su-van-hoa/Dinh-lang-Nam-Tho,-Tho-Quang.aspx

[6] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1993), Nxb Thuận Hóa, tập 4, trang 121-122.

[7] Phiên âm: Hộ bộ lệnh sử ti Câu kê Niên Thành bá, Cẩn Tín bá, thủ công Chiếu Quang tử Đô Tín phụng cứu y Giáp Tuất niên tuyển bạ. Trực lệ Quảng Nam dinh Thư kí biên quang sứ, Hữu thừa ti Công phòng thủ công Đoan Ngọc nam phụng cứu kí.

 

Bài viết khác cùng số

Biệt thự, mèo, răng giả và những chuyện khác - Truyện Trần Đức TiếnTản văn Phạm Thị Ngọc ThanhNhớ Hòa Bắc - Huỳnh Viết TưNúi thiêng - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Đà Nẵng trên đường phát triển - Huỳnh LêĐinh Mỹ nhân - Truyện dã sử Đỗ Nhựt ThưCào cào lá - Nguyễn Ánh Tuyết TrinhNhững giọt nước mắt - Phạm Thị Thảo Nhi Thầy ơi, em đậu tốt nghiệp rồi! - Thanh Trắc Nguyễn VănTrung thu về gợi nhớ trăng xưa - Võ Khoa ChâuCô gái vẽ linh hồn - Truyện Cẩm GiangThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Nguyễn HoaThơ Huỳnh Minh TâmTiếc nuối - Vạn LộcThong thả với sông Hàn - Mai Mộng TưởngThơ Trần Trúc TâmMiền Trung - Trần Hải Sâm Trường Sa xanh - Phan Minh ChâuViết cho những ngày xa Tổ Quốc - Lê HòaChúng ta chưa được nhìn thấy Vầng trán Người lo lắng ! - Bùi Công BínhVài kỷ niệm về mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975 - Lê Huy HạnhHai bài viết mới về Phan Khôi - Phan Nam SinhTruyện ngắn Quế Hương – thế giới của những “nỗi buồn rực rỡ” - Lê Thị HườngĐã Tìm thấy châu bộ “thật” làng Tân Thái - Đinh Thị ToanĐại Chiêm Hải Khẩu-Hội An: Một cảng-thị quốc tế sầm uất thời vương quốc Champa - Trần Kỳ PhươngHội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển” - Nguyễn Kim Huy