Hai bài viết mới về Phan Khôi - Phan Nam Sinh
Phan Khôi là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX, cũng là nhân vật chủ yếu của nhóm Nhân văn - Giai Phẩm những năm 1956 - 1958 tại Miền Bắc. Chính vì thế mà con người và văn nghiệp của ông đã bị không ít người làm cho méo mó, xô lệch đi và một thời gian dài không còn được ai nhắc tới nữa. Sau đổi mới, với những công trình sưu tầm và nghiên cứu: Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo của Lại Nguyên Ân, Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới của Vu Gia, Nắng được thì cứ nắng của Phan An Sa và tập phim phóng sự tài liệu Con mắt còn có đuôi của Đài Phát thanh Truyền hình Đà nẵng, con người và sự nghiệp của ông mới được nhìn nhận lại một cách khách quan và công bằng hơn. Mới đây, theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng, tên ông đã được đặt cho một con đường thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.
Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc hai bài viết của con trai ông là anh Phan Nam Sinh.
Bút danh Thông Reo trên báo “Trung lập” những năm 1932-1933
(Bàn thêm với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân )
Tôi đã nhận được bài viết của anh “Về những tác phẩm Nguyễn An Ninh đăng nhật báo Trung lập ở Sài Gòn những năm 1932-1933” cho “Xưa & Nay” do anh gửi tặng. Dẫu đã biết qua điện thoại và loại bỏ các trường hợp ít có khả năng xảy ra (có kẻ mạo danh Phan Khôi hoặc Nguyễn An Ninh tình cờ ký tên Thông Reo mà không biết đó là bút danh của họ Phan) chỉ giữ lại một trường hợp là có sự thỏa thuận giữa hai ông Phan, Nguyễn vậy mà đọc xong bài của anh, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng, thắc mắc.
Ngỡ ngàng vì trước đây tôi chỉ biết có Thông Reo (hay Tờ-hông-re-o) là bút danh do một mình Phan Khôi sở hữu nay mới là lần đầu tiên nghe nói nhà cách mạng Nguyễn An Ninh cũng có thời gian sử dụng bút danh này!
Thắc mắc vì một tính cách như Phan Khôi, người rất có ý thức và sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra sao lại để người khác “mượn” bút danh của mình viết bài đăng từng kỳ trên báo mà chắc chắn ông không thể biết trước người ấy sẽ viết những gì, có hợp với ý mình không? Còn Nguyễn An Ninh, người mà về một phương diện nào đó còn nổi tiếng hơn cả Phan Khôi sao lại phải hạ mình mượn bút danh của họ Phan? Thêm mấy nhà làm sách mà anh nhắc tên trong bài viết như các ông Nguyễn An Tịnh, Nguyễn Sơn, Mai Quốc Liên; chẳng lẽ họ chưa từng biết Thông Reo là bút danh một đời làm báo của Phan Khôi hay sao mà khi biết có người khác cũng sở hữu bút danh này lại không hề có một chút băn khoăn hay một lời, một chữ nào giải thích với độc giả gọi là có?
Nhưng thắc mắc vẫn chỉ là thắc mắc mà không thể giải thích được sự thật. Mà sự thật thì gần như đã hiển nhiên là Nguyễn An Ninh có thời gian sử dụng bút danh Thông Reo như một số nhà làm sách mặc nhiên thừa nhận và anh cũng đã chứng minh Nguyễn An Ninh, với bút danh Thông Reo là tác giả của ít ra là hai bài báo đã đăng trong mục “Những điều nghe thấy” của tờ “Trung lập”. Như vậy vấn đề chỉ còn là: vì sao Nguyễn An Ninh lại cứ phải mượn bút danh của Phan Khôi mà không phải là của một ai khác? Về điểm này, theo tôi có thể có hai lý do: Một là, Nguyễn An Ninh muốn dùng bút danh của Phan Khôi để tạo dựng niềm tin nơi người đọc, mang lại hiệu quả tối đa cho bài viết, đặc biệt với loạt bài công kích ông bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhân của “Phụ nữ tân văn” và cũng là tác giả của Hội chợ phụ nữ đang bị dư luận báo chí hồi đó lên án gay gắt. Nói như thế bởi vì cho tới thời điểm đó, độc giả còn ai không biết Phan Khôi là cộng tác viên lâu năm của “Phụ nữ tân văn”, trở thành cây bút chủ lực của tờ báo và do đó có thể Phan Khôi đã biết khá nhiều về công việc làm ăn, kể cả các mánh khóe làm giàu của vợ chồng ông bà tư sản kiêm chủ báo này. Lý do thứ hai, nói ra có vẻ như hơi khó nghe nhưng biết đâu lại chẳng là lý do chính yếu? Nguyễn An Ninh muốn dựa vào tên tuổi Phan Khôi như một thứ bảo đảm cho thu nhập của tờ báo, đủ để ông và các đồng chí có thời gian quảng bá tư tưởng cách mạng của mình. Điều này không phải là không có lý vì vào thời điểm đó, Nguyễn An Ninh mới tiếp quản “Trung lập” trong khi Phan Khôi với bút danh Tha Sơn rồi Thông Reo từ hai năm trước đó đã thường xuyên hiện diện trong mục “Những điều nghe thấy” cũng của tờ báo này và đã tạo ra được không ít tiếng vang. Nếu nhận xét của ông Thiếu Sơn là: độc giả Sài Gòn lúc đó chịu bỏ ra 15 xu mua một tờ “Phụ nữ tân văn” cốt chỉ để được đọc bài của Phan Khôi cũng đúng với “Trung lập” thì suy luận trên đây của tôi càng có cơ sở. Lẽ tất nhiên đây cũng chỉ mới là điều kiện cần vì nếu nó không đủ mạnh để chiến thắng lòng tự ái nghề nghiệp mà nhà báo chân chính nào cũng có, nhất là những nhà báo như Nguyễn An Ninh thì ông cũng không thể dễ dàng gì mượn tên tuổi của Phan Khôi, tự nguyện đeo chiếc “mặt nạ tác giả” như kiểu anh đã nói trong bài viết!
Còn Phan Khôi sao lại phải cho Nguyễn An Ninh mượn bút danh của mình, một việc làm rất xa lạ với tính cách của ông, chưa có tiền lệ và cũng không thấy được lặp lại trong phần còn lại của cuộc đời làm báo, viết văn của ông? Là người có chút ít hiểu biết về Phan Khôi lại được sống cùng ông những năm cuối đời, tôi thật sự lấy làm lạ! Nhưng dù cho có lạ mấy đi nữa mà đã là sự thật thì tôi vẫn hy vọng có thể giải thích được dẫu cũng chỉ là những phỏng đoán. Thử giả định Phan Khôi cũng bất bình với cung cách làm ăn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận trong vụ Hội chợ phụ nữ, nghĩa là cùng quan điểm với Nguyễn An Ninh trên “Trung lập” thì dù cho có tôn trọng thỏa thuận với Nguyễn An Ninh, theo lẽ và cũng là theo cá tính của ông, Phan Khôi nhất định sẽ phải lên tiếng như nhiều lần trước đó ông đã lên tiếng chỉ trích Phạm Quỳnh, chủ bút báo “Nam phong”, tờ báo mà ông từng cộng tác vào những năm 1917-1918. Tiếc là, trong số các bài báo Phan Khôi viết vào giai đoạn này cũng như qua những di cảo mà ông để lại, tôi không tìm thấy bài nào hoặc chi tiết nào có liên quan đến điều chúng ta vừa nói. Tôi tuy không biết gì nhiều về mối quan hệ giữa Phan Khôi và ông bà Nguyễn Đức Nhuận vào thời gian này nhưng căn cứ vào lần Nguyễn Đức Nhuận từ Sài Gòn lặn lội biết bao đường đất, đò giang từ Sài Gòn về quê làng Bảo An để thăm Phan Khôi khoảng giữa hoặc cuối năm 1944, tôi cho rằng quan hệ giữa hai ông tuy có thể không bằng hồi còn làm ở “Phụ nữ tân văn” nhưng cũng chưa đến nỗi bị sứt mẻ. Vì những gì đã trình bày, tôi cho rằng giả định mà tôi đưa ra trên kia chỉ là giả định mà không thể là sự thật. Phan Khôi bằng lòng cho Nguyễn An Ninh mượn bút danh Thông Reo không phải vì ông cùng quan điểm với Nguyễn An Ninh trong vụ Hội chợ phụ nữ. Tôi cũng cho rằng trong loạt bài công kích ông bà Nguyễn Đức Nhuận ký tên Thông Reo trên “Trung lập” vào thời gian này không có sự tham gia của Phan Khôi. Đó là sản phẩm hay nói như anh là tài sản tinh thần của Thông Reo - Nguyễn An Ninh mà không phải là của Thông Reo - Phan Khôi. Tôi còn ngờ rằng chính ông bà Nguyễn Đức Nhuận cũng biết điều này nên mới có cuộc viếng thăm Phan Khôi hơn mười năm sau đó tại quê nhà của ông như đã nói trên kia.
Như vậy chỉ còn một lý do duy nhất là mối quan hệ giữa Nguyễn An Ninh và Phan Khôi phải như thế nào đó thì mới có việc mượn và cho mượn bút danh giữa hai ông. Đến đây thì tôi gần như bế tắc vì với tất cả những gì mà tôi từng đọc được đều không thấy có chỗ nào đề cập tới việc ấy, ngoại trừ một ít tình cảm và sự bênh vực mà Phan Khôi dành cho Nguyễn An Ninh trong bài “Ông Nguyễn An Ninh và báo La Tribune Indochinoise” đăng ở “Đông Pháp thời báo” số 723, ngày 24 tháng 5 năm 1928. May nhờ được sự chỉ dẫn của anh qua điện thoại, tôi đã tìm đọc bài của bà Thụy Khuê và vấn đề dường như có được sáng tỏ ra chút ít. Có thể là sau khi Nguyễn An Ninh từ Pháp về, qua trung gian là ông thân sinh Nguyễn An Khương, người mà Phan Khôi có thời gian thường ghé thăm và nhà cách mạng lão thành Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh đã có dịp gặp gỡ Phan Khôi. Mối quan hệ này còn được kéo dài mãi cho đến đám tang Phan Châu Trinh và nhất là sau khi Nguyễn An Ninh ở tù ra đủ để hai ông hiểu biết lẫn nhau, vượt qua rào cản là lòng tự ái nghề nghiệp và có thể cả những định kiến khác, dẫn đến việc Phan Khôi cho Nguyễn An Ninh mượn bút danh của mình như ta đã biết. Tôi không mấy ngạc nhiên về mối quan hệ giữa Phan Khôi và nhà cách mạng khuynh tả Nguyễn An Ninh bởi mấy năm sau đó, vào mùa xuân năm 1937, khi tờ “Sông Hương” do Phan Khôi sáng lập có nguy cơ bị đình bản vì không đủ tiền ra báo, ông đã nhường quyền tục bản cho nhóm cộng sản là các ông Phan Đăng Lưu và Nguyễn Cửu Thạnh.
Như anh cho biết, Nguyễn An Ninh chỉ mới bắt đầu cộng tác chặt chẽ với “Trung lập” từ ngày 2 tháng 3 năm 1933 và loạt bài công kích Hội chợ phụ nữ gắn liền với tên tuổi ông bà Nguyễn Đức Nhuận nếu đúng không phải là của Phan Khôi như tôi phỏng đoán thì việc xác định tác quyền của hai ông Phan, Nguyễn trên “Trung lập” có đơn giản hơn nhưng để trả lại tài sản tinh thần về đúng với chủ của nó như anh nói thì vẫn còn không ít khó khăn. Để làm được công việc tỉ mỉ này cần có nhiều thời gian và chắc chắn phải nhờ đến các nhà sử học, văn bản học chứ không thể vội vàng, tùy tiện hay mặc nhiên thừa nhận như kiểu một số nhà nghiên cứu đi trước đã từng làm.
Tôi viết bài này khi chưa được xem sách của các ông Nguyễn An Tịnh, Nguyễn Sơn, Mai Quốc Liên và cũng chỉ mới đọc xong “Phan Khôi-Tác phẩm đăng báo năm 1932” nên không dám chắc những gì mình viết ra đã đúng. Tuy vậy tôi vẫn xin có vài lời trao đổi thêm với anh, biết đâu lại có một chút gì đó bổ ích cho công việc của anh đang làm. Xin chân thành cám ơn anh đã gửi tặng bài viết rất bổ ích với tôi và hy vọng những nghiên cứu tiếp theo của anh, vấn đề tác quyền của hai ông Phan, Nguyễn trên mục “Những điều nghe thấy” của “Trung lập” sẽ sớm được giải quyết thỏa đáng.
Bà Nhã Ca đạo ý tưởng và chữ nghĩa Phan Khôi trong bản dịch Kinh Thánh
Gần đây bà Nguyễn Tà Cúc, nhà nghiên cứu Văn học Việt Nam đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ có gửi cho tôi một số bài nghiên cứu rất công phu về Phan Khôi, đặc biệt là việc ông cộng tác với vợ chồng ông bà mục sư William C. Cadman để dịch Kinh Thánh cho Hội Thánh Tin lành Đông Pháp trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1925. Các bài viết của bà đã mang đến cho những ai quan tâm tới sự nghiệp sáng tác và dịch thuật của Phan Khôi không ít những thông tin mới mẻ và đáng tin cậy mà tôi sẽ kể vào một dịp khác. Lần này, tôi chỉ xin đề cập tới vụ mà bà Nguyễn Tà Cúc gọi là một sự việc kinh khủng và tồi tệ hay một vụ nghi án văn học của thế kỷ XX liên quan đến một nhà thơ Miền Nam trước 1975 bởi sự thiếu liêm khiết trí thức của bà Nhã Ca như chữ dùng của bà Nguyễn Tà Cúc.
Theo thư bà Nguyễn Tà Cúc gửi cho người viết bài này thì việc bà phát hiện Nhã Ca đạo Kinh Thánh khi viết Đàn bà là mặt trời và Một đoạn Nhã Ca cũng rất tình cờ, thêm vào đó là một chút may mắn. Gọi là tình cờ vì điều bà phát hiện không nằm trong chủ ý ban đầu mà hình thành và là kết quả của quá trình tìm kiếm, thâm nhập kho tư liệu về Phan Khôi thời dịch Kinh Thánh và thời làm Nhân Văn. Còn may mắn là nhờ bà có người anh thứ hai vốn là nhà truyền giáo, nên ngay từ lúc còn ở Sài Gòn bà đã được đọc nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau, trong đó có bản dịch của Phan Khôi. Tới Mỹ, khi đã dấn thân vào nghề viết, bà lại được đọc nhiều thơ của Nhã Ca. Rồi vào năm 54 tuổi, trở lại trường cũ Penn State University thuộc bang Pennsylvania học nốt cử nhân rồi cao học, bà lại bén duyên với ngành Hoa Kỳ học, ngành học có nhiều dính líu đến văn chương và văn minh phương Tây mà Kinh Thánh là cốt tủy. Vì thế, để phát hiện việc bà Nhã Ca đạo Kinh Thánh đối với bà hoàn toàn không có gì là khó cả.
Trong bài của mình, bà Nguyễn Tà Cúc đã đưa ra những bằng chứng không chỉ đầy đủ mà còn dư dả để công bằng cho bà Nhã Ca, hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, nhằm cho bà ta nhiều hơn một cơ hội để phản bác. Theo bà Nguyễn Tà Cúc, nhiều trường hợp bà Nhã Ca đã lấy nguyên văn hoặc cắt xén rồi đem lộn lạo nguyên bản các sách như Thi thiên, Châm ngôn, Nhã ca và cả một số sách khác trong Kinh Thánh để đưa vào Đàn bà là mặt trời hoặc Một đoạn Nhã Ca nhằm lập lờ đánh lận con đen, biến Kinh Thánh, từ lâu đã là tài sản của nhân loại thành thơ của mình rồi nhờ đó mà nổi tiếng, bởi cũng theo một lá thư khác của bà Nguyễn Tà Cúc thì sự nghiệp thơ của bà Nhã Ca sẽ không có gì đáng kể nếu không có hai bài đạo thơ ấy. Tưởng chẳng cần phải dài dòng, chỉ xin cử ra đây khoảng một phần ba số trường hợp mà bà Nguyễn Tà Cúc nêu ra cũng đủ để bạn đọc tự phán đoán xem điều phát hiện của bà Nguyễn Tà Cúc là đúng hay sai, thuyết phục hay không thuyết phục:
1- Kinh Thánh (Nhã ca, 6:10)
Người nữ này là ai, hiện ra như rạng đông,
Đẹp như mặt trăng, tinh sạch như mặt trời,
- Thơ bà Nhã Ca (Đàn bà là mặt trời)
Hỡi các chị, chúng ta đều đẹp như mặt trời
tinh khiết như bình minh.
2- Kinh Thánh (Nhã ca, 1:10)
Đôi má mình đẹp với đồ trang sức;
Cổ mình xinh với hột trân châu.
- Thơ bà Nhã Ca
trân châu cùng ngọc bích
để trang điểm cho chúng ta đẹp đẽ.
3- Kinh Thánh (Nhã ca, 8:6)
...
Lòng ghen hung dữ như Âm phủ;
Sự nóng nó là sự nóng của lửa,
- Thơ bà Nhã Ca
Tôi...nóng hơn lửa
Chúng ta có lòng ghen mạnh như bão.
4- Kinh Thánh (Thi thiên, 19:1,2)
Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,
...
Ngày nầy giảng cho ngày kia,
Đêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ.
- Thơ bà Nhã Ca (Một đoạn Nhã Ca)
đang rao truyền sự vinh hiển của hạnh phúc
...
ngày hãy giảng nghĩa cho đêm
ánh sáng rù rì cho bóng tối
5- Kinh Thánh (Thi thiên, 31:10,11,12)
Mạng sống tôi tiêu hao vì cớ buồn bực,
...
Sức mạnh tôi mòn yếu...
...
Thật một sự ô nhục lớn cho kẻ lân cận tôi,...
Kẻ nào thấy tôi ở ngoài đều trốn khỏi tôi.
Tôi bị chúng quên đi như kẻ chết...
- Thơ bà Nhã Ca
Dẫu tôi sức yếu mỏng hao mòn vì buồn rầu
dẫu sự ô nhục bắt đầu vào lẩn trốn trong tôi
tôi bị quên đi như kẻ chết
6- Kinh Thánh (Thi thiên 59: 6,14)
Buổi chiều chúng nó trở lại, tru như chó,
- Thơ bà Nhã Ca
...đôi khi tru điên như chó sói...
7- Kinh Thánh (Châm ngôn, 12:19; 19:12)
Môi chân thật được bền đỗ đời đời;
Song lưỡi giả dối chỉ còn một lúc mà thôi.
...
Còn ân dịch người như sương móc xuống trên đồng cỏ.
- Thơ bà Nhã Ca
Chồi chân thực sẽ mọc đời đời
nhưng lưỡi gian dối cũng sẽ đâm chồi mãi
còn ân nghĩa là sương móc gieo xuống cánh đồng
Có lẽ khỏi phải cần trích dẫn và bình luận gì thêm, bạn đọc cũng thừa hiểu biết để nhận ra lời buộc tội của bà Nguyễn Tà Cúc với nhà thơ Nhã Ca trong vụ đạo Kinh Thánh, bản dịch tiếng Việt của Phan Khôi là hoàn toàn có lý và đáng tin cậy. Thật đáng trách cho bà Nhã Ca đã tự đánh mất mình, để lại một vết nhơ mà có dành cả phần đời còn lại của bà cũng không chắc đã gột sạch được. Và cũng thật đáng tiếc cho những ai làm sách Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam (Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2000) khi chưa tìm hiểu kỹ đã vội vàng đưa vào tuyển hai bài thơ có dấu hiệu thiếu trung thực là Đàn bà là mặt trời và Một đoạn Nhã Ca, mặc nhiên xem bà Nhã Ca thuộc hàng các nhà thơ ưu tú, tiêu biểu cho lớp nhà thơ nữ Việt Nam hiện đại.
P.N.S