Truyện ngắn Quế Hương – thế giới của những “nỗi buồn rực rỡ” - Lê Thị Hường
Không cần phù phiếm, một truyện ngắn đọc xong làm người ta day dứt, ngẫm suy, tin yêu… là truyện ngắn thành công. Những mẩu chuyện nhỏ nhưng sâu sắc của Quế Hương đã làm được điều đó với không ít độc giả. Từ truyện ngắn đầu tay Đôi chân biết khóc (1990) đến Đoá hoa không gai và con cừu không rọ mõm (2010), với một số lượng văn phẩm không hẳn là nhiều, tên tuổi Quế Hương đã được khẳng định, không chỉ trong nước mà còn vang ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Truyện ngắn của Quế Hương đa dạng. Có những truyện như vừa mới được bóc tách ra từ mảng hiện thực cuộc sống tươi ròng, đầy đặn những vấn đề thời sự nhức nhối: lối sống của thanh niên trong xã hội đương đại (Một cuộc đua); căn bệnh thế kỉ (Tiên ngồi khóc); tệ nạn xã hội; trẻ em đường phố (Tí bụi)… Có những truyện như những huyền thoại cổ xưa, lấp lánh vẻ đẹp nhân bản khi nhà văn chạm sâu đến những tầng vô thức, bản năng người (Bức tranh thiếu nữ áo lục, Khúc chiều tà, Tịnh Tâm viên). Có những truyện như cổ tích thời nay – những bài học đời thường nhiều trăn trở (Cội mai lưu lạc, Câu hát gọi tìm). Quế Hương cũng có một mảng truyện dành cho thiếu nhi. Nhân hậu, dễ xúc động trước những mảnh đời lấm láp, Quế Hương dành cho trẻ em những trang viết thấm đượm tình người với nét bút hồn nhiên, lấp lánh tin yêu (Đám cưới cỏ, Vua lũ đồ chơi, Chiếc vé vào cổng Thiên – Đường – Xanh).
Dẫu viết về vấn đề gì, điểm nổi bật của truyện ngắn Quế Hương là luôn thấp thoáng bóng dáng một cái tôi-nhà-văn đầy trắc ẩn. Trên diện mạo chung của truyện ngắn nữ, tên tuổi Quế Hương hiện hữu với một thế giới nghệ thuật riêng.
Thế giới của những mảnh đời không hoàn hảo
Với nữ giới, viết văn là sự giãi bày, một xác tín bản ngã; viết như một nhu cầu hóa thân/đóng vai qua hệ thống nhân vật – đặc biệt là nhân vật nữ. Quế Hương không hẳn như vậy. Đọc truyện ngắn Quế Hương, không có cảm giác nhà văn “tự mổ xẻ mình” (hay như tác giả tâm sự “tôi quyết gạt tôi qua một bên”) nhưng thấp thoáng đằng sau nhân vật là chân dung của nhà văn. Điều thú vị ở tác giả nữ này là trong phần lớn những chuyện kể từ ngôi thứ nhất, điểm nhìn được đặt ở nhân vật khác giới. Trong truyện ngắn Quế Hương có một cái-tôi-đàn-ông, ngỡ ngoài cuộc nhưng hoá ra lại là những mảnh phân thân của tâm hồn nhà văn. Tôi bộc lộ nỗi buồn mênh mang trước sự xuống cấp của những di sản văn hoá dân tộc: văn hoá Chăm, phố cổ Hội An, lăng tẩm Huế và những cảnh rêu phong hoang phế đổ nát (Apsara hoang dại). Tôi ngậm ngùi, xót xa trước sức huỷ hoại của thời gian; cái tôi gắn bó chặt chẽ với hồn quê, cái tôi lịch duyệt, tinh tế; cái tôi run rẩy trước cái đẹp vĩnh cửu (Cội mai vĩnh cửu). Cái tôi với niềm xác tín về tình yêu đích thực- “Ngày mai khuôn viên Tịnh Tâm sẽ thuộc về người khác, linh hồn họ trôi dạt về đâu? Nhưng tôi tin, dù lên thiên đàng hay xuống địa ngục, lão Cây vẫn đi theo người đàn bà tóc trắng, vẫn đủ ma lực gọi cỏ hoa về (Tịnh Tâm viên).
Con người trong truyện ngắn Quế Hương được soi chiếu từ nhiều chiều kích, với nhiều dạng thức; trong đó kiểu con người bất toàn trở thành tâm điểm sáng tạo của nhà văn. Nhân vật của Quế Hương là những người phụ nữ bất hạnh, những người đàn ông chấn thương và những đứa trẻ tội tình vì trót mang vác phận người. Ngoài cõi người trần trụi trong một cõi tục bụi bặm, thô nhám, ngòi bút nhà văn thật tinh tế khi khắc hoạ một kiểu nhân vật lạ lẫm, bí ẩn, mang trong mình những nỗi ám ảnh không dễ giãi bày. Nhân vật của Quế Hương thường có những vùng ẩn mật: những tổn thương tinh thần thời thơ ấu bám riết phận đời, sự thiếu thốn về tình cảm, những ẩn ức tâm lí… Chạm đến cõi vô thức, phát lộ được chốn bí ẩn này, nhà văn đã đề cập sâu sắc tính đa bản thể của con người. Quế Hương thường khắc hoạ motif nhân vật bất thường, những người điên sống trong ảo giác, mộng mị, ám thị. Nhưng ngẫm ra, họ là những người-điên-tỉnh-táo trong cuộc đời nghiệt ngã, nhốn nháo. Điên là những phút giây con người tìm về quá khứ với những ám ảnh, mặc cảm, những vết thương khó lòng lành miệng; kể cả những cơn điên sáng tạo. Bằng sự mài nhọn giác quan, cây-bút-nữ Quế Hương đã khai mở được đời sống tâm linh. Nhiều nhân vật của Quế Hương như đang bước ra từ một thế giới khác, một thế giới lưng chừng giữa cõi thực và cõi nào hoang sơ. Đó là lão Cây có năng lực gọi cỏ hoa về và người đàn bà tóc trắng khóc-cười-yêu-hận với những ám ảnh vô thức (Tịnh Tâm viên); là lão Tầm Xuân suốt phần đời còn lại chìm trong cõi vắng – “Thời gian với lão chỉ là lớp bụi mờ. Gió thổi, bụi bay, dĩ vãng lại hiện ra nguyên vẹn trước mắt lão. Đêm ấy, lão hát miên man bên bếp lửa tàn. Một mình hát, một mình nghe, một mình mở hội Lim, lúng liếng, đắm say, chan tình lai láng.” (Câu hát tìm nhau); là gã Đớp, ôm giữ một mối tình trong vô thức, người thanh niên sống trong cõi hỗn mang, cứ đêm đêm lại lang thang đi uống vầng trăng (Khúc chiều tà).
Nghệ thuật như là kết quả của sự thăng hoa những ám ảnh vô thức. Nhân vật máu thịt của Quế Hương thường là nghệ sĩ: hoạ sĩ, nhà văn, vũ nữ, nghệ nhân… Sáng tạo với họ là hoạt động vô thức. Người họa sĩ râu tóc man dại với nụ cười trắng lóa trong nắng, nụ cười an nhiên của đá với “những trang nhật ký bằng tranh xé ra từ cõi lòng sâu nặng với văn hóa Champa dựng rải rác quanh đó… Linga đường bệ trơ trọi, mảnh tháp thương tích lơ phơ ngọn cỏ gió đùa, đôi mắt vời vợi, tít tắp, lung linh ánh lửa u uẩn huyền bí của hậu bối nghệ sĩ Chăm xưa” (Apsara hoang dại). Lão Vật-phù-thuỷ với hai bức tranh ra đời trong tột cùng đam mê và tột cùng thù hận- “Bức thứ nhất vẽ một người đàn bà kiều mị nhưng thật gớm ghiếc vì tóc bà ta là những chùm rắn rết. Bức thứ hai vẽ một người đàn ông vục mặt trên bầu vú để trần của người đàn bà, gương mặt lai láng hạnh phúc” (Một). Những trang viết về hội hoạ của Quế Hương là những bức tranh bằng ngôn từ nghệ thuật được viết bằng một trái tim phụ nữ mẫn cảm. Bằng những ham muốn vô thức, người hoạ sĩ già xuất thần vẽ những bức tranh “không cùng-kiểu-với-mọi-người”; những bức tranh “nóng hôi hổi như những viên ngọc thô mới lôi lên từ lòng đất… Chúng nằm la liệt trên sàn nhà…Tất cả ngồn ngộn một sức sống mãnh kiệt ứ trào khỏi màu sắc và hữu hạn” (Bức tranh thiếu nữ áo lục). Dưới ngòi bút tài hoa của Quế Hương, người hoạ sĩ già và hình ảnh thiếu nữ áo lục chợt ẩn chợt hiện, chợt già chợt trẻ như một ám ảnh sáng tạo. Và, sau đêm ân ái với cô bé áo lục chợt có chợt không, trong tội-lỗi-vô-thức, trong cơn mê sảng sáng tạo, hoạ sĩ đã để lại bức tranh đẹp nhất của một đời đam mê nghệ thuật và đi vào cõi chết. Các nhân vật nghệ sĩ của Quế Hương thường thoát xác trong một “phút linh” như thế. “Trên nền tháp, một vũ nữ đang múa… Du khách đứng quanh như bị hớp hồn theo pho tượng Chăm biết cử động… Váy áo dát nắng vàng, nét mặt đắm chìm trong hoan lạc tự tại, cô không còn thuộc về thế giới phù hoa hư ảo của trần thế…” (Apsara hoang dại). Bức tranh thiếu nữ và hoa phượng thành hình nét trong những phút giây bất chợt trong đời- “Hoa phượng rực rỡ, tuổi thanh xuân rực rỡ mà sao tranh vẫn buồn khôn tả” (Nỗi buồn rực rỡ).
Lẽ tử sinh và khát vọng thoát xác- tái sinh
Trước thường biến lẽ đời, văn học ngày càng quan tâm hơn đến những vấn đề vĩnh cửu, trong đó có sự sống và cái chết. Tác phẩm Quế Hương tồn tại song song hai triết lí vĩnh hằng sống-chết. Nhân vật của chị luôn mặc cảm về cái sống của mình nên luôn đi tìm/đón chờ cái chết như một lẽ sinh tử thường tình (Một, Đôi chân biết khóc, Đáo bỉ ngạn). Nhiều truyện ngắn của Quế Hương là cuộc đối thoại giữa hai phạm trù ngỡ như đối lập nhưng luôn tồn tại trong một con người. Ở đó CON NGƯỜI đối thoại với THẦN CHẾT – “Chết là vậy sao? Như gió bão. Đốn ngã một cuộc đời bất cứ lúc nào”. Trong Đáo bỉ ngạn vị quan tham cận kề cái chết mới bừng ngộ về lẽ vô thường. Tới bờ bên kia của cuộc đời, con người mới thấu thị những vấn đề tưởng quá chừng đơn giản. Cái nhân hậu, đằm thắm nữ của Quế Hương là dẫu chìm đắm đến tận cùng bi thảm nhân vật của chị vẫn được cứu rỗi; hoặc dẫu bằng cái chết thì cũng là sự cứu chuộc, về cõi hằng cửu, thoát xác để tái sinh– “Nàng nằm đó, bình an thanh thản gác lại mọi nỗi trần ai – Còn tôi, quằn quại, đau đớn. Nàng được chết-trong-cõi-chết. Còn tôi, chết-trong-cõi-sống” (Một); “Nhưng mẹ không một mình. Chú Di phủ phục bên mồ dang cả người che mưa cho nấm đất mới. Mưa xối lên hình hài chú nhưng dưới trái tim chú mẹ vẫn khô ráo” (Trần gian có mưa). “Cái chết xâm chiếm ông từng ngày, nhưng cũng theo từng ngày, một mầm sống khác lại quẫy cựa, trồi lên. Dường như có một thằng bé chui ra từ hình hài mục ruỗng của ông, đái lên trái tim khô của ông làm nó ướt đẫm” (Đáo bỉ ngạn).
Mang chứa trong mình những bí ẩn riêng, nhân vật của Quế Hương thường xuyên sống trong cõi lặng. Nhiều nhân vật bị tước bỏ vai trò của chủ thể phát ngôn, câm lặng vì những sang chấn tinh thần tuổi ấu thơ. Con câm với đôi mắt hoang dại mênh mang buồn. Khát vọng hoá thân và bản năng sống là cú hích đột ngột để âm thanh bật lên thành tiếng nói (Apsara hoang dại). Có lúc câm như là một cách thức phản kháng với cái xấu cái ác, hoặc bộc lộ đến tận cùng sự cô đơn. Có khi nhân vật từ chối tiếng nói vì sợ những lời giả dối; hoặc vì ngôn ngữ nói thành lời không đủ để phát lộ những đoạn khúc bí ẩn của tâm hồn.- “Khi ngôn từ không đủ diễn tả, lão cũng cắm hoa. Những bình hoa bừng sáng vẻ đẹp tâm hồn lão, tâm hồn thô mộc chưa tách rời mẹ đất để bay lên không với đôi cánh giả phù du” (Tịnh Tâm viên); “Lão vẽ bằng que, bằng than, bút chì hoặc mực tàu nhưng tôi lờ mờ cảm nhận ngôn ngữ ấy của lão thật khốc liệt. Đó là thân cây trơ trụi nổi trên nền trời xám xịt. Đó là con thuyền nhỏ chết đuối giữa sông xanh. Đó là những hình người, bao giờ cũng nửa người nửa thú, nửa mặt này, nửa mặt kia trông thật gớm ghiếc” (Một).
Triệt tiêu vai trò phát ngôn của nhân vật, dạng ngôn ngữ chủ yếu trong truyện ngắn Quế Hương là lời độc thoại nội tâm. Ở một số truyện của nhà văn, yếu tố thúc đẩy câu chuyện phát triển là lời vô thức- mạch trữ tình trội lên ở bình diện thứ nhất, mạch tự sự chìm khuất sau những ngổn ngang hoài niệm. Người đi lạc là những trạng thái phân tâm của hai nửa con người trong nhân vật Phước điên- một nửa đi lạc ở hiện tại (từ khách sạn Morin đến bệnh viện); một nửa lạc chìm trong hồi ức (thời nữ sinh Đồng Khánh,). Mạch truyện được triển khai từ hành vi lạc/điên, điên/tỉnh. Hiện tại-quá khứ, thực-hư đan lồng trong những khoảnh khắc điên-hồi-ức. Thời gian trần thuật bị đảo lộn, đồng hiện thời gian được tổ chức một cách có nghệ thuật. Lời vô thức xuyên suốt chiều dài tác phẩm, với những khoảnh khắc đồng hiện để người điên tự phân tâm:
“Tôi đi về phía bệnh viện. Con đường có hai hàng cây long não đẹp lạ lùng. Thư bảo chúng hôn nhau. Tôi men theo rào bệnh viện. Hai tay buông thõng. Đầu gục xuống. Tôi bắt đầu khóc ư ử. Nhiều người đi ngược nhìn tôi.”
“Tôi đi về phía chỗ Khoa nằm. Bệnh nhân đang chờ khám rất đông, Chỗ Khoa gối đầu lên, một đứa bé đang đứng. Tôi thấy rõ vệt máu của Khoa dưới chân em. Tôi oà khóc” (Người đi lạc).
Thế giới của cái đẹp, sự tương giao, của thăng hoa vô thức
Một trong những yếu tố làm nên một vùng thẩm mỹ riêng của truyện ngắn Quế Hương là thiên nhiên tâm linh. Không gian quen thuộc trong truyện ngắn Quế Hương là những khu vườn ngờm ngợp trăng, cỏ, lá, hoa; là những di tích văn hoá lao xao hồn linh huyền hoặc ngàn xưa. Nhân vật của Quế Hương tìm thấy ở thiên nhiên một sự giao hoà kì diệu, thiên nhiên có hồn, gọi hồn. Nhà văn thật tinh tế khi diễn tả độ giao tần số rung động giữa thiên nhiên và hồn người. Con người bất toàn được thiên nhiên làm cho hoàn hảo; những cái chết được thiên nhiên làm cho tái sinh. Trong thế giới nguyên sơ đó- nơi mà mọi pha tạp của đời sống không chạm tới, con người lẩn thẩn chuyện trò với cỏ cây hoa lá, nhập hồn vào thế giới trong lành; hiểu ngôn ngữ của cỏ hoa đồng nội. Người đàn bà tóc trắng trong cơn cuồng nộ kí ức, và nước, và mưa, hoa súng và thuyền giấy (Tịnh Tâm viên). Trong Phố Hoài, nhân vật hồn nhiên đối thoại với rêu- “tựa cửa chơi trò đố rêu nói gì trên bức tường trước mặt”. Để rồi năm tháng trôi qua, giữa bao nghiệt ngã thời gian “thằng Dậu vắt trí tưởng tượng giải mã ngôn ngữ rêu bí ẩn ấy như chơi cút bắt với tâm hồn chị”. Những vùng thiên nhiên trong truyện Quế Hương hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc về lẽ đời, lẽ người? Sư trụ trì cũng là một nghệ nhân bon-sai, quan niệm cái Đẹp chính là Đạo. “Trồng hoa cũng là cách hằng hóa tâm đạo, truyền tiếng nói thầm lặng cửa thiền” (Ẩn lan). Giữa tĩnh mịch thâm u vùng lăng tẩm Huế, người hoạ sĩ già “ngồi tựa vào thân cây, trang nghiêm, tịch mặc như kẻ thiền toạ, lắng nghe như uống từng giọt âm thanh mê hồn tắm đẫm hương sứ của lũ chim sớm. Nỗi đời tan biến…”. Và, khoảnh khắc bất chợt làm nên sáng tạo đích thực của người hoạ sĩ chính là khoảnh khắc con người đắm mình vào thiên nhiên: “Thế là ông vẽ cỏ-đám-cưới...Hai mươi năm cầm cọ hoạ sĩ chưa bao giờ vẽ một cái gì tươi tắn, giản dị, rạo rực sức sống dường kia. Màu sắc cứ tuồn tuột khỏi tay ông, chạy ào ào bức tranh, chúng tự tìm chỗ, hối hả reo vui trên nền cỏ rạo rực...” (Bức tranh thiếu nữ áo lục).
Quế Hương cũng viết nhiều về phố thị, bụi và vô cảm. Không gian phố thị tù túng, vô hồn, nơi “cây kiểng nén mình trong chật hẹp. Cá trong bể kiếng. Chim trong lồng”; nơi “chỉ có những ngọn đèn trước hiên hoặc trên ban-công thức, tỏa ra thứ ánh sáng đường bệ lạnh lùng như những tên lính canh”. Ở đó, con người chai lì mọi cảm xúc, nơi tồn tại những con người thờ ơ trước cái Đẹp, trước tình người. Thoát ra khỏi không gian đó, người mới thật là Người, chim mới thật sự là chim- “chuỗi âm thanh ríu ran như tiếng hót. Phải chăng khi chạm trời xanh, nó sực nhớ mình là chim!” (Con nhồng Bù Đốp); ngay cả búp bê “bằng nhựa đúc đơn giản, mọi bộ phận, áo váy, tóc mũ gắn liền một khối” già đời trong tủ kính cũng được sống trong hạnh-phúc-người (Cỏ đám cưới). Ở những truyện ngắn viết về nhốn nháo phố thị, văn phong Quế Hương tỉnh táo, lạnh lùng, nhiều truyện ngắn thiên về đối thoại, triết lí; nhưng có lúc ngòi bút Quế Hương bất chợt biến hoá, mềm mại, ấm áp khi viết về đất đai, cây cỏ. Thiên nhiên trong truyện Quế Hương còn là một chốn vĩnh hằng, nơi vùi chôn và bật mầm những giấc mơ xanh. Ở đó, trong miền nhớ còn tươi rói của nhân vật, có một khoảnh khắc ngưng lặng, bất biến, một khung rêu mãi bám riết trong kí ức con người - “Những sắc độ xanh chồng chồng lớp lớp, gối lên nhau như những mảng thời gian được lưu trữ”; “Rêu chảy từ trên mái xuống tường, non nỏn đến dại lòng, thăm thẳm đến tê tái...”. Năm tháng phủ thêm bụi thời gian, bức tường rêu ấy đang hiện ra trước mắt ông, còn “chị hiện ra trên rêu, ngửa cổ cười” (Phố Hoài).
Trong truyện ngắn Quế Hương có một loại hình không gian cổ tích, không gian không cản trở, để đôi cặp luôn cận kề, bên nhau, tìm nhau, đau đáu về nhau, bất chấp tất cả, kể cả cái chết. Mỗi nhân vật là một miền hoài niệm; những hồi ức bám riết, đày đoạ. Sống trong miền nhớ ấy, con người mê man hạnh phúc để rồi khi bị kéo về cõi thực họ chông chênh. Quế Hương đã tổ chức không/thời gian đêm/trăng một cách linh hoạt để làm nổi rõ những phức cảm tâm hồn. Trong Khúc chiều tà, với gã Đớp, ban ngày là điên, là đói, là rách rưới, nhưng trong không- thời gian tĩnh lặng của đêm, nỗi đau trỗi dậy (ám ảnh vô thức). Ngày tượng trưng cho đời sống ý thức, đêm tượng trưng cho đời sống bản năng vô thức. Đêm là dung môi để dòng hoài niệm, ám ảnh sống lại. Nhân vật thường trăn trở, dằn vặt trong đêm. Trong đêm, con người hiện ra toàn vẹn, là mình, là tôi. Đêm tối đồng loã với vô thức và bản năng? Đêm là khoảnh khắc người thấu rõ lòng mình, nhận rõ độ xào xạc bên trong?
Không thể dẫn chứng ra hết những đoạn, những trang viết đẹp về sự giao cảm giữa thiên nhiên và con người trong truyện ngắn của Quế Hương. Có hay không một thế giới diệu kì và hoang sơ đến thế? Đấy không phải là mối bận tâm của người đọc khi tiếp cận với cách viết “nửa huyền thoại” của Quế Hương, bởi văn học vẫn tồn tại một thế giới riêng. Vẫn là hình ảnh rất thực nhưng không gian đã mở ra đến cõi vô cùng; không còn ý nghĩa trần trụi ở bề mặt chữ câu, chỉ còn lung linh một thế giới của cái đẹp, của sự tương giao, của thăng hoa vô thức. Quế Hương đã chọn một lối tự sự về tâm hồn thật tự nhiên, chất tự nhiên đã được đúc kết từ một ngòi bút đã đạt đến độ vừa già dặn vừa tinh khôi.
Thế giới liên văn bản
Tác phẩm của Quế Hương hàm chứa những mạch ngầm văn bản. Truyện ngắn Quế Hương không dài. Những truyện dài nhất cũng độ 5,7 trang. Tính chất liên văn bản mở rộng độ hàm súc của một thể loại vốn ngắn về câu chữ. Trong nhiều truyện ngắn của Quế Hương, các diễn ngôn văn hoá, các văn bản văn học, diễn ngôn hội hoạ, lịch sử, âm nhạc… đan dệt vào nhau. Nhà văn không giễu nhại (dẫu để thăng hoa hay hạ bệ) mà liên văn bản trong truyện Quế Hương nhằm mở rộng thêm biên độ tâm hồn. Hoàng tử bé - tinh cầu nhỏ - con cừu không rọ mõm - đoá hoa không gai (1) và một thế giới chỉ có thể cảm nhận bằng tim, chứ mắt thường không nhìn thấy (Đoá hoa không gai và con cừu không rọ mõm). Những vì sao (Alphonse Daudet) và đám cưới sao tạo nên sự cộng hưởng, cái đẹp thuần khiết của đất trời nhân bội (Ẩn lan). Âm nhạc và thế giới thẳm sâu của tâm hồn; câu ca quan họ lơi lơi yếm, sóng sánh tình và nửa câu quan họ chơi vơi gọi tìm (Câu hát tìm nhau). Cô đơn quá giữa cõi người đông đảo, nhốn nháo, ga xép là khoảnh khắc bất chợt gặp gỡ giữa hai tâm hồn. Con tàu đã lao đi, cái bóng liêu xiêu mảnh mai của chị đã nhạt nhoà nhưng trong anh- người đàn ông xa lạ tình cờ gặp người đàn bà xa lạ ở một ga xép buồn, hiu quạnh, vẫn ứ đầy cảm giác về hạnh phúc vĩnh cửu, nó níu giữ anh lặng lẽ nơi này (Ga xép). Truyện ngắn Quế Hương có âm hưởng thơ Bùi Giáng- nhà thơ của cõi uyên nguyên thuần khiết, nhà-thơ-điên sớm rũ bỏ bụi bặm cuộc đời, cởi bỏ những mặt nạ người phố thị trở về Nguồn (2). Trong thế giới của những văn bản chồng chéo đó, quan niệm về cái đẹp của nhà văn thật độc đáo- “Mở hai hàng cỏ tháng ba/ Lễ là đi tiểu, hội là vén xiêm”- cái đẹp phồn thực, nguyên sơ, trinh bạch, cái đẹp và sự sống, ám ảnh trong cõi hỗn mang vô thức của người-điên-mộng du, để quá nửa cuộc đời gã Đớp lang thang đi uống vầng trăng (Khúc chiều tà). Từ góc nhìn liên văn bản, có thể thấy tín ngưỡng phồn thực thấp thoáng trong những trang văn khi Quế Hương ca ngợi vẻ đẹp nguyên sơ của người phụ nữ. Ở nhiều truyện ngắn, người đọc ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khiết trong ngần khi con người trở lại thuở hoang sơ, khi vũ trụ ở dạng thái uyên nguyên. Motif người-điên-tài-tử xuất hiện với tần số cao. Hình ảnh bà ngoại điên “đẹp tuyệt trần đứng cởi quần áo hiện ra trong nắng. Động tác nào của bà cũng tự nhiên duyên dáng” (Cái nhìn vĩnh cửu); “Hàng dâm bụt đầy hoa như lồng đèn ngày cưới nàng… Một bầy con nít cả trai lẫn gái. Chúng cởi quần thi đái. Nàng cũng đái. Hồn nhiên, trắng nõn, sáng rực. Chỉ có cõi hoang sơ mới có vẻ đẹp ấy. Khi nàng ngước lên… Trời ơi nàng chạy… nàng chạy”. Có những trường hợp, liên văn bản nhằm đa bội hóa hiện thực, trong hiện thực đó con người đóng nhiều vai/tự nhân bội với những dạng thức khác nhau. Tấn thảm kịch dưới nước là nỗi ám ảnh để gã Đớp vừa sống trong trăng vừa bị “dày vò bởi một cơn đói triền miên”; để rồi ra khỏi cơn điên vô thức đó gã lại “ngồi bệt trên cỏ thổi sáo – khúc Sérénat dìu dặt trong chiều” (Khúc chiều tà). Trong Tịnh Tâm viên, người đàn bà điên tóc trắng trải qua bao nhiêu vùng ám ảnh thì lão Cây cũng hoá thân thành bấy nhiêu vai. Câu chuyện tâm hồn được kể, tả bằng sự đan xen giữa thực và ảo. Độ ngưng của thời gian, độ nhoè của không gian làm cho cuộc sống thường nhật của con người nhuốm màu huyền thoại- người điên, người đẹp, quỷ dữ, bắt cóc, thiêng liêng và thế tục... Những yếu tố thường nhật của cuộc sống con người được mờ hoá, những yếu tố linh diệu của đời sống tâm linh được tô đậm nhưng bằng một nghệ thuật kể chuyện hết sức tự nhiên, Quế Hương đã làm bừng lên một mảng đời ngỡ như thật đến từng chi tiết.
Những cổ mẫu (archétipe) Đất-Nước (và những biến thể như biển, dòng sông, hồ, mưa…) xuất hiện đậm đặc với nhiều ý nghĩa trong thế giới nghệ thuật của Quế Hương. “Nước là yếu tố gây ra những tưởng tượng sâu xa nhất trong con người về sự sống và sự chết. Nước huỷ diệt, nước tẩy rửa và nước làm tái sinh, trong trẻo, tinh khiết” (3); “Biển là hình tượng vừa của sự sống, vừa của sự chết” [4]. Nước là sự cứu rỗi. Nước thanh lọc, tẩy rửa tội lỗi, còn lại nước-vĩnh-cửu. Đất là biểu tượng cho sự phồn thực, sinh sôi nảy nở. Đất dồn chứa và cung cấp nguồn năng lượng dồi dào. Đất sinh nở và tiêu diệt. Trong Đất, trong Nước con người sống đúng bản năng, sống lại thuở ban sơ người. Trong Tịnh Tâm viên, hình ảnh những xác người vùi trong lòng biển là nỗi ám ảnh điên loạn; nhưng “với người điên mưa trở thành một tấu khúc kỳ diệu của đất trời. Từng giọt, từng giọt... gõ xuống cõi hỗn mang của người đàn bà, thức dậy một thời xa vắng, rửa sạch bụi bặm, thương đau”; “Như thuở hồng hoang. Đôi người chân trần, thân trần che chiếc lá sen đuổi nhau trong mưa”; “Say mưa. Cậu không thấy họ tắm truồng rồi ngửa cổ nhấm mưa như nhấm rượu đó à? Đêm trăng họ lại say trăng. Rồi say hoa quỳnh, hoa súng, cả thứ hoa tầm thường như hoa thầu đâu cũng trồng quanh vườn. Mùa hoa, tím ngát trời, thơm ngát xóm” (Tre có hoa). Đất – Trời – Nước – Tình yêu. Quả là một cuộc hôn phối đậm chất huyền thoại- cuộc hôn phối giữa cõi người và cõi tự nhiên.
Bằng cái nhìn vĩnh cửu, Truyện ngắn Quế Hương thường có kết thúc đẹp (dẫu điểm dừng truyện ngắn của chị thường là cái chết). Người phụ nữ hát câu hát năm xưa không còn, lão Tầm Xuân vẫn lẽo đẽo đi tìm và nửa câu quan họ cứ chơi vơi (Câu hát tìm nhau). Nỗi buồn vẫn cứ rực lên dẫu đời dâu bể lắm (Nỗi buồn rực rỡ). Con Tội- “Con Tội là con xi-đa. Xi-đa là xa đi, xáp gần tao đánh chết. Trước sau chi hắn cũng chết. Đừng chơi với hắn lây xiđa chừ”- chết một cách tội tình nhưng những đứa trẻ vẫn múc trăng mà dội lên nhau, vẫn ném hoa nắng vào nhau, vẫn bước ra từ cõi lòng người ở lại (Tiên ngồi khóc). Chim sơn ca bằng thủy tinh cất tiếng hót lảnh lót chạm thấu trời xanh, chạm tới giấc mơ của những chú bé (Vua lũ đồ chơi). Từ cái gốc nhẵn thín câm lặng kia lại trồi lên một mầm sống mới, một nhánh mai non tơ mảnh khảnh, rạo rực vươn lên (Cội mai vĩnh cửu). Họ cứ đi, người nọ theo người kia nhưng vẫn cứ đi dẫu có đi khỏi cõi - người - ta! (Tịnh Tâm viên). Đoá hoa mảnh khảnh không gai làm con cừu độc ác bật khóc và “đất ẩm ướt. Mầm gọi mầm. Chồi gọi cây…”; “hết thảy các ngôi sao đều nở hoa” (Đoá hoa không gai và con cừu không rọ mõm).
Dẫu viết từ những xúc cảm mà cuộc sống đem lại, nhưng qua những truyện ngắn của Quế Hương, thấy “thế tục thẳm sâu hơn, cõi người lung linh bí ẩn hơn” (lời tâm sự của chính tác giả). Hoặc như triết lí nhà văn thường gửi vào nhân vật người kể chuyện: “Đời rộng mênh mông bởi tôi đã nhìn ngắm nó dưới góc độ vĩnh cửu”.
L.T.H
Chú thích
(1) Saint – Exupéry (Bùi Giáng dịch), Hoàng tử Bé, Nxb Văn nghệ, 2006.
(2) Thơ Bùi Giáng đậm tín ngưỡng phồn thực- “Đầu khe nguyệt bạch trần truồng/ Hồng nhan em nhớ về truông mặt quần” (Lá hoa cồn); “Mỗi về thôn ổ ở truồng tắm khe/ Thương cô gánh củi nặng nề/ Rủ cô cùng tắm nước khe với mình” (Ngắm trăng); “Mở hai hàng cỏ tháng ba (…) Mở hai hàng cỏ ngó xem/ Giòng thiên thu rộng là em bây giờ” (Mở hai hàng cỏ).
Trong truyện ngắn Quế Hương có chút ít Bùi Giáng, trong Bùi Giáng có Nguyễn Du. “Mọi bài thơ tôi viết ra, đều là vịnh thơ Nguyễn Du tại chỗ gay cấn âm thầm nhất. Dịch thơ từ đó biến ra làm Vịnh Kiều, trong từng cơn cưỡng bức. Cưỡng bức thơ Nguyễn Du cũng là tự mình cưỡng bức mình”. Nguồn: Bùi Giáng, Thi ca tư tưởng (Sổ đoạn trường – Tức Đi vào cõi thơ cuốn II), Ca Dao xuất bản lần thứ nhất 12/69, Sài Gòn – Việt Nam. Bản điện tử do talawas thực hiện.
(3), (4) Jean Chevalier – Alain Gheerbrant (2002), Từ điển Biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, tr 80.