Cào cào lá - Nguyễn Ánh Tuyết Trinh

21.10.2013

Cào cào lá  - Nguyễn Ánh Tuyết Trinh

Bây giờ, mình không còn là đứa trẻ nhà quê, đầu tóc khét nắng, da dẻ đen nhẻm nhèm nhem, quần áo, tay chân dính đầy mủ trái cây… Mình đã thực sự trở thành một đứa trẻ thành phố, đầu tóc óng mượt, da dẻ trắng hồng, quần áo thì toàn những thứ hàng hiệu đắt tiền, lúc nào cũng thơm nức mùi nước hoa… Mình làm bạn với con nhà giàu có, chơi những trò chơi và đồ chơi “đẳng cấp” vì ba mình bảo: “Bây giờ gia đình mình đã trở thành gia đình danh giá và sang trọng”. Không biết cái gọi là “đẳng cấp” và “sang trọng” ấy có gì hấp dẫn mà người lớn lại mê đắm đến thế? Chỉ mới vài năm làm người “đẳng cấp” và “sang trọng” mà mình đã thấy chán ngán và nhớ tha thiết làng quê và nội – người đã nuôi mình khôn lớn suốt mười mấy năm qua.

            Ngày ấy, ba mẹ mình lo kiếm thật nhiều tiền để mua nhà ở trung tâm thành phố nên mình vừa đủ bốn tháng là ba mẹ gửi về quê, nhờ bà nội nuôi giúp. Những ngày đầu không có mẹ, mình khóc và không chịu bú sữa bình. Nội thức cả đêm chăm sóc, dỗ dành nhưng mình vẫn khóc. Không còn cách nào khác, nội vạch áo đưa bầu vú nheo nhúm vì bao sinh lực đã dành hết cho ba mình. Không ngờ, nhờ bầu vú nheo của nội, mình lại hết khóc và ngủ im thin thít. Cứ thế mình lớn lên bằng tình yêu và những giọt sinh lực cuối cùng mà nội nhọc nhằn vắt ra từ thân thể già nua, ốm yếu... Ngày đón mình lên thành phố, mẹ nỡ lòng nói những câu chua xót trước mặt nội: “Nhìn con giống đồ nhà quê quá! Người gì mà đen đúa, nhếch nhác, quê mùa… Trước khi đưa con lên thành phố, mẹ phải gột rửa hết sự quê mùa cho con”.

            Nội chỉ yên lặng, mặt cúi xuống đất. Mình nghe tim nội nhói đau như có ngàn mũi dao nhọn đang đâm sâu vào lòng nội. Mới hai năm sống ở thành phố nhưng mình cũng có thể so sánh được một đứa trẻ nhà quê và một đứa trẻ thành phố khác nhau như thế nào. Mình không phủ nhận những ưu điểm nổi bật về mặt vật chất mà một đứa trẻ thành phố nhận được nhưng so với những đứa nhà quê, nó chịu không ít thiệt thòi… Mình càng tự hào vì những bài văn miêu tả phong cảnh làng quê, cánh đồng, con vật…luôn được điểm chín, điểm mười và những lời khen ngợi của cô thì mình lại càng biết ơn những tháng ngày mình là đứa trẻ nhà quê trong tình yêu của nội!

            Những ngày theo nội ra đồng cắt lúa, trồng rau, hái bắp, những buổi cùng bạn bơi sông, lội ruộng mò cua, bắt cá, những tối trốn nhà đi hái ổi bị chó rượt bí đường phải nhảy ùm xuống ao…cho mình những hiểu biết phong phú về thiên nhiên. Những bài học giản dị của nội, những lần theo nội đi đám cưới, đám giỗ cho mình lòng tự tin và sự lễ phép, ngoan hiền mỗi khi gặp người lớn. Những đêm được nội đưa đi nghe hát dân ca, chơi bài chòi giúp mình trở nên hồn nhiên, vui vẻ và đáng yêu biết là bao! Tất cả, giúp mình thấy yêu đời, yêu cuộc sống và yêu tha thiết những con người hiền lành, chất phác đang sống quanh mình… Mình thực sự không biết phải nói gì với nội. Mình chỉ ước có thể quay ngược thời gian để ngăn mẹ đừng nói mấy lời vô tình kia. Mình chỉ biết khóc, nội cũng không cầm được dòng nước mắt mặn đắng cứ chảy dài trên gò má nhăn nheo…

            Mẹ mình bảo: “Con không phải mang theo bất cứ thứ gì. Mẹ đã mua đầy đủ và để sẵn ở nhà”. Dẫu mẹ có nói thế nào, mình vẫn nhất quyết mang theo mấy bộ quần áo nội mua, đặc biệt là mười hai con cào cào lá nội đã tự tay kết cho mình mỗi khi sinh nhật. Nó là tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng, mái lá và con sông quê hương của mình. Nó là những kỷ vật cuối cùng còn sót lại của tất cả những gì đã nuôi lớn mình thành đứa trẻ nhà quê mười hai tuổi...

Bây giờ, nội đã vĩnh viễn hòa mình vào từng nắm đất nơi nội được sinh ra, lớn lên và tạo ra những “con người thành phố giàu có, sang trọng” trong gia đình mình nhưng những ký ức về nội và về quê hương, về những thứ mẹ mình cho là quê mùa sẽ không bao giờ phai nhạt.

            Cào cào lá! Cào cào lá ơi! Mỗi khi nhìn thấy cào cào lá là bao ký ức về quê, về nội lại ùa về, sống động như mới hôm qua. Cào cào lá! Cào cào lá ơi, mình khát khao được quay trở lại ngày xưa để được làm đứa bé nhà quê nép vào lòng nội dù chỉ một phút thôi!

 

 

                                                                        N.A.T.T

 

Bài viết khác cùng số

Biệt thự, mèo, răng giả và những chuyện khác - Truyện Trần Đức TiếnTản văn Phạm Thị Ngọc ThanhNhớ Hòa Bắc - Huỳnh Viết TưNúi thiêng - Nguyễn Văn TámMỹ thuật Đà Nẵng trên đường phát triển - Huỳnh LêĐinh Mỹ nhân - Truyện dã sử Đỗ Nhựt ThưCào cào lá - Nguyễn Ánh Tuyết TrinhNhững giọt nước mắt - Phạm Thị Thảo Nhi Thầy ơi, em đậu tốt nghiệp rồi! - Thanh Trắc Nguyễn VănTrung thu về gợi nhớ trăng xưa - Võ Khoa ChâuCô gái vẽ linh hồn - Truyện Cẩm GiangThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Nguyễn HoaThơ Huỳnh Minh TâmTiếc nuối - Vạn LộcThong thả với sông Hàn - Mai Mộng TưởngThơ Trần Trúc TâmMiền Trung - Trần Hải Sâm Trường Sa xanh - Phan Minh ChâuViết cho những ngày xa Tổ Quốc - Lê HòaChúng ta chưa được nhìn thấy Vầng trán Người lo lắng ! - Bùi Công BínhVài kỷ niệm về mỹ thuật Đà Nẵng sau 1975 - Lê Huy HạnhHai bài viết mới về Phan Khôi - Phan Nam SinhTruyện ngắn Quế Hương – thế giới của những “nỗi buồn rực rỡ” - Lê Thị HườngĐã Tìm thấy châu bộ “thật” làng Tân Thái - Đinh Thị ToanĐại Chiêm Hải Khẩu-Hội An: Một cảng-thị quốc tế sầm uất thời vương quốc Champa - Trần Kỳ PhươngHội thảo “Thơ Đà Nẵng sau 1975 – Diện mạo và xu hướng phát triển” - Nguyễn Kim Huy